Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề an toàn giao thông

chu-de-an-toan-giao-thong-1

Chủ đề an toàn giao thông

Đề bài 1:

I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Trong khi các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng thì ý thức tham gia giao thông của con người lại ngày càng xuống cấp, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35, gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Những con số này cho thấy rằng ý thức tham gia giao thông của học sinh, sinh viên- thế hệ làm chủ tương lai còn rất kém……….Tại các ngã ba, ngã tư, trong khi tất cả mọi người đang dừng xe chờ đèn đỏ thì một vài “nam, nữ sinh áo trắng” lại ngang nhiên phóng vụt lên, lạng lách “điệu nghệ” qua những hàng xe đang được phép qua đường………. Mặc dù các tuyến đường đã được phân làn, phân chiều theo quy định để giảm ùn tắc giao thông, nhưng nhiều người vẫn “hồn nhiên” vi phạm, đặc biệt là lứa học sinh, sinh viên. Bất chấp các biển hiệu đường một chiều, hai chiều, bất chấp giải phân cách, vạch vôi chỉ rõ làn đường, các bạn trẻ vẫn dàn hàng ba, hàng bốn đi vào chiều ngược lại. Họ có lý do rất chính đáng như: “chỉ còn một đoạn là đến trường, sang đường vòng lại vừa xa lại vừa mất thời gian” (!?). Nhưng họ không biết rằng sự “tiện lợi” cho cá nhân mình lại chính là những “bất lợi” và nguy hiểm cho tất cả những người đang tham gia giao thông.

Theo Thanh Lịch- Hồng Nhung (Khampha.vn)

Câu 1. Nêu nội dung chính và đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 3. Theo tác giả văn bản, nguyên nhân nào dẫn đến các số liệu : gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật ,nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường ?

Câu 4. Từ nội dung của phần Đọc hiểu, viết đoạn văn 200 chữ trình bày hậu quả của việc không chấp hành quy định về an toàn giao thông.


Đề bài 1:

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Một người bạn Phi-líp-pin gửi cho tôi cuốn sách mỏng. Tôi mở ra và nhìn thấy tựa đề “12 điều nhỏ bé mỗi người Phi-líp-pin có thể thực hiện để giúp ích Tổ quốc”. Tác giả – luật sư A-lếch-xan-đrơ L. Lác-xơn – chỉ là một thường dân, nhưng cuốn sách đã được khá nhiều nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX quan tâm và giới thiệu.

Đọc cuốn sách này, tôi thật sự bị thu hút vì những điều đơn giản mà tác giả đã trình bày và biện giải.

Hãy tuân thủ Luật Giao thông. Hãy tuân thủ luật pháp.

Bạn có thể thắc mắc vì sao trong 12 điều nhỏ bé này, việc tuân thủ Luật Giao thông lại được đặt lên hàng đầu?

Câu trả lời thật đơn giản. Luật Giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước. Luật Giao thông hiện diện trong mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, khi người dân phải ra đường. Chúng ta đối mặt với khoản luật này hằng ngày từ sáng đến tối. Do đó, quyết định tuân thủ hay không tuân thủ Luật Giao thông chính là điều kiện để tạo ra một môi trường liên tục cho mọi người cố gắng và nỗ lực trong từng ngày.

Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước; từ đó, có thể xây dựng một thói quen văn hóa biết tôn trọng luật pháp của bất cứ công dân nào trong một đất nước văn minh.

Đó là vì trật tự cũng giống như những bậc thang. Trước khi leo lên được bậc cao nhất, hãy bắt đầu bằng nấc thang thấp nhất, bởi lẽ “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên” (trích châm ngôn của Lão Tử).

(Theo báo điện tử Tuoitreonline, ngày 22-10-2007, Bài tập Ng văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.92, 93)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Tại sao tác giả cho rằng “việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước”?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ cú pháp được sử dụng trong những câu văn sau: “Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước”.

Câu 4. Theo anh/chị, làm thế nào để việc tuân thủ Luật Giao thông trở thành một thói quen văn hóa biết tôn trọng luật pháp? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2: Việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước vì:

– Luật Giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước.

– Tuân thủ Luật Giao thông sẽ hình thành ở mỗi người thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Từ đó, dễ dàng tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước.

Câu 3: Phép tu từ: Phép lặp cú pháp (lặp kết cấu ngữ pháp).

– Tác dụng: Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuân thủ Luật Giao thông và bày tỏ niềm mong mỏi tha thiết vào ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.

Câu 4: HS nêu những giải pháp theo quan điểm cá nhân nhưng cần phải hợp lí và có sức thuyết phục.

(Có thể tập trung vào các giải pháp như: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Tăng cường công tác điều hành, giám sát các hoạt động giao thông. Xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm luật giao thông.)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.