khong-co-gioi-han-cuoi-cung-nao-cho-sang-tao-van-hoc-cung-nhu-my-hoc-noi-chung-khong-ngung-van-dong-lich-su-van-hoc-thuc-chat-la-lich-su-cua-nhung-su-van-dong-lien-tuc-moi-thoi-moi-khac

Nghị luận: Không có giới hạn cuối cùng nào cho sáng tạo. Văn học cũng như mỹ học nói chung không ngừng vận động. Lịch sử văn học thực chất là lịch sử của những sự vận động liên tục: Mỗi thời mỗi khác

“Không có giới hạn cuối cùng nào cho sáng tạo. Văn học cũng như mỹ học nói chung không ngừng vận động. Lịch sử văn học thực chất là lịch sử của những sự vận động liên tục: Mỗi thời mỗi khác”.


  • Mở bài:

Ep-tu-sen-co thực có lí khi cho rằng: “Tự tử đối với đời người nghệ sĩ không phải là phát súng hay sợi dây thừng mà chính là khi ngồi vào bàn viết không đem đến một cái gì mới mẻ”. Phong cách, sáng tạo là vấn đề sống còn đối với những người đã chọn lấy nghiệp cầm bút. Anh là bản sao thành công của ai đó không đồng nghĩa với việc anh có thể trở thành một nhà văn chân chính. Là địa hạt của sự sáng tạo, văn học không bao giờ chấp nhận những sáng tác lặp lại một công thức dù công thức đó đã từng được áp dụng thành công ở nhiều tác phẩm trước đó. “Không có giới hạn cuối cùng nào cho sáng tạo. Văn học cũng như mỹ học nói chung không ngừng vận động. Lịch sử văn học thực chất là lịch sử của những sự vận động liên tục: Mỗi thời mỗi khác”.

  • Thân bài:

Không có gì đứng yên và không có gì tồn tại mãi mãi. Mọi thứ đều đang thay đổi theo thời gian. Kinh nghiệm người đi trước chỉ là một cú hích, một sự học hỏi, còn bản thân sáng tạo nghệ thuật là phải làm ra cái mới, sáng tạo. Thử hỏi, nếu cái khát vọng muốn được “cởi trói cho thi ca”, muốn được nói lên “tình thực”, tiếng nói riêng của những thi sĩ Thơ mới thời kì đầu như Lưu Trọng Lư, Thanh Tâm, Phan Khôi, Thế Lữ,…không đủ mãnh liệt; thì liệu rằng trong cuộc đấu tranh với thơ cũ, Thơ mới có chiếm thế thượng phong? Nhắc đến phong trào thơ Mới là nhắc đến một thời kì nở rộ của những cá tính, những hồn thơ riêng biệt.

Thời bấy, không có chỗ cho sự “rập khuôn”, sao chéo hay “chắp nhặt những ý sáo rỗng”, chỉ có những ai đến với làng thơ bằng một lối đi riêng, để lại một dấu ấn cá tính mạnh mẽ, độc đáo mới có thể tồn tại. Cùng viết về đề tài làng quê Việt Nam, nhưng nếu Anh Thơ rất thành công trong việc khắc họa cảnh quê, Đoàn Văn Cừ tài năng trong việc khắc họa những phong tục làng quê thì Nguyễn Bính lại sở trường khắc họa những mối tình quê âm thầm, mãnh liệt, bẽ bàng. Cái hồn dân tộc như đã mượn tiếng thơ của ông để lên tiếng:

“Láng giềng đã đỏ đèn đâu?
Chờ em ăn dập miếng giầu em sang.
Đôi ta cùng ở một làng,
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình… với nhau
.

Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?”.

(Chờ nhau – Nguyễn Bính)

Đọc câu thơ ta như cảm nhận được thế giới tâm hồn của những chàng trai, cô gái thôn quê thời ấy. Thứ tình yêu chân thành, cái hồn nhiên, hạnh phúc của đôi lứa khi biết yêu gửi gắm trong những câu chữ giản dị, không hề gọt giũa. Chất giọng chính là Nguyễn Bính, một hồn thơ “chân quê” bậc nhất làng thơ Việt Nam. Không có cá tính riêng, nhà văn sẽ chỉ còn lại một mình giữa sự thờ ơ và quên lãng của bạn đọc. Đó là sự sàng lọc nghiệt ngã của nghệ thuật, không riêng chỉ trong thời kì nào mà đã trở thành một định luật, một nguyên lí khắt khe của lao động sáng tạo trong mọi thời.

Bởi vậy, như một lẽ thiết yếu, hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, hành trình đi tìm cho mình một giọng nói riêng của người nghệ sĩ chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Sáng tạo không chỉ cần có tài năng, phẩm chất mà còn cần có cả sự dũng cảm. Trước hết đó là một hành trình cô đơn, không ai có thể giúp anh tìm được tiếng nói của mình ngoại trừ chính anh. Hơn nữa, thi sĩ thường đứng trước hai thử thách: hoặc trước mắt anh là một khoảng trống, không được ai thấu hiểu, bị coi là lập dị, thậm chí ghét bỏ những “đứa con tinh thần” của anh. Hoặc trước anh đã sừng sững những cây cổ thụ và công việc của anh là phải tìm ra một không gian riêng cho mình, một màu sắc riêng để không bị lu mờ.

Trường hợp của Vi Thùy Linh là một ví dụ như thế. Viết về đề tài tình yêu, với thơ mới Xuân Diệu là một “ông hoàng”, với ấn tượng mạnh mẽ về màu sắc dục tính, với những ham hố, vồ vập, cuống quýt. Đây là một thử thách đối với nhà thơ trẻ, nhưng với những sáng tác của mình Thùy Linh đã chứng minh được cái nhìn mới mẻ so với thời trước đó:

“Quỳ trong đêm em cởi mình
Sao anh không làm khô nước mắt em bằng đôi môi anh”.

Câu thơ đã gợi ra không gian riêng tư của đôi lứa một cách đầy táo bạo, “cởi mình” là khát vọng được dâng hiến, khao khát thôn tính, chiếm hữu được đẩy lên đến đỉnh điểm. Hình ảnh người phụ nữ đầy chủ động, với khát vọng tình yêu cháy bỏng đã mang lại sự thể nghiệm kì diệu giữa xúc cảm tinh thần và thân thể. Nói về nụ hôn, ta đã từng ngỡ ngàng với tiếng thơ Xuân Diệu:

“Em hôn anh suốt một giờ
Anh hôn em mấy cho vừa lòng đau”

Nụ hôn của chàng thi sĩ họ Ngô có cái cuồng nhiệt, còn nụ hôn trong những sáng tác của Vi Thùy Linh đã trở thành một biểu tượng của cái tôi tôn thờ sự hòa hợp tự do, sự khoáng đạt trong tình yêu, nó xuất hiện dày đặc và đan màu. Sự bứt phá của thơ Linh là ở chỗ ngôn ngữ thân thể được chuyển hóa vào thơ ca với tất cả sự náo nức, tự tin, thành thực, vấn đề thể xác trong thơ Linh như là một sự hiện hữu thường trực, một yếu tố tất yếu của tình yêu. Nhưng nó bạo dạn hơn so với Xuân Diệu, nó thể hiện cái khoái cảm trực diện, cháy bỏng một cách phóng khoáng mà không hề che dấu. Dẫu vậy những câu thơ không đi theo chủ nghĩa phồn thực, dung tục.

Dưới dạng thức của một câu hỏi “Sao anh không làm khô nước mắt em bằng đôi môi anh”, Vi Thùy Linh khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàn. Câu thơ trần trụi nhưng kín đáo, đầy rung cảm, đã thể hiện khao khát được chở che, được bảo vệ của người phụ nữ. “Nước mắt” là sự yếu đuối, là những tổn thương cần phải được xoa dịu. Và tình yêu dường như đã trở thành một liều thuốc tinh thần “làm khô nước mắt em”. Nhà văn Gombrowicz từng thét lên: “Hỡi tuổi trẻ hãy giết Borges”. Câu nói có vẻ như đùa cợt ấy của Gombrowicz chứa đựng một thông điệp tối quan trọng đối với rất cả những ai thực sự muốn sáng tạo cái mới. Hãy dũng cảm để vượt qua những “thần tượng” cũ để làm nên cái mới.

Và khi sức sáng tạo đã hết, bạn phải biết lùi vào quá khứ để thế hệ mới được tự do sáng tạo, đừng để cáo bóng của mình đè mãi xuống tương lai. Đó là đạo đức của con người sáng tạo. Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi những khát vọng của anh không có ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của người nghệ sĩ là tên tuổi của anh đã trở thành một bức tường kiên cố mà không một ai dám phá bỏ hay vượt qua. “Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Nghĩa là luôn không lặp lại, luôn luôn mới mẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang