Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ (Bài 2, Ngữ văn 8, tập 1, Cánh Diều)

viet-doan-van-ghi-lai-cam-nghi-sau-khi-doc-mot-bai-tho-sau-chu-bay-chu-ngu-van-8

Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ.

I. Định hướng.

1. Cách viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ, các em đã được rèn luyện từ lớp 6. Sách Ngữ văn 8 tiếp tục giúp các em rèn luyện kĩ năng này để ghi lại cảm nghĩ về bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ mà em yêu thích.

* Tìm hiểu bài mẫu:

– Nhà văn Nguyên Hồng ấn tượng với những hình ảnh, chi tiết nào trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan?

– Nhà văn Nguyên Hồng ấn tượng với những hình ảnh, chi tiết:

+ Thuộc lòng, xúc động và nhớ mãi những câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang.

+ Đèo Ngang vào buổi chiều tà.

+ Với cảnh cây cỏ và núi non thấy được sự heo hút của những câu thơ trên kia.

+ Cứ nghe thấy những tiếng đanh đanh khắc khoải “cuốc cuốc” vang lên,…

– Hãy chỉ ra các từ ngữ, câu văn thể hiện cảm xúc, sự liên tưởng và tưởng tượng mà bài thơ gợi ra cho người viết.

→ Các từ ngữ, câu văn thể hiện cảm xúc, sự liên tưởng và tưởng tượng mà bài thơ gợi ra cho người viết:

+ …tôi thuộc lòng, xúc động và nhớ mãi những câu thơ….

+ Trong trí tưởng tượng, Bà Huyện Thanh Quan đã đưa tôi đến Đèo Ngang đúng vào buổi chiều tà.

+ Tuổi lên bảy, lên tám của tôi khi ấy lại còn được những rung động này nữa:…

+ Không ai bày cách cho tôi cảm xúc, nhưng tôi cứ nghe thấy những tiếng đanh đanh khắc khoải “cuốc cuốc” vang lên,…

2. Để viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ, các em cần chú ý:

– Đọc kĩ để hiểu nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Xác định được các yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng và gợi cảm xúc, suy nghĩ của em.

– Viết đoạn văn, trong đó nêu rõ: Em có cảm xúc, suy nghĩ về điều gì trong bài thơ (nội dung hay nghệ thuật; một dòng, khổ, đoạn hay cả bài thơ)? Đó là cảm xúc, suy nghĩ gì (xúc động, vui, thích, buồn, nhớ, đồng cảm, băn khoăn,…)? Vì sao em lại có cảm xúc, suy nghĩ đó? Lựa chọn đưa vào đoạn văn một số dòng thơ mà em ấn tượng để làm rõ cảm nghĩ của bản thân.

II. Thực hành.

1. Thực hành viết theo các bước.

Bài tậpHãy viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư.

a) Chuẩn bị:

– Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Nắng mới.

– Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

b) Tìm ý và lập dàn ý:

– Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Em thích nhất dòng, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ?

→ Em thích cả bài thơ.

+ Dòng, khổ, đoạn thơ hay bài thơ đó có gì đặc sắc về nội dung hoặc nghệ thuật?

→ Nội dung bài thơ xoay quanh chủ đề về tình cảm gia đình, làm nổi bật cảm xúc chủ đạo về nỗi nhớ thương mẹ trong kí ức tuổi thơ của tác giả. Qua đó, bài thơ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, đồng thời thể hiện lòng yêu thương, nỗi nhớ và niềm nuối tiếc của tác giả. Bên cạnh đó, nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cũng làm nên sự thành công bởi các yếu tố: thể thơ bảy chữ, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, phép nhân hóa đặc sắc, âm điệu da diết lắng sâu, các thanh bằng trắc, các từ láy giàu giá trị biểu cảm,…

+ Yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật ấy gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng gì?

→ Yếu tố ấy giúp em nhận thức rõ về sự thiêng liêng của tình mẫu tử trong cuộc sống. Qua đó, em tự rút bài học cho bản thân rằng mình nên bày tỏ tình yêu thương nhiều hơn qua lời nói và hành động, và thể hiện trách nhiệm hiếu thảo đối với mẹ.

– Lập dàn ý cho đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần. Dựa vào các gợi ý, hãy hoàn thành dàn ý sau:

Mở đoạn: – Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc ở dòng, khổ, đoạn thơ hoặc bài thơ.
Thân đoạn: – Nêu cụ thể cảm nhận, suy nghĩ của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn.
Kết đoạn: – Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc đã trình bày.

c) Viết:

– Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng các từ ngữ, câu văn biểu cảm thể hiện được chính xác, sinh động cảm xúc, suy nghĩ của em.

– Đảm bảo yếu tố về hình thức của một đoạn văn.

* Đoạn văn tham khảo:

Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư đã mang tới cho em nhiều cảm xúc thật đặc biệt. Qua bài thơ, em cảm nhận được nỗi nhớ và tình yêu mẹ vô bờ của tác giả. Nỗi nhớ da diết, lắng đọng của nhân vật “tôi” cũng chính là tình cảm chân thành mà con dành cho mẹ. Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết, tâm tình, nhà thơ Lưu Trọng Lư muốn bày tỏ tình yêu thương mãnh liệt của mình đối với mẹ. Đúng như những gì Hoài Thanh đã nhận định: “Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư”. Thơ của ông luôn có một sức hút đặc biệt với mọi người. Tác phẩm của ông là lời ca chan chứa về tình mẫu tử thiêng liêng.Qua đó, thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp của người Việt Nam, đó là tình cảm gia đình thiêng liêng, sâu sắc.Nhờ đó, em tự nhận thấy trách nhiệm phải hiếu thảo của mình đối với mẹ và càng yêu thương mẹ của mình nhiều hơn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa:

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Viết, mục d (trang 32); nội dung kiểm tra đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

2. Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn biểu cảm.

a) Cách thức:

Để viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ, người viết có thể kết hợp:

– Bộc lộ trực tiếp cảm nghĩ về bài thơ qua việc lựa chọn sử dụng các từ ngữ biểu cảm, câu văn cảm thán, câu hỏi tu từ,…

– Bộc lộ gián tiếp cảm nghĩ về bài thơ bằng cách tưởng tượng, hình dung ra bức tranh thiên nhiên, con người trong tác phẩm, liên tưởng các chi tiết, hình ảnh,…trong bài thơ với những tác phẩm văn học khác hoặc với cuộc sống, kỉ niệm của bản thân.

Dù bộ lộ theo cách nào thì cũng cần dựa vào bài thơ và cảm nhận của bản thân. Sơ đồ dưới đây là một gợi ý giúp các em thực hiện hoạt động này.

b) Bài tập:

Đoạn văn nào bộc lộ trực tiếp, đoạn văn nào bộc lộ gián tiếp cảm nghĩ về bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư?

Trả lời:

– Đoạn văn “Năm nào, cuối xuân, đầu hạ, nắng mới cũng trở về,….” bộc lộ trực tiếp cảm nghĩ về bài thơ.

– Đoạn văn “Trong cuốn phim quay chậm của kí ức tác gủa, hình ảnh người mẹ hiện lên…” bộc lộ gián tiếp cảm nghĩ về bài thơ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.