doc-hieu-ve-chu-de-vo-cam

Đọc – hiểu về chủ đề thói vô cảm.

Chủ đề thói vô cảm.

Phần I. Đọc-hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hàng loạt clip học trò đánh nhau tung lên mạng trong thời gian qua giúp “vỡ lẽ” phần nào thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay. Qua các clip, không chỉ thấy hành vi ra đòn, đánh nhau của học trò mà còn lộ ra một thực tế nhức nhối và đáng ngại đó là thái độ nhởn nhơ, vô cảm của những học trò khác.

Quanh các vụ đánh nhau, hỗn chiến tuổi học đường, không thiếu những cô cậu học trò trong “tà áo trắng tinh khôi” đứng xung quanh hét hò, cổ vũ. Nhiều học trò còn tranh thủ làm duyên, tạo dáng khi những chiếc điện thoại chĩa vào để chụp, quay lại hiện trường. Y như các em đang dự một lễ hội hay tham gia một hoạt động ngoại khóa vui chơi, giải trí nào đó chứ không phải đứng trước tình cảnh bạn bè mình đánh nhau. Các em tưởng rằng mình đang đứng ngoài bạo lực nhưng thật ra đang hòa mình, đang đồng thuận và đang hả hê với bạo lực!

Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường là biểu hiện sự tụt dốc của đạo đức, của lòng nhân ái. Nhưng thái độ vô cảm đến mức nhởn nhơ, cổ vũ bạo lực mới là sự tụt dốc về nhân cách đáng sợ nhất. Thái độ đó chính là mầm mống nuôi dưỡng của bạo lực.

(Trích Khi học trò nhởn nhơ trước nạn bạo lực học đường, dantri.com.vn)

Câu 1. (0,5 điểm) Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản?
Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, biểu hiện của “thái độ vô cảm đến mức nhởn nhơ” của học trò khi chứng kiến cảnh bạo lực học đường là gì?
Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh (chị), bạo lực học đường gây ra những hậu quả gì?
Câu 4. (1,0 điểm) Anh (chị) hãy nêu ít nhất hai biện pháp để hạn chế bạo lực học đường theo quan điểm riêng của mình (Trả lời trong khoảng 5-7 dòng).


Tham khảo:

Nhiều người cho rằng các bạn trẻ ngày nay sống vô cảm. Em có đồng ý với ý kiến trên? Hãy viết một bài nghị luận ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình.

Dàn bài chi tiết:

1. Giải thích:

– “Vô cảm”: Nghĩa đen:Không có cảm xúc trước các sự việc diễn ra trong cuộc sống. Biểu hiện của nó đa dạng: thấy người bị tai nạn làm ngơ không cứu, dửng dưng trước những vất cả, cực nhọc của cha mẹ…

2. Biểu hiện của hiện tượng vô cảm:

– Một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay, đã được nhắc đến nhiều trên phương tiện truyền thông.

– Lời nhận định trên có phần xác đáng: Một bộ phận giới trẻ ngày nay sống hời hợt, vô cảm.

* Trong gia đình:

+ Đua đòi ăn chơi, chạy theo chúng bạn, thấy bạn bè có gì mình cũng phải có đó, không quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của gia đình.

+ Thở ơ với các thành viên trong gia đình: cha mẹ ốm đau không quan tâm, hỏi han, chăm sóc…

Dẫn chứng: những status chửi bới cha mẹ trên facebook với những lời lẽ rất khó nghe, fan cuồng K-pop tuyên bố từ bỏ cha mẹ để theo thần tượng…

* Trong nhà trường:

+ Dửng dưng trước những điều sai trái: thấy bạn quay cóp xem như không có gì xảy ra, trước nạn bạo lực học đường thì đứng xem, thậm chí cổ vũ, quay clip up lên mạng…

* Ngoài xã hội:

+ Vô cảm, dửng, dưng trước những số phận đáng thương trong cuộc sống; vô cảm trước công sức của người lao động, do vậy dễ dàng xem thường họ, có những phát ngôn không hay, có những hành động xấu(xả rác bừa bãi, các hành vi phá hoại tài sản công cộng…); vô cảm trước sự an nguy của cộng đồng. Những hành động nguy hiểm cho bản thân và cho người khác: đua xe, lạng lách đánh võng…

3. Tác hại của thói vô cảm:

+ Thói vô cảm khiến giới trẻ dễ dàng làm  điều ác: không cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của người khác, không cảm nhận được nỗi đau của mọi người xung quanh, con người sẽ dễ dàng có những hành động chà đạp lên người khác, bất chấp đến sự an nguy, tính mạng của con người è Sự kiện em gái 12 tuổi đánh chết em họ của mình, mà vẫn thản nhiên tươi cười, chối quanh được đăng tải trên báo chí khiến mọi người không khỏi “rùng mình”.

+ Thói vô cảm khiến giới trẻ quên nhiệm vụ  chính của mình là ng chủ tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước è sống thiếu lí tưởng, đắm chìm trong thế giới ảo, vô nghĩa è TUổi trẻ phí hoài, trở thành gánh nặng cho xã hội.

+ Thói vô cảm làm tan rã các mối quan hệ xã hội, khiến giới trẻ càng ngày càng cô đơn, lạc lõng: Không quan tâm đến xung quanh, không quan tâm đến cảm nhận của người khác, ở trong gia đình thờ ơ với cha mẹ,anh em, ở trường thờ ơ với bạn bè… è Mọi mối quan hệ đều cần được vun đắp, ngọn lửa chân thành, nếu cứ thờ ơ thì các mối quan hệ dù thân tình nhất cũng sẽ nguội lạnh.

+ Thói vô cảm khiến giới trẻ dễ dàng thỏa hiệp với cái tiêu cực, cổ xúy cho cái tiêu cực è tiếp tay cho cái ác phát triển, làm hại xã hội. VD: Cổ vũ đánh nhau trong trường học, quay clip phát tán trên mạng…

4. Nguyên nhân đãn đến hiện tượng vô cảm:

+ Từ phía bản thân: Do thói ích kỉ của bản thân, chỉ muốn những điều lợi cho mình, không quan tâm nghĩ đến cảm nhận của người khác. Do lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, xem nhẹ con người. Do lối sống thiếu lý tưởng, thiếu mục tiêu. Vô cảm đẩy con người vào những đam mê phù phiếm, viển vông, mù quáng è thờ ơ với thực tại, với cuộc sống và con người xung quanh (VD: hội chứng “cuồng” thần tượng). Do người trẻ còn nhiều bồng bột, chưa chín chắn, càng dễ bị rơi vào sai lầm, cám dỗ.

+ Từ phía gia đình: Sự thiếu quan tâm, chăm sóc cần thiết của cha mẹ hay sự bảo bọc quá mức của cha mẹ đều có thể tạo ra những đứa trẻ ích kỷ, vô cảm. Nhiều cha mẹ phó thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Nhiều cha mẹ còn có quan niệm sai lầm:  “Chỉ cần học tốt là đủ, các cái khác không cần quan tâm”. Tạo ra những con rô bốt vô cảm chỉ biết học và học, mù mờ kĩ năng sống.

+ Từ phía xã hội:

– Cuộc sống xã hội hiện đại với tiết tấu nhanh, hối hả è các mối quan hệ dần trở nên tan rã, xa cách, con người càng lúc càng dễ cô đơn. VD: cha mẹ mải mê kiếm tiền không lo cho con cái…

– Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các mạng xã hội khiến giới trẻ dường như sống “ảo” hơn, dành quá nhiều thời gian trên mạng ảo, thờ ơ với cuộc sống thật xung quanh è Các em có thể bỏ hàng giờ để cãi nhau về một vấn đề rất vô lý trên mạng, nhưng lại cảm thấy khó chịu khi chỉ dành ra vài phút làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ.

– Sự bùng nổ thông tin, kèm theo sự xuất hiện của các trang báo mạng với nhiều bài đăng thiếu chất lượng, thiếu lương tâm. Hướng giới trẻ đến các giá trị ảo: những hình mẫu hot-boy, hot-girl đẹp về hình thức nhưng rỗng về tâm hồn, các bài báo “lăng xê” ca sĩ, diễn viên, các bài báo vô cảm kéo tít giật gân“câu view”, “câu like” kiếm tiền. Lượng thông tin “vô cảm” bùng nổ cũng khiến con người dần trở nên “vô cảm”.

– Nhiều sự việc trớ trêu, éo le khiến giới trẻ cũng dần vô cảm, dễ thỏa hiệp trước cái xấu xa, tiêu cực: Giúp người tai nạn giao thông thì bị người nhà nạn nhân tưởng nhầm là thủ phạm, đánh đập; gây tai nạn đứa bệnh nhân vào cấp cứu, bị người nhà đánh chết; y bác sĩ tố cáo sai phạm thì bị đe dọa, bị dọa đuổi việc, giúp bắt trộm cướp thì bị đe dọa trả thù… è Con người cô độc trong cuộc sống, cô độc trước cái ác, và vì thế dễ bị cái ác đe dọa, lấn át.

5. Giải pháp khắc phục:

– Bản thân giới trẻ: Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, giàu tìn yêu thương. Biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ người khác. Tránh xa những thú vui, cám dỗ tầm thường, chuyên tập học tập, rèn luyện và lao động. Sống có ý chí, nghị lực, ước mơ, lý tưởng cao đẹp và hoài bão lớn lao.

– Về phía gia đình: Quan tâm, chăm sóc con em mình một cách đúng mực, dạy các em hiểu về các giá trị sống như lòng vị tha, lòng nhân ái, biết tôn trọng người khác…

– Về phía nhà trường:

+ Tổ chức các hoạt động ngoại khóa tích cực để giới trẻ có cơ hội hoạt động, giao tiếp từ đó gia tăng kinh nghiệm sống, bản lĩnh sống, bớt dần lối sống “ảo” của những nô lệ máy tính để hướng về đời sống.

+ Tổ chức các chuyến thiện nguyện đến các cơ sở mái ấm người già neo đơn, để rèn luyện ở các em lòng nhân ái và tinh thần biết hy sinh vì người khác.

+ Giáo dục, định hướng để hình thành trong các em lí tưởng sống, để không thờ ơ, vô cảm với chính cuộc sống của mình è không ngừng rèn luyện trở thành người có ích.

+ Môi trường giáo dục phải là môi trường trong sạch, công bằng, nơi các em được bảo vệ và dám lên tiếng chống lại cái tiêu cực, cái xấu xa.

– Về phía xã hội:

+ Quản lí tốt thế giới mạng ảo vàc các phương tiện truyền thông để thông tin truyền đến giới trẻ là những thông tin đáng giá, có tính giáo dục, hướng các em đến giá trị đích thực trong cuộc sống.

+ Cần có những chương trình cụ thể, thiết thực để tạo nên những khối đoàn kết vững mạnh chống lại những tiêu cực trong xã hội. Sao cho mỗi con người đứng lên đấu tranh chống lại tiêu cực phải được bảo vệ, phải được tuyên dương xứng đáng với đóp góp của họ.

+ Thành lập các câu lạc bộ xã hội tại các nhà văn hóa để giới trẻ có thể dần phát huy tính năng động, nhiệt huyết của sức trẻ è Càng gắn bó với cuộc sống, yêu quý cuộc sống hơn; hình thành lí tưởng sống, trở thành con người có ích.


Suy nghĩ về hiện tượng vô cảm đang xảy ra ở lứa tuổi học sinh ngày nay

  • Mở bài:

 Albert Einstein từng nói: “Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả”. Từ lâu trong lịch sử xã hội loài người, nó đã trở thành căn bệnh nan y. Càng ngày càng có nhiều người mất đi tình thương yêu lẫn nhau và thay vào đó là sự ích kỉ, chỉ sống với trái tim lạnh giá, không quan tâm và luôn lạnh lùng với cuộc sống. Một trong ví dụ rõ nhất là học sinh ngày nay, không lưu tâm những lời thầy cô, người lớn dạy bảo.

  • Thân bài:

Khác với các bệnh khác như bệnh lao, sốt xuất huyết,… bệnh “vô cảm” là một căn bệnh về tâm hồn, người bị bệnh sẽ có một trài tinh lạnh giá, thờ ơ không có cảm xúc đối với sự đời và luôn ích kỉ, không có trách nhiệm đối với bản thân, người khác. Căn bệnh này đang có xu hướng lan tràn khắp xã hội và gia đình và không có một biểu hiện nào bị khựng lại cả.

Đặc biệt hơn, nó lại tấn công vào thế hệ trẻ của đất nước, làm cho họ thờ ơ vô cảm với vạn vật xung quanh. Điển hình là học sinh ngày nay nói tục chửi thề, vứt rác bừa bãi mặc dù nhà trường có răn dạy, truyền hình báo chí có kêu gọi ngừng xã rác. Có nhiều học sinh còn quay lưng với các bạn yếu kém hay những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ. Nặng hơn là ở ngoài xã hội như những thanh niên, thiếu niên không nhường chỗ cho người gia trên xe buýt, đường kẹt xe thì luồng lách, thấy người bị té xe thì đứng nhìn hoặc thâm chí lặng lẽ bỏ đi,… Hậu quả là dân đến các bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, hối lộ, mua bán bằng cấp trong ngành giáo dục, làm sủy giảm nền giáo dục trầm trọng.

Nelson Mandela có nói: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần sử dụng đến bom nguyên tử hoặc quả tiễn tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục, cho gian lận trong thi cử”. Vậy căn bệnh “vô cảm” trong giáo dục có thể hủy diệt cả một quốc gia. Ngoài ra, khi thế hệ trẻ sau này ra trường cũng sẽ mang không ít vi khuẩn “vô cảm” vào xã hội. Lúc đó tai nạn giao thông gia sẽ càng ngày gia tăng môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thác, sự yêu thương của con người cũng sẽ giảm theo, dẫn đến sự phân biệt, miệt thị,…

Căn bệnh quái ác này đang trong quá trình phát triển, chưa lớn mạnh, là thời cơ tốt để chúng ta tiêu diệt nó. Để tiêu diệt nó, ta cần phải tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của loại virus này. Một trong những nguyên nhân là do xã hội phát triển quá nhanh, làm cho con người không bắt kịp nhịp sống, cứ bị cuốn vào sự bận rộn của công việc làm mất đi tình cảm yêu thương vốn có của con người.

Một nguyên nhân khác là do người lớn dạy sai cho trẻ em. Như người lớn đi xe ngoài đường khạc nhổ ở nơi công cộng, xả rác trên đường, vỉa hè,.. trẻ con thấy vậy làm theo, dần dần thành một thói quen, không quan tâm là mình làm đúng hay sai, mặc kệ mọi lời khuyên từ người thân, nhà trường, báo chí vì trong đầu chúng lúc nào cũng có tư tưởng “nếu mình không làm thì người khác cũng làm.”

Để tiêu diệt loại “virus” hiểm ác này, tất cả mọi người phải chung tay góp sức, hợp tác với nhà nước. Nhà nước cần phải tiếp tục tuyên truyền người dân những lời khuyên tốt và đồng thời cảnh báo họ về căn bệnh “vô cảm” này. Ngoài ra còn phải tăng cường điều tra bắt những kẻ hối lộ, những người đi vào con đường tệ nạn xã hội. Đối với người dân, đặc biệt là người lớn, cần phải răn dạy trẻ con thật kĩ, dạy cho chúng biết cái nào tốt, cái nào xấu để tránh né, không bắt chước theo.

Căn bệnh vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm trong giáo dục là căn bệnh làm cho con người quay lưng với cuộc sống tốt đẹp quay lưng nỗi đau khổ bất hạnh của người khác và mang đến nhiều điều xấu xa cho xã hội, đất nước. Học tập là lối sống lành mạnh nhưng phải biết học cái tốt, đừng bắt chước cái xấu. Là lực lượng thế hệ trẻ của đất nước, ta cần phải biết sống lành mạnh, biết đúng sai, lẽ phải. Tâm hồn của ta như một tờ giấy trắng, đừng để sự vô cảm từ kẻ xấu làm ố vàng mà hãy thấp sáng ước mơ, khát vọng, ý chí, hãy vẽ lên tâm hồn những lời yêu thương, những bài học bổ ít và những vẻ đẹp truyền thống cần có của người Việt Nam.

  • Kết bài:

“Vô cảm” sẽ trở thành thói quen nếu ta không ngăn chặn kịp thời. Bởi vậy, mỗi cá nhân phải tự có ý thức về suy nghĩ, hành động của bản thân để có một cuộc sống tốt đẹp và đồng thời giúp đất nước chống lại căn quái ác này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang