Đọc hiểu văn bản: “Mẹ tôi” (Ét-môn-đô-đơ-a-mi-xi) – SGK Ngữ văn 7

Đọc hiểu văn bản:

Mẹ tôi
(Ét-môn-đô-đơ-a-mi-xi)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả:

– Ét-môn-đô đơ A-mi-xi sinh năm 1846, mất năm 1908, quê ông ở Ô-nê-gli-a, xứ Li-gu-ri-a trên bờ biển tây bắc nước Ý. Ông là nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà văn lỗi lạc của nước Ý.

2. Văn bản:

– Xuất xứ: Văn bản “Mẹ tôi” rút từ tập “Những tấm lòng cao cả” (1886).

– Kiểu văn bản: Văn bản nhật dụng.

– Bố cục chia làm 2 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến “Đọc thư tôi xúc động vô cùng”): Lời tự bộc lộ của đứa con khi nhận được thư của bố.

+ Phần 2 (còn lại): Tình cảm, thái độ của người bố trước lỗi lầm của con và sự gợi nhắc về tình mẫu tử.

– Nội dung:

+ Tóm tắt: En-ri-cô đã vô tình ăn nói thiếu lễ độ với mẹ. Bố biết chuyện nên đã viết thư cho En-ri-cô với lời lẽ vừa yêu thương, vừa tức giận. Trong thư, bố nói về tình yêu thương, sự hi sinh to lớn mà mẹ đã dành cho En-ri-cô. Trước cách cư xử tế nhị, khéo léo nhưng cũng rất kiên quyết, gay gắt của bố, En-ri-cô cảm thấy rất hối hận.

+ Ý nghĩa: Người mẹ luôn có vai trò to lớn và quan trọng trong gia đình và đặc biệt là đối với những đứa con. Tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý nhất đối với mỗi người. “Con hãy nhớ rằng, tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó.”

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Hoàn cảnh người bố viết thư cho En-ri-cô:

– En-ri-cô nhỡ thốt ra lời thiếu lễ độ với mẹ khi cô giáo đến nhà.

– Để giúp con suy nghĩ kĩ, nhận ra và sửa lỗi lầm của mình, bố đã viết thư cho En-ri-cô.

– Thái độ của En-ri-cô khi nhận được thư của bố: rất xúc động.

2. Tình cảm, thái độ của người bố trước lỗi lầm của con và sự gợi nhắc về tình mẫu tử:

a) Tình cảm và thái độ của bố trước lỗi lầm của con:

– Sự hỗn láo của con như nhát dao đâm vào tim bố vậy.

– Bố không nén được cơn giận dữ.

– Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư?

– Thật đáng xấu hổ và nhục nhã.

→ Bằng việc sử dụng các hình ảnh so sánh,cùng câu hỏi tu từ và câu cầu khiến đã thể hiện rõ sự đau đớn, buồn bã và tức giận của người bố trước hành vi thiếu lễ độ với mẹ của En-ri-cô.

b) Hình ảnh người mẹ qua lời gợi nhắc của bố:

– Thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng mình có thể mất con.

– Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn.

– Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con..

– Mẹ dịu dàng, hiền hậu.

⇒ Mẹ là người dịu dàng, hiền hậu, bao dung, vị tha, giàu đức di sinh, luôn luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc cho con. Người mẹ thật lớn lao, cao cả.

c) Lời khuyên của người bố:

– Không bao giờ được thốt ra một lời nói nặng với mẹ.

– Con hãy xin lỗi mẹ, không phải vì bố, mà vì sự thành khẩn trong lòng.

– Con hãy cầu xin mẹ hôn con.

→ Lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, chân thành và sâu sắc của người bố trước lỗi lầm của con. Chính điều này đã làm cho En-ri-cô nhận ra và biết cách sửa chữa lỗi của mình.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

Với giọng văn tha thiết nhưng nghiêm khắc cùng với cách diễn đạt độc đáo, nhà văn đã giúp chúng ta cảm nhận được “Mẹ tôi” là bài ca tuyệt đẹp, ca ngợi vẻ đẹp cao cả, giàu đức hi sinh của người mẹ, vẻ đẹp mẫu mực của người cha và cho ta bài học sâu sắc về đạo làm con.

2. Nghệ thuật:

– Sáng tạo nên hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: En-ri-cô mắc lỗi với mẹ.

