binh-luan-ve-tho-la-ruou-cua-the-gian-huy-truc

Bình luận: Thơ là rượu của thế gian (Huy Trực)

Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực)

Anh/chị hãy bàn luận về lời nhận định trên.

  • Mở bài:

Shelly nói: “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử”. Platon khẳng định: “Thơ là thần hứng”. Voltaire tự tin:  “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Còn Huy Trực cho rằng: “Thơ là rượu của thế gian”. Thơ dù là gì đi nữa thì không ai có thể phủ nhận được rằng thơ có sức cuốn hút mãnh liệt và quyến rũ đến say mê con người từ xưa đến nay.

  • Thân bài:

Ta bước vào thế giới văn chương như người thi sĩ “thèm say” đi tìm rượu. Văn chương – một thế giới gợi mở bao điều diệu kì cho những tâm hồn. Ta sống trong thế giới văn chương với một tình yêu cái đẹp. Nó huyền ảo như những gam màu chất chứa nhiều tâm sự, nó lung linh bởi những cái nhìn đa tình, nó nhẹ nhàng như những tình yêu thầm kín, nó êm đềm như mặt nước hồ phẳng lặng,… Tất cả ta chỉ cảm nhận được khi sống hết mình với tình yêu văn chương. Với thơ ca, nó có thể làm ta say bởi những mối tình đẹp, nó làm ta nghẹn ngào bởi những đau thương của con người, nó làm ta trăn trở bởi những “điều chưa nói” sau những ngôn từ. Thơ ca là thế, nó nói giùm những tiếng lòng của con người, cất vang những lời hát mang đầy đủ dư vị của trái tim. Phải chăng vì điều đó mà Huy Trực cho rằng: “Thơ là rượu của thế gian” ?

Thơ là một trong những loại hình kỳ diệu nhất, “cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Đi tìm bản thể của thơ luôn là một hành trình đầy bí ẩn. Kì diệu làm sao khi cảm xúc được ngân lên thành thơ thành nhạc, khi tiếng lòng ta được soi bóng trong những mảnh hồn thơ ca. Văn học sinh ra để cho đời thêm hoa thơm trái ngọt, để tiếng hát ngợi ca sự sống vút cao trên mỗi trang văn, trang thơ. Từ văn học dân gian tới văn học viết, từ truyện ngắn tới thơ, tất cả đều có sự giao hòa trong bài thơ cuộc đời, để đóng đinh vào thời gian một giá trị vĩnh cửu: văn chương nghệ thuật.

Vậy thơ ca là gì? Thơ bộc lộ để không bộc lộ gì hết. Nó bộc lộ để giấu ẩn hay thơ ở giữa có và không, thực hữu và hư vô, mời gọi và từ chối ? Phải chăng vì lẽ đó “định nghĩa về thơ là định nghĩa cái không thể định nghĩa được” (Huỳnh Anh). Nhưng thơ dù là tiếng gọi từ cõi vô biên, là cõi huyền nhiệm, hư vô thì vẫn là thực thể của đời sống. “Thơ là sự hôn phối và cảm thông linh diệu giữa thực và mơ, giữa người với người và vũ trụ cho nên thi ca gắn liền với hiện hữu và thể hiện qua muôn vẻ”.

Quả thật,Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật (Belinxki). Thơ gắn liền với đời sống của con người. Thơ giãi bày hộ con người những điều còn ẩn khuất đằng sau những điều lờ mờ nhận ra trong cuộc sống. Thơ đi sâu vào tâm hồn con người với những hi vọng và thất vọng, đau thương và hạnh phúc, hiện thực và ước mơ, tình yêu và khát vọng,…mọi thứ đều tạo nên chất men để say lòng người. Có phải vì thế mà thơ như “rượu của thế gian”? Rượu là một loại thức uống được chưng cất, trải qua nhiều công đoạn mới thành, cũng như thơ, nó không đơn thuần là sáng tạo trên bề mặt câu chữ mà nó phải được chọn lọc một cách tinh tế, người thi sĩ phải khổ công đi góp nhặt những tinh túy cuộc đời, phải thổi tình yêu của mình vào từng lời thơ để những ngôn từ ấy khi cất lên sẽ tạo được dư ba trong lòng người, lúc đó nó sẽ như một thứ “rượu quý” làm con người say trong thơ ca, say trong tình yêu của người thi sĩ đã tạo thành.

“Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy; Lặn vào cuộc đời; Rồi lại ngoi lên”. Bước vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp. Những chiếc bình đẹp nhất được nặn từ đất bình thường như câu thơ đẹp nhất từ những chữ bình thường. Đã bao lần người ta ví nhà thơ, nhà văn như những con ong cần mẫn đi tìm hoa hút nhụy để mang đến cho đời những tinh túy, những tốt đẹp nhất của thế gian, đó là thiên chức của người nghệ sĩ. Một người nghệ sĩ muốn làm cho bạn đọc say trong thế giới thơ ca của mình thì anh phải là người say trước tiên. Anh phải tạo nên được âm điệu, nhạc tính, những hình ảnh trong thơ không chỉ gắn với đời sống mà gợi mở những điều chạm đến trái tim, phải có những khoảng lặng để người đọc say trong “phút yên tĩnh” ấy.

Nhạc và thơ xuất hiện trong tương hợp ấy nên nó rất đẹp, lung linh, kỳ ảo, lưu giữ lâu bền chất thơ trong lòng người, nhạc hoá hồn thơ, thông qua cách kiến trúc câu thơ đầy nhạc, đầy âm vang…tất cả được hòa quyện, chuyển hóa trong nhau để tạo thành một thế giới nghệ thuật, thế giới của sự tương hợp giữa âm nhạc, màu sắc, hương thơm và cảm giác vang vọng, u sầu, trước hết của chính người thơ, và sau đó, vươn đến tha nhân, để vẫy gọi những tấm lòng đồng điệu, tri âm, tri ngộ. Như thế, thơ mới làm say lòng người.

Thơ không chỉ là những tiếng lòng nói hộ cảm xúc của con người mà thơ còn mang đến những buồn vui trong cuộc sống. Người ta tìm đến thơ như người buồn tìm đến rượu để giải sầu. Thơ là món ăn tinh thần giá trị nhất của cuộc sống ban tặng loài người. Thơ – mỗi lần cất lên là làm con người ta chìm đắm trong những cảm xúc man mác buồn, bàng bạc vui, mơ hồ nghĩ ngợi,… Nói “Thơ là rượu của thế gian” là một định nghĩa sâu sắc cho thi ca.

Bước vào nền văn học hiện đại, có thể nói thơ mới là thơ của những tiết tấu âm vang, của những con chữ biết hát ca và trò chuyện, thơ của sắc màu rộn rã dù bàng bạc trong nó “nỗi buồn thế hệ” của một thời đi qua không trở lại. Chính sự say mê với tâm trạng ưu sầu đã dẫn dắt các nhà thơ trong sự tìm kiếm đề tài, thi liệu hay sự cảm nhận những khía cạnh đầy chất bi cảm thi vị của đời sống. Họ say sưa với hình ảnh mùa thu gợi cảm giác hoang liêu của Lưu Trọng Lư, những buổi chiều tà gợi nỗi niềm cô quạnh của Huy Cận, những cuộc chia li không lời hẹn ước, những tình yêu mong manh không bao giờ trọn vẹn của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…, hay thích hoài niệm những quá vãng mà bước chân thời gian đã đi qua và dẫm đạp lên của Chế Lan Viên, …

Dường như với các tác giả thơ mới, khi đi vào những đề tài và thi liệu như thế họ mới cảm thấy trọn vẹn niềm hoan lạc của sáng tạo. Nỗi buồn trở thành dưỡng khí và là khởi điểm cho những “dự án” thẩm mĩ đầy thi vị mà các nhà thơ lãng mạn luôn cần đến. Họ làm người đọc say sưa bởi chất men ở đề tài tạo nên, hấp dẫn và phong phú bởi đa thể loại.

Không chỉ vậy, thơ ca làm say lòng người bởi sự liên tưởng, tưởng tượng, khiến người đọc chìm đắm, mân mê trong những hình ảnh so sánh ví von độc đáo. Quá trình phát triển của thơ cũng đòi hỏi người nghệ liên tục làm mới thơ bằng những liên tưởng đầy mới lạ, phù hợp với thời đại của nhà thơ. Liên tưởng, tưởng tượng vì vậy luôn gắn bó chặt chẽ, tạo nên sức sống cho những vần thơ.

Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, đã vẽ nên một hình ảnh hết sức mới lạ, độc đáo nhưng không khỏi làm con người say đắm trong tình yêu qua lời thơ của ông. Sự sống trong cảm nhận của Xuân Diệu mới cụ thể, hữu hình làm sao:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

(Vội vàng)

Lăng kính tình yêu đã chi phối liên tưởng của nhà thơ. Vẻ đẹp của con người trở thành thước đo của vạn vật, cảm giác đậm màu sắc dục vọng tình yêu lại là cách nhà thơ cảm nhận về thiên nhiên. Chỉ một liên tưởng độc đáo cũng đủ để tái hiện cả bức tranh mùa xuân rạo rực đầy hương sắc, thanh âm, khiến con người ta không sao không chìm đắm với tình yêu mà Xuân Diệu gợi mở, và hơn hết là khẳng định quan niệm sống “vội vàng” của con người cháy hết mình vì tình yêu. Xuân Diệu đã ấp ủ, tạo nên chất men tình kích thích những cung bậc cảm xúc của bạn đọc.

Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Là một người nghệ sĩ, Chế Lan Viên hiểu biết sâu sắc về vai trò của trí tưởng tượng trong sáng tạo thơ ca:

“Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”

(Tiếng hát con tàu)

“Con tàu” lên Tây Bắc là sản phẩm của trí tuệ tuyệt vời cùng khả năng liên tưởng độc đáo của nhà thơ. “Con Tàu” ấy ra đi trong tâm tưởng và cập bến những tưởng tượng độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật. “Anh với em” trong cái “nắm tay, vắt xôi nuôi quân, mùi hương,..” là những hình ảnh làm nên trường liên tưởng về tình quên dân gắn bó, bền chặt. Nghệ thuật liên tưởng, xếp chồng những từ ngữ đã đem đến cho thơ Chế Lan Viên chất trữ tình độc đáo, chất trí tuệ sâu sắc. Như thế, thơ của Chế Lan Viên làm sao không đọng lại trong người đọc một tình yêu về Tây Bắc, cảm động trước tình quân dân của những con người nơi đây. Ấy chẳng phải là chất men thổi vào người đọc những xúc cảm riêng hay sao ? Ấy chẳng phải người đọc đã say trong thơ, chìm đắm trong từng hình ảnh thơ cùng Chế Lan Viên hay sao ?

Không chỉ dừng lại ở đề tài đa dạng, các nhà thơ đã ủ được chất men trong  sự liên tưởng, tưởng tượng đi sâu vào lòng người đọc, làm say đắm lòng người, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một cái nhìn chủ quan trong thế giới khách quan, phải đi sâu vào khám phá hiện thực, phải am hiểu đời sống mới viết nên những vần thơ dạt dào tình cảm nhưng thể hiện được cái tinh xảo của “kĩ thuật” người làm thơ. Đó chính là “những con ong cần mẫn” suốt đời vì nghệ thuật, đó mới chính là người nghệ sĩ thực thụ, đó mới chính là những nhà thơ tại nên những vần thơ của một định nghĩa: “Thơ là rượu của thế gian”.

Thơ đến với con người như dòng sữa mẹ đến trẻ thơ, như người bộ hành giữa sa mạc tìm thấy dòng nước ngọt mát lành. Thơ là bạn tâm tình, sẽ chia bao buồn vui với loài người và thơ là sức đồng cảm mãnh liệt, quảng đại đến với mọi tâm hồn. Người đọc làm sao không say sưa khi mọi thứ của thơ ca đều hướng đến mục đích cuối cùng là vì con người.

Con người kể cho thơ nghe những tâm sự, tình cảm rồi thơ trở lại kể cho con người nghe những khúc hát diệu vợi của cây đàn muôn điệu. Những gì khó tỏ bày quá, “bạn” sẽ là người thấu hiểu giùm ta. Đó là tình yêu, thế giới đầy vi diệu khó lí giải:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.

Câu thơ Xuân Diệu viết đem đến một “cảm giác” đẹp về tình yêu. Nếu tình yêu khó nói đến vậy thì thơ sẽ cho bạn một cảm nhận, như một thứ định nghĩa trong thơ đầy triết lí. Nhà thơ say trong cái giấc chiều tà của một tình yêu, chìm đắm trong những khoảng không thơ mộng mà mộc mạc biết bao. Chính những cảm nhận ấy, người đọc như dậy sóng những tình yêu. Lẽ nào, sức mạnh của thơ ca lại làm say đắm con người đến thế?

Nhiều nhà thơ cho rằng: thơ là thần hứng, là thể loại nữ hoàng, nghệ sĩ đã chắp đôi cánh thơ để biểu đạt mọi màu sắc cuộc sống. Thơ ca là niềm vui cao cả nhất mà loài người đã tạo ra cho mình. Có chăng là một người lính đã chia sẻ tình yêu một thời đồng đội trong Nhớ của Hồng Nguyên:

“Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buồi một hai
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn rộn cười vui kháng chiến”.

Không nói nhiều về nhớ thương đâu, mà sao qua từng vần thơ nhớ thương vẫn cứ đong đầy, tràn ra ngoài câu chữ. Một thuở kháng chiến ác liệt, thơ vẫn theo đi để lại nụ cười hạnh phúc kia của những tấm lòng không sợ gian khổ, để hậu phương đọc mà nở nụ cười vững tâm. Nhỏ nhẹ như một bài thơ mà “tim, gan” ấy, là lòng chân thực phơi trải ấy của một con người. Nếu văn học nghệ thuật là tiếng gọi tâm hồn trở về với tâm hồn thì thơ là “sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng).

Đứng về phương diện thể hiện cuộc sống, thơ đã gop tiếng nói làm phong phú trái tim con người, bồi đắp phù sa cho tâm hồn và làm giàu hơn tính thẩm mĩ cho cảm quan của loài người. Một tình yêu, một lời giao duyên, một điệu nhớ thương, tất cả làm nên khúc rạo rực tâm tình mà cây đàn thơ ca luôn cần người đến đánh dạo và ngân ca. Thơ ca đã ra đời giữa những vui buồn của loài người. Thơ bắt nguồn từ đời sống. Thơ gắn với những nỗi đời. Chính chiều sâu và sự phong phú của đời sống xã hội đã làm nên những áng thơ bất hủ. Có khi là những mê say, náo nức của hạnh phúc, có khi là những khổ đau tuyệt vọng, những âu lo, hồi hộp, khát vọng, mơ ước,..mọi cung bậc tình cảm đều được cất lên. Thơ ca ra đời từ chính niềm vui nỗi buồn ấy của con người. Thơ làm say con người bởi những men xúc cảm đánh động đến tâm tư con người một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Vì thế, “Thơ là rượu của thế gian”.

Thơ ca chỉ làm bạn được với con người khi con người coi thơ ca là bạn và chân thành làm bạn với thơ ca. Nó cũng như người bạn rượu đi tìm người tri âm tri kỉ để bày tỏ những tâm sự, những buồn vui trong cuộc sống. Chỉ khi là sự tìm đến tự nguyện thì thơ ca và bạn đọc mới tìm thấy sự đồng điệu trong nhau. Xuân Diệu nói: “Thánh Thán xưa ki đọc văn “Tây sương kí” mà sung sướng nức nở; những kẻ tài tình ở trong muôn đời biết yêu quý nhau là thế, tri âm là thế. Chúng ta nay, hai tay nâng đỡ lấy của quý tinh thần, ta lấy lỗ tai bằng đất để nghe thơ hay sao”.

“Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa”. Ngay khi nhà thơ mất đi thì thơ vẫn là bạn với con người. Con người hay độc giả hãy biết trân trọng những mật ngọt rút ra từ tấm lòng thơ ca. Đến với thơ ca khi bạn đã sống sâu sắc chân thành với cuộc đời. Và người nghệ sĩ, họ là những cây bút mang đến những cảm xúc cho con người, nên anh phải làm sao để những men say mà anh “chưng cất” sẽ thấm đẫm những giá trị nhân văn, hướng về con người, vì con người. Thơ anh phải say từ chính tình yêu của anh và làm người đọc say bởi sự ấp ủ, thai nghén đứa con tinh thần ấy. Vì “Thơ là rượu của thế gian” nên thơ là thế giới nghĩ suy của loài người.

  • Kết bài:

Giá trị văn chương muôn đời vẫn thế, còn người uống rượu thì vẫn lắm kẻ say; còn người làm thơ thì vẫn còn lắm những vần điệu đánh động đến những tâm hồn. Nó tinh lọc qua thời gian và tạo một dấu ấn vĩnh cửu đó chính là thi ca. Vậy, con người say vì thơ “ngôn toại ý ngoại” hay say vì lòng người cũng như thơ ? Dù thế nào đi nữa,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang