de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-vuon-toi-uoc-mo

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề vươn tới ước mơ và khát vọng

Chủ đề vươn tới ước mơ và khát vọng

Đề bài 1:

I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định“đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thức để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận“tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm).
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người? (0,5 điểm).
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. (1,0 điểm).
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân mình? (1,0 điểm).

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:  Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người

Câu 3: Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

+ “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.
+ Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

Câu 4: Thí sinh có thể rút ra bài học có ý nghĩa cho bản thân và lí giải:

+ Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
+ Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.


Đề bài 2:

I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản được trích lược sau đây và thực hiện các yêu cầu:

…Sinh ra trong một gia đình có 6 người con, tuổi thơ của H’Hen Niê là những tháng ngày bươn chải, nghèo khó. Bước chân ra khỏi buôn làng …cô gái người dân tộc Ê đê một mình lên thành phố để có được cuộc sống tự lập, tìm tiếng nói riêng – để rồi những cố gắng ấy của cô được đền đáp một cách xứng đáng thật đáng trân trọng.
H′Hen Niê chia sẻ cô không có bí quyết gì ngoài đặt lòng tin mạnh mẽ ở bản thân: “Mỗi đêm trước chung kết, tôi đều tự nhủ mình sẽ làm được. Tôi lặp đi lặp lại điều này mỗi ngày”… Để đạt được ước mơ, H’Hen đã nỗ lực bằng tất cả những gì mình có. Để có hình thể và kĩ năng trình diễn đáng tự hào như hiện tại, đó là những ngày dài đổ mồ hôi, vắt sức trên sàn tập…

Ngoài ra, một trong những yếu tố khá quan trọng, giúp cho H’Hen Niê ghi điểm với ban tổ chức cuộc thi chính là câu chuyện về nghị lực vươn lên mạnh mẽ của mình. Là người dân tộc Ê-đê, H’Hen Niê từng phải đối mặt với nạn tảo hôn vào năm 14 tuổi. Tuy nhiên, H’Hen Niê không chấp nhận “số phận” mà tìm cách vươn lên, vạch ra cho mình một kế hoạch tương lai…

Với suy nghĩ tích cực, H’Hen Niê đã tự mình phấn đấu. Cô không ngại vất vả, chấp nhận trải qua nhiều công việc lao động chân tay như giúp việc nhà, trông em bé, rửa bát đĩa,… để trang trải cuộc sống, từng bước tìm ra lối đi riêng cho mình…

Không có con đường nào trải hoa hồng, để đi đến thành công, hoa hậu H’Hen Niê đã phải đi qua rất nhiều gai nhọn, vượt lên tất cả để viết tiếp ước mơ của mình. Đó là ước mơ của một cô gái mạnh mẽ, dám đi qua những định kiến, những quy chuẩn của số đông cộng đồng để làm chủ cuộc đời mình. Nếu H’Hen phó thác và chấp nhận lấy chồng ở tuổi 14, giờ đây đã không có H’Hen top 5 hoa hậu Hoàn Vũ thế giới, không có một cô hoa hậu khiến cộng đồng yêu thích vì sự chân thật, thân thiện và cầu tiến… Hãy như H’Hen!

(Theo Phương Anh/https://tieudiem.webtretho.com/ Bài học cuộc đời sâu sắc từ 2 người hùng của Việt Nam)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2. Theo văn bản, H’Hen Niê đạt được mơ ước nhờ những bí quyết như thế nào?
Câu 3. Việc tác giả liệt kê những công việc lao động chân tay mà H’Hen Niê từng phải làm để trang trải cuộc sống trước khi trở thành hoa hậu có ý nghĩa gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến được trích dẫn trong văn bản: “Không có con đường nào trải hoa hồng” không? Vì sao?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2. Bí quyết để H’Hen Niê đạt được ước mơ là:

+ Đặt niềm tin mạnh mẽ ở bản thân
+ Nỗ lực bằng tất cả những gì mình có, tự mình phấn đấu vươn lên.

Câu 3. Tác giả liệt kê những công việc lao động chân tay mà H’Hen Niê từng phải làm để trang trang trải cuộc sống: giúp việc nhà, trông em bé, rửa bát đĩa,…

+ Ý nghĩa: Giúp người đọc hiểu rõ những nỗ lực đầy vất vả của H’Hen Niê, xúc động và khâm phục cô lao động chăm chỉ, dám vượt qua định kiến, nỗ lực để đạt được mơ ước.

Câu 4.

+ Học sinh bày tỏ quan điểm: Đồng tình hoặc: Không đồng tình.
+ Có sự lí giải hợp lí để bảo vệ quan điểm bản thân.


Đề bài 3:

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Để theo đuổi ước mơ của mình, bạn phải hành động. Nếu không, bạn sẽ mất cơ hội. Hãy chủ động hành động thay vì để cuộc đời đưa đẩy bạn. Nếu không có được những gì bạn muốn, thì hãy chủ động tạo ra những gì bạn muốn. Đấng Sáng Tạo sẽ thắp sáng con đường bạn đi. Vận may của cả đời bạn, cánh cửa của những ước mơ đang mở ra. Con đường dẫn tới mục đích sống có thể xuất hiện trước bạn bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi đã xác lập được mục đích sống mạnh mẽ và đã phát triển được nguồn hy vọng lớn lao, niềm tin sâu sắc, lòng tự tôn, thái độ sống tích cực, lòng dũng cảm, tính kiên cường, khả năng thích nghi và những mối quan hệ tốt, bạn không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi vận may đến với mình. Trên con đường vươn tới thành công, bạn phải nắm bắt từng cơ hội. Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn. Nhưng bạn phải có lòng dũng cảm và sự quyết tâm để vươn lên.

Một trong những khẩu hiệu của tôi tại Tổ chức Life Without Limbs là “một ngày mới, một cơ hội mới”. Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường – chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình.

(Trích Sống cho điều ý nghĩa hơn – Nick Vujicic, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2015)

Câu 1. Nêu nội dung và đặt nhan đề cho văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: “Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn”? (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Nội dung chính của văn bản:

  • Để theo đuổi và đạt được ước mơ, chúng ta phải hành động.
  • Trên con đường vươn tới thành công, phải nắm bắt từng cơ hội.
  • Hãy tạo ra khẩu hiệu bằng các hành động thực tiễn.
  • Đặt nhan đề cho văn bản:
  • Một ngày mới, một cơ hội mới.
  • Sức mạnh của hành động.

(Thí sinh có thể lựa chọn các phương án trên hoặc đặt một số nhan đề khác phù hợp với nội dung của văn bản).

Câu 2:

– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

– Thao tác lập luận chính: Bình luận

Câu 3: Giải thích câu nói:“Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn”:

Câu nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của trở ngại, thử thách trên con đường đi đến thành công của mỗi người. Thông thường, theo thói quen suy nghĩ của nhiều người thì khó khăn, thử thách là rào cản khiến con người khó đạt được mục đích. Tuy nhiên, câu nói đã cho thấy: trở ngại, khó khăn cũng là cơ hội giúp con người phát huy năng lực bản thân, đạt được thành công và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Câu nói đã thể hiện cách suy nghĩ, và thái độ sống tích cực: lạc quan, có niềm tin, bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm… để biến trở ngại thành cơ hội.

Câu 4: Học sinh có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất khác nhau nhưng phải kiến giải lựa chọn của mình một cách hợp lý và thuyết phục.


Đề bài 4:

ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

… Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí
Óc nghĩ suy không thể mượn vay
Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay
Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.
Ta tin ở sức mình, vô hạn
Như ta tin ở tuổi 25
Của chúng ta là tuần trăng rằm
Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.
Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại
Những sông Thương bên đục, bên trong
Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng
Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại…

(Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?

Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm; Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?

Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2. Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy?

Câu 4 (1,0 điểm). Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?


* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:  Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do

Câu 2:  Hai câu thơ nói lên sức mạnh của tuổi trẻ: dám ước mơ và hành động để thực hiện những lí tưởng cao đẹp của mình- sẽ làm chủ tương lai của đất nước….

Câu 3:

– Biện pháp tu từ:

+ So sánh: “ Như ta tin ở tuổi 25; tuổi 25 Của chúng ta là tuần trăng rằm”.
+ Điệp ngữ: Ta tin.
+ Liệt kê: Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái

– Hiệu quả: Nhấn mạnh và biểu đạt sâu sắc, sinh động, gợi cảm sức mạnh, niềm tin của tuổi trẻ vào hành động, lý tưởng và ước mơ.

Câu 4:

– Nhà thơ đang tâm sự về tuổi trẻ của mình và thế hệ mình: mang tất cả sức mạnh tâm huyết, niềm tin của tuổi trẻ để dâng hiến đấu tranh, bảo vệ tổ quốc …

– Từ tâm sự cá nhân, nhà thơ nhắn gửi tới thế hệ trẻ sống phải có lí tưởng cao đẹp, có niềm tin vào chính mình và mọi người để tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang