Cảm nhận khổ 1 và 2 bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

phan-tich-kho-1-va-2-bai-tho-vieng-lang-bac-vien-phuong

Cảm nhận khổ 1 và 2 bài thơ “Viếng lăng Bác” (Viễn Phương)

  • Mở bài:

Năm 1976, nhà thơ Viễn Phương có dịp cùng đoàn cán bộ miền Nam ra Hà Nội viếng lăng Bác. Sự kiện lịch sử trọng đại ấy khiến nhà thơ không khỏi bồi hồi, xúc động. Bao năm mong mỏi, hôm nay được ra viếng Bác, nhà thơ bùi ngùi hồi tưởng về Bác, về tấm lòng của Bác đã dành cho nhân dân, về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, về nền hòa bình mới mẻ của đất nước. Bài thơ Viếng lăng Bác ra đời trong hoàn cảnh ấy. Khổ 1 và 2 của bài thơ thể hiện niềm xúc động lẫn tự hào của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ, Viễn Phương mở ra một không gian mênh mông, khoáng đạt theo tầm nhìn. Lời thơ bột phát tự nhiên như lời nói:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng” 

Câu thơ “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” thật ngắn gọn nhưng nó lại là một lời tâm sự chân tình của nhà thơ cũng như hàng triệu người con miền Nam. Một tiếng “con” thật ấm áp, gần gũi, thể hiện lòng kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác. “Con ở miền Nam” vừa chứa đựng một nỗi đau, xót xa của người con phương xa vừa bộc lộ niềm tự hào lớn lao. Miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam đi trước về sau, miền Nam thành đồng Tổ quốc, miền Nam vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo trở về trong đại gia đình Việt Nam. Nhà thơ hào hứng mang niềm tự hào ấy khoe với Bác, kể cho Người nghe những chiến công oai hùng của quân và dân đã kiên cường chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, giành lại nền độc lập, thống nhất nước nhà như lòng Bác đã mong mỏi.

Ghi nhận cuộc viếng tha, tác giả dùng từ “thăm” trong câu thơ chứ không phải là “viếng”. Cách nói giảm nói tránh giúp làm giảm bớt nỗi đau thương trước mất mát quá lớn, đồng thời tạo nên sự gần gũi, thân tình. Đây là một cuộc viếng thăm, là sự trở về của người con miền Namy, bên người cha già vĩ đại của dân tộc, một cuộc hội ngộ thỏa lòng ước mong. Chính từ “thăm” tinh tế và dung dị ấy khiến người đọc không còn cảm giác xa cách nữa.

Gây ấn tượng mạnh mẽ trong tầm nhìn của nhà thơ chính là hình ảnh hàng tre xanh ngát quanh lăng Bác. Hình ảnh ấy được nhà thơ hình tượng hoá, trở nên kì vĩ lạ thường:

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Cây tre trong đời sống tự nhiên là loài cây có sức sống bền bỉ, kiên cường. Với người dân Việt nam, cây tre là biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục dẫu điều kiện sống có khó khăn, khắc nghiệt đến thế nào. Tre là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự cưu mang, nâng đỡ từ thế hệ này đến thế hệ khác. Hàng tre trùm bóng mát rượi lên bao thế hệ cuộc đời, vừa là người bạn thân thiết cùng con người cam khổ có nhau, vừa là người đồng chí kiên trung, sống chết không rời. Tre ăn sâu bám rẽ vào lòng đất, nhẫn nại, kiên trì, “dẫu có bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng” cũng là hình ảnh của con người Việt Nam dẻo dai, đoàn kết, bất khuất, kiên cường trước mọi kẻ thù hung bạo. Vượt lên trên tất cả, cây tre là biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm, không sức mạnh nào khuất phục nổi.

Từ hình ảnh hàng tre xanh xanh, nhà thơ ngước nhìn lên bầu trời trong xanh, ánh mặt trời chói lọi gợi liên tưởng đến Bác Hồ vĩ đại:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Phép ẩn dụ đặc sắc nâng cao sức biểu đạt đạt của ý thơ. Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là mặt trời thiên tạo, là hành tinh quan trọng nhất của vũ trụ, nó gợi ra sự kì vĩ, ấm áp, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời toả sáng là nguồn cội của sự sống vĩnh tồn. Hình ảnh “mặt trời trong lăng” hay chính là Bác Hồ, biểu tượng của sáng sáng lí tưởng, là tình cảm yêu thương của Bác dành cho nhân dân ấm đến muôn đời. Bác Hồ soi đường dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bác đã cùng nhân dân vượt qua trăm ngàn gian khổ, hi sinh để đi tới chiến thắng quanh vinh, trọn vẹn. “Mặt trời” – Bác Hồ tỏa hơi ấm tình thương bao la trong lòng mỗi con người Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã so sánh Bác như: “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Cái nghĩa, cái nhân lớn lao của Bác đã tác động mạnh mẽ, sâu xa tới mỗi số phận con người.

Từ láy “ngày ngày” đứng ở đầu câu vừa diễn tả vòng tuần hoàn bất biến của tự nhiên, vừa góp phần vĩnh viễn hóa, bất tử hóa hình ảnh Bác Hồ trong lòng mọi người và giữa thiên nhiên vũ trụ.

Hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác đã được nhà thơ miêu tả một cách độc đáo và để lại nhiều ấn tượng:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Từ láy “ngày ngày” một lần nữa lặp lại với hàm nghĩa mới. Những dòng người nặng trĩu nhớ thương từ khắp mọi miền đất nước đã về đây xếp hàng, lặng lẽ theo nhau vào lăng viếng Bác. Bằng sự quan sát trong thực tế, tác giả đã tạo ra một hình ảnh ẩn dụ đẹp và sáng tạo: “tràng hoa”.

Hiểu theo nghĩa thực, “tràng hoa” là những bông hoa tươi thắm kết thành vòng hoa được những người con khắp nơi trên đất nước và thế giới về thăm dâng lên Bác để bày tỏ tình cảm, tấm lòng nhớ thương, yêu quý, tự hào của mình. Theo nghĩa ẩn dụ, “tràng hoa” chỉ từng người một đang xếp hàng viếng lăng Bác mỗi ngày là một bông hoa ngát thơm. Những dòng người bất tận đang ngày ngày vào lăng viếng Bác nối kết nhau thành những tràng hoa bất tận. Những bông hoa -tràng hoa rực rỡ đó dưới ánh mặt trời của Bác đã trở thành những bông hoa – tràng hoa đẹp nhất dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” 79 năm cuộc đời của Người.

  • Kết bài:

Với hình ảnh thơ sáng tạo, vừa cụ thể, xác thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng, giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa xót xa, tha thiết lại chan chứa niềm tin và lòng tự hào, thể hiện đúng những tâm trạng bộn bề của bao người khi vào lăng viếng Bác, nhịp thơ chậm rãi, cấu trúc câu và từ ngữ được lặp lại gợi liên tưởng đến những bước đi chầm chậm của dòng người vào lăng viếng Bác trong không khí thiêng liêng, thành kính và niềm cảm xúc thiết tha, khổ 1 và 2 bài thơ Viếng lăng Bác biểu lộ tấm lòng thành kính, và biết ơn sâu sắc của nhà thơ, của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu, vị cha già vĩ đại của dân tộc.

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận vẻ đẹp hình ảnh "cây tre trung hiếu" trong bài thơ Viếng Lăng Bác - Thế Kỉ
  2. Phân tích dòng chảy tâm trạng của nhà thơ Viễn Phương qua bài thơ "Viếng lăng Bác" - Thế Kỉ
  3. Phân tích phép ẩn dụ trong khổ 2 và 3 trong bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương - Thế Kỉ
  4. Cảm nhận ý nghĩa 2 khổ thơ cuối bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương - Thế Kỉ
  5. Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ "Viếng lăng Bác" (Viễn Phương) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.