»» Nội dung bài viết:
Biện pháp ẩn dụ
I. Ẩn dụ là gì?
– Biện pháp ẩn dụ là cách gọi tên hiện tượng, sự vật này bằng tên, hiện tượng hay sự vật khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho biểu đạt.
II. Một số hình thức ẩn dụ
Trong biện pháp ẩn dụ có thể chia ra làm 4 hình thức khác nhau:
1. Ẩn dụ hình thức:
(là cách gọi sự vật A bằng sự vật B dựa trên sự tương đồng về hình thức)
Ví dụ:
Về thăm nhà Bác Làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
+ Thắp: ẩn dụ ám chỉ hoa râm bụt đang nở hoa.
+ Thắp và nở đều có điểm chung về cách thức.
→ Câu thơ có sử dụng hình ảnh ẩn dụ “lửa hồng” để nói về hoa râm bụt dựa trên sự tương đồng về hình thức là màu đỏ của lửa và màu đỏ của hoa râm bụt.
2. Ẩn dụ cách thức.
(là cách gọi sự vật A bằng sự vật B dựa trên sự tương đồng về cách thức)
Ví dụ:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
+ Kẻ trồng cây đó là những con người lao động, ám chỉ những người tạo ra thành quả lao động.
→ Câu tục ngữ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về cách thức là “ăn quả” tương đồng với “hưởng thành quả lao động”, còn “trồng cây” tương đồng với “công lao người tạo ra thành quả”.
3. Ẩn dụ phẩm chất.
– Ẩn dụ phẩm chất (chuyển đổi tên gọi những sự vật, hiện tượng có nét tương đồng với nhau ở một vài điểm nào đó về tính chất, phẩm chất (là cách lấy phẩm chất của sự vật A để chỉ phẩm chất của sự vật B).
Ví dụ:
“Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm”
+ Người cha: ẩn dụ nói đến Bác Hồ
+ Người cha và Bác Hồ đều có điểm chung về phẩm chất.
→ Câu thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về phẩm chất của “người cha” với Bác Hồ. Hình ảnh Bác chăm lo giấc ngủ cho các chiến sĩ giống như người cha đang chăm sóc cho những đứa con yêu của mình.
4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
– Chuyển đổi tên gọi những sự vật, hiện tượng có nét tương đồng với nhau ở một vài điểm nào đó về cảm giác. Ẩn dụ này thường dùng kết hợp các từ ngữ chỉ cảm giác loại này với cảm giác loại khác (là những ẩn dụ trong đó B là một cảm giác vốn thuộc một loại giác quan dùng để chỉ những cảm giác A vốn thuộc các loại giác quan khác hoặc cảm xúc nội tâm. Nói gọn là lấy cảm giác A để chỉ cảm giác B).
Ví dụ 1:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
+ giọt long lanh: hình ảnh thị giác
+ hứng: tiếp nhận bằng cảm giác.
→ Câu thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự chuyển cảm giác từ thị giác sang xúc giác. Những giọt sương long lanh phải được cảm nhận bằng thị giác nhưng ở đây lại được chuyển sang xúc giác.
Ví dụ 2:
“Trời hôm nay nắng giòn tan”.
– Có thể thấy, đây là câu nói sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Theo đó, thay vì sử dụng giác quan thị giác (mắt) để cảm nhận thì khi miêu tả trời nắng lại sử dụng từ “giòn tan”, là từ phải sử dụng vị giác. Mục đích của ẩn dụ ở đây là miêu tả cảm giác nắng rất lớn, có thể làm khô mọi vật.
Ví dụ 3:
Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
Huế giải phóng nhanh mà anh lại muộn về.
(Tố Hữu)
III. Tác dụng của ẩn dụ.
Trong các tác phẩm văn học, ca dao, thơ thường sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ.
– Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng giúp tăng sức biểu cảm cho câu văn/câu thơ. Sức mạnh của ẩn dụ chính là tính biểu cảm. Cùng một đối tượng nhưng ta có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau (thuyền – biển, mận – đào, thuyền – bến, biển – bờ) cho nên một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau.
+ Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc cao giúp người đọc người nghe hấp dẫn và bị lôi cuốn.
Ví dụ :
“Người Cha mái tóc bạc”
→ Nếu dùng như cách thông thường thay người cha bằng “Bác Hồ mái tóc bạc” sẽ trở thành một câu thông thường và mất đi tính biểu cảm. Bài thơ sẽ vô vị.
IV. Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ.
Nhiều học sinh rất hay nhầm lẫn giữa ẩn dụ và hoán dụ. Vì vậy chúng tôi sẽ giúp bạn phân tích điểm giống và khác nhau giữa 2 hình thức này.
a. Giống nhau:
– Về bản chất cả 2 biện pháp tu từ đều gọi sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác.
– Dựa theo quy luật liên tưởng, gần gũi với nhau.
– Ẩn dụ và hoán dụ đều giúp tăng sức biểu cảm, diễn đạt đến với người đọc, người nghe.
b. Khác nhau:
– Cơ sở liên tưởng ẩn dụ của 2 sự vật/sự việc đó ít nhất có điểm tương đồng, giống nhau. Sự vật A mặc dù không liên quan đến sự vật B nhưng miễn sao có điểm giống nhau khi đó có thể dùng A thay cho tên B.
– Cơ sở liên tưởng của hoán dụ của 2 sự vật/sự việc đó sự gần gũi. Sự vật A liên quan trực tiếp đến sự vật B.
→ Ẩn dụ còn có thể kết hợp với các biện pháp khác ví dụ như nhân hóa, so sánh… tất cả đều có mục đích cuối cùng là tăng sự hiệu quả khi diễn đạt cho người đọc, người nghe.
Xem thêm:
Pingback: Con chim chiền chiện (Huy Cận) (Bài 1, Ngữ Văn 7, tập 1, sách Chân trời sáng tạo. - Theki.vn