Thuyết minh di tích Đền Bia tỉnh Hải Dương

thuyet-minh-di-tich-den-bia-tinh-hai-duong

Thuyết minh di tích Đền Bia tỉnh Hải Dương

  • Mở bài:

Toàn tỉnh Hải Dương có bốn Di tích quốc gia đặc biệt thì huyện Cẩm Giàng chiếm tới một nửa. Những di sản này là nền tảng tinh thần giúp người dân huyện Cẩm Giàng thêm lạc quan, yêu cuộc sống và có sức mạnh bền bỉ để vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu. Di tích đền Bia là một trong những di tích nổi bậc nhất của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

  • Thân bài:

Đền Bia nằm trên cánh đồng phía tây thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Trong đền có tấm bia đá từ thời Hậu Lê, là di vật kỷ niệm của danh y Tuệ Tĩnh nên đền có tên là Đền Bia. Tấm bia đá được người dân ở đây coi như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm là câu chuyện xúc động liên quan đến cuộc đời của vị đại danh y được người đời xưng tụng – “vị thánh thuốc nam”.

Tương truyền, năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y được khắc phía sau tấm bia mộ, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê hương và dựng nên đề  bia để thờ.

Đền Bia là một công trình khang trang bề thế tọa lạc trên một diện tích rộng 4 ha. Tòa bộ đền chính xây kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì con chồng đấu sen, bức cốn chạm long cuốn thuỷ và hoa lá. Tất cả được bố trí trong một khuôn viên rộng có những vườn thuốc Nam và cây cối bao quanh.

Đền nhìn về tam quan ở hướng bắc qua một hồ nước khá rộng hình chữ nhật, xung quanh là cánh đồng giữa hai làng Văn Thai và Nghĩa Phú. Bên phải đền là một bãi đỗ xe trước cổng phụ có gác thường trực. Cạnh lối này có một thủy đình trên hồ. Bước lên thềm rồng trước bức bình phong đề chữ “Phúc” du khách đi vào một sân rộng lát gạch Bát Tràng nằm ở giữa hai dãy nhà tả, hữu vu.

Nghi môn thuộc khu thờ tự gồm 3 tòa cổng. Tòa cổng chính giữa 3 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Hai tòa cổng hai bên, 1 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Trước nghi môn là hồ nước rộng, có mặt bằng hình chữ nhật. Trên hồ, phía bên trái là một tòa Thủy đình, mặt bằng lục giác, 2 tầng mái, 12 mái. Từ Thủy đình vào bờ qua một cây cầu.  Sau hồ nước là một sân trong rộng. Hai bên sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu.

Điện thờ có mặt bằng kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”, gồm tòa Tiền đường và Hậu đường. Tòa Tiền đường 5 gian, 2 tầng mái, 8 mái, theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tòa Hậu đường có mặt bằng hình chữ T (chữ đinh), gồm tòa Bái đường 5 gian và Hậu cung 3 gian. Bên trong gian Hậu cung đặt tượng thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Toà tiền tế từng được trùng tu năm 1993, mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn; bao gồm 5 gian với diện tích 120m2. Tòa trung từ và hậu cung nhỏ hơn nhưng chắc chắn và đồng bộ từ kiến trúc đến các đồ thờ tự.

Ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo sử sách trong chùa viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu xây dựng đền.

Phía sau cùng của gian hậu cung còn có một tấm bia đá trông như cây cột nhỏ, cao khoảng 80cm và rộng khoảng 20cm, đầu được mài nhọn. Do thời gian và con người, những chữ khắc trên bia đã mờ và bị đục nham nhở, rất khó đọc. Theo Ban quản lý di tích đền Bia đó chính là dòng chữ ghi lại ước mong của thiền sư Tuệ Tĩnh trước khi mất ở nơi đất khách quê người: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.

Khu y xá gồm ba công trình: nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị. Đây là nơi bắt mach, kê đơn và chữa bệnh của các lương y.

Khu vườn thuốc: đây là một vườn thuốc Nam rộng 1.200 m², được chia làm 9 ô tương ứng với 9 bài thuốc là 9 nhóm bệnh phổ biến. Vườn thuốc đền Bia không chỉ là vườn thuốc mẫu, mà nó còn là trường học thực địa cho sinh viên ngành Y dược Việt.

Trong đền Bia hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, trong đó có một bệ đá thời Nguyễn chạm khắc hình tứ linh tứ quý và một cỗ khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng để đặt tượng Tuệ Tĩnh. Chính điện treo bức đại tự ghi 4 chữ “Thánh cung vạn tuế”, nghĩa là “Đức thánh muôn tuổi”.

Lễ hội truyền thống Đền Bia diễn ra trong 2 ngày từ ngày 04- 05/5/ 2019 (tức ngày 30/3 và mùng 1/4 năm Kỷ Hợi, thứ bẩy và Chủ nhật). Các phần lễ và phần hội phong phú với nhiều nghi thức độc đáo sẽ mang đến thành công lễ hội. Lễ hội Đền Bia có sức hút rất lớn đối với nhân dân và khách thập phương, bởi tầm ảnh hưởng của Ông trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc. Du khách thập phương đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan của đền mà còn muốn tỏ lòng thành kính và tri ân tới Đức Thánh Tuệ Tĩnh, cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đền Bia chính là nơi quy tụ nhiều nét văn hóa mang tính đặc trưng, nơi giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong nền văn hóa đa dạng và đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

  • Kết bài:

Trải qua hàng trăm năm cùng với bao nhiêu biến cố của lịch sử, tấm bia đá khắc di nguyện của danh y Tuệ Tĩnh luôn tồn tại cùng với thời gianđược người dân ở đây xem như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm  qua. Di tích đền Bia mãi mãi là niềm tự hào của người dân Cẩm Giàng bởi những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của nó.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.