Dàn bài: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”
- Mở bài:
– Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ
- Thân bài:
* Giải thích ý nghĩa câu nói:
– Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
* Bàn luận:
– Thơ trước hết là cuộc đời:
+ Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc sống và vì cuộc sống – giá trị nhân đạo
+ Thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới xung quanh nên chất liệu thơ chính là những chất liệu từ cuộc sống. Đó có thể là những sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ
+ Lấy dẫn chứng phân tích: Sang thu, Tây Tiến… phân tích chất liệu cuộc đời được sử dụng để sáng tạo bài thơ
+ Đánh giá lại giá trị của thơ.
– Thơ là nghệ thuật:
+ Nếu cuộc đời bước vào trong thơ mà không được trau chuốt sẽ thô sơ và không có tính nghệ thuật
+ Tất cả chất liệu cuộc sống được phát hiện và chọn lựa đều phải được mài giũa mới trở thành hình ảnh thơ
+ Nhà thơ thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật để đưa cuộc sống bình thường vào những bài thơ dạt dào cảm xúc
+ Dẫn chứng: thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Huy Cận…
* Đánh giá:
- Kết bài:
Khẳng định lại ý nghĩa câu nói và rút ra bài học tiếp nhận văn học.
Bài văn tham khảo:
Giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, văn chương cũng có sứ mệnh của riêng mình. Đánh giá về sứ mệnh văn chương chân chính, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định “Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có”. Truyện hay thơ cũng như vậy, sứ mệnh của nó là nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì thế, nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã viết “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Câu nói của Bêlinxki có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Thơ là những tác phẩm văn học được cấu trúc bởi thanh điệu, vần, các hình ảnh, cảm xúc của người sáng tác… Cuộc đời là tất cả những gì chân thật nhất xảy ra đối với chúng ta mỗi ngày, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Còn nghệ thuật thường dùng để miêu tả cái đẹp, đẹp hình thức và cả tâm hồn. Nói “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”, Bêlinxki muốn khẳng định vai trò của cuộc đời với thơ ca nói riêng, với văn chương nói chung. Từ đó, khẳng định giá trị chân chính của thơ ca – “nghệ thuật vị nhân sinh” rồi mới “vị nghệ thuật”. Thơ trước hết phải vì con người, vì cuộc đời, vì hiện thực rồi mới là nghệ thuật.
Đó là ý kiến đúng đắn khi đánh giá về thơ. Vì sao lại nói như thế? Bởi lẽ thơ là thể loại đặc trưng của văn học, mà một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn học là gắn bó sâu sắc với cuộc sống, với cuộc đời và vì cuộc đời. Từ những chất liệu cấu thành tác phẩm đến nội dung tư tưởng gửi gắm trong tác phẩm đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc sống, truyền tải bằng con đường tiếp nhận từ tác giả đến độc giả và quay trở lại với cuộc đời, góp phần kiến tạo những giá trị cuộc đời.
Thơ ca thường được nhớ đến với cảm xúc, tình cảm được kết tinh bởi những rung động của người sáng tác. Nhưng, những rung động đó khởi nguồn từ đâu? Câu trả lời là cuộc đời. Nhà thơ hòa mình với cuộc sống, họ đứng giữa muôn dòng chảy cuộc đời và khám phá bằng đôi mắt tinh tế của mình, cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm trước mọi biến động. Họ vốn là những người dễ rung cảm, trăn trở và suy tư về cuộc đời, cảm nhận cuộc đời bằng tất cả giác quan. Những chất liệu bình thường của cuộc sống xuyên qua lăng kính tâm hồn nhà thơ, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác. Đó có thể chỉ là một sự vật nhỏ bé như chiếc lá, nhành hoa, cũng có thể là khoảnh khắc giao mùa trong năm. Nhà thơ thả hồn mình giữa những bước đi của thời gian, tinh tế phát hiện ra vẻ đẹp thi vị của chúng:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Như người dưng qua đường”
(Trích “Sang thu” – Hữu Thỉnh)
Chỉ là những đổi thay mờ nhạt của cảnh vật khoảnh khắc chớm thu, nhưng qua tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, những đổi thay ấy lại có thể khiến trái tim người động rung động.
Cuộc đời trong thơ cũng có khi là những hoài niệm đã qua vẫn còn ảnh hưởng đến thực tại và góp phần xây đắp thực tại. Giống như nỗi nhớ của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Những tháng năm chiến đấu gian khổ đã qua đi, nhưng bằng những vần thơ ấy, bằng tình cảm của nhà thơ, thế hệ bạn đọc mai sau đều phần nào cảm nhận được những gian lao và mất mát của lịch sử, biết ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống, biết trân trọng cuộc sống hôm nay. “Nghệ thuật vị nhân sinh” là ở đó, thơ ca vì cuộc đời là ở đó.
Thơ ca là nơi con người gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư. Thơ ca không thể tách rời cuộc đời. Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho thơ và thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời, cống hiến cho con người những phút giây tuyệt vời lắng đọng nhiều nỗi suy tư. đến với thơ, người đọc trước hết sẽ bắt gặp tâm tư, nỗi lòng của người cầm bút, sau đó sẽ gặp chính tâm tư của mình bởi thơ là “tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”. Cùng với văn chương, thơ ca trở nên những nhịp cầu vô hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn., những trái tim đến với trái tim để con người cùng sẻ niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hi vọng. Cuộc đời vốn bao la, vô tận kia như một bức tranh với ba chiều không gian trải dài đến vô cùng. Nhà thơ cũng như những con ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời ấy:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một mật ngọt thành, đời vạn chuyến ong bay
(Chế Lan Viên)
Thơ ca “là cuộc đời”, nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình của cuộc đời rộng lớn. Người nghệ sĩ phải tìm đến cuộc đời để hút lấy chất mật tinh tuý nhất, ngọt ngào nhất để tạo nên những vần thơ thật sự có giá trị. Nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp, từ đó mới tạo nên những vần thơ hay, làm
rung động lòng người đọc. Thi ca gắn liền với cảm xúc. Nhà thơ không thể hiện cuộc đời qua những tình huống, qua những sự kiện như các nhà văn. Nhà thơ giãi bày bằng cảm xúc, bằng ngôn ngữ thi ca, bằng cả “khoảng trắng giữa các ngôn từ”. Thơ ca có giá trị không tách rời sự thoát li, tách rời khỏi cuộc sống, cũng như sự photo copy cuộc sống một cách cứng nhắc, khuôn mẫu. Đọc thơ mà chẳng tìm thấy nỗi lòng nhà thơ, đấy chẳng phải là thơ ca đích thực !
Nếu không có một thiên tài như Nguyễn Du uyên bác, ta không thể có “Truyện Kiều”. Nhưng nếu không có những lầm than cơ cực, đắng cay, tủi nhục cùng với những ước mơ cháy bỏng của nhân dân trong xã hội phong kiến, trong buổi suy vong đầy ngột ngạt, ta cũng không thể có những trang Kiều thấm đượm dòng lệ đầy chất nhân bản sâu xa. Nếu không có một vùng quê Kinh Bắc êm ả, bình dị với những con người chăm chỉ, hiền hoà, mãi mãi ta không thể nào có được nỗi nhớ rạo rực thiết tha của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài “Bên kia sông Đuống:
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
…Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nuối tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
Thơ bao giờ cũng in đậm chữ “đời” trước hết. Cuộc đời không chỉ ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng mà cuộc đời còn là nơi khai thác “chất quặng” nguồn từ để tạo nên thơ:
“Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà cuộc đời rơi vãi
Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”
(Chế Lan Viên)
Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và “cái tôi” nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng “vỏ bào”(Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt “bụi quí” trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những “bông hồng vàng” quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ, theo cách diễn đạt của Pauxtôpxki. Trở lại câu nói của nhà phê bình Bêlinxki, ta thấy đó không phải là cái nhìn phiến diện. “Thơ trước hết là cuộc đời” nhưng cuộc đời chưa phải là tất cả. Bêlinxki rời phím nhấn “cuộc đời” ấn tay vào phím cạnh bên “nghệ thuật”. Như vậy, Bêlinxki đã không phủ nhận vai trò quan trọng của yếu tố làm nên thi ca này. Thiếu nghệ thuật, thơ chỉ còn là hòn ngọc thô không mài không giũa, không thể khơi dậy trong trái tim con người những rung động sâu xa. Thơ có thể ví như cánh diều, cuộc đời tạo cho cánh diều là hình hài sắc vóc còn nghệ thuật là làn gió nâng cánh diều bay bổng trên bầu trời cao rộng, nâng cảm xúc đến mức thăng hoa.
“Văn học là nhân học” (M.Gorki), nâng niu những giá trị tốt đẹp ở đời bằng những tình cảm, cảm xúc chân thực nhất. Bởi lẽ, cuộc đời không chỉ là cuộc sống của những người xung quanh mà còn là chính cuộc đời tác giả. Họ đi qua những thăng trầm, vượt qua những biến động rồi sáng tác thành những bài thơ viết về chính thăng trầm cuộc đời mình. Ví dụ như Tố Hữu trong “Việt Bắc” với những lưu luyến chia xa và ân tình thủy chung với mảnh đất, con người mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Hay Nguyễn Khoa Điềm với bao yêu mến và tự hào về “Đất Nước của Nhân Dân” “Đất Nước của ca dao thần thoại” trong bài thơ Đất Nước. Giá trị đích thực của thơ suy cho cùng chính là những giá trị nhân văn cao quý đó.
Thơ trước hết là cuộc đời, rồi, sau đó thơ là nghệ thuật. Nếu thơ chỉ là cuộc đời, nó sẽ mãi là những chất liệu thô sơ, bình thường, giống như viên ngọc chưa được mài giũa. Nhà thơ là những người nghệ sĩ góp nhặt, chọn lựa những chất liệu có giá trị bằng những rung cảm của tâm hồn mình rồi sử dụng tài năng để biến nó thành chất liệu nghệ thuật. Với những công cụ như biện pháp nghệ thuật, những hình ảnh biểu tượng, nhịp điệu…, nhà thơ sáng tạo nên những bài thơ có vần có nhịp và dạt dào cảm xúc. Thơ sẽ không được gọi là thơ nếu không có nhịp điệu, không có cảm xúc hay thanh vần. Một cành củi khô sẽ không bao giờ mang chất thơ nếu như Huy Cận không thổi hồn cho nó:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
(Trích “Tràng giang”)
Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thông, giọng điệu tâm tình để viết lên khúc tình ca “Việt Bắc”. Nguyễn Khoa Điềm thì sử dụng thể thơ tự do, điệp từ điệp ngữ và chất liệu dân gian để làm sáng tạo lên Đất Nước của nền thơ ca dân tộc. Nghệ thuật bởi lẽ đó chính là cái đẹp của thi ca được nuôi dưỡng trên mảnh đất hiện thực.
Câu nói của nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã đem đến rất nhiều giá trị sâu sắc. Ông đã khẳng định giá trị chân chính của thơ ca và những yêu cầu của tác phẩm nghệ thuật thơ rằng “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Từ đó dường như cũng muốn gửi lời nhắn đến những nhà thơ – những người nghệ sĩ có sứ mệnh sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật thơ ca. Để tạo ra một bài thơ có giá trị chân chính, không thể xa rời cuộc đời, cũng không thể bỏ qua những công đoạn mài giũa, sáng tạo. Vừa gắn bó với cuộc đời vừa thổi vào tác phẩm những giá trị nghệ thuật mới có thể tạo ra những bài thơ thực sự.
Mỗi bài thơ đều là một kiệt tác nghệ thuật của một người nghệ sĩ chân chính. Nó không chỉ gửi gắm tấm lòng, truyền tải rung động mà còn ghi lại những dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Chính vì thế, khi tiếp nhận các tác phẩm văn học, độc giả cần có thái độ chân thành và trân trọng những viên ngọc quý đã được mài giũa bằng tài và tâm của một con người.