nghi-luan-phan-biet-tho-cu-va-tho-moi-dieu-quan-trong-nhat-khong-phai-o-phan-xac-ma-la-phan-hon-cua-no-hay-noi-nhu-hoai-thanh-o-tinh-than

Nghị luận: Phân biệt thơ cũ và Thơ mới điều quan trọng nhất không phải ở phần “xác” mà là phần “hồn” của nó, hay nói như Hoài Thanh ở “tinh thần” Thơ mới (…). Ấy là cái tôi cá nhân nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt “tươi trẻ, xanh non” (X.Diệu) đồng thời thấy cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống.

Phân biệt thơ cũ và Thơ mới điều quan trọng nhất không phải ở phần “xác” mà là phần “hồn” của nó, hay nói như Hoài Thanh ở “tinh thần” Thơ mới (…). Ấy là cái tôi cá nhân nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt “tươi trẻ, xanh non” (Xuân Diệu) đồng thời thấy cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống. (Nhận định về Thơ mới SGK Ngữ văn 11 Nâng cao)

Anh/ chị hiểu nhận định trên như thế nào? Dựa vào các bài thơ “Vội vàng”, “Tràng giang”, “Đây thôn Vĩ Dạ”, hãy làm sáng tỏ nhận định.

* Hướng dẫn làm bài.

1. Giải thích nhận định.

Thơ mới khác thơ cũ ở phần xác (hình thức): Phá bỏ ước lệ, những khuôn mẫu gò bó, cứng nhắc trong thơ xưa để thể hiện mọi cảm xúc, biến thái tinh vi, phức tạp nhất của tâm hồn.

Điều quan trọng hơn là phần hồn (nội dung) – tinh thần Thơ mới “ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi” (Hoài Thanh).

+ Con người cá nhân trong thơ xưa ẩn mình trong cái ta của cộng đồng. Có những tài năng muốn vượt thoát như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ… nhưng chưa bao giờ giám phô diễn cái tôi.

+ Đến thời hiện đại, cùng với sự chuyển mình của xã hội, ý thức cá nhân bùng phát mạnh mẽ thành nguồn cảm hứng chủ đạo.

+ Cái tôi trong thơ thể hiện rất phong phú trên thi đàn. Nhưng chung quy phổ biến nhất là cái tôi “nhìn đời bằng cặp mắt tươi trẻ, xanh non” và cái tôi “cô đơn trước vũ trụ, c/s”.

+ Nhận định này rất đúng với các nhà thơ mới. Nhưng cũng cần thấy rằng sự phân cực như thế là rõ ràng, tuy nhiên ở một số nhà thơ ta thấy có sự kết hợp.

2. Phân tích, chứng minh.

a. Cái tôi “nhìn đời bằng cặp mắt tươi trẻ, xanh non”:

– Với cái tôi “nhìn đời bằng cặp mắt tươi trẻ, xanh non” nên Xuân Diệu mới:

+ Phát hiện bức tranh trần thế là một mâm cỗ thịnh soạn với vô số thực đơn: nắng, gió, hoa, lá (gần gũi thân quen); đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, thần Vui gõ cửa..(tràn đầy sức sống, tươi đẹp); ong bướm, tuần tháng mật, cặp môi gần…(tình tứ.quyến rũ).

+ Thay đổi cách nhìn: Vẻ đẹp con người là chuẩn mực cho cái đẹp tự nhiên (nhìn đời qua lăng kính tình yêu).

+ Bộc lộ những ham muốn khác thường: Đoạt quyền tạo hoá

+ Cảm nhận thế giới bằng mọi giác quan (thị, thính, vị, khứu..)

– Ta cũng bắt gặp cái tôi ấy trong thơ Hàn. Vẻ đẹp trần thế nơi thôn Vĩ thật:

+ Đẹp tinh khôi, trinh khiết, sống động: nắng mới, vườn mướt, xanh như ngọc…

+ Hữu tình: lá trúc che ngang….

b. Cái tôi “cô đơn trước vũ trụ, cuộc sống:

– Mặc dù đối với Xuân Diệu cái tôi chủ đạo là cái tôi trẻ trung, khát khao giao cảm với đời, khát khao hưởng thụ nhưng người đọc vẫn phát hiện ra cái buồn cố hữu mang đặc trưng Thơ mới.

+ Buồn vì sự hữu hạn của đời người.

+ Buồn vì quy luật của cuộc đời.

– Cũng như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử sau cái tôi say mê với cuộc sống nơi thôn dã là cái buồn mất mát, chia lìa, hụt hẫng, nuối tiếc: gió theo lối gió, mây đường mây, dòng nước ủ dột buồn thiu, càng về cuối nỗi buồn càng lắng đọng vì cái ảo ảnh càng ngày càng nhạt nhoà xa vời tầm với.. Kết thúc là câu hỏi nhưng thực chất là tiêng than. Cái buồn của Hàn còn thể hiện qua dòng hồi tưởng đứt nối chập chờn vô định.

– Có lẽ trong 3 nhà thơ, cái tôi cố đơn nhiều nhất không ai khác ngoài Huy Cận.

+ Cảm thức trong thơ Huy Cận là cảm thức về thân phận con người trước vũ trụ lớn lao.

+ Tràng giang có 2 đối cực: Cái lớn lao rợn ngợp mênh mông vô tận → biểu tượng cho dòng đời, cuộc đời và cái nhỏ bé lạc loài → biểu tượng cho kiếp người lạc lõng, bơ vơ.

+ Cuộc đời và con người: mất liên lạc, không tín hiệu.

+ Huy Cận tìm ra cái cực đối để diễn tả nỗi buồn, sự mất phương hướng của con người trước cảnh nước mất nhà tan

3. Đánh giá.

Sự ra đời của Thơ mới, xuất hiện cái tôi là bước chuyển mình mạnh mẽ của văn học Việt Nam.

Tham khảo:

Một trào lưu văn học nữa ra đời bao giờ cũng mang những nét riêng, nét mới, nét cải tiến hơn so với những phong trào trước đó. Không phải dĩ nhiên người ta quan niệm với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới, đó là do những cách tân đích thực mới mẻ mà nó đem lại. Đầu tiên là về phần xác, hay nói cách khác chính là các phương tiện biểu đạt hệ thống nghệ thuật, thơ mới đã phá bỏ các hệ thống ước lệ, các niêm luật chặt chẽ của thơ cũ để thay lớp áo mới. Thế nhưng điều quan trọng không phải ở phần xác, mà là ở phần hồn tức nội dung, tư tưởng, tình cảm mới mẻ của các nhà thơ. Gọi như Hoài Thanh đó là tinh thần thơ mới, đó là cái tôi nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ xanh non và còn là cảm thấy cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống. Như vậy ý kiến trên đã nhấn mạnh sự lột xác đổi mới hoàn toàn của thơ mới, thể hiện ở nội dung, tư tưởng, tình cảm được bộc lộ.

Giáo sư Lê Đình Kỵ đã cho rằng, “thơ mới là thơ của cái tôi”. Điều này hoàn toàn đúng với thơ xưa, cái bản ngã luôn được đề cao, cái tôi phải nhường chỗ cho cái ta chung. Một số nhà thơ cũ đã vùng vẫy thể hiện cái tôi như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ nhưng vẫn chưa bộc lộ rõ ràng. Sang đến thơ mới điều này đã được thai nghén từ trước và đợi đến thời điểm nó sẽ biểu hiện rõ ràng. Cái tôi trong thơ mới cũng chính là hình thái, phẩm chất. Phần hồn của thơ mới đó là cái tôi cá nhân, nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ, xanh non, thậm chí đến khám khổ, vồ vập. Đó còn là cái cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống. Nỗi buồn, nỗi cô đơn này thực sự khác rất xa so với thơ xưa. Bởi nó còn là cái nhìn chủ quan, cái hồn bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời. Đó còn là nỗi buồn của một tấm lòng yêu nước thầm kín, của các thi nhân. Nhìn một cách tổng quát, thơ mới đã lột xác hoàn toàn và nội dung, tư tưởng bộc lộ rõ ràng cho điều đó.

