Nghệ thuật phải khơi gợi được niềm vui sống, lòng yêu đời. Nhưng cũng rất đúng nếu nói rằng: nghệ thuật bắt con người phải ngẫm nghĩ và xúc động, khơi gợi lên ở con người lòng trắc ẩn, sự phản kháng chống lại cái ác, phải gợi lên cho con người cái cớ để buồn, để thương, để khát khao khôi phục, bảo vệ những cái tốt đẹp trong cuộc sống đang bị chà đạp, lăng nhục (T.Aimatop).
* Hướng dẫn làm bài:
1. Nghệ thuật phải khơi gợi niềm vui sống, lòng yêu đời.
– Là gì: nhiệm vụ, sứ mạng của văn học là giúp cho con người hiểu được ý nghĩa, giá trị của cuộc sống. Chỉ khi con người hiểu ra ý nghĩa, giá trị của cuộc sống mới thấy cuộc sống là đáng sống. Chỉ khi con người nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc đời con người mới có thể yêu đời.
– Vì sao: vì văn học là một hoạt động tinh thần của con người, nó xuất phát từ những nhu cầu tinh thần của con người trong cuộc sống, cũng có nghĩa là nó hướng tới giải quyết những nhu cầu ấy. Bản chất con người là luôn có khát vọng hướng tới những cái hoàn thiện, tới cuộc sống đích thực của con người (căn tính thiện vốn có trong con người). Văn chương chân chính đương nhiên phải hướng vào khát vọng đó.
– Bằng cách nào:
+ Mô tả bức chân dung cuộc sống: vẻ đẹp (Vội vàng), tình người (Vợ nhặt), tình yêu (Sóng), nhân cách (Lão Hạc). “Chao ơi, cuộc đời không hẳn là đáng buồn” (Lão Hạc) – nghĩa là nó đáng sống.
+ Lý tưởng hóa những vẻ đẹp, những giá trị của đời sống.
+ Ý nghĩa: tạo nên giá trị nhân đạo, nhân văn, có tác dụng to lớn trong việc bồi đắp tâm hồn con người.
2. Nghệ thuật bắt con người phải ngẫm nghĩ và xúc động… đang bị chà đạp, lăng nhục.
– Là gì: nhiệm vụ của văn học không chỉ là giúp con người biết đến những điều tốt đẹp, bởi nếu chỉ có thế văn học sẽ trở nên giản đơn trong sự đơn giản hóa con người và cuộc sống. Văn học cần giúp con người hiểu biết sâu sắc về cuộc sống: tốt – xấu, đúng – sai, thật – giả, thiện – ác… để có thể nhìn thấy và nhìn thấu, để không chỉ biết phân biệt mà còn biết lựa chọn, không chỉ đi theo mà còn biết hành động.
– Vì sao: vì sứ mạng rất quan trọng của văn học là giúp con người hiểu biết. Biết mới chỉ là nấc đơn giản nhất của kiến thức, hiểu mới là cái đích cần vươn tới của con người để có thể sống với đúng nghĩa của từ này. Sứ mạng rất quan trọng…
– Bằng cách nào:
+ Tạo ra những cuộc đối thoại của lương tri. Xây dựng những tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét người khác cũng như chính bản thân mình.
+ Cụ thể: phóng to cái tốt để nó trở nên lộng lẫy, cường điệu cái xấu để nó trở nên đáng ghê tởm, không chỉ phát hiện và lý giải những hiện tượng đời sống mà còn đặt ra những câu hỏi để gợi mở những băn khoăn và kích thích ý thức tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi ấy…
+ Ý nghĩa: giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn để sống tốt hơn, nhân ái hơn, đẹp hơn lên.
3. Bình luận:
– Nghệ thuật cần phải khơi gợi được niềm vui sống, lòng yêu đời, bắt con người phải ngẫm nghĩ và xúc động, khơi gợi lên ở con người lòng trắc ẩn, sự phản kháng chống lại cái ác, phải gợi lên cho con người cái cớ để buồn, để thương, để khát khao khôi phục, bảo vệ những cái tốt đẹp trong cuộc sống đang bị chà đạp, lăng nhục.
– Tác giả của nhận định đã chỉ ra thiên chức thiêng liêng và con đường để văn chương chân chính thực hiện thiên chức ấy:
+ Thiên chức: nhân đạo hóa con người.
+ Con đường: tác động vào nhận thức, song quan trọng hơn là tác động vào tình cảm bởi tình cảm là mục đích và cũng là con đường riêng của văn chương.
– Từ nhận định này, người đọc có cơ sở để đánh giá và thưởng thức văn chương chân chính, nhà văn thấy được cái đích cần hướng tới để tạo nên những giá trị văn chương.