– Lồng ghép trong câu chuyện một bức thư có nhiều chi tiết khắc họa tận tụy, giàu đức hi sinh, hết lòng vì con.

– Lựa chọn hình thức biểu cảm trực tiếp, có ý nghĩa giáo dục, thể hiện thái độ nghiêm khắc của người cha đối với con.


* Trả lời câu hỏi SGK:

Câu 1 (trang 11 sgk): Văn bản là một thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”?

Trả lời:

– Hình thức của văn bản là bức thư của người bố gửi cho con nhưng nội dung mà bức thư đề cập đến lại là người mẹ.

– Người bố viết thư vì thái độ vô lễ của con đối với mẹ, mục đích giáo dục con cần phải lễ độ và kính yêu mẹ

→ Vì vậy nhan đề “Mẹ tôi” là hoàn toàn chính xác.

Câu 2 (trang 12 sgk): Thái độ của người bố đối với En-ri-cô qua bức thư là thái độ như thế nào? Dựa vào đâu mà em biết được? Lí do gì khiến ông có thái độ ấy?

Trả lời:

Bài văn kể lại câu chuyện En-ri-cô đã lỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ với mẹ lúc cô giáo đến thăm. Trong bức thư viết cho En-ri-cô, người bố tỏ thái độ hết sức buồn bã và tức giận trước sự việc đó. Thái độ đó được thể hiện rất rõ qua những lời lẽ trong thư:

“… như một nhát dao dăm vào tim bố vậy ”

“ bố không thể nén được cơn tức giận đối với con”

– “Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó “

– “… cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con ”

– “… thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ ”

– “… bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”

Câu 3 (trang 12 sgk): Trong truyện có những hình ảnh, những chi tiết nào nói về người mẹ En-ri-cô qua đó em hiểu mẹ của En-ri-cô là người như thế nào?

Trả lời:

Trong truyện có một số hình ảnh, chi tiết nói về người mẹ của En-ri-cô:

– Mẹ thức suốt đêm chăm sóc, lo lắng khi con bị bệnh.

– Mẹ có thể hi sinh mọi thứ vì con, thậm chí hi sinh cả tính mạng của mình để cứu sống con.

→ Qua đó, em hiểu mẹ của En-ri-cô là người yêu thương con mình nhất trên đời.

Câu 4 (trang 12 sgk): Theo em điều gì đã khiến En-ri-cô xúc động khi đọc thư bố?

Trả lời:

Các lí do đã khiến En-ri-cô “xúc động vô cùng” khi đọc thư của bố:

– Vì bố gợi lại những kỉ niệm giữa mẹ và En-ri-cô.

– Vì những lời nói rất chân tình và sâu sắc của bố.

– Vì thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố.

Câu 5 (trang 12 sgk): Theo em tại sao người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà lại viết thư?

Trả lời:

Người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà lại viết thư có thể có nhiều lí do:

– Những tình cảm, những điều kín đáo, tế nhị nhiều khi không nói trực tiếp được.

– Truớc những vấn đề như vậy, qua thư, người con đỡ bị tự ái, xấu hổ trước mặt cha mình

– Viết thư như vậy, người cha muốn con mình có dịp đọc đi đọc lại nhiều lần suy ngẫm kĩ và thấm thía những điều trong thư.

– Cũng có thể cha con ít có điều kiện về cơ hội và thời gian để gặp nhau nhiều.

Luyện tập.

Câu 1 (trang 12 sgk): Hãy chọn một đoạn trong thư của bố En-ri-cô có nội dung thể hiện vai trò vô cùng lớn lao của người mẹ đối với con và học thuộc đoạn đó.

Trả lời:

Vai trò vô cùng lớn lao của người mẹ đối với người con được thể hiện trong đoạn thư sau của bố En-ri-cô:

“Khi đã khôn lớn trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lời nói của mẹ, được mẹ dang tay ra đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khỏe mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yểu đuối và không được che chở. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm mẹ đau lòhg… Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu đã làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ, tất cả cũng chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương đó.

Câu 2 (trang 12 sgk): Hãy kể lại một sự việc lỡ gây khiến bố mẹ buồn phiền.

Học sinh tham khảo bài viết bên dưới:

Kể về một lần em mắc lỗi khiến cha mẹ buồn lòng

Cảm nhận ý nghĩa văn bản “Mẹ tôi” của Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang