suy-nghi-ve-hien-tuong-hoc-doi-pho-cua-hoc-sinh-ngay-nay

Suy nghĩ về hiện tượng học đối phó của học sinh ngày nay

Suy nghĩ về hiện tượng học đối phó của học sinh ngày nay.

I. Mở bài:

– Dùng danh ngôn hoặc câu hỏi gợi mở vào đề (nếu sử dụng cách mở bài gián tiếp).

– Nêu ý chính, điều cần phân tích từ việc học đối phó.

II. Thân bài:

1. Giải thích học đối phó là gì?

– Học tập mà không có hứng thú, say mê, không tìm hiểu, không động não, ham thích, học với thái độ chống đối, chỉ cốt học cho xong mà không hề có đam mê hay hứng thú với việc học.

– Học để tránh né, bị ép buộc, áp đặt từ ba mẹ, gia đình.

– Thể hiện sự đối phá bằng những hành động khác nhau, không gây ra tác hại ngay lập tức, nhưng để lại nhiều hậu quả xấu.

Học đối phó sẽ gây hệ lụy rất lớn đến tương lai của mỗi học sinh, khiến cho học sinh trở nên lười suy nghĩ và để lại nhiều hậu quả xấu khó lường.

2. Biểu hiện của cách “học đối phó”.

– Không trung thực trong học tập, không tự giác làm bài khi được giao mà chỉ chờ để chép bài bạn hoặc chép lời giải trên mạng, chép sách tham khảo khi thầy cô giao bài tập.

– Thiếu nghiêm túc trong giờ học, học một cách thụ động, hỏi bạn, nhìn bài, làm mọi cách gian lận trong thi cử để có điểm cao.

– Khi thầy cô giảng bài, lơ đễnh làm việc riêng, uể oải chép bài cho được cái mác “siêng học”.

– Thiếu trung thực trong thi cử để có danh hiệu, đối phó với lòng tin của ba mẹ, sự nghiêm khắc của thầy cô, …

3. Tác hại của việc học đối phó.

– Ảnh hưởng đến tâm lý, gây thụ động, ỷ lại, không chịu tư duy, dẫn đến nhàm chán.

– Học đối phó sẽ cản trở đến sự phát triển của học sinh, khiến cho học sinh mất kiến thức căn bản, khó có thể đạt được thành công bền vững.

– Ảnh hưởng đến sự trung thực của con người, học sinh đánh mất dần những nhân cách tốt.

– Học đối phó còn khiến cho chất lượng giáo dục đi xuống vì không đánh giá được đúng năng lực thực tế của học sinh. Về lâu dài, làm suy thoái nền giáo dục nước nhà.

→ Những người học đối phó không bao giờ đạt thành công thực sự trong đường đời.

4. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học đối phó ở học sinh:

– Do ý thức tự giác trong học tập của một số học sinh chưa cao, không xác định được mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp những bài tập khó.

– Do áp lực điểm số từ phía gia đình hoặc nhà trường khiến cho học sinh phải chạy theo điểm số.

– Gia đình, nhà trường thiếu sự quan tâm sâu sắc đến việc học của học sinh.

5. Cần phải làm gì để ngăn chặn nạn học đối phó?

– Học sinh chúng ta phải thay đổi ngay từ hôm nay, phải xây dựng ý thức học tập tích cực, chủ động tìm hiểu và tiếp thu kiến thức, tự giác trong việc học, cần xác định mục tiêu, kế hoạch học tập rõ ràng và cần ý thức được tầm quan trọng của việc tự học.

– Ứng dụng những công nghệ hiện đại để giúp ích cho việc học tập.

– Trung thực khi thi cử, trong trường lớp, với bạn bè và chính bản thân.

– Gia đình và nhà trường cần sát sao đối với việc học ở nhà và trên trường của các bạn học sinh, không nên gây sức ép quá lớn đối với việc học để tránh tình trạng mất hứng thú với việc học.

 

6. Bài học nhận thức.

– Học đối phó là cách học nguy hại, cần phải loại bỏ.

– Nần cao ý chí học tập, xác định phương pháp và kế hoạch học tập đúng đắn, khoa học, phù hợp và hiệu quả.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị đích thực của việc học: Tự nhủ sẽ luôn học tập tốt, bằng chính khả năng và thực lực của mình.

– Kêu gọi thiếu niên chủ động học tập, vì tương lai đất nước, vì hạnh phúc mỗi con người.


Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Từ ngàn xa xưa đến nay, việc học đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống con người chúng ta. Tuy nhiên bên cạnh những người chăm chú, siêng năng trong việc học còn có những kẻ chỉ học đối phó, qua loa, không chú ý tâm. Lối học ấy gây ra những hậu quả khôn lường mà bản thân người học ít khi nghĩ đến.

  • Thân bài:

“Học đối phó” là tình trạng học sinh học bài không trên tinh thần tự nguyên, học chỉ để thi, chỉ để qua một kì kiểm tra, và cuối cùng chữ thầy lại trả cho thầy, là lối học bị động, xem việc học là phụ, chỉ có hình thức mà thôi. Đây là một hiện tượng xảy ra rất nhiều ở học đường, rất khó kiểm soát. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên hệ quả khó lường, học sinh hổng kiến thức cơ bản nặng, học xong là quên hết, không lưu lại một thứ gì trong đầu.

Việc học đối phó ngày nay xuất hiện khá nhiều trong các trường học hay công ty. Nhiều người chỉ lo lấy bằng cấp mà đầu óc rỗng tuếch, trống không khiến chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. Biểu hiện của việc học đối phó đối với học sinh là không chủ động với học tập mà đợi khi thầy cô trả lời mới học. Vì không có mục đích để cố gắng nên họ sinh ra chán nản, mệt mỏi, không thích học tập và thành tích không cao. Trong lớp học thì số học sinh học đối phó cũng không ít. Họ đợi thầy cô kiểm tra mới học hoặc khi thầy cô có kiểm tra mới làm bài. Do đó, chỉ vì chủ yếu đối phó với thầy cô nên học không tiếp thu được kiến thức, đầu óc trống rỗng, thiếu kiến thức dẫn đến không có việc làm, không thành người.

Ngày nay, lối học đối phó chạy theo bằng cấp ngày cành tràn lan. Rất nhiều người mua bán bằng cấp và cũng có rất nhiều người sư dụng bằng cấp nầy nhưng lại thiếu kiến thức, hiểu biết khiến xã hội ngày càng đi xuống. Như Linh Ka – một bạn trẻ nổi tiếng trên cộng đồng mạng đã nói rằng : “Điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp 3 và đại học mà” . Qua trên có thể thấy có rất nhiều bạn trẻ cũng suy nghĩ như vậy. Dó chính là suy nghĩ sai lệch nên cần phải điều chỉnh lại suy nghĩ này, không nên để ý nghĩ như vậy trong đầu chúng ta.

Nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng học đối phó là do ý thức tự giác trong học tập của một bộ phận học sinh chưa cao, các bạn không xác định được mục tiêu học tập rõ ràng nên dễ nản chí khi gặp những bài tập khó mà không chịu mày mò tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan đến từ phía gia đình hay nhà trường khiến cho các bạn học một cách chống đối. Áp lực điểm số từ phía gia đình vô tình đã trở thành rào cản khiến các bạn học trong trạng thái chán nản bởi bất cứ vị phụ huynh nào cũng đều mong muốn con mình trở thành người tài giỏi nhưng lại ép con học đến mức không có thời gian nghỉ ngơi. Về phía nhà trường thì chưa có cách xử lý triệt để khi học sinh học chống đối hoặc do các thầy cô giao bài tập về nhà quá nhiều khiến nhiều bạn nản chí nên chỉ muốn đi chép bài để nộp cho nhanh xong.

Do vậy, để có thể khắc phục được tình trạng học chống đối ở học sinh và đưa non sông Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thì mỗi học sinh chúng ta cần có thái độ nghiêm túc trong học tập, cần xác định mục tiêu, kế hoạch học tập rõ ràng và cần ý thức được tầm quan trọng của việc tự học để đạt được hiệu quả học tập cao nhất có thể chứ không phải chỉ là những điểm số ảo trên giấy. Chúng ta cần chủ động đọc bài và làm bài tập trước ở nhà để khi đến lớp có thể tự tin thể hiện kết quả mình đã làm trước cả lớp. Điều quan trọng không thể thiếu để giúp các bạn học sinh tự giác trong học tập đó chính là sự quan tâm, giám sát và đồng hành từ phía gia đình và nhà trường để giúp các bạn cảm thấy việc học không còn là áp lực nặng nề mỗi khi tới trường nữa.

Học sinh chúng ta ngày nay cần phải xác định cho mình mục đích học tập là học cho ai, học để làm gì mới có thể tránh được kiểu “học đối phó” thường gặp bây giờ. Bên cạnh đó, ta cần phải chủ động trong việc học bài, làm bài đầy đủ trước khi đến lớp, trong lớp chăm chú nghe giảng, học phải đi đôi với hành. Phải có tiếp thu kiến thức nhiều mới mở rộng được hiểu biết và nhờ vậy giúp đất nước trở nên giàu mạnh hơn.

  • Kết bài:

Lối học đối phó là lối học rất nguy hại, cần phải trừ bỏ nó như một loại virus độc hại nên cần né tránh nó, đừng để bị lây nhiễm. Chúng ta cần xác định mục đích học tập tốt để sau này trở thành người có ích cho Tổ Quốc.

Vai trò của học tập đối với sự thành công của con người (nghị luận lớp 7)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang