Mi-lan Kan-de-ra khẳng định: “Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn thường tìm hiểu và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chiều sâu của tác phẩm thể hiện ở khả năng đặt ra câu hỏi về mọi vấn đề trong xã hội. Chính người đọc sẽ tìm được câu trả lời chính xác theo cách riêng của mình”.
Bằng kiến thức và trải nghiệm văn học của mình, hãy bình luận ý kiến trên.
* Gợi ý làm bài:
1. Giải thích:
– Khi đặt bút viết một tác phẩm, nhà văn phải tìm kiếm và đặt ra rất nhiều câu hỏi: sự trăn trở của nhà văn với những vấn đề của đời sống, là cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của người cầm bút. Từ nhà văn ở đây nên được hiểu là từ chỉ tác giả văn học nói chung.
– Càng đặt ra được nhiều câu hỏi, nhà văn sẽ càng có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về một vấn đề trong xã hội và truyền tải được nó một cách đầy ý nghĩa và mới mẻ qua tác phẩm của mình.Việc làm nên chiều sâu của tác phẩm – vấn đề tư tưởng cho tác phẩm cũng bắt nguồn từ việc nhà văn đặt ra rất nhiều câu hỏi như vậy.
– Và cũng chính những tác phẩm có chiều sâu, thể hiện cái nhìn sâu sắc và tư duy mới mẻ của nhà văn như vậy mới có thể có sức sống trong lòng người đọc, khơi gợi ở người đọc sự đồng cảm, suy tư cùng với nhà văn.
– Trong nhận định của Mi-lan, kết quả về sự tìm hiểu thực tế của nhà văn là câu hỏi và chính điều này tạo ra chiều sâu cho tác phẩm. Nó cho thấy tác giả phẩm văn học không phản ánh hời hợt, dễ dãi ở bề mặt cuộc sống mà thực sự là những kiếm tìm, những trải nghiệm, những suy tư về hiện thực.
– Trên cơ sở những câu hỏi đó của nhà văn, người đọc sẽ tìm ra câu trả lời của riêng mình. Đó là cách thức, là con đường mà tác phẩm đi vào trong đời sống, trong tiếp nhận của người đọc.
→ Ý kiến đề cập đến phương thức nhận thức hiện thực độc đáo của văn học nhận thức thông qua việc đặt câu hỏi. Chỉ ra sự tương tác của nhà văn, tác phẩm và người đọc. Nhà văn không thay người đọc để đưa ra câu trả lời, nhà văn chỉ là người đặt câu hỏi và người đọc sẽ hoàn tất câu trả lời. Đó là tính chất cơ bản của tiếp nhận văn học. Nhận định đã đề cập đến sứ mệnh của nhà văn khi đặt bút viết tác phẩm, hay nói rộng ra là khi nhận thức mình với tư cách là một tác giả chân chính, giá trị của một tác phẩm văn chương và sự đồng sáng tạo nơi người đọc.
2. Bình luận.
– Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là giáo dục và nhận thức. Thiên chức cao cả của văn chương và nghệ thuật là phản ánh con người và hướng tới phục vụ con người.
– Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó (Nguyễn Khải). Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trước hết nó phải đề xuất được một tư tưởng lớn hay một ý niệm mới mẻ. Một nhà văn có tầm cỡ, trước tiên phải là một nhà tư tưởng độc đáo, là người biết đi sâu và có những phát hiện riêng của mình về chân lý đời sống, biết nhìn ra những điều mới lạ, khác thường trong những vấn đề xã hội tưởng như đã quen thuộc. Và một khi đã cảm nhận được sự khác lạ, đặc biệt ấy, nó sẽ gây cho người viết một sự tò mò, thích thú được khám phá, tìm tòi nhằm tìm ra câu trả lời thích đáng nhất cho những thắc mắc và suy nghĩ của mình.
– Cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề ở khía cạnh như thế nào sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Chính những vấn đề tư tưởng được nhà văn truyền đạt trong tác phẩm ấy sẽ là sức mạnh lớn nhất níu giữ người đọc ở lại với tác phẩm và có những trăn trở, suy nghĩ, những nhận định đánh giá riêng về các vấn đề ấy theo cách của riêng mình.
3. Chứng minh:
a. Tại sao việc đặt ra câu hỏi lại quyết định chiều sâu của một tác phẩm văn học khi nó phản ánh hiện thực?
– Vì tìm hiểu thực tế đời sống thực chất là một quá trình với nhiều chặng khác nhau:
+ Ở chặng thứ nhất, nhà văn thâm nhập thực tế và ghi nhận những sự kiện: Dẫn chứng: (Nam Cao ghi nhận sự kiện người nông dân bị bần cùng hóa (Lão Hạc), họ bị bứt ra khỏi làng xã quen thuộc, bị vứt vào những vùng đồn điền (con trai Lão Hạc), bởi nếu không rời bỏ xã hội làng xã họ sẽ phải sống cô độc như Lão Hạc, phải mất con, bán chó và chết thê thảm. Nam Cao còn ghi lại sự tha hóa của người nông dân về nhân phẩm (Chí Phèo). Những sự kiện không phải ngẫu nhiên, đơn lẻ như: chết vì miếng ăn, vì cái đói, sự lưu manh hóa trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông như một quy luật tàn nhẫn.)
+ Ghi lại những sự kiện đó, truy tìm nguyên nhân của những sự kiện đó.
- Dẫn chứng 1: (Ở điểm kết thúc tác phẩm của Nam Cao đầy ắp những câu hỏi. Có những câu hỏi trực tiếp: Thế lực nào đã đẻ ra Chí Phèo? Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho hết những vết sẹo trên gương mặt này? (Chí Phèo). Có những câu hỏi gián tiếp toát ra từ toàn bộ thế giới hình tượng của tác phẩm. Vì sao Chí lại đánh đổi mạng sống để làm người lương thiện? Vì sao nhân vật của Nam Cao lại nhiều nước mắt đến thế…Những câu hỏi như thế dẫn chúng ta vào tầng vỉa khác nhau của đời sống hiện thực. Đó chắc chắn là những câu hỏi đã từng tra vấn nội tâm Nam Cao một cách căng thẳng. Chính những câu hỏi như thế làm nên chiều sâu của tác phẩm.)
- Dẫn chứng 2: Hành trình của Nguyễn Minh Châu viết về số phận của người đàn bà hàng chài cũng đặt ra những câu hỏi tương tự; Vì sao người đàn bà có thể chấp nhận một cuộc sống như thời trung cổ đến thế? Tại soa cuộc sống đã hòa bình mà con người vẫn khổ như vậy? Người chồng vũ phu là đáng giận hay đáng thương?
- Dẫn chứng 3: Câu hỏi lớn của Nguyễn Du về những kiếp tài hoa bạc phận, thuyết tài mệnh tương đố: Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kì oan ngã tự cư (Độc Tiểu Thanh kí).
- Dẫn chứng 4: Nỗi trăn trở của Nguyễn Du về số phận dập vùi, chìm nổi của những kiếp má hồng, hồng nhan bạc phận trong xã hội phong kiến thối nát đề cao nam quyền và tiền quyền (Truyện Kiều).
- Dẫn chứng 5: Quan điểm về dại- khôn và vấn đề về quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nhàn).
→ Rõ ràng những câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp trong tác phẩm văn học là cách thức mà nhà văn khoan sâu vào những tầng vỉa trong cuộc sống, là con đường để nhà văn nhận thức, suy tư về bản chất của hiện thực. Những tác phẩm lớn, các câu hỏi đặt ra không chỉ có ý nghĩa với đương thời mà còn có ý nghĩa với muôn đời, gắn với nhiều thời đại, phổ quát cho cả loài người.
– Bằng cách nào nhà văn có năng lực đạt ra những câu hỏi như thế? Nhà văn phải đi rất sâu vào hiện thực, thậm chí phải đi qua những cảnh ngộ rất thơ mộng, đẹp đẽ như một tấm sưng mù (nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu), hoặc là phải trai qua một quá trình nhận thức (nhân vật ông Giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao). Quan trọng hơn, nhà văn phải có một tấm lòng luôn nhạy bén để thấu hiểu và cảm nhận bi kịch của con người.
b. Tại sao việc người đọc trả lời câu hỏi được nhà văn đặt ra trong tác phẩm lại là điều quan trọng?
– Tác phẩm văn học là một không gian không phải chỉ có tiếng nói duy nhất của tác giả. Tác phẩm văn học là không gian đối thoại của tác giả với độc giả. Chính việc đưa ra những câu trả lời khiến người đọc tham dự một cách tích cực vào tác phẩm. Để đưa ra những câu trả lời thì người đọc cần đến kinh nghiệm sống, và vì thế người đọc đem lại cho tác phẩm những ý nghĩa mới, nhờ đó tác phẩm không ngừng được bổ sung, sáng tạo, được tiếp thêm sức sống. (Biện giải cho từng cách hiểu: Ai đẻ ra Chí Phèo? Người đàn bà hàng chài đáng thương hay đáng trách?…)
– Ở mỗi thời đại khác nhau người ta quan tâm đến những câu hỏi khác nhau? Với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, có thời kì người ta quan tâm đến câu hỏi: Ai cho tao lương thiện? Có thời đại lại quan tâm đến câu hỏi: Làm thế nào cho mất đi những vết sẹo trên gương mặt này?
– Những câu hỏi của tác phẩm có trực tiếp và gián tiếp, câu hỏi trực tiếp là do nhà văn đưa ra, còn câu hỏi gián tiếp là do phần lớn người đọc đặt ra và chính người đọc sẽ tìm câu trả lời cho mình.
3. Đánh giá:
– Ý kiến của Kundera như một bài học cho những người cầm bút về một cách tiếp cận và khai thác vấn đề từ hiện thực đời sống. Càng khai thác được ở một vỉa quặng ẩn kín, ít ai đào tới thì nhà văn càng tìm ra được những viên đá quý hiếm cho tác phẩm của riêng mình. Tư tưởng và sáng tạo là sứ mệnh của nhà văn khi đến với văn chương.
– Bên cạnh việc có giá trị tư tưởng lớn, một tác phẩm muốn lưu truyền lại ở đời cũng cần phải có sức hấp dẫn, sinh động, mới mẻ ở phương diện nghệ thuật. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”.
– Trong nhận định của mình, Ku-de-ra nói tác phẩm có thể đặt ra câu hỏi về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Điều đó đúng nhưng có lẽ những câu hỏi có ý nghĩa nhất mà văn học đem đến cho con người là những câu hỏi phản biện về những điều cồn tồn tại trong xã hội, những câu hỏi tự vấn về chính mình… Nhờ những câu hỏi ấy mà văn học có sức thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn con người.
– Bài học sáng tạo và tiếp nhận: Đọc văn là quá trình tự nhận thức, tự giáo dục. Độc giả cũng cần là người đồng sáng tạo với nhà văn, qua đó bồi đắp và thanh lọc tâm hồn cho giàu có hơn, trong sáng hơn.