Biện pháp tương phản, đối lập là gì?

bien-phap-tuong-phan-doi-lap

Biện pháp tương phản, đối lập.

I. Phép tương phản, đối lập.

1. Tương phản là gì?

– Phép tương phản trong nghệ thuật là việc tạo ra những cảnh tượng, hành đông, tính cách trái ngược nhau để làm nổi bật một ý tưởng hoặc tư tưởng của tác giả.

Ví dụ:

Trong tác phẩm “Sống chết mặc bay”, Phạm Duy Tốn đã xây dựng thành công các hình ảnh tương phản, đối lập:

+ Sự tuyệt vọng khốn cùng của nhân dân trước sự thịnh nộ của thiên nhiên khi chống lại bão lũ.

+ Sự trái ngược: Người dân đằm mình bỏ mạng khi đê vỡ >< quan sung sướng khi thắng ván bài to.

Trong bài thơ “Tấm ảnh” của Tố Hữu đã sử dụng biện pháp tu từ tương phản:

“O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế, to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

2. Đối lập là gì?

a. Khái niệm: Phép đối lập là cách sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói, biểu đạt cảm xúc tư tưởng…

b. Đặc điểm: 

– Số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau.

Ví dụ:

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”

(Tục ngữ)

– Các từ ngữ đối nhau phải cùng từ loại với nhau (danh từ đối với danh từ, động từ – tính từ đối với động từ – tính từ).

Ví dụ:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”.

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Các từ đối nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải cùng trường nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau để gây hiệu quả bổ sung, hoàn chỉnh về nghĩa.

Ví dụ:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

(Hồ Xuân Hương)

c Phân loại:

– Có hai loại đối:

+ Tiểu đối (tự đối): Các yếu tố đối xuất hiện trong nội bộ một câu, một dòng.

Ví dụ:

“Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

+ Trường đối (bình đối): dòng trên và dòng dưới, đoạn trên và đoạn dưới đối nhau.

Ví dụ:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

(Qua đèo Ngang – Bà huyện Thanh Quan)

d. Tác dụng của đối lập:

– Gợi sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản).

“Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

– Tạo ra sự hài hoà về thanh:

Ví dụ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù” (Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)

→ Phép đối lập tạo nên sự hài hòa về âm thanh, tạo nên sự dồn dập, thôi thúc, căm phẫn.

+ Nhấn mạnh ý: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” (Ca dao)

+ Phép đối trong câu tục ngữ thường phục vụ cho sự so sánh, đối chiếu để khẳng định, nhân mạnh những kinh nghiệm, những bài học về cuộc sống xã hội hay hiện tượng tự nhiên.

4 bình luận

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Thực hành tiếng Việt: Biện pháp tu từ đối (Bài 2, Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.