Làm sáng tỏ nhận định: Tư tưởng không phải dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá, chỉ tung bọt trắng xóa, mà là mạch nước ngầm thấm nhuần lòng đất và nuôi sống muôn cây (Raxun Gamzatốp)

“Tư tưởng không phải dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá, chỉ tung bọt trắng xóa, mà là mạch nước ngầm thấm nhuần lòng đất và nuôi sống muôn cây” (Đaghetxtan của tôi, Raxun Gamzatốp, NXB Cầu vồng, tr 44 )

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.


  • Mở bài:

Có ai yêu một loài hoa không hương, một cánh chim bay không gửi lại đời tiếng ca thánh thót? Và liệu có ai sẽ yêu một áng văn chương nghệ thuật ép khô trong xác chữ vô cảm, được chắp nhặt một cách khéo léo dưới bàn tay của một người thợ lành nghề? Tác phẩm nghệ thuật là chữ nghĩa nhưng không hoàn toàn là chữ nghĩa, nó đâu chỉ là nơi thể hiện tài nghệ sắp xếp ngôn từ của nhà văn mà đó còn là nơi gửi gắm những tư tưởng sâu sắc trước cuộc đời của người nghệ sĩ. Chính Korolenco cũng đã từng khẳng định: Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm văn học. Nói về linh hồn đặc biệt này, nhà văn Raxun Gamzatốp trong tác phẩm Đaghetxan của tôi đã khẳng định: Tư tưởng không phải là dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá, chỉ tung bọt trắng xóa, mà là mạch nước ngầm thấm nhuần lòng đất và nuôi sống muôn cây.

  • Thân bài:

Nếu có thể coi đề tài và chủ đề phần nào thuộc về phương diện khách quan thì tư tưởng lại hoàn toàn thuộc về phương diện chủ quan của tác phẩm, mang đậm cái nhìn và tình cảm cá nhân của người sáng tác. Đó là sự đánh giá và bộc lộ ý nghĩa của những gì đã được thể hiện, là cách giải quyết vấn đề đã đặt ra trong tác phẩm theo một khuynh hướng nhất định vốn có ở lập trường, quan điểm của tác giả. Một tác phẩm cần có tư tưởng để tồn tại và một tư tưởng muốn tồn tại thì cần có một cách thể hiện khéo léo.

Tư tưởng không phải là dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá, chỉ tung bọt trắng xóa, không phải thể hiện một cách ồn ào, to tát hay hiển hiện một cách trực tiếp, có thể nhìn thấy ngay được giống như những lớp bọt kia. Những tư tưởng sâu sắc, thấm thía phải giống như mạch nước ngầm, ẩn dưới lớp ngôn từ, hình tượng, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bằng cái nhìn hời hợt nhưng lại có vai trò vô cùng to lớn. Nó thấm nhuần trong lòng đất và nuôi sống muôn cây nghĩa là chi phối tới toàn bộ các yếu tố và làm nên sức sống của tác phẩm. Nếu không có mạch nước ấy tưới mát, nuôi dưỡng làm sao cây có thể phát triển, kết trái, đơm hoa? Câu nói của Raxun Gamzatốp đã kết hợp giữa hình ảnh so sánh và cách nói phủ định để khẳng định đặc trưng, vai trò và cách thể hiện tư tưởng trong tác phẩm văn học trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị những tư tưởng giản dị, thấm thía và có chiều sâu đòi hỏi người đọc phải tìm kiếm và phát hiện.

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, là tấm gương phản ánh hiện thực ngoài kia. Nhưng hiện thực cuộc đời khi đi vào trang văn phải được thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, tức là tác phẩm văn học không đơn thuần chỉ là sự phản ánh mà còn là sự gửi gắm cách nhìn, tình cảm , những suy ngẫm, thái độ với cuộc sống nhân sinh của người cầm bút, hay nói một cách đơn giản hơn tác phẩm cần có cho mình một tư tưởng có giá trị. Tư tưởng là yếu tố hình thành đầu tiên ngay cả khi quá trình nghệ thuật chưa thực sự bắt đầu. Khi trong nhà văn hình thành một tư tưởng thì cũng là lúc các thành tố khác của tác phẩm được tạo thành.

