lam-sang-to-nhan-dinh-vao-tho-hay-du-la-dieu-kien-cuong-hay-lan-em-ai-deu-la-vao-the-gioi-cua-cai-dep

Làm sáng tỏ nhận định: Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp”

Trong cuốn “Đến với thơ hay”, Lê Chí Viễn cho rằng: “ Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp”

Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên. Hãy làm sáng tỏ “thế giới của cái đẹp” trong tác phẩm “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du.


* Gợi ý làm bài:

* Giải thích nhận định:

– Thơ hay: hiểu chung là chỉnh thể thẩm mĩ, có khả năng khơi gợi ở người đọc những rung động thẩm mĩ, góp phần hoàn thiện con người, nâng con người lên…

– Điệu kiên cường hay làn êm ái: nội dung muôn màu muôn vẻ, phong phú vô cùng của thơ ca, “kiên cường”: thơ nói chí, tỏ lòng, trào phúng hay “làn êm ái”: thơ trữ tình, thơ lãng mạn.

– Thế giới của cái đẹp: “cái đẹp” là một phạm trù thẩm mĩ thể hiện ở nhiều phương diện: vẻ đẹp của tâm hồn, tấm lòng, tài năng người nghệ sĩ, cái đẹp toát lên từ nội dung và hình thức của thơ, cái đẹp khơi gợi những rung động thẩm mĩ, bồi đắp tâm hồn con người.

⇒ Cả nhận định: Khẳng định giá trị thẩm mĩ của thơ ca.

* Bàn luận:

Ý kiến đúng đắn vì:

– Đối tượng của văn học nói chung, thơ ca nói riêng là đối tượng thẩm mĩ, được khám phá ở chiều sâu thẩm mĩ (mỗi hiện tượng của đời sống bước vào thơ đều được nhìn, được miêu tả dưới góc độ thẩm mĩ – VD: con đường đi vào thơ Xuân Diệu “nhỏ nhỏ xiêu xiêu” của một chiều thu…)

– Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc thăng hoa mãnh liệt, được ý thức nhưng đó cũng là những tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ giàu chất nhân văn (niềm vui, nỗi buồn, khát khao, phẫn nộ …đều phải mang tính thẩm mĩ. VD: nỗi căm giận của con hổ trong vườn bách thú trong thơ Thế Lữ, nỗi buồn khi đứng trước cảnh sông nước trong thơ Huy Cận…)

– Thơ hay thực hiện được mục đích thiên chức của người nghệ sĩ là hướng con người tới chân, thiện, mĩ; nâng con người lên, làm cho lòng người phong phú thanh sạch hơn, khiến con người sống đẹp hơn, nhân văn hơn.

– Tiếp nhận văn học, trong đó có việc tiếp nhận thơ và thơ hay thực chất là tiếp nhận thẩm mĩ, lấy cái trong trẻo, tinh tế và tri âm mà cảm nhận, không bao giờ chấp nhận cái vụ lợi tầm thường, lấy hồn ta để hiểu hồn người.

* Chứng minh :

Cần làm rõ bài thơ “Đọc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du là “thế giới của cái đẹp”:

– Cái đẹp của cảnh vật, con người được miêu tả.

– Cái đẹp của tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ

– Cái đẹp trong cấu tứ, cách cảm, cách nói, cách dùng từ ngữ…

– Cái đẹp ở khả năng gợi lên những rung cảm thẩm mĩ, khơi luyện những tình cảm thẩm mĩ trong lòng người đọc.

– Dẫn chứng mở rộng: Những tác phẩm khác của Nguyễn Du và tác phẩm của những nhà thơ khác như Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Nguyễn Đình Chiểu…

* Đánh giá:

– Thơ ca là thế giới của cái đẹp, đó chính là đặc trưng thẩm mĩ của thơ ca, cũng là nội dung mục đích của văn học nói chung: văn học cần hướng đến khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp con người cuộc sống, nhà thơ, nhà văn cũng cần viết về những điều tốt đẹp để khơi gợi tình yêu, lòng lạc quan cho người đọc.

– Không phải thơ ca lúc nào cũng miêu tả cái đẹp. Thơ ca có quyền miêu tả những cái xấu xa, độc ác, để sự thật cuộc đời được chân thực hơn.

– Nhà thơ phải là người sống sâu sắc, tinh tế để cảm xúc thăng hoa trên trang thơ, người đọc cũng cần rung động và hiểu đời, hiểu người để cảm nhận hết được thế giới cái đẹp mà nhà thơ miêu tả và muốn hướng tới.


Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

“Thơ đưa con người đến với cái đẹp”. Cái đẹp của muôn loài và vạn vật, cái đẹp của cuộc sống con người. Đến với cái đẹp của lòng đồng cảm và vị tha, của những phẩm chất nhân văn là đáng quý. Cái đẹp đó dù với cảm xúc mãnh liệt hay nhẹ nhàng, êm đềm cũng đều để lại cho người đọc những trăn trở, suy nghĩ và bâng khuâng. Bàn về thơ hay, trong “đến với thơ hay” Lê Chí Viễn đã cho rằng “Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp”. “Cái đẹp” đó đã được thể hiện sâu sắc qua bài thơ “Độc tiểu thanh kí” của Nguyễn Du.

  • Thân bài:

Ý kiến của Lê Chí Viễn đã để lại cho người đọc nhiều băn khoăn và trăn trở, suy nghĩ. “Thơ” là những sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tình cảm, cảm xúc mãnh liệt thông qua ngôn từ cô đọng, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Một bài “ thơ hay” là một bài thơ phải sử dụng ngôn ngữ tinh vi và đặc sắc, hình ảnh gợi cảm, hàm xúc và đa nghĩa; một bài thơ xuất phát từ chính tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ, là bài thơ đã kiến người đọc đồng cảm với chính tác giả, thấu hiểu triết lý, hiện thực cả một tầng lớp, một giai đoạn dân tộc.

“Một câu thơ hay là một câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng lư). Hay nói cách khác một bài “thơ hay” là bài thơ phải kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp đăc sắc nghệ thuật. “điệu kiên cường” và “làn êm ái” là những dọng điệu, tình cảm và cảm súc của tác giả gửi gắm trong bài thơ, một bài thơ hay, là chiếc cầu nối đồng điệu giữa tâm hồn độc giả với tiếng nói trái tim của người nghệ sĩ. Để rồi, qua đó, người đọc bước vào “thế giới của cái đẹp”, cái đẹp về tư tưởng, tình cảm, cái đẹp về nội dung và hình thức nghệ thuật được tác giả gửi gắm qua bài thơ. Có thể thấy, ý kiến của Lê Chí Viễn đã xuất phát từ đặc trưng và giá trị thẩm mĩ của thơ ca, tác động sâu sắc vào suy nghĩ và cách nhìn nhận của độc giả khi đến với vẻ đẹp tinh tế, đặc sắc của văn chương muôn đời.

Một “bài thơ hay” là bài thơ của tiếng nói tình cảm và tâm hồn của những triết lý nhân sinh và sâu sắc. Những gì đã đi vào trong thơ đều là những trăn trở, suy nghĩ chân thành, là những ấn tượng đặc sắc về thế giới quan của tác giả. Nó phải mạnh mẽ, thăng hoa và mãnh liệt đến nỗi nếu không bộc lộ, người nghệ sĩ sẽ trăn trở và băn khoăn, day dứt. Bởi vậy thế giới của cái đẹp mà nhà thơ sáng tạo lên không đơn thuần là hiện thực cuộc sống bàng quang và vô vị, mặt khác, thế giới đó phải là hình ảnh khách quan trong thế giới chủ quan, nghĩa là phải mang những cảm xúc mãnh liệt, những chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả.

Cái đẹp đó phải khiến độc giả phải đồng điệu trong từng tâm trạng, từng nhịp đập với nhà thơ. “Thế giới của cái đẹp” trong một bài thơ hay được kết nối đến người đọc qua những “điệu kiên cường”, là tình cảm mãnh liệt, lên án và phê phán đanh thép của tác giả, qua những “làn êm ái”, là sự vị tha, đồng cảm, tri tâm, là giọng thơ khắc khoải, ưu sầu của chính tâm hồn người nghệ sĩ. Bởi vậy, một bài “thơ hay” dù xuất phát hay thể hiện bằng bất kỳ ngôn ngữ hay giọng điệu nào để hướng người đọc đến cái đẹp, để cảm nhận “thế giới của cái đẹp”, nét đẹp về nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

Nguyễn Du đã dẫn độc giả đến “thế giới của cái “đẹp” qua bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” . Nguyễn Du (1765-1820) là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc, Bằng ngòi bút đặc sắc, đứng trên lập trường nhân sinh, Nguyễn Du đã viết lên những bài thơ bày tỏ lòng cảm thông cho những kiếp người, trong số đó là hình ảnh người phụ nữ và những tài tử giai nhân đương thời. Tiêu biểu với chủ đề này là bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” được viết bằng chữ Hán, kể về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh, một người con gái tài hoa mà bạc mệnh. Có thể nói, qua bài thơ, Nguyễn Du đã đưa độc giả đến với “thế giới của cái đẹp”, cái đẹp về mặt nội dung và nghệ thuật.

Nguyễn Du đã đưa người đọc đến với cái đẹp về nội dung bài thơ, cái đẹp của lòng đồng cảm và tri ân, cái đẹp của sự nhân đạo và xót xa cho bao kiếp người bạc mệnh.

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”.

Tây Hồ là hình ảnh cụ thể, một địa danh có thật, tuyệt đẹp xuất hiện trong bài nhưng nay đã hoá thành gò hoang, trống vắng và hoang tàn. Từ hình ảnh cụ thể đó nhà thơ đã liên tưởng đến sự thay đổi khắc nghiệt của cuộc đời con người. Sự thay đổi giữa cảnh đẹp nay thành gò hoang, giữa hiện tại và quá khứ, giữa vẻ đẹp chỉ còn trong hoài niệm mà nay đã biến mất rồi. Để từ đó là sự thay đổi trong cuộc đời nàng Tiểu Thanh. Từ một người con gái nhan sắc đẹp đẽ, tài năng tuyệt diệu mà nay chỉ còn là một nấm mồ. Nàng chết trong cô đơn và lẻ loi, để lại những ước mơ và thanh xuân tươi đep. Một cuộc đời, một con người tài hoa mà bạc mệnh.

“Tẫn” là sự huỷ diệt, đổi thay đến triệt để và tận cùng của thời gian. Để từ đó nêu ra sự thay đổi đến khắc nghiệt của cuộc đời. Dường như trong câu thơ, người đọc vẫn bắt gặp sự ngậm ngùi, xót xa của Nguyễn Du cho người con gái, cho một số phận bạc mệnh, đắng cay. Qua đó, tấm lòng của Nguyễn Du đã được thể hiện qua tâm thế tri ân cùng nàng. Nhà thơ nhớ người xưa trong khung cảnh “độc điến”, một mình ngắm nàng. Hình ảnh đó như kéo ngắn lại không gian và thời gian, cho hai con người sống ở hai giai đoạn khác nhau cùng đồng cảm và tri ân. Hình ảnh đó là sự xót xa, là niềm cay đắng cho kiếp tài tử phong lưu, là tìm được một người bạn cùng thuyền, cùng sẻ chia và cùng tâm sự. Cái đẹp về nhân cách của tác giả chính là biểu hiện ở chỗ đó.

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

Hai câu thơ đã sử dụng nghệ thuật đối, làm lớp nghĩa được xét đa chiều suy nghĩ khác nhau. Son phấn có thần nên khi đốt vẫn ngậm ngùi, xót xa; văn chương không mệnh nhưng đốt vẫn để lại cho lòng người nhiều cay đắng. “Son phấn” là vẻ đẹp về nhan sắc, ngoại hình. “văn chương” là vẻ đẹp về tài năng và trí tuệ. “Son phấn” hay “văn chương” dù khi đã đốt vẫn để lại xót xa cho hậu thế. Là vẻ đẹp về tài năng và nhan sắc tồn tại vĩnh cửu, không bao giờ bị phai mờ. Dù khi đã hoá tro tàn nhưng luôn khiến những người đời sau phải đau đớn, trăn trở và suy nghĩ. Suy nghĩ cho người phụ nữ, tài hoa mà bất hạnh, suy nghĩ cho kiếp tài tử phong lưu đầy xót xa và cay đắng. Để rồi qua đó cái đẹp mà người đọc thấy được ở Nguyễn Du là cái đẹp của lòng đồng cảm, cái đẹp của sự thấu hiểu và tri ân, cái đẹp vẫn văng vẳng trong lòng độc giả.

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư”.

Nỗi hận ở đây là nỗi hận không có lời giải đáp, nỗi hận mà trời cao cũng không thể trả lời: Tại sao kiếp “Tài tử giai nhân” luôn phải chịu những cay đắng, bi kịch, không bao giờ có lối thoát? Là sự xót xa cho một kiếp người. Nỗi hận đó không ai thấu hiểu, chỉ có những con người đồng cảnh ngộ mới có thể đồng cảm và sẻ chia. . Để rồi Nguyễn Du cũng thấu hiểu cái nỗi oan lạ lùng đó. Xót thương, cay đắng cho một kiếp người nay thành xót thương cho chính mình. Một kiếp người tài năng và trí tuệ nay cuối cùng phải chôn vùi trong tấm bi kịch, để rồi kết thúc là một nấm mồ hoang sơ, lẻ loi và cô đơn theo năm tháng. Nỗi hận đó của Nguyễn Du đã đi vào lòng người đọc, đầy u oán và trách cứ, làm cho tâm hồn phải thổn thức, làm trái tim độc giả phải băn khoăn và suy nghĩ.

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”.

Tác giả đã xưng tên mình vào trong thơ, trực tiếp bày tỏ nỗi lòng và cảm xúc của mình. Câu hỏi tu từ vang lên không chỉ là nỗi cay đắng xót thương cho nàng Tiểu Thanh mà còn xót thương cho chính bản thân Nguyễn Du. Tiểu Thanh còn có người đồng cảm và tri ân vậy ba trăm năm nữa, ai sẽ rơi lệ mà đồng cảm mà xót xa cho kiếp người “Cánh bèo mạn nước” như Nguyễn Du. Câu hỏi u sầu đó như ám ảnh người đọc, như trăn trở và băn khoăn.

Nguyễn Du còn dẫn độc giả đến “thế giới của cái đẹp” và nghệ thuật qua thể thơ Đường luật đặc sắc, sử dụng thành công nghệ thuật đối, nhân hoá và câu hỏi tu từ. Ngôn ngữ và giọng thơ thấm đượm buồn bã, u sầu và xót xa như gieo vào tâm trí độc giả những bâng khuâng và trăn trở.

  • Kết bài:

Như vậy, một bài thơ hay sẽ đưa con người vào “thế giới của cái đẹp”, của những tình cảm, cảm xúc, của vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Thế giới đó sẽ là chiếc cầu nối giữa người nghệ sĩ và người đọc. Qua đó, người nghệ sĩ phải biết xây dựng lên những “thế giới cái đẹp” trong lòng người đọc, viết bằng cảm xúc chân thật nhất, còn người đọc phải biết mở rộng tâm hồn để thưởng thức cái đẹp. Có thể thấy, ý kiến của Lê Chí Viễn đã đưa người đọc đến giá trị và đặc trưng của thơ ca, đến với “thế giới của cái đẹp”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang