Lê Quý Đôn cho rằng Thơ phát khởi từ trong lòng người ta, còn Ngô Thì Nhậm lại nhấn mạnh Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần. Từ ý kiến trên hãy nêu vai trò của tình cảm trong thơ.
1. Giải thích:
– Lê Quý Đôn (1726-1874) và Ngô Thì Nhậm (? – 1803) đều là những nhân sĩ Bắc Hà học rộng tài cao có nhiều đóng góp sắc sảo về thơ.
– Lê Quý Đôn cho rằng: Thơ phát khởi từ trong lòng người ta. “Lòng” là thế giới nội tâm, là tâm hồn, tình cảm, cảm xúc của người làm thơ, khởi phát là từ xuất phát, là khởi đầu. Theo Lê Quý Đôn thì thơ được ra đời, nảy mầm từ tâm hồn, tình cảm của con người. Tình cảm, tâm hồn là cái gốc của thơ.
– Ngô Thì Nhậm: Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần. Xúc động hồn thơ là cảm xúc, tình cảm của người làm thơ đạt đến độ rung động cao, ngọn bút có thần là ngọn bút tài hoa, tinh tế. Ngô Thì Nhậm muốn nói: sự rung động mãnh liệt của người nghệ sĩ là tác nhân quan trọng cho bút lực họ sung mãn, thể hiện được cái thần, cái hồn của đối tượng trữ tình, khiến quỷ thần phải sợ.
– Cả hai câu nói có tính chất bổ sung cho nhau nhằm khẳng định vai trò tình cảm trong sáng tác thơ: tình cảm là nơi bắt đầu của thơ và rung động mãn liệt là khởi điểm của sự sáng tạo nghệ thuật, là phút xuất thần của ngọn bút thi nhân.
2. Phát biểu suy nghĩ về vai trò tình cảm trong thơ.
– Tình cảm, cảm xúc là đặc trưng cơ bản của thơ. Thơ không phải văn xuôi, thơ thuộc phạm trù trữ tình, thơ lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời. “Ta nói trời xanh hôm nay nên thơ nhưng chính ra lòng chúng ta mang nỗi niềm vui buồn mà muốn làm thơ hoặc đọc thơ về trời xanh. Mưa phùn buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung, nhưng chính nỗi nhớ nhung ấy gặp trời mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ” (Nguyễn Đình Thi). Bạch Cư Dị cũng đã cho rằng: “đối với thơ, tình là gốc, lời là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả”. Thơ phát khởi từ trong lòng người. Không có tình, thơ như cây không gốc, thơ không thể là thơ vì lời, thanh nghĩa của thơ không thể nảy mầm. Tình là nơi nuôi dưỡng thơ mãi mãi xanh tươi như cây đời.
– Tình cảm trong thơ không thể là tình cảm giả tạo gượng gạo, hời hợt, mờ nhạt. Tình cảm nhạt nhoà, giả dối chỉ tạo nên những con chữ vô hồn, sự gào rú hỗn độn của âm thanh và sự rỗng tuếch của nghĩa lí; Tình cảm trong thơ phải chân thành tự nhiên: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tình cảm con người” (Tố Hữu), phải mãnh liệt và sâu sắc. Nhà thơ phải yêu, ghét, vui buồn đến tận độ, phải mang nghìn trái tim trong một trái tim. “Thơ muốn làm người ta khóc trước tiên mình phải khóc, muốn làm người ta cười trước tiên mình phải cười” (Chế Lan Viên). Có lẽ vậy mà Platôn gọi thơ là Thần hứng, Đecgavin lại cho thơ là ngọn lửa thần.
– Nhà thơ làm thơ là để giãi bày lòng mình với mọi người, để tìm sự đồng cảm “Thơ là chuyện đồng điệu. Nó là tiếng nói của người nào đó đối với người nào đó có sự cảm thông chung dựa trên cơ sở đồng ý, đồng tình, đồng chí” (Tố Hữu). Thơ dựa trên cơ sở tri âm; Thơ đi từ trái tim đến với trái tim. Vì vậy tình cảm trong thơ không thể là tình cảm chung của cá nhân nhà thơ là tình cảm có tính chất xã hội. Từ nhịp đập của trái tim mình, nhà thơ phải vẽ lên nhịp đập của trái tim quần chúng.
– Có cảm xúc, tình cảm chưa đủ để có thơ, nghĩ ra thơ là tâm hồn làm ra thơ là tay. Do vậy người nghệ sĩ phải có tay nghề thơ, có khả năng biến cảm xúc ý tưởng thành lời, nghĩa là phải có tài làm thơ. Tài dù khéo đến đâu mà không có tình nuôi dưỡng thì nhà thơ chỉ tạo được những xác con chữ nằm bất động trên trang giấy. Thi hào Gơt nổi tiếng thế giới đã từng khuyên các nhà văn trẻ “Hãy đập vào tin anh thiên tài là ở đó”. Chỉ khi nào con tim thi nhân “rẩy tựa dây đần” thì ngòi bút họ mới thăng hoa, xuất thần đến không ngờ, thơ sẽ như lửa gặp gió sẽ bốc cao. Người đọc lúc ấy “không thấy câu thơ chỉ thấy tình người” (Tố Hữu) và câu thơ sẽ neo trụ mãi trong họ.
Thực tế văn học cho ta thấy rõ điều đó. Thi thánh Đỗ Phủ đời nhà đường chưng cất từ nỗi đau rỉ máu của mình – của một ông quan do chiến tranh phong kiến bị đẩy tới chân trời tây nam của huyện Quỳ Châu xa xôi, nếm cuộc sống bần cùng của muôn dân – để tạo nên những vần thơ khắc khoải nỗi nhớ quê ám ảnh người đọc bao thế kỷ:
“Nước mắt tuôn theo dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà”
Bạch Cư Dị với “Lệ ai chan chứa hơn người” trước thân phận bọt bèo của một tài nữ đánh đần trên bến Tầm Dương mà có một Tỳ bà hành lưu trước nhân gian bạn cùng trăng sáng; Nguyễn Du tạo nên tuyệt tác truyện Kiều- và hình tượng Vương Thuý Kiều bất hủ bởi tấm lòng Đau đớn thay phận đàn bà đến tê buốt của ông. Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống, một tác phẩm để đời của ông chỉ trong có một đêm bởi cảm xúc thơ xuất thần từ “tâm tư chồng chất nhớ thương với cảnh với người quê hương bị giặc tàn phá giết hại”.
3. Ý nghĩa, tác dụng và mở rộng vấn đề:
– Những ý kiến về vai trò tình cảm trong thơ của Lê Quý Đôn và Ngô Thì Nhậm đã đóng góp vào kho tàng lí luận phong phú của thơ ca và là định hướng, lời khuyên rất quý giá với người cầm bút.
– Người cầm bút muốn có những đứa con tinh thần khoẻ mạnh có sức sống dẻo dai trong lòng người đọc và vượt qua được sự băng hoại của thời gian thì cần phải nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn, tình cảm mình ngày một phong phú và tinh tế, phải tạo cho mình một phong cách riêng độc đáo. Muốn vậy phải sống hết mình với cuộc đời, phải tu tâm và dưỡng tài “Phải chịu đau đớn thì vẫn đốt cháy mình và đốt cháy những người khác” (Lep xtôn).
– Người tiếp nhận văn học cũng phải có một tâm hồn rộng mở, giàu tình cảm, cảm xúc,…
Qua bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, làm sáng tỏ nhận định: Tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc
Nghị luận: Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp (Sóng Hồng)