Đề bài: Đọc hiểu về chủ đề tuổi trẻ

doc-hieu-ve-chu-de-tuoi-tre

Đọc hiểu về chủ đề tuổi trẻ

Đề bài 1:

I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng.(…) Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống. Nếu chỉ chăm chăm và tán dương tài năng thiên bẩm thì chẳng khác nào chim trời chỉ vỗ cánh mà chẳng bao giờ bay được lên cao. Mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Bạn đã dành thời gian cho những việc gì ? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không ?

Các bạn hãy xây dựng tầm nhìn rộng mở (…), biến tri thức của loài người, của thời đại thành tri thức bản thân và cộng đồng, vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Trước mắt là tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mai ngày khởi nghiệp; tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân; nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ chông chênh mà có khi vấp ngã.

(Theo Báo mới.com ; 26/ 03/ 2016)

Câu 1: Chỉ ra điều cần làm trước mắt được nêu trong đoạn trích.
Câu 2: Phân tích ngắn gọn tác dụng của câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: “Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt”?
Câu 4: Anh/Chị có cho rằng “Tài năng thiên bẩm chỉ là điểm khởi đầu, thành công của cuộc đời là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cuộc sống” không? Vì sao?

* Gợi ý trả lời:

Câu 1: Điều cần làm trước mắt là:

– Tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để mai ngày khởi nghiệp;
– Tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân;
– Nhận diện cái đúng, cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm.

Câu 2:

– Câu hỏi tu từ: Bạn đã dành thời gian cho những việc gì? Cho bạn bè, cho người yêu, cho đồng loại và cho công việc? Và có bao giờ bạn rùng mình vì đã để thời gian trôi qua không lưu lại dấu tích gì không?
– Tác dụng: Hỏi thể hiện sự trăn trở về việc sử dụng quỹ thời gian, cảnh báo việc để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Từ đó nhắc nhở mỗi người trân quý thời gian và có ý thức sử dụng thời gian hiệu quả, ý nghĩa.

Câu 3:

– Ý kiến “Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để thành công bạn cần có nền tảng về mọi mặt?” có thể hiểu:

+ Đời sống thực tiến là một môi trường lí tưởng, tuyệt vời để chúng ta trau dồi kiến thức, rèn luyện kinh nghiệm, bồi dưỡng nhân cách…;
+ Song muốn thành công trước hết ta cần chuẩn bị hành trang, xây dựng nền móng vững chắc từ nhiều môi trường giáo dục khác như gia đình, nhà trường…

Câu 4:

– Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.


Đề bài 2:

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi trẻ, tự bản thân nó đã là một tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị dùi xuống bùn, cơ hội để nó tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó là phép thử trong tay còn mầu nhiệm, con tốt đó trong tay có thể còn phong Hậu, bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc. Còn khi bạn lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị rớt xuống bùn, thì rất có thể, bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người đó cũng lem luốc giống với bạn.

Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quí mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn móm cơm hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ, nó sẽ chết yểu.

(Theo Kênh14.vn)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản (0,5 điểm)
Câu 2: Vì sao tác giả lại cho rằng: Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản? (0,5 điểm)
Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: …khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức? (1,0 điểm)

* Gợi ý trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: nghị luận/ phương thức nghị luận.

Câu 2: Tác giả lại cho rằng: Tuổi trẻ – tự bản thân nó đã là một tài sản. Vì:

– Tuổi trẻ, tự bản thân nó đã là một tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị dùi xuống bùn, cơ hội để nó tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi.
– Tuổi trẻ có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc.

Câu 3: Ý kiến: …khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại được hiểu như sau:
– Khi đã lớn tuổi hơn, nghĩa là con người đã không còn như tuổi trẻ với sức khỏe, nhiệt huyết.
– Hơn nữa, khi lớn tuổi hơn, nghĩa là con người đã có thời gian của tuổi trẻ với nhiều trải nghiệm, đã va chạm những va vấp, thất bại trong cuộc đời và bây giờ, họ không còn nhiều thời gian để thử thách hay thay đổi, hoặc ngại thay đổi.  Vì vậy những khó khăn, thách thức và có thể là những thất bại phía trước, những người lớn tuổi hơn sẽ ngần ngại.

Câu 4: Quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn, vì:

– Trái tim là biểu tượng tình cảm của con người, nó vốn rất nhạy cảm. Nó giống như một con người. Phải đặt nó trong môi trường thử thách và bị tấn công. Như thế nó sẽ trưởng thành và sẵn sàng trải qua những biến cố của cuộc đời.
– Hạnh phúc dễ làm cho người ta mềm yếu. Nếu trái tim con người được chăm sóc, vuốt ve thì dễ sinh ra thỏa mãn và hư hỏng như một điều tất yếu bởi chưa hề trải qua bất kì đau thương nào.


Đề bài 3:

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi là viên đá mọn không tên
Tôi tự hào sung sướng tuổi thanh niên
Chiến đấu lớn dưới ngọn cờ của Đảng.
Tôi yêu bản hùng ca không tắt
Mà lời ca sang sảng những tên người
Bế Văn Đàn hiến trọn tuổi hai mươi
Thân trai trẻ vì nhân dân làm giá súng.
Phan Đình Giót như một hòn núi lớn
Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai
La Văn Cầu vì rất quý những bàn tay
Đã chặt đứt cánh tay mình xông tới.
Lý Tự Trọng đầu không hề chịu cúi
Lúc ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du
Chị Sáu ơi! Bông hoa chị cài đầu
Còn thắm mãi giữa ngàn cây Côn Đảo.

(Vương Trùng Dương)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2: Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ nào là chính? Tác dụng.
Câu 3: Hình ảnh Lý Tự Trọng “ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du” và chị Võ Thị Sáu với “bông hoa chị cài đầu” gợi lên ý nghĩa gì?
Câu 4: Tại sao tác giả lại xem mình là “viên đá mọn không tên”.

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm
Câu 2:

– Biện pháp tu từ chính: liệt kê (tên tuổi và hành động dũng cảm của những anh hùng trẻ tuổi trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.).

– Tác dụng:

+ nhấn mạnh vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của những cá nhân anh hùng đã làm nên thời đại anh hùng, qua đó bộc lộ niềm tự hào, ngợi ca, biết ơn của tác giả.

+ tạo âm hưởng mạnh mẽ, hào hùng cho đoạn thơ.

Câu 3:

Hình ảnh Lý Tự Trọng “ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du” và chị Võ Thị Sáu với “bông hoa chị cài đầu” gợi lên ý nghĩa:

–  Làm nổi bật tư thế hiên ngang, bất khuất đến bất diệt trước sự tàn ác của kẻ thù của những con người sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
– Khắc họa sâu đậm lòng yêu nước, tinh thần lạc quan, thư thái cùng vẻ đẹp tâm hồn đầy chất nhân văn ngay cả khi đối diện với cái chết.

Câu 4: 

Tác giả xem mình là “viên đá mọn không tên”vì:

– Tác giả cảm nhận sâu sắc vai trò và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.

– Nhắc đến những tấm gương anh dũng tác giả cảm thấy mình nhỏ bé, thậm chí vô danh, vô nghĩa khi chưa có những đóng góp, cống hiến xứng đáng cho dân tộc.

– Việc xem mình là “viên đá mọn không tên” thể hiện thái độ khiêm tốn, chân thành và bộc lộ khao khát được thể hiện phần trách nhiệm của cá nhân với đất nước.


Đề bài 4:

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

… Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí
Óc nghĩ suy không thể mượn vay
Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay
Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.

Ta tin ở sức mình, vô hạn
Như ta tin ở tuổi 25
Của chúng ta là tuần trăng rằm
Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.

Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại
Những sông Thương bên đục, bên trong
Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng
Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại…

(Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?
Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2.
Câu 3 (1,0 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm; Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?
Câu 4 (1,0 điểm). Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do 0,5
Câu 2: Biện pháp tu từ so sánh: “ Như ta tin ở tuổi 25; Của chúng ta là tuần trăng rằm”.
Câu 3: Hai câu thơ nói lên sức mạnh của tuổi trẻ: dám ước mơ và hành động để thực hiện những lí tưởng cao đẹp của mình- sẽ làm chủ tương lai của đất nước….
Câu 4:
– Nhà thơ đang tâm sự về tuổi trẻ của mình và thế hệ mình: mang tất cả sức mạnh tâm huyết, niềm tin của tuổi trẻ để dâng hiến đấu tranh, bảo vệ tổ quốc …
– Từ tâm sự cá nhân, nhà thơ nhắn gửi tới thế hệ trẻ sống phải có lí tưởng cao đẹp, có niềm tin vào chính mình và mọi người để tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc…

Suy nghĩ về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.