Có thể nói rằng tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân, là nền móng, là điểm tựa vững chắc cho sự hình thành nghệ thuật, là yếu tố chi phối của mọi  hoạt động sáng tạo. Hơn nữa chỉ khi mang trong mình một tư tưởng đúng đắn, sáng tác của nhà văn mới trở thành một tác phẩm đúng nghĩa, là sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa hai yếu tố khách quan và chủ quan, hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, tức là có giá trị, như nhà văn Nguyễn Khải đã từng khẳng định: Giá trị của tác phẩm văn học trước hết nằm ở giá trị tư tưởng của nó. Đó chính là quy luật bất biến của nghệ thuật văn chương. Tư tưởng của nhà văn đã giúp văn học hoàn thành sứ mệnh cao cả của nó đó là vị nhân sinh, mang đến cho con người một bài học trông nhìn và thưởng thức (Thạch Lam), giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý ( M. Gorki).

Tư tưởng có vai trò rất quan trọng đối với đứa con tinh thần của tác giả nhưng tác phẩm văn học tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác cho dù ấy là tư tưởng rất hay (Khrapchenco). Cách thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ là một bước ngoặt quyết định tư tưởng cao cả, chân chính của anh ta liệu có đến được với bạn đọc, liệu tư tưởng ấy có còn nguyên giá trị khi được cụ thể hóa trên trang sách? Bởi vậy mới nói quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình đầy gian lao, vất vả. Có được một tư tưởng đã khó, thể hiện nó còn khó hơn. Khi đã có được một tư tưởng đúng đắn và sâu sắc nhưng cách thể hiện lại như tuyên truyền, hô hào, nhà văn đã biến tác phẩm của mình trở thành cái loa phát thanh thì dù tư tưởng ấy có nhân văn, có ý nghĩa, lớn lao đến đâu thì cũng chỉ như dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá, không neo đậu lại trong tâm trí người đọc, chẳng thể thuyết phục độc giả ở phương diện lí trí hay tình cảm.

Văn học, đó là vấn đề của tình cảm, vậy nên nó thường tiếp cận con người theo phương diện cảm xúc. Thông qua những dòng cảm xúc dạt dào, văn học truyền tải những thông điệp, tư tưởng nghệ thuật theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Thay vì đứng ngoài chỉ đường cho bạn đọc, văn học tìm cách để con người tự mình tìm ra hướng đi, tự giác ngộ, giáo dục chính mình. Vậy nên, ở những tác phẩm có giá trị, tư tưởng luôn được người nghệ sĩ thể hiện một cách nhuần nhuyễn, giản dị, không xuất hiện khoa trương, lồ lộ mà luôn được náu mình trong những hình tượng sinh động, những nhân vật ấn tượng, những chi tiết sâu xa,…. và cả trong những cảm hứng sâu lắng của tác giả.

Tư tưởng lúc này phải trở thành phần chìm dưới những con chữ, trở thành ánh kim sa giúp tác phẩm cất cánh bay cao. Và dường như lời nhận định của Raxun Gamzatốp không chỉ là sự khẳng định về tầm quan trọng của cách thể tư tưởng nữa, mà nó còn mang đến cho ta một cái nhìn về vấn đề tiếp nhận văn học, về mối quan hệ sâu sắc giữa nhà văn – tác phẩm – bạn đọc. Nhà văn với một trái tim chân thành, đầy nhiệt lửa sáng tạo ra những tư tưởng có giá trị rồi tìm cho nó một cách thể hiện độc đáo, ấn tượng. Người đọc đến với tác phẩm, sống hết mình với đứa con của nhà văn, tìm ra tư tưởng triết lí mà tác giả gửi gắm, khám phá ra cả những điều mà nhà văn chưa nghĩ đến và rồi trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Khi ấy, tác phẩm đã thực sự hoàn thành hy vọng mà người nghệ sĩ gửi gắm.

Charles Dubos đã từng nói: Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng. Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm cũng giống như hương sắc là linh hồn của một đời hoa. Bất cứ một tác phẩm có giá trị đều mang trong mình ít nhiều một tư tưởng và tuyệt nhiên tư tưởng ấy phải là dòng nước ngầm thấm nhuần lòng đất và nuôi sống muôn cây. Theo cách nói của Hê-minh-uê, một nhà văn Mĩ nổi tiếng thì chính là nguyên lí tảng băng trôi mà ông đã đề cập đến qua nhiều tác phẩm của mình trong đó có tiểu thuyết bất hủ Ông già và biển cả. Hành trình theo đuổi, chiến đấu và bắt được con cá kiếm chính là hành trình theo đuổi và thực hiện ước mơ, hành trình khám phá và chinh phục thế giới tự nhiên, hành trình vượt qua thử thách của con người,…

Tư tưởng nhân văn của Hê-minh-uê không hề được thể hiện trực tiếp trong con chữ mà được gợi lên qua những hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa – ông lão Xan-ti-a-gô và con cá kiếm, qua hình ảnh bộ xương cá vô hồn, vô dụng, qua cái ý nghĩ đầy tích cực lần này nhất định sẽ được của ông lão. Dòng tư tưởng ấy được ẩn sâu dưới lớp vỏ ngôn từ, dưới hình ảnh, hình tượng sống động, chỉ khi người đọc thực sự nhập vào cuộc chơi của tác giả, tự tay mình bóc tách lớp vỏ kia thì mới có thể thấu hiểu được tư tưởng của tác phẩm. Bởi có người đã nói rằng muốn hiểu, muốn thấu phải trải qua mới biết. Cũng chính vì vậy mà tất cả tác phẩm ở mọi thể loại, không riêng gì Ông già và biển cả – tác phẩm đem lại giải Nobel danh giá cho Hê-minh-uê, đều có tư tưởng như dòng nước ngầm thấm nhuần lòng đất. Điều đó cũng đúng với Tì bà hành của Bạch Cư Dị. Chỉ cần một tiếng tì bà mà gợi ra cuộc đời của người cô phụ trên bến Tầm Dương, một tấm lòng nhân đạo tha thiết của nhà thơ. Và có lẽ trong văn học Việt Nam, không một ai thoát khỏi nỗi ám ảnh và đau xót khi nghe tiếng chửi của Chí Phèo trong cơn say dưới đôi mắt chan chứa tình người của Nam Cao…

Đến với thi phẩm Vội vàng của Xuân Diệu, ta sẽ bắt gặp một tư tưởng hết mực cao đẹp và đậm chất nhân văn. Đó là khát khao giao cảm, tình yêu đời đắm say, cuống quýt, lòng ham sống mãnh liệt, muốn được tận hưởng từng phút từng giây của thi nhân. Nhưng tư tưởng ấy không phải như dòng nước đổ ầm ầm xuống qua các tảng đá,chỉ tung bọt trắng xóa. Bởi những từ yêu, yêu lắm, yêu quá không xuất hiện trong các câu thơ của Vội vàng. Thay vì những từ ngữ trực tiếp ấy, Xuân Diệu lại sử dụng những hình ảnh đẹp, những động từ mạnh, phép ẩn dụ đầy ấn tượng để cụ thể hóa niềm yêu của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Xuân Diệu đã mở đầu dòng cảm xúc bằng một ước muốn hết sức táo bạo, cháy bỏng. Tắt nắng, buộc gió là mong ước xoay vần vũ trụ, tạo lập lại vạn vật không gian. Mong tắt nắng chỉ để màu đừng nhạt, muốn buộc gió để hương đừng bay. Rốt cuộc tất cả chỉ vì tình yêu đời quá đắm say, khát vọng quá mãnh liệt muốn lưu giữ lại hương sắc của thiên nhiên, của đất trời khi xuân đến. Này đây hoa thơm, trái ngọt của mùa xuân thắm đang mời gọi chúng ta đó. Ta đâu cần tìm kiếm xuân sắc ở đâu xa, đâu phải cứ cỏ non xanh tận chân trời mới là xuân đến, đâu phải cứ chim én từng đàn mới là xuân sang? Xuân trong thơ Xuân Diệu là ong bướm này đây tuần tháng mật, là cành tơ phơ phất, là khúc tình si, là một mùa xuân tồn tại ngay trước mắt ta, ngay trong giây phút này. Có người đã nói rằng: Thế giới vẫn vậy, chỉ đôi mắt ta thay đổi. Thay đổi điểm nhìn Xuân Diệu đã phá vỡ những quy luật tưởng chừng như bất diệt của thơ xưa. Chàng trai trẻ ấy nhận ra rằng chuẩn mực của cái đẹp không còn là thiên nhiên nữa mà là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Và cũng bởi vậy mà thi sĩ đã nhìn thiên nhiên dưới dáng hình của một người thiếu nữ:

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sáng thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý thơ xô đẩy, khuôn khổ câu chữ phải lung lay (Hoài Thanh). Lần đầu tiên trong thơ ca từ xưa đến nay, một khái niệm trừu tượng như tháng giêng lại được hữu hình, hữu vị, trở thành đôi môi người thiếu nữ, đỏ mọng căng tràn. Hình ảnh đầy cảm giác, biết tìm đâu ngoài thơ Xuân Diệu? Dưới đôi mắt xanh non biếc rờn tràn ngập tình yêu của thi nhân lá liễu dài như một nét mi, trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ.

Một mùa xuân như vậy ai mà không yêu, huống chi một người luôn khao khát giao cảm với đời như Xuân Diệu? Vì yêu nên mới khao khát nhưng cũng vì yêu nên mới đau đớn nhận ra sự chảy trôi vô tình của năm tháng:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Dấu chấm giữa dòng chia ý thơ thành hai vế và cũng chia trái tim nhà thơ thành đôi nửa. Một nửa sung sướng đắm say, một nửa còn lại thì bàng hoàng đau đớn bởi thi nhân hiểu rằng:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
 Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Câu thơ vang lên như một tiếng nghẹn ngào của một con người đau đớn nhận ra giây phút tuổi trẻ không phải vĩnh cửu, đời người chẳng sánh được với núi sông. Và từ đây mùa xuân từ thời tươi đã bước sang thời phai với chia li, tiễn biệt. Nhưng lạ thay dù có chia xa nhưng trong giọng thơ không hề có chán nản, bi quan. Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét: Dù vui hay buồn người đều nồng nàn tha thiết. Khi vui nồng nàn là lẽ đương nhiên nhưng khi buồn mà vẫn tha thiết thì có lẽ chỉ duy nhất Xuân Diệu. Có phải vì tình yêu quá mức mãnh liệt nên dù đau khổ, buồn bã có lớn đến mức nào cũng không thể sánh được với tình yêu đời đắm say của người thi nhân ấy? Có phải cũng vì thế mà Xuân Diệu mới nhanh chóng tìm được cách giữ được hương sắc đất trời mặc thời gian chảy trôi? Đối với Xuân Diệu lúc này, chỉ còn cách duy nhất là:

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Tình yêu đã hóa thành hành động, từ khát vọng giao cảm đã hóa thành mong ước chiếm hữu. Xuân Diệu muốn ôm lấy tất cả cuộc sống này, riết lấy trong đôi tay hăm hở, đắm đuối trong men say cánh bướm với tình yêu. Nhưng vẫn chưa thỏa lòng, thi nhân còn muốn thâu nghĩa là muốn thu hết tất cả, muốn chiếm lĩnh trọn vẹn tuyệt đối khiến cỏ cây, non nước như không còn là những thực thể bên ngoài nữa mà hòa nhập tận độ trong cả tâm hồn và thể xác. Và đỉnh điểm của cao trào cảm xúc ấy là cắn. Cắn là động thái mạnh nhất trong hệ thống từ tăng tiến, nó đưa nhà thơ lên đến đỉnh điểm của hạnh phúc. Hình ảnh thi sĩ hiện ra qua lớp động từ đó là con người say đắm vô cùng trước cuộc đời, coi cuộc đời là thiên đường trên mặt đất để cắm rễ, hút mật ngọt của đời.

Tư tưởng của Xuân Diệu đã trở thành mạch nước ngầm thấm nhuần vào từng câu, từng chữ, từng hình ảnh, từng cách ngắt nhịp, từng dấu câu,… Nó tồn tại bên trong mỗi yếu tố cấu thành tác phẩm, len lỏi khắp huyết quản của đứa con nhà thơ, để mà ngay cả khi nói về nỗi buồn thì cái bạn đọc nhận được vẫn là tình yêu, khát khao hết sức cao đẹp của thi nhân. Và khi ta sống hết mình với tác phẩm, mạch nước nguồn ấy từ những câu chữ, hình ảnh, hay cả những dấu câu sẽ theo một đường chảy vào trái tim người độc giả, nuôi dưỡng cái đẹp trong tim bạn đọc , khiến bạn đọc đọc Vội vàng mà có cảm giác như đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn (Lê Đạt).

Nếu như trong thơ, tư tưởng được thể hiện qua hình ảnh, cảm xúc, nhịp điệu, đôi khi là dấu câu thì trong truyện ngắn, tư tưởng lại được thể hiện qua cách tác giả sáng tạo tình huống; xây dựng nhân vật; lựa chọn cách trần thuật và giọng điệu… Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo – tình huống truyện nhận thức để làm nổi bật tư tưởng nhân đạo mà ông muốn gửi gắm. Đó là quan niệm mà ông đã đúc rút được sau thập kỉ 80 của thế kỉ XX: Cuộc đời vốn đa sự con người thì đa đoan. Cuộc sống bao gồm vô vàn nghịch lí mà sách vở không thể lí giải, chỉ có trải qua mới có thể thấu hiểu. Với việc xây dựng tình huống nhận thức, mà trong đó nhân vật thể hiện quá trình nhận thức của mình, mọi tình tiết đều dẫn đến sự bừng tỉnh, giây phút nhân vật giác ngộ là lúc mọi chân lí, tư tưởng sâu sắc nhà văn gửi gắm sẽ như đóa quỳnh gặp trăng bung trào, nở rộ.

Cuộc sống không bao giờ đơn giản xuôi chiều, không bao giờ chỉ là cái ta nhìn thấy trước mắt mà nó còn là cái ẩn ở phía sau đó. Chân lí ấy Phùng đã không hề nhận ra trước khi chứng kiến nỗi khốn khổ của người đàn bà hàng chài. Giây phút được chiêm ngưỡng cảnh tượng mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng… anh biết rằng đó là tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho mình, và rằng đó là một cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp thực đơn giản và hoàn bích. Trái tim anh rung lên, bối rốinhư có cái gì bóp thắt vào. Trong khoảnh khắc ấy, người nghệ sĩ đã cảm nhận được cái chân, cái thiện của cuộc đời, tâm hồn anh như được gột rửa, trở nên tinh khôi, thánh thiện, trong trẻo. Anh thấy rằng bản thân cái đẹp chính là đạo đức.

Thế nhưng lúc khám phá ra chân lí về sức mạnh lớn lao của nghệ thuật cũng là lúc anh thấy bàng hoàng, chết lặng, không thể tin vào mắt mình bởi cảnh tượng hiện ra phía sau nó. Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp lung linh, huyền ảo ấy lại là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; một người đàn ông to lớn, dữ dằn; một cảnh tượng tàn nhẫn: gã chồng đánh đập người vợ một cách thô bạo. Người vợ nhẫn nhục, cam chịu, không hề nói lại một lời, cũng không hề có ư chống cự, không t́m cách chạy trốn những trận đòn của chồng. Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái tát của cha, ngã dúi xuống cát. Anh không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp diệu kì của tạo hóa lại là bi kịch của cuộc đời, là biểu hiện của cái ác, cái xấu đến không thể tin được. Khi hiện thực phơi bày trước mắt thì anh thấy không còn gì là đạo đức, là cái chân, cái thiện của cuộc đời nữa. Đến lúc này, Phùng đã không thể đứng yên, anh vứt chiếc máy ảnh xuống đất rồi chạy nhào tới, sẵn sàng hi sinh những bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho vì mẹ con người phụ nữ khốn khổ kia.

Tạo dựng những chi tiết, hình ảnh tương phản gay gắt, những phát hiện đầy nghịch lí, Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải đến người đọc những thông điệp sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng phải gắn bó với cuộc đời và vì con người. Trước khi hết lòng vì cái đẹp nghệ thuật, người nghệ sĩ hãy sống hết mình vì cuộc đời, với những buồn vui của cuộc đời để trải nghiệm thực sự. Và vì cuộc sống vốn đa chiều nên chúng ta không thể nhìn bằng con mắt hời hợt bên ngoài, không thể nhìn một chiều, cũng không thể nhìn từ xa mà phải thâm nhập sâu sắc vào đời sống, tắm mình trong đời sống để nhận ra cái bản chất, cốt lõi của sự thật. Nói theo cách nói của Chế Lan Viên là Phát giác sự vật ở những bề chưa thấy – ở cái bề sâu, ở cái sau, ở cái bề xa. Cũng từ hai bức tranh ấy, tác phẩm còn thể hiện quan niệm, tư tưởng về cái đẹp của Nguyễn Minh Châu: cái đẹp cần thống nhất với cái thiện, cái đẹp là đạo đức.

Không chỉ gợi ra nhận thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, Nguyễn Minh Châu còn mang đến cho người đọc nhận thức về những nghịch cảnh, về lẽ đời cay cực, về cái lí của sự tồn tại. Những nghịch lí lại tiếp tục bày ra trước mắt người đọc, người đàn bà hàng chài ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng nhưng kiên quyết không chịu li dị với gă chồng vũ phu. Khi Đẩu muốn giúp đỡ mụ ta thoát khỏi nạn bạo lực gia đình, người đàn bà hàng chài lại liên tục vái lạy, chấp nhận tù tội chứ tuyệt đối không bỏ lão đàn ông đã hành hạ mụ ta. Cái cảnh đời trớ trêu ấy, làm sao kẻ ngoài cuộc có thể hiểu được.

Qua lời bộc bạch của người đàn bà, người đọc thấy được cái bất đắc dĩ của mụ ta, của những người đàn bà sống trên thuyền quanh năm lênh đênh cùng sóng biển. Người đàn bà sống trên thuyền không giống như những người đàn bà sống trên cạn được, họ không phải sống cho riêng họ mà sống cho những đứa con Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên mặt đất được. Họ cần người đàn ông để chèo chống, để vượt qua những ngày bão giông trên biển lớn. Nếu không phải do người đàn bà nói ra thì sao Phùng và Đẩu biết được cái khó khăn nhọc nhằn của người làm ăn, cái bất đắc dĩ của những người đàn bà hàng chài. Đúng là sự đời ai trải qua thì mới hay. Mọi sự tồn tại đều có hạt nhân hợp lí. Hành động của người đàn bà hợp lí đến  chua chát, cay đắng. Chừng nào gió trên biển vẫn nổi, con sóng dữ vẫn làm khó tay chèo, chừng nào miếng cơm manh áo vẫn là vấn đề bức thiết của xã hội thì chừng đó người đàn bà vẫn chẳng thể bỏ được hắn ta.

Trước lời tâm sự của người đàn bà, Phùng Và Đẩu như nhận ra đằng sau cái vẻ ngoài xấu xí, thô kệch của người đàn bà là những vẻ đẹp sâu kín bên trong, là bản chất tốt đẹp, là sự thâm trầm trong việc thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Chính người đàn bà thất học, lam lũ ấy đã dạy cho người nghệ sĩ Phùng và vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển một bài học về cách nhìn nhận con người và cuộc đời Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển. Dưới cái nhìn của Phùng và Đẩu gã đàn ông cũng chỉ là một kẻ khốn nạn, dã man, tàn bạo nhưng trong cái nhìn bao dung và nhân hậu của người đàn bà lão ta cũng chỉ là một kẻ khốn khổ. Gã vốn hiền lành nhưng chỉ vì cuộc sống đói khổ mà bị tha hóa, cái nghèo đã làm hắn trở nên tàn nhẫn, cái đói đã biến hắn thành một kẻ vũ phu, đánh đạp vợ con. Thì ra, người đàn ông cũng chỉ là nạn nhân của số phận, của cái đói, cái nghèo quẩn quanh. Chính môi trường, hoàn cảnh sống phi nhân đạo đã đẩy con người thành kẻ có những hành động tàn bạo như thế. Cái nhìn, đôi mắt chính là điều mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới bạn đọc Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Thay đổi điểm nhìn, dùng tình thương, lòng bao dung để nhìn con người và đời sống, ta sẽ nhận ra những góc khuất còn ẩn giấu dưới muôn mặt đời thường, sẽ tìm thấy những vẻ đẹp khuất lấp…

Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Minh Châu, tư tưởng nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, một cách nhẹ nhàng và tự nhiên đã đi vào trong lòng người đọc. Độc giả bước vào trang sách, cùng nhà văn cảm thông cho nỗi khổ của con người, băn khoăn, trăn trở đến day dứt trước số phận của họ, trân trọng những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn lẫn trong cái lấm láp, lam lũ của đời thường…; cùng với các nhân vật đi từ hiểu lầm đến nhận thức, rồi bừng tỉnh và cuối cùng là thấu hiểu tư tưởng của tác giả. Và từ đây bạn đọc đã có được cái nhìn mới mẻ sâu sắc hơn về cuộc đời, về con người xung quanh!

  • Kết bài:

Nhận định của Raxun Gamzatốp là một lời khuyên đúng đắn, ý nghĩa cho người nghệ sĩ và cho cả bạn đọc. Đối với nhà văn, muốn có được tư tưởng hay, anh bắt buộc phải sống sâu với cuộc đời, trải nhiều, hiểu nhiều, trau dồi ngòi bút. Còn với bạn đọc, cần phải có một vốn sống phong phú, phải sống hết mình cùng tác phẩm, cảm nhận được cái hay cái đẹp của tư tưởng nhà văn gửi gắm, trở thành người đồng sáng tạo với người nghệ sĩ. Trải qua bao năm tháng, các tác phẩm chân chính sẽ vẫn còn mãi trong lòng đọc giả. Và lời nhận định của Raxun Gamzatốp đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang