Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người (George Sand). Bằng trải nghiệm văn học, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

thien-huong-cua-nguoi-nghe-si-la-dua-anh-sang-vao-trai-tim-con-nguoigeorge-sand-bang-trai-nghiem-van-hoc-em-hay-lam-sang-to-nhan-dinh-tren

“Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. (George Sand). Bằng trải nghiệm văn học, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

  • Mở bài:

Thạch Lam đã từng quan niệm rằng: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, vừa để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn chương vốn là chỗ dựa tinh thần, là xứ sở của cái đẹp, hướng tâm hồn mỗi con người đến chân – thiện – mỹ và nhìn rộng ra thế giới. Bàn về chức năng của văn chương, về thiên chức của người nghệ sĩ, George Sand cũng đã nhận định rằng: “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”.

  • Thân bài:

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và cũng là một loại hình mang đến những chiều sâu chưa nói hết. Con người ta tìm đến văn chương không phải chỉ là thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật mà còn là để chữa lành tâm hồn. Với thiên chức cao cả của mình, văn chương không cho phép sự tạm bợ, sơ sài mà luôn có những sàng lọc khắt khe đối với những sáng tác của người cầm bút. Lẽ vậy mà một người nghệ sĩ chân chính phải “thiên hướng đưa ánh sáng vào trái tim con người”. “Thiên hướng” tức là khuynh hướng thiên về những điều có tính chất tự nhiên, chủ đạo. “Người nghệ sĩ” ở đây là người sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật để “đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Nghĩa là thông qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ đối thoại với bạn đọc về những hiểu biết thế giới xung quanh, về những bài học quý giá,… nhằm giúp con người sống tốt hơn, nhân văn hơn mà như Thạch Lam đã quan niệm là “thanh lọc tâm hồn” và làm cho lòng người được “trong sạch” và phong phú.

Suy cho cùng những trăn trở của nhà thuyết gia George Sand gửi gắm trong nhận định đã nhấn mạnh về yêu cầu sáng tác đối với người nghệ sĩ cũng như chức năng văn chương nói chung. Muốn trở thành một người nghệ sĩ chân chính thì khuynh hướng sáng tác chủ đạo là thắp sáng trong trái tim con người những tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ. Và văn chương chỉ thực sự có ý nghĩa khi viết về con người. Văn chương sẽ không là gì cả nếu như không vì con người.

Minh Châu cũng đã từng đối thoại: ‘‘Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người’’. Con người từ lâu đã trở thành đối tượng phản ánh của văn chương. Dù khắc họa bức tranh hiện thực khác nhau nhưng vấn đề cốt lõi mà nghệ thuật ngôn từ hướng đến vẫn là con người. Vì vậy, người nghệ sĩ phải có nhiệm vụ dẫn lối, đưa người gần người và gần với những giá trị chân – thiện – mỹ. Khi đó, anh mới hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Bàn về con người trong văn chương, có thể kể đến như hình tượng phụ nữ được phản ánh trong Truyện Kiều” của Nguyễn Du hay là “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Cũng viết về con người, Huy Cận với thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cᔓLặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là con người lao động mới. Con người trong văn chương còn nổi bật với hình tượng những người lính mộc mạc, giản dị trong “Đồng chí” của Chính Hữu, là những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và nữ thanh niên trinh sát trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, là người lính đã hy sinh trên chiến trường trong sáng tác “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng,…

Đối tượng phản ánh của văn chương luôn là con người. Vì vậy thiên chức của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng đến con người là điều tất yếu.Văn chương là một loại hình đa chức năng và trong đó có “nhân học”. Văn chương mà không có ánh sáng, không chiếu rọi thức tỉnh tâm hồn con người thì chỉ là những câu chữ sáo rỗng. Vấn đề tư tưởng, cảm xúc và những gửi gắm triết lý, quan niệm của người nghệ sĩ luôn là một yêu cầu cần thiết tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Thơ có có hay nhưng không có tư tưởng thì cũng chỉ là những câu chữ có vần. Tác phẩm anh có hấp dẫn, bóng bẩy nghệ thuật mà không mang tính chất đối thoại với đời thì cũng chỉ là những con chữ khô cứng trên trang giấy. Bàn về thứ ánh sáng chiếu rọi trong tâm hồn, hướng con người đến những điều tốt đẹp có thể kể đến sáng tác “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Không ồn ào, không náo nhiệt, những lời văn nhẹ nhàng đầy chất thơ của nhà văn đã mang đến hình tượng con người lao động mới đáng quý, đáng trân trọng. Đó là thứ ánh sáng về vẻ đẹp anh thanh niên nơi đỉnh núi Yên Sơn hoang vu, hẻo lánh. Một con người đã rời chốn phồn hoa đô thị để cống hiến sức mình với một công việc thầm lặng – khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Anh cũng đã từng đứng trong hàng ngũ xung phong ra chiến trường nhưng rồi gửi gắm thanh xuân nơi rừng núi đầy khó khăn, khắc nghiệt. Anh là con người trách nhiệm và ý thức vô cùng. Dẫu rằng không một ai trực chờ để nhắc nhở nhưng một giờ sáng – khoảng thời gian đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng vẫn miệt mài lao động, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cứ ngỡ cô đơn khiến tâm hồn ấy chán nản nhưng anh luôn cố gắng và sống lạc quan, tích cực. Con người này còn mang đến thứ ánh sáng giản dị của nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, khiêm tốn. Những suy nghĩ trong cách sống, cách làm việc, cách cống hiến của nhân vật anh thanh niên đã mang đến những nhận thức sâu sắc đối với người tiếp nhận. “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình là ai và làm việc gì’’. Đây chính là ý thức về sự tồn tại của bản thân để vượt qua những khó khăn nơi Yên Sơn. Vẻ đẹp lao động cũng như vẻ trong đời sống thường ngày của anh thanh niên chính là ánh sáng hướng mỗi con người đến với những giá trị tốt đẹp, đến với một cuộc đời ý nghĩa.

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht cho rằng: “Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.” Với bài thơ ‘‘Đồng chí’’ của Chính Hữu chính là một thứ ánh sáng như vậy. Thi sĩ đã gửi gắm trong những vần thơ của mình hình ảnh người lính giản dị, mộc mạc và gần gũi đến lạ thường:

‘‘Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau’’

Những người lính cụ Hồ xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, khó khăn về vật chất nhưng gắn bó keo sơn, nghĩa tình, đằm thắm biết nhường nào. Họ đến từ những mảnh đất xa lạ, cùng chung lý tưởng cứu quốc và gặp nhau nơi chiến trường mưa bom, bão đạn. Đây còn là sự gặp nhau của những trái tim dành trọn tình yêu cho quê hương, cho đất nước và cho sự nghiệp cứu quốc. Những người lính ấy chính là ánh sáng mạnh mẽ mà Chính Hữu muốn gửi gắm đến bao thế hệ bạn đọc.
Thứ ánh sáng vào trái tim của con người đôi khi còn là những khung bậc cảm xúc như xé cả không gian trong tác phẩm ‘‘Chiếc lược ngà’’ của Nguyễn Quang Sáng. Ta như chết lặng trong giây phút bé Thu gọi tiếng ba trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Khi được bà giải thích về vết thẹo – một chứng tích của chiến tranh ác liệt, thì em đã nhận cha trong hoàn cảnh ly biệt. Tiếng ba cất lên như xé tan cõi lòng và vỡ oà trong hạnh phúc. Tiếng ba mà đã dồn nén biết bao năm tháng đằng đẵng trong nỗi nhớ nhung da diết, khôn nguôi. Tình phụ tử càng trở nên thiêng liêng hơn khi được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc họa trong hoàn cảnh thời chiến. Ông Sáu – một người lính xông pha nơi chiến trường đã để thân mình về đất mẹ nhưng vẫn còn đó một trái tim thương yêu con da diết. Đến với tác phẩm, ta không chỉ thấy được sự éo le của tình cảm cha con ông Sáu mà còn là sự khốc liệt của chiến tranh – một thứ ánh sáng không khỏi khiến bạn đọc xót xa.

Muốn mang được ánh sáng vào tim con người, người nghệ sĩ phải sáng tạo tác phẩm bằng cả tài năng và tâm huyết. Đây là quá trình lao tâm khổ trí, đòi hỏi người viết sự va chạm với đời, đi sâu vào cuộc sống, góp nhặt những tinh túy của đất trời để gửi gắm vào lời thơ, áng văn. Ví như Nguyễn Du đã từng viết:

‘‘Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’’

(Truyện Kiều)

Hơn 200 năm Truyện Kiều của Nguyễn Duy vẫn phơi phới sức xuân, vẫn mặn mà quyến rũ. Người đọc bao thế hệ vẫn không khỏi ngậm ngùi, xót thương trước số phận tài hoa mà bạc mệnh của nàng Kiều. Cùng với đó là sự phản ánh bức tranh chân thực của xã hội phong kiến thối nát, coi trọng đồng tiền. Để viết nên những vần thơ như ‘‘Máu chảy đầu ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy’’ đó là cả quá trình bể dâu của đại thi hào Nguyễn Du. Thấu hiểu được bản chất của xã hội lúc bấy giờ, Nguyễn Du đã khái quát trong những vần thơ giàu sức gợi những hà khắc của xã hội và những bất hạnh, ba chìm bảy nổi, trôi man mác của thân phận người phụ nữ. Hơn nữa, người nghệ sĩ muốn đưa ánh sáng vào con người thì con đường duy nhất đó là đi từ trái tim đến trái tim. Cụ Nguyễn với ‘‘có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời’’ đã chạm đến trái tim không chỉ bạn đọc trong nước mà con nước ngoài.

Tuy nhiên, “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện.” Người nghệ sĩ sáng tác bên cạnh cái thiên bẩm thì đòi hỏi rất nhiều những yếu tố khác nhau. Đó là phải sống sâu sắc với đời, có được tình cảm chân thành, mãnh liệt, đồng thời phải luyện rèn tài năng, làm phong phú, giàu có hơn vốn ngôn ngữ của mình.

‘‘Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.’’

(Mai – a – cốp – xki)

Người nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực trau dồi chính bản thân mình để không chỉ đưa ánh sáng vào trái tim con người mà còn là những sáng tạo về hình thức nghệ thuật. Tác phẩm hay phải hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Và người tiếp nhận khi đến với một tác phẩm văn chương cũng cần rẽ văn đi tìm ánh sáng cho chính bản thân mình. Với một xã hội phát triển, việc những sáng tác văn chương trở nên phong phú và đa dạng thể loại nên người đọc cần có những lựa chọn riêng cho thứ ánh sáng mà mình khám phá.

  • Kết bài:

Văn chương đẹp không chỉ bởi cái đẹp được toát lên không chỉ từ những lộng lẫy của cuộc sống mà còn từ những góc khuất, từ những kiếp lầm than. Đến với văn chương, ta như đến với một tấm gương mà chỉ cần soi mình vào câu chữ là gặp gỡ được bản thân trong từng câu chuyện mà người viết truyền tải. Người nghệ sĩ vốn mang trên mình thiên chức cao cả và chân chính là vì con người. Từ đó, bạn đọc cần trân trọng quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ và hãy đến với văn chương để tìm cho mình một ánh sáng chữa lành, thanh lọc tâm hồn ngày càng tốt đẹp hơn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.