Thơ mới khác với thơ xưa trước hết chính là cách nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ xanh non, một bức tranh thiên nhiên đẹp của thơ xưa phải bắt buộc theo những quy ước chặt chẽ mang tính chất khuôn mẫu.

Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết núi, sông”.

(Thiên gia thi – Hồ Chí Minh).

Nhưng thơ mới lại hoàn toàn khác, bức tranh thiên nhiên đẹp còn lại phụ thuộc vào cái nhìn, cái cảm của người nghệ sĩ. Đến với Xuân Diệu, ta thường bắt gặp bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn trề sự sống được. Cảm nhận với tất cả các giác quan bài thơ “Vội Vàng” minh chứng rõ cho điều đó.

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của Yến Oanh này đây khúc tình si”.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Một bức tranh thiên nhiên của mùa xuân như một thiên đường trên mặt đất, đó là “Ong Bướm” dập dìu đi tìm mật ngọt, như đang hưởng thụ tuần trăng mật tươi trẻ và tràn đầy hạnh phúc. Đó là hoa lá trên đồng nội xanh rì, một mầu xanh tràn trề nhựa sống chứ không nhạt, thiếu đi vẻ căng tràn. Bức tranh đó còn là hiện diện của cành tơ vẫy chào mùa xuân, còn là khúc tình si đắm say của chim yến reo vang. Tất cả gợi một bữa tiệc đang chào mời nơi nơi, một bữa tiệc mùa xuân tươi trẻ, xanh non. Cái hồn của thơ mới còn được Xuân Diệu bộc lộ một cách trực tiếp, táo bạo. Nhà thơ đã lấy vẻ đẹp của con người làm thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên, để đánh giá và bộc lộ tình cảm của mình.

“Và này đầy ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hàng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Không còn là cái nắng chói chang của mùa hè yếu ớt, của mùa đông, mùa xuân đến đem theo thứ ánh nắng ấm áp, dịu nhẹ như hàng mi của người con gái đương xuân. Tất cả khiến nhà thơ có cảm giác như ngày nào cũng được “thần vui gõ cửa”, chào mời và rồi phải thốt lên nó đẹp như cặp môi gần của người thiếu nữ đôi mươi. Khu vườn xuân, đài tình ái cùng với cách nghĩ, cách so sánh độc đáo của Xuân Diệu qua thực thật mới mẻ.

Chính cái tôi cá nhân nhìn cuộc đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ, xanh non đã giúp nhà thơ bộc lộ những ước muốn táo bạo, tước quyền của tạo hóa.

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

“Tắt nắng, buộc gió” là việc của ông trời, thế nhưng nhà thơ lại muốn chiếm lĩnh thứ quyền đó. Xuân Diệu muốn “tắt nắng” cho màu sắc trần thế không bị phai mờ, muốn “buộc gió” cho hương hoa hương cỏ không biến mất. Ước muốn táo bạo, lạ lùng có phần ngông cuồng đó lại bộc lộ rất rõ cái tôi của Xuân Diệu, một cái tôi thắm thiết, yêu đời, yêu cuộc sống, một cá tính mới mẻ và độc đáo.

Phần “hồn” của thơ mới là cái tôi cá nhân, nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng con mắt tươi trẻ. Xuân Diệu đã làm được điều đó và bên cạnh Xuân Diệu. Đến với thơ Hàn Mặc Tử tã cũng bắt gặp những phong cảnh thiên nhiên đến đắm say lòng người, bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” tuy chỉ là một sáng tác nhỏ của ông, nhưng nó đã bộc lộ rất rõ cái hồn về thiên nhiên của thơ mới.

“Sao anh không về chơi thôn vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

(Đây Thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Khác với mùa xuân trong thơ của Xuân Diệu, đến Hàn Mặc Tử là đến với những điều gì đó bình dị, mượt mà, tinh khôi và hữu tình. Hình ảnh Thôn Vĩ, đây là một minh chứng