»» Nội dung bài viết:
…Thơ của tôi là cánh cửa
Không cho ai mở dễ dàng
Thơ của tôi là hợp chất được làm
Từ tức giận, tình yêu và xấu hổ…
Là tất cả, thơ ơi chỉ trừ không là vô nghĩa.
(Raxun Gamatôp – Nhà thơ Liên Xô cũ)
Bạn hiểu ý thơ trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý thơ trên qua việc phân tích ba thi phẩm Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Tương tư (Nguyễn Bính), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử).
* Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích ý thơ:
– Ý kiến đặt ra mối tương quan giữa đời người và bài thơ:
+ Số câu: Là độ dài ngắn của một bài thơ, tương ứng với những năm tháng của đời người
+ Nội dung: Là tình cảm, tư tưởng, thông điệp hàm chứa trong bài thơ, tương ứng với ý nghĩa của đời người
+ Giá trị của bài thơ vì thế tương ứng với giá trị của đời người: không tùy thuộc vào thời gian sống (sống bao lâu) mà tùy thuộc vào giá trị sống (sống đẹp, sống có ý nghĩa)
- Ý kiến khẳng định giá trị thực của đời sống con người.
+ Mọi bài thơ dù dung lượng dài ngắn khác nhau nhưng đều luôn có kết thúc. Con người dù sống trăm năm thì đời người vẫn là hữu hạn.
+ Để chiến thắng quy luật của thời gian, điều quan trọng không phải là sự kéo dài hơi thở sinh học mà là phải sống cuộc đời có ý nghĩa
+ Đời người là vô thường, con người không thể biết khi nào là dấu chấm hết cho bài thơ cuộc đời mình.
+ Để làm chủ sự sống, phải có ý thức biến mỗi phút giây sống trở nên có ý nghĩa
2. Làm thế nào để tạo ra ý nghĩa cho bài thơ cuộc đời?
– Bài thơ có ý nghĩa khi để lại dư âm trong lòng người đọc, nó được sáng tạo bởi một người nhưng để hướng tới muôn người. Ý nghĩa của sự sống là lan tỏa giá trị cho cuộc đời: biết cống hiến cho cộng đồng, cùng cháy sáng cho lý tưởng chung, sống trọn vẹn, sống hết mình, đem lại những điều tốt đẹp cho những cuộc đời xung quanh…
– Bài thơ có giá trị khi nó không lặp lại, luôn đem đến sự phát hiện, trải nghiệm độc đáo. Giá trị của sự sống là kiến tạo, kiếm tìm những điều mới mẻ để mỗi con người là một tồn tại duy nhất, không lặp lại, không thể thay thế nhưng cũng không đối lập mà hòa hợp với cuộc đời chung.
– Bài thơ chỉ hoàn tất sau quá trình tìm kiếm với rất nhiều nỗ lực hoàn thiện của chính tác giả. Mỗi người là tác giả trong bài thơ cuộc đời mình, vì thế để bài thơ trở nên ý nghĩa, con người phải luôn cố gắng, biết tự phán xét, tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân.
→ Đây là một quan niệm về thơ đích đáng, được phát biểu bằng thơ của một nhà thơ. Thơ là nghệ thuật ngôn từ tinh tế, phức tạp (là cánh cửa- Không thể mở dễ dàng). Hình thức thơ thể hiện những cung bậc cảm xúc đa dạng phong phú, tấc lòng, tư tưởng tình cảm mà thi sĩ kí thác, gửi gắm tới độc giả, thơ chính là tình đời tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu hình ảnh giọng điệu, nhịp điệu… không có ai chỉ nhai văn nhá chữ, chỉ chú trọng kĩ xảo ngôn từ mà thành nhà thơ(…là tất cả,…chỉ trừ không là vô nghĩa). Nhà thơ đã nói được những đặc trưng cơ bản nhất của thơ trong quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, tác phẩm trong quan hệ nội tại của nó, tác phẩm trong mối quan hệ với người đọc, với hiện thực đời sống trong một đoạn thơ ngắn. Muốn hiểu được thơ không chỉ cần nắm đặc trưng thể loại, kiến thức về tác giả, thời đại sản sinh ra nó… mà phải có tầm đón nhận phù hợp… tức phải có những chìa khóa, cách giải mã phù hợp trước những cánh cửa thơ không hề dễ mở để được đắm mình trong thế giới thơ.
3. Mở cánh cửa để vào thế giới nghệ thuật của ba thi phẩm.
+ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới, mang nỗi ám ảnh thời gian của cái tôi cá nhân thời hiện đại.Tứ thơ làm hiện hình bước đi của thời gian đáp xuống xứ Bắc Việt . Nó đáp xuống rặng liễu, khu vườn, nhánh cây, trong từng tế bào lá, cánh chim, rặng núi, dòng sông, vầng trăng và cuối cùng ngấm vào lòng thiếu nữ. Đó là cách cảm nhận thời gian tuyến tính một chiều khác hẳn cách cảm nhận tời gian trong thi ca trung đại phương Đông. Mạch cảm hứng của bài thơ vừa có nỗi buồn thu và niềm vui thu tới tạo thành cái bâng khuâng, sự rùng mình của một linh hồn trước sự gõ nhịp của thời gian .Buồn vì sao? Vui vì sao?. Sự mới mẻ của cảm xúc được thể hiện qua tài hoa của câu chữ mang dấu ấn Xuân Diệu, phép tương giao trong thơ tượng trưng pháp được thể hiện nhuần nhuyễn…
+ Đây thôn Vĩ Dạ lại là thế giới nghệ thuật của hồn thơ lạ nhất trong các nhà thơ mới. Đó là hồn thơ có cội nguồn Đau Thương và hiện ra dưới hình thơ Thơ Điên, là lời tỏ tình của một tình yêu đời đến đau thương, tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng thấy đời càng đẹp, Đời càng đẹp lại càng tuyệt vọng và càng yêu thương lưu luyến níu đời. Mạch tơ cóc nhảy, bất định, ba câu hỏi mà câu hỏi ở khổ cuối như là sự trả lời cho câu hỏi ở khổ đầu. Cái tôi phân tán li hợp bất định, có sự đối lập giữa không gian ở đây và ngoài kia… Tất cả hiện ra trong những câu chữ mang đậm dấu ấn tài hoa, tâm huyết của người đứng đầu Trường thơ loạn Bình Định, một hồn thơ đã bước lãnh địa của thơ siêu thực …
+ Tương tư lại là thi phẩm của hồn thơ chân quê nhât trong những nhà thơ mới. Có một không gian, thời gian, tâm trạng tương tư… của cái tôi mang mặc cảm lỡ làng dang dở, cái tôi của những mối tương tư một chiều được thể hiện trong giọng điệu, câu chữ, hình ảnh, cách cảm nghĩ… và thể lục bát chân quê….
– Đến với mỗi bài thơ, mỗi tác giả cần có những chìa khóa hữu hiệu để mở vào thế giới nghệ thuật của nó. Những chiếc chìa khóa về kiến thức văn học, văn hóa, sự từng trải và nghiệm sinh cuộc sống… nhưng không thể thiếu năng lực cảm thụ, trực cảm nghệ thuật của người tiếp nhận thơ.
– Trong thực tế, có những cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng sống có lý tưởng cao đẹp, có nhiều cống hiến cho nhân loại vẫn được người đời biết ơn, trân trọng và tưởng nhớ. Có những người sống lâu nhưng cuộc sống mờ nhạt, vô ích thì sẽ bị lãng quên bởi đó chỉ là sự tồn tại…
– Bài học: ý thức về sự hữu hạn của cuộc đời giúp con người có trách nhiệm về sự tồn tại của mình, biết trân trọng những giây phút đang sống và miệt mài kiếm tìm, kiến tạo nên những giá trị của sự sống, …