»» Nội dung bài viết:
Làm sáng tỏ nhận định: Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay. (Xuân Diệu).
* Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích nhận định:
– Ý kiến của Xuân Diệu đã nêu lên một cách khái quát những yêu cầu cơ bản của người đọc thơ đối với thơ.
+ Nguồn gốc của thơ ca: thơ phải xuất phát từ thực tại: Thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống.
+ Nội dung của thơ ca phải thể hiện một tâm hồn, một trí tuệ: Thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng của thi nhân để rồi đưa tình cảm, tư tưởng đó đến với mỗi người đọc. Thơ ca chính là tiếng nói của một cái tôi cá nhân với cuộc đời.
+ Nghệ thuật sáng tạo thơ ca càng cá thể, càng độc đáo càng hay: Thơ ca phải mang dấu ấn sáng tạo và thể hiện phong cách nghệ thuật riêng biệt của thi nhân.
→ Tóm lại, đối với Xuân Diệu, một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật để đem lại giá trị thẩm mỹ.
2. Chứng minh và bình luận.
– Cuộc sống là điểm xuất phát (là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú … ), là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật. Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình. Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát ly thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời, khi ấy thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý nghệ thuật vị nhân sinh của mình.
– Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm. Nhưng sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy cần thấy rằng thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Thơ ca là hình ảnh của đời sống tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính tình cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu thơ không có tư tưởng, tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị, tầm thường, chỉ là trò làm xiếc ngôn từ vụng về chẳng thể đánh lừa được người đọc.
– Vẻ đẹp của thơ ca còn cần được đánh giá ở hình thức thể hiện. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Vì vậy, thơ ca cũng đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Nhờ khả năng sáng tạo tuyệt vời mà các thi nhân luôn tìm ra những cách nói mới về những điều đã cũ. Nếu không có sáng tạo, không có phong cách riêng thì tác phẩm và tác giả đó sẽ không thể tồn tại trong văn chương. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ…
3. Đánh giá, nâng cao.
– Ý kiến của Xuân Diệu đã thể hiện tiêu chuẩn để đánh giá một thi phẩm đích thực và giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa to lớn của thơ ca đối với cuộc sống con người.
– Đây cũng là một quan điểm sáng tác định hướng cho mọi nhà thơ: thơ phải từ cuộc đời, hướng về cuộc đời, vẻ đẹp của một tác phẩm văn học phải kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức. Từ đó giúp nhà thơ có ý thức và trách nhiệm hơn trong quá trình sáng tạo thơ ca.
Nghị luận: Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi (Lưu Trọng Lư)