Chứng minh rằng: Văn học là nhân học (M.Gorki)

nghi-luan-van-hoc-la-nhan-hoc-678

Chứng minh rằng: Văn học là nhân học (M.Gorki)

  • Mở bài:

Văn học là một trong những bộ môn nghệ thuật cơ bản của con người. Giữa văn học và đời sống có mối liên hệ chặt chẽ. Văn học lấy con người làm đối tượng trung tâm của sự phản ánh. Văn học khởi phát từ hiện thực cuộc sống và quy lại phục vụ chính cuộc sống ấy. Bởi thế, nhà văn M.Gorki cho rằng: Văn học là nhân học là hoàn toàn có lý.

  • Thân bài:

Văn học là hoạt động nghệ thuật bằng ngôn ngữ của con người. Sản phẩm của hoạt động là tác phẩm văn học. Nhân học là khoa học về con người. Như vậy, theo M.Gorki văn học là khoa học về con người. Con người và đời sống của con người là đối tượng phản ánh của văn học. Văn học lấy con người làm đối tượng trung tâm, không có một tác phẩm nào có giá trị mà không nói đến con người. Văn học phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm, ước mơ, tình yêu và khát vọng của con người.

Từ khi chữ viết chưa phổ biến, qua ca dao, tục ngữ, con người không ngừng thẻ hiện ước mơ, khát vọng của mình. Những tác phẩm văn học thuở ban đầu tuy đơn giản nhưng là bức tranh sinh động về đời sống con người. Đó là đời sống lao động hăng say, sức mạnh chinh phục thiên nhiên. Đó là đời sống tình cảm thân tình, hữu ái, có yêu thương, chia sẻ, có thù oán, căm hận. Con người gửi gắm tất cả vào văn học và tiếp tục truyền cảm hứng đến mai sau. khi các lĩnh vực khoa học khác chưa ra đời, văn học đã là một khoa học khám phá con người.

Đến khi các ngành khoa học ra đời và phát triển, văn học vẫn tiếp tục thiên chức của nó một cách trọn vẹn và hỗ trợ đắc lực cho các ngành khoa học khác. Truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao phản ánh chân thực cuộc sống đói khổ cùng cực của con người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8 qua hình tượng nhận vật lão Hạc, một lão nông cùng khổ nhưng hết lòng yêu thương con và giàu lòng tự trọng. Tác phẩm gây được sự đồng cảm của con người đọc nhờ những hình ảnh trung thực như cuộc sống vốn có và tấm lòng cảm thương con người của nhà văn. Không một khoa học nào có thể đi vào đời sống nội tâm của nhân vật và lý giải nó chính xác, có khả năng truyền cái nội tâm ấy đến người đọc tốt hơn tác phẩm văn học.

Văn học còn ca ngợi tình yêu thương, bảo vệ con người đặc biệt là những con người nghèo khó, bất hạnh, khổ đau. Tắc phẩm văn học giúp ta thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đối với số phận con người trong mọi thời đại. ĐọcTruyện Kiều” của Nguyễn Du, ta không khỏi cảm thương cho nàng kiều xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố ta nhận ra đó là bài ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và sức sống mạnh mẽ của con người phụ nữ nông dân trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Từ hình ảnh nhân vật chị Dậu, ta cùng cảm thương thân phận người nông dân nghèo khó, phải gánh chịu biết bao bất hạnh, khổ đau.

Cuộc sống là nơi xuất phát của văn học, đồng thời cũng là nơi văn học hướng đến phục vụ. Một tác phẩm văn học được tạo ra là nhằm để phục vụ cho đời sống con người. Không để thực hiện được chức năng ấy, tác phẩm văn học sẽ không có giá trị gì nữa. Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” của Adesxen là một bài ca cảm động về khát vọng được thấy hạnh phúc của con người. Từ hình ảnh cô bé bán diêm gọi lên trong ta suy nghĩ làm thế nào để trên mặt đất này không còn những em bé bất hạnh như cô bé bán diêm .

Không nghi ngờ gì nữa, văn học chính là nhân học, là khoa học về con người. Con người sáng tạo ra tác phẩm không phải để giải trí tầm thường mà là để phục vụ cho chính cuộc sống mà làm thay đổi cả thế giới. Nhà văn là người cho máu. Một một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy, và không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người. Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người.

  • Kết bài:

Câu nói “Văn học là nhân học” đã khẳng định rõ ràng nhiệm vụ của văn nghệ sĩ và thiên chức của nhà văn. Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ ngợi ca, phát triển và bảo vệ cuộc sống con người. Văn học đang âm thầm làm điều đó. Văn học chính là nhân học. Mỗi nhà văn chính là nhà thư ký trung thành của thời đại mình. Thông qua tác phẩm nghệ thuật, nhà văn khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp một cách khoa học và nhân đạo nhất.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: "Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: "Tình yêu thương con người" - Thế Kỉ
  2. Chứng minh: “Văn học góp phần dựng xây tâm hồn" - Theki.vn
  3. Chứng minh: Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.