Chứng minh: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.

Chứng minh: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.

  • Mở bài:

“Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến của văn học” (Tố Hữu). Văn học bao đời ví như người hát rong trên suốt chiều dài cuộc sống. Văn học từ cuộc sống mà ra và làm cho cuộc sống thêm phần đẹp tươi. Đích đến của cuộc hành trình văn chương muôn đời chính là cuộc sống của con người. Văn học sẽ vì con người mà cất lên tiếng hát yêu thương, cất lên tiếng hát tôn vinh cho cuộc sống đầy hương hoa của con người. “Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.

  • Thân bài:

Tác phẩm văn học chân chính là những tác phẩm có giá trị lớn lao, đích thực, thể hiện được những chức năng và sứ mệnh của văn chương với cuộc đời (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ…). Mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một trung tâm khám phá của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân sinh.

 “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm, trong đó tâm điểm chính là con người” (Nguyễn Minh Châu). Thoát thai từ đời sống, văn chương chân chính mang thiên chức lớn lao cao cả – đó là trở về bồi đắp thêm phần phù sa màu mỡ cho cuộc đời; làm đẹp thêm con người. Văn học bồi đắp cho cuộc sống hay văn học phải tìm ra nhân tố quan trọng nhất là con người để bằng văn chương làm đẹp con người.

Ta hiểu vì sao “tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Đòi hỏi hay yêu cầu cho ra đời một tác phẩm phải đi từ huyết quản của cuộc đời, mang trong dòng chữ của mình một hình ảnh con người. Nguyễn Trung Thành đã nhận xét thấu đáo: “Văn học là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật, hay thành ông Thánh vô duyên, vô bổ. Văn học là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của văn học là tính nhân đạo”. Tác phẩm văn học chân chính lấy con người làm trung tâm hay là mang vào, gây dựng lên bên trong tác phẩm văn học của mình một tinh thần nhân đạo sáng ngời. Văn học là nhân học” (M. Gorki) hay “Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả… nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan; nếu nó không đặt ra những câu hỏi và không trả lời những câu hỏi đó” (Biêlinxki).

Văn học chân chính phải là thứ văn chương “vị nhân sinh”, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con ngươi, phẩm mới đạt tới tầm nhân bản. Nghệ thuật chân chính là sự vươn tới sự hướng về sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người.

Có thể nói “Chí Phèo” là một tác phẩm văn học chân chính mà qua đó Nam Cao đã tôn vinh con người qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Chí Phèo là một điển hình cho những người nông dân đau khổ sau lũy tre làng Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trước Nam Cao, Ngô Tất Tố đã có một chị Dậu khổ vì bán con bán chó, Nguyễn Công Hoan có một anh Pha bị bao tầng lớp dồn ép đến bước đường cùng. Chí Phèo của Nam Cao không chỉ bị dồn vào “bước đường cùng”, mà buộc phải bán cả linh hồn và thể xác của mình để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị cướp cả nhân tính, nhân cách, bị đẩỵ ra ngoài cộng đồng người; đến tận bờ vực của phi nhân loại. Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu. Hắn giao tiếp với cuộc đời không bằng thanh âm của tiếng người bình thường mà bằng tiếng chửi. Tiếng chửi của Chí Phèo chẳng khác gì một tiếng kêu gào thảm thiết nhưng không một ai đáp trả. Nếu như lúc ấy có anh nông dân nào vì tức mà chửi lại hắn thì hắn còn thấy mình được tính là một con người. Mà giả sử rằng nếu ông trời có tức hắn vì những lời hắn chửi trời mà cho cơn dông sấm sét thì hắn biết hắn nói còn có trời đáp lại. Nhưng đáp lại hắn chỉ là tiếng chó sủa mà thôi, ai cũng lờ hắn đi, coi hắn như chẳng có. Với những dòng kể xen lẫn lời tác giả: “Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?”. Với biện pháp thay đổi điểm nhìn trần thuật liên tục, tác giả kiến tạo được đoạn văn mở đầu vô cùng gây ấn tượng, vừa khiến độc giả bất ngờ, vừa diễn tả được đầy đủ nỗi đau của Chí Phèo.

Từ hiện thực đau đớn và tàn khóc ấy, Nam Cao bắt đầu thuật lại cuộc đời Chí Phèo. Từ một đứa bé trần truồng xám ngắt đến một tuổi thơ đi bán lại cho nhiều người. Từ một anh canh điền hiền lành chất phác đến một thằng săng đá, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo là linh hồn đau khổ của làng Vũ Đại. Đến Chí Phèo người ta nhận ra hình ảnh đau khổ nhất, bi kịch lớn nhất của đời người. Chí Phèo sau khi bị đẩỵ vào tù vì một lí do không ai hay rồi ra tù, trở về làng với nhân dạng méo mó. Nam Cao cứ miêu tả một cách lạnh lùng nhưng đọc kĩ ta thấy: Nam Cao không nói gì đến nguyên nhân Chí Phèo vào tù – cuộc đời người nông dân bị coi rẻ đến mức bị cướp mất quyền tự do mà không biết vì lẽ gì. Con quỷ dữ Chí Phèo ăn vạ, cướp bóc, rạch lên mặt mình vô số những vết mảnh chai, những vết cào đau đớn. Còn gì đau hơn khi chính Chí Phèo đã tự hủy hoại phần nhân hình của mình? Còn gì đau hơn khi bên trong con người kia phần thú đã chiếm lĩnh, phần người bị đẩy ra, phải “khăn gói ra đi”? Nhưng, một tác phẩm miêu tả cái buồn, cái khổ mà không có một nhiệm vụ nào khác ngoài việc làm lây sang cho chúng ta nỗi buồn thì đó là điều đáng buồn hơn. Nam Cao còn nói với ta về tình người rất sâu nặng. Nam Cao dãn tác phẩm của mình ra và miêu tả vào trong đó một cuộc tình” Chí Phèo –Thị Nở.

Chỉ với năm ngày thôi nhưng Chí Phèo đã sống rồi chết như một con người. Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn lại mang trong mình một tình yêu lạ lùng dành cho Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Người ta cứ cho rằng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới là tình yêu. Nhưng sẽ vẫn là tình yêu dẫu cho người đàn ông có là Chí Phèo – từng chỉ biết uống rượu cho say và đập đầu, rạch mặt ăn vạ và dẫu cho người đàn bà có là Thị Nở – vừa xấu ma chê quỷ hờn, vừa xác xơ nghèo lại vốn có dòng mả hủi. Gió trăng vô tình trong đêm hè nơi vườn chuối ven sông kia vẫn đẹp biết bao nhiêu khi đã cùng che chở, đồng tình và trăng làm sáng, gió làm mát cho hai nhân hình đau khổ vừa tìm thấy được nhau.

Chí Phèo dù được sống năm ngày yêu thương nhưng vẫn phải đối mặt với bi kịch của mình. Năm ngày yêu đương kia là một thứ thuốc thử của nhân tính để nhận ra trong Chí Phèo vẫn còn khát khao làm người lương thiện, vẫn ước mơ: “Chồng cuốc mướn càỵ thuê, vợ dệt vải, sống một cuộc đời bình yên”. Nhưng rồi Thị Nở cũng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời và dừng yêu. Bi kịch tình yêu tan vỡ là chưa đủ, mà đó còn là bi kịch cự tuyệt quyền làm người, bị hất ra khỏi cộng đồng. Chí Phèo không được chấp nhận trở về cuộc sống lương thiện.

Quy luật “bước chân đi cấm kì trở lại” của các trò chơi dân gian giờ đối với Chí Phèo lại xót xa biết bao nhiêu. Chí Phèo lại uống rượu nhưng rượu uống mãi khống say, chỉ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hương cháo hành do Thị Nở tự tay nấu và bón cho Chí trong buổi sáng đầu của chuỗi ngày quấn quyện bên Chí Phèo lúc bấy giờ là minh chứng cho sự trở lại làm người. Nhưng Chí Phèo lại bước chân đi và theo thói quen đến nhà Bá Kiến. Một lưỡi dao vung lên, một vũng máu, một cuộc đời đi vào ngõ cụt. Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa của sự hoàn lương; xã hội làng Vũ Đại đang đóng chặt lại cánh cửa cuộc đời, không cho Chí Phèo trở lại.

Nguyên Hồng đã viết về Nam Cao: “Anh đã vắt từ những xót xa, quằn quại của mình ra thành những dòng ánh sáng yêu thương và tin tưởng để chứng minh cho sự sống nỗ lực của con người”. Nam Cao không chỉ yêu người nông dân mà còn tin. Với ông lòng nhân đạo không chỉ thể hiện ở tình thương mà còn ở niềm tin. Ông tin người nông dân dù có xuống bùn, thậm chí xuống tới đáy bùn, nhưng từ đáy bùn lầy nước đọng vẫn cháy lên những khát vọng làm người lương thiện. Qua cách xây dựng truyện khá đặc sắc, dù bên ngoài lạnh lùng nhưng bên trong sục sôi tình yêu thương, Nam Cao đã viết nên những trang văn, như người ta đã nói không chỉ được viết bằng mực mà bằng máu của trái tim. Nam Cao đã nâng Chí Phèo lên, tôn vinh sự nỗ lực sống của con người.

Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là lời đề nghị về lẽ sống. Chúng ta cũng sẽ chỉ lưu giữ trong ngăn kéo của nhân loại những tác phẩm nâng đỡ con người lên bằng tình yêu thương và niềm tin tưởng của người viết. Một tác phẩm văn học có thể nói về núi sông cây cỏ, ca ngợi vẻ đẹp của những đám mây hay bầu trời nhưng một tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm chân chính khi người nghệ sĩ biết lấy núi sông cây cỏ kia làm đẹp cho không gian sống của con người, biết lấy trái tim yêu thương của mình nâng đỡ lên bao số phận cuộc sống. Ta thấy An-na Ka-rê-ni-na còn sống mãi bởi vẻ đẹp của con người, dù bi kịch nhưng sáng mãi. Ta thấy Những người khốn khổ của V.Huy-gô vượt qua che phủ của thời gian vẫn đẩy giá trị vì thiên tác phẩm vĩ đại ấy đã cho người đọc biết rằng: Bao nhiêu con người khốn khổ kia đang kêu đòi một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù khốn khổ nhưng họ vẫn khát khao được sống lương thiện, được cứu giúp người khác. Chẳng phải V.Huỵ-gô đã nâng con người lên khỏi những nghèo đói tăm tối để thắp sáng cho họ tình yêu thương cao cả sao?

Đến với văn học phương Đông, ta đau cùng thánh thơ Đỗ Phủ nỗi đau cao cả trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá. Tuy có nỗi đau cho riêng mình vì nhà mình bị gió thu tốc mái, mình cùng vợ con phải chịu cảnh mưa lạnh suốt đêm trường nhưng trên tất cả là nỗi đau vì người khác. Nhà thơ dân đen ấy từ nỗi đau riêng đau niềm đau chung; quên đi nỗi đau riêng mình để sẻ chia với nỗi đau của muôn người thời đói khổ. Và chính trái tim đồng cảm vĩ đại này đã làm nên một ao ước vĩ đại mà ngàn đời trân trọng: Ước có ngôi nhà chắc chắn ngàn vạn gian để không chỉ cho riêng ta mà cho tất cả người dân đều không phải chịu cảnh đói rét. Mang hình thức tự sự của một câu chữ nhưng quả là một sáng tạo độc đáo trong sự tôn vinh đến tột bậc vẻ đẹp của lòng vị tha, của tinh thần nhân đạo trong trái tim người viết, trong cuộc sống con người.

Với kiệt tácTruyện Kiều, Nguyễn Du đã nâng con người khỏi những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, khỏi những dây trói vô hình đang ngăn cản con người đến với tình yêu, đặc biệt, đưa con người vượt qua bao đau khổ để làm chói ngời trên trang văn vẻ đẹp của chữ tình, chữ nghĩa, chữ hiếu, chữ nhân, vẻ đẹp của một trái tim nhân đạo lớn, của một nghệ sĩ lớn. Mộng Liên Đường chủ nhân đã nhận xét: “Nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có được bút lực ấy”.

Tài năng của Nguyễn Du không phải chỉ là miêu tả tuyệt đẹp cảnh gió trăng mây nước, cũng không chỉ ở chỗ phản ánh chân thực những nỗi đau đứt ruột của con người trong cõi trần ai gió bụi mà là yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, đồng tình, trân trọng, nâng đỡ, làm đẹp thêm cho tấm lòng Kiều, cho Kim Trọng, cho Từ Hải… cho con người nói chung. Giá trị vĩnh hằng của tác phẩm nghệ thuật chân chính này là có cội nguồn từ những hình tượng được xây nên từ bàn tay nghệ sĩ bậc thầy và tấm lòng nhân đạo lớn của Nguyễn Du. Đó chính là cốt cách, phẩm chất, hương vị tỏa ngát để Truyện Kiều còn nghìn thu vọng mãi, để tiếng thơ của Nguyễn Du mãi là tiếng thương mãi còn động đất trời.

  • Kết bài:

“Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.  Ý kiến đặt ra yêu cầu của văn học phải khơi sâu vào cuộc sống, rằng nhà văn phải để cuộc đời phả gió vào trái tim mình, đi tìm kiếm những hạt bụi vàng lấp lánh trên cuộc đời này để đúc thành những bông hồng vàng sáng chói. Con người cần được tôn vinh như một thực thể đẹp tuyệt diệu. Tuy nhiên không phải chỉ tôn vinh con người, có những tác phẩm văn học trào phúng, nói đến những điều xấu xa của con người, vạch trần bộ mặt giả dối của một lớp người nhưng đó vẫn là những tác phẩm chân chính của bao đời qua vì đi đến tận cùng, những tác phẩm ấy vẫn hướng cho con người đến cái đẹp, đến chân – thiện – mĩ.


Tham khảo:

Qua truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, hãy làm rõ ý kiến: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.

  • Mở bài:

Có bao giờ ta tự hỏi điều gì làm nên sức sống lâu bền của một tác phẩm văn học trước dòng chảy miên viễn của thời gian? Phải chăng chính nhờ vào sự độc đáo của các hình thức nghệ thuật mà người nghệ sĩ đã sang tạo ra? Hay nhờ vào ý nghĩa tôn vinh con người mà tác phẩm đó đem đến? Có lẽ, sức sống ấy có được là vì một “tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng tôn vinh con người thông qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.

  • Thân bài:

Một tác phẩm văn học chân chính luôn luôn chứa đựng trong nó những giá trị cơ bản như: giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo….được biểu hiện thông qua sự phản ánh, phát hiện, khám phá cuộc sống và con người của nhà văn. Bằng cách này, hay cách khác, ngòi bút của những người nghệ sĩ chân chính luôn hướng về con người với những phát hiện rất riêng về vẻ đẹp nhân phẩm của họ. Và suy cho cùng, đó chính là sự “tôn vinh con người” một cách rất chân thực và trân trọng của nhà văn.

Tuy nhiên, nghệ thuật không chỉ là cuộc đời, nghệ thuật còn là nghệ thuật nữa. Vì vậy một tác phẩm văn học chỉ thực sự hay, được bạn đọc đón nhận và có sức sống trong lòng bạn đọc khi nó biểu hiện giá trị nội dung thông qua “những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Hình thức ấy có được là nhờ vào biệt tài, cá tính sang tạo của người cầm bút. Và một tác phẩm văn học muốn được chú ý, trước hết cần có những giá trị nghệ thuật nổi bật. Bởi lẽ, văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, điều làm nên sự khác biệt của văn học so với các bộ môn khoa học khác chính là sự độc đáo của hình thức nghệ thuật. Sự độc đáo ấy gây chú ý đối với công chúng, để họ đón nhận tác phẩm ấy và từ đó mới khám phá ra những giá trị nội dung mà tác phẩm đó chứa đựng.

Như vây, sức sống lâu bền mà một tác phẩm văn học có được chính là nhờ vào giá trị nội dung với ý nghĩa tôn vinh con người và giá trị nghệ thuật độc đáo mà nhà văn đã sáng tạo ra. Có thể thấy, hai phạm trù này có mối quan hệ gắn bó hữu cơ không thể tách rời, nếu thiếu một trong hai phạm trù đó thì sẽ không có được tác phẩm văn học đích thực.

Có một nhà lí luận phê bình đã từng nói rằng: “Văn học là nhân học”. Đó là một nhận định cho thấy được vai trò của một tác phẩm văn học chân chính đối với con người. Văn học luôn hướng tới con người và giúp con người hướng tới vẻ đẹp của CHÂN – THIỆN – MĨ và ý nghĩa hướng thiện ấy được biểu hiện nhờ vào hình thức nghệ thuật độc đáo. Từ cổ chí kim, văn học thế giới đã cho thấy biết rõ điều đó. Những nhà văn lớn trên thế giới bao giờ cũng mang trong mình tình yêu thương nhân loại vô cùng, luôn nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn con người và cũng luôn có niềm tin vào khả năng vươn dậy của nhân phẩm con người.

Truyện ngắn “Số phận con người” của nhà văn Nga Sô-lô-khốp là khi ta đến với một áng văn phản ánh rất chân thực lịch sử oai hùng của nước Nga Xô Viết với những trang viết đậm chất hiện thực và tinh thần nhân đạo cao cả. Bằng tài năng và tâm huyết của mình Sô-lô-khốp đã khắc hoạ rất thành công hình tượng nhân vật Xô-cô-lốp thông qua nghệ thuật trần thuật độc đáo. Để từ đó tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp tính cách Nga, con người Nga. Đó là vẻ đẹp của con người cách mạng phải chịu bao đau thương, mất mát vì chiến tranh mà vẫn sống đầy nghị lực và nhân ái vô cùng. Con người đó không bị quật ngã bởi hoàn cảnh mà luôn biết đứng lên, sống một cuộc đời có ý nghĩa, có niềm tin vào tương lai.

Trở lại với nền văn học Việt Nam chúng ta cũng tìm thấy rất nhiều tác phẩm mang ý nghĩa “tôn vinh con người thông qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. VàVợ nhặt” của Kim lân chính là một tác phẩm như vậy. Ai đã từng đến với “Vợ nhặt” chắc hẳn không thể quên được hình ảnh chết chóc tang thương trong một xóm ngụ cư nghèo khổ, không thể không bị ám ảnh trước hình ảnh một đám cưới nhỏ của Tràng lọt thỏm giữa một đám ma to của cả xóm ngụ cư. Nhưng cũng sẽ còn mãi trong tâm thức độc giả niềm xúc động trước tấm lòng của những con người bé mọn với nhau, trước khát vọng sống mãnh liệt của những số phận đang chấp chới giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Bởi Kim Lân viết về cái đói nhưng là để nói đến “tình người trong cái đói”. Và nhà văn đã chọn cho mình một tình huống truyện độc đáo để làm nổi bật lên chủ đề của thiên truyện. So sánh với các tác phẩm cùng thời, ta có thể thấy được nét riêng của “Vợ nhặt”. Nam cao viết “Một bữa no” để độc giả thấy được sự khốn cùng đói khổ của nhân dân ta thông qua đó tố cáo xã hội đã đưa đẩy con người đến sự cùng cực của nghèo đói, tủi hổ. Còn Kim Lân cũng viết về cái đói nhưng ông lại tập trung làm nổi bật “tình người trong cái đói”.

Vợ nhặt là một truyện ngắn độc đáo từ nội dung đến nghệ thuật. Nhà văn đã chọn cho tác phẩm của mình một lối kết cấu rất mơí lạ: hiện tại – quá khứ – hiện tại – tương lai. Và một tình huống truyện éo le độc đáo. Tình huống ấy xuất hiện ngay từ nhan đề “Vợ nhặt”. Một nhan đề cho thấy được hiện thực tối tăm hoàn cảnh khốn khó đến mức số phận con người bị rẻ rúng như cây rơm ngọn cỏ. Bởi thế mới có sự kiện Tràng nhặt được vợ – “nhặt vợ” chứ không phải cưới vợ.

Chuyện Tràng có vợ là một bất ngờ lớn với hết thảy mọi người, với bà cụ Tứ, với chính bản thân Tràng và với mọi độc giả. Có ai ngờ một anh nông dân cục mịch, có phần dở hơi lại nghèo khổ như thế lại có vợ một cách dễ dàng đến vậy! Nhưng éo le thay, Tràng lại lấy vợ vào lúc người ta không thể sống qua ngày vì đói khát. Tràng lấy vợ mà không có lễ ăn hỏi, đón dâu. Tất cả những gì đọng lại trong lòng độc giả về đám cưới đó chỉ là hình ảnh đôi bạn trẻ đi bên nhau lặng lẽ trong một buổi hoàng hôn đầy không khí chết chóc. Éo le bởi chỉ trong hoàn cảnh đó Tràng mới có được vợ. Éo le bởi đó là một cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà được bắt nguồn từ bản năng sống, khát vọng được sống thôi thúc con người ta phải hướng tới nhau, bấu víu vào nhau.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó cũng cho ta thấy được tình thương của con người với con người, thấy được tình yêu cuộc sống của những số phận nhỏ nhoi. “Đám cưới” ấy đã làm thay đổi những người trong gia đình Tràng và thay đổi chính Tràng. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy Tràng đã cảm nhận được tình yêu gia đình, sự gắn bó với các thành viên, niềm hạnh phúc giản dị mà lớn lao. Vậy đấy, trong nhiều điều mang tên Hạnh Phúc, có những điều thật bình dị nhưng đó là sự bình dị ấm áp. Không những thế, khi Tràng cho thị theo về, chấp nhận thị làm vợ tức là lúc anh đã biết dang rộng vòng tay yêu thương để đón lấy những kiếp đời khốn khổ hơn mình. Đó chẳng phải là một cách tôn vinh con người sao?

Còn thị – một nhận vật cũng có vai trò rất quan trọng đối với thiên truyện, cũng được Kim Lân khắc hoạ bằng những hình thức nghệ thuật rất độc đáo. Thị xuất hiện trong tư thế đang “vân vê tà áo rách như tổ đỉa” với một “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt và hình dạng gầy xọp vì đói khát”. Tính cách, số phận con người ấy dần được hé lộ thông qua cái nhìn của Tràng, bà cụ Tứ, những sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian. Thị là một người phụ nữ vô danh, không tên tuổi, không quê hương bản quán, không gia đình… Hoàn cảnh éo le của cuộc sống đã đẩy thị đến bước đường cùng đói khát. Và vì tình yêu cuộc sống mãnh liệt, bản năng ham sống, thị cần tìm cho mình một chỗ dựa. Rồi thị đã bán rẻ cả chút sĩ diện của một con người để bấu víu vào Tràng, liều mình làm dâu nhà người chỉ với bốn bát bánh đúc rẻ mạt. Hôn nhân là chuyện hệ trọng của đời người, với một người con gái thì nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Thế nhưng, thật trớ trêu thay, đám cưới của thị được cử hành với hai lần gặp gỡ, vài câu bông đùa…Có lẽ đằng sau vẻ “chao chát, chỏng lỏn” kia là bao nỗi niềm xót xa tủi phận mà thị đã xót xa giấu kín. Rồi khi về nhà Tràng, thấy gia cảnh anh cũng nghèo khổ, túng quẫn, thị bỗng “nén một tiếng thở dài”. Trong căn nhà Tràng (hay nói đúng hơn, chỉ là một túp lều tranh) không khí bỗng trở nên trùng xuống. Giống như một chuyện đùa, nhưng họ đã thực sự bước vào một cuộc hôn nhân nghiêm túc. Bây giờ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hẳn sẽ có niềm vui nhen nhóm nhưng không biết có sự nuối tiếc, ân hận nào chăng? Và thật bất ngờ sáng hôm sau, thị đã thay đổi hoàn toàn. Không còn vẻ “chao chát, chỏng lỏn” nữa thị trở về đúng nghĩa một người vợ hiền dâu thảo, thực hiện thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình: thu vén việc nhà. Thị cũng chính là sợi dây gắn kết Tràng với bà cụ Tứ để tình cảm gia đình thêm gắn bó keo sơn.

Là người nhóm lên trong hai mẹ con bà cụ Tứ niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn khi nhắc chuyện “phá kho thóc Nhật ở mạn Thái Nguyên, Bắc Giang”. Có thể nói thị chưa thể là hình tương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, nhưng trong con người thị có thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ Việt Nam. Kim Lân đã bộc lộ rât rõ ngòi bút nhân đạo của mình khi khám phá ra vẻ đẹp khuất lấp của tâm hồn con người, nâng niu, trân trọng nó,đặt niềm tin vào sự vươn dậy của ý thức nhân phẩm trong con người,Có lẽ,đó chính là một hình thức “tôn vinh con người” đơn giản,trung thực mà đáng trân trọng.

Nếu như tính cách,số phận của thị được bộc lộ thông qua tình huống truyện độc đáo và sự quan sát, đánh giá của Tràng, bà cụ Tứ; thì vẻ đẹp tâm hồn bà cụ Tứ lại hiện lên nhờ vào nghệ thuật miêu tả tâm lí sắc sảo của Kim Lân. Bà cụ Tứ xuất hiện khi đang trở về nhà với dáng đi lầm lũi âm thầm. Cái dáng đi như hằn in cả cuộc đời lam lũ tủi cực của một số phận bé mọn khi sống dưới đêm đen nô lệ. Người mẹ nghèo khổ ấy không thể đoán được có chuyện gì đang diễn ra trong nhà mà con trai hôm nay lại khác lạ thế. Rồi khi lật đật bước vào nhà, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cuối cùng bà cũng hiểu ra mọi chuyện. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy như kéo dài ra bởi những dông tố đang chất chứa trong lòng bà cụ, bởi sự đợi chờ trong lo lắng, hồi hộp của đôi trẻ mới nên duyên mà chưa có sự đồng ý của người mẹ. Và khi “bà lão cúi đầu nín lặng” thì chính là lúc “lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra biết bao nhiêu là cơ sự”.

Cái “cúi đầu” xót thương cho cả cuộc đời đầy những đắng cay mặn mòi nước mắt của chính bà, xót xa cho số phận con trai và thương xót cho cả người con gái đang ngồi trước mặt bà nữa. Bởi hơn ai hết, bà hiểu gia cảnh nhà mình khốn cùng, cả cuộc đời bà là những mất mát, đau khổ. Bà hiểu chỉ trong hoàn cảnh đói khát như thế, người ta mới đến với con mình và con mình mới có được vợ. Cuối cùng, bà lão cũng lên tiếng: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. “Ừ”, một sự xác nhận chính thức về mối quan hệ của đôi trẻ. “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”, “U cũng mừng” chứ không phải “U mừng lắm” – một câu nói đủ thấy nỗi mặc cảm, nghẹn ngào về thân phận cũng như tấm lòng bao dung của người mẹ già ấy. Rồi bao nhiêu tình thương, sự lo lắng bà dồn cả vào câu nói: “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá!”…Bà lão đã khóc, những giọt nước mắt cay đắng, mừng tủi, vui buồn lẫn lộn. Có lẽ, trước khi độc giả rỏ giấu những giọt nước mắt đồng cảm với người mẹ giàu đức hi sinh ấy thì nhà văn cũng đã bao lần khóc cùng nhân vật, mừng tủi với niềm vui và nỗi buồn của nhân vật.

Phải sống rất sâu trong thế giới nội tâm nhân vật thì Kim Lân mới có thể miêu tả một cách thành công đến thế diễn biến tâm trạng phức tạp của bà cụ Tứ. Là linh hồn của thiên truyện, bà cụ Tứ chính là biểu tượng tinh thần vững chắc cho đôi trẻ mới bước vào một cuộc hôn nhân, bắt đầu cuộc sống gia đình trong đói khát. Bởi thế mà sáng hôm sau bà nói toàn chuyện tương lai tốt đẹp, “tính chuyện làm ăn” bằng cách nuôi gà và động viên đôi vợ chồng trẻ “ai giàu ba họ ai khó ba đời hả con”. Và cũng thật cảm động trước hình ảnh người mẹ bưng nồi cháo cám đon đả: “Chè khoán đấy…ngon đáo để”. Bà lão cười mà sao ta lại thấy có gì đó xót xa quá. Bởi có lẽ, khi càng cố tỏ ra vui vẻ, cố quên đi thực tại đắng cay thì nó càng hiện về một cách rõ rệt hơn cả. Nhưng người mẹ ấy đã cố gắng hết sức để làm cho không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn. Ta tìm thấy trong con người cụ bao đức hạnh tốt đẹp của người mẹ Việt Nam nhân ái giàu đức hi sinh âm thầm. Bà cụ Tứ chính là một đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ Việt Nam đôn hậu, chân thành, đáng trân trọng biết bao.

Vối hệ thống nhân vật không nhiều một tình huống truyện éo le, cách kết cấu mới lạ, Kim Lân đã làm sáng lên vẻ đẹp nhân phẩm con người. Bởi nhà văn đã cho ta thấy trong hoàn cảnh trớ trêu nhất, giữa một kiếp sống lay lắt mòn mỏi, con người vẫn không bị đánh gục bởi hoàn cảnh mà luôn khao khát vươn sống, hướng về nhau và hướng về tương lai. Trong không gian xóm ngụ cư nghèo khổ, tối tăm, câu chuyện cảm động về những con người sống dưới đáy cùng của xã hội nhưng quý trọng và tôn trọng nhau đã được bắt đầu. Câu chuyện ấy diễn ra ngày càng rõ nét cụ thể, sinh động trong căn nhà liêu xiêu của mẹ con Tràng. Không gian đã góp phần làm nổi lên hoàn cảnh để câu chuyện diễn ra một cách tự nhiên, chân thực.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại chọn thời gian bắt đầu câu chuyện là một chiều hoàng hôn, tiếp diễn trong đêm đen dày đặc và kết thúc vào một buổi bình minh rực rỡ. Phải chăng dụng ý của Kim Lân là muốn thể hiện niềm tin vào tương lai, những con người sống có hi vọng sẽ vượt qua nghịch cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, còn một chi tiết nghệ thuật nữa cũng đã góp phần thể hiện sâu sắc ngòi bút nhân đạo của nhà văn: lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong mắt Tràng. Chi tiết nghệ thuật ấy, phải chăng, đã chỉ ra con đường giải phóng những cuộc đời bé mọn đang bị nhấn chìm trong đêm đen nô lệ? Chí Phèo muốn hoàn lương phải trả giá bằng mạng sống của mình. Chị Dậu bỏ chạy trong một “đêm đen tối như chính tiền đồ của chị” mà không thể tìm thấy lối thoát cho kiếp nô lệ bị chà đạp, đè nén đến tận cùng nỗi đau. Còn Tràng, anh được chỉ cho một lối đi là đấu tranh cách mạng để làm chủ cuộc đời mình. Kim Lân đã đi xa hơn những nhà văn trước đó trong điểm này. Chi tiết nghệ thuật ấy chính là một tín hiệu cho thấy sự phát triển của nền văn học sau Cách mạng tháng Tám 1945 so với trước đó.

  • Kết bài:

Thời gian trôi đi và phủ một lớp bụi quên lãng lên vạn vật. Thế nhưng, đã gần nửa thế kỉ qua, “Vợ nhặt” và tên tuổi của “nhà văn thuần hậu nguyên thuỷ đi về với nông thôn Việt Nam” – Kim Lân vẫn sống cùng tháng năm. Và có lẽ, mãi mai sau, người ta vẫn nhắc tên Kim Lân với “đứa con tinh thần” của ông một cách trân trọng. Bởi nhà văn đã biết thông qua tác phẩm văn học để “tôn vinh con người bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Ấy là phẩm chất sáng tạo nghệ thuật mà bất kì người nghệ sĩ nào cũng cần có.

Nghị luận: Tác phẩm nghệ thuật chân chính không chấm dứt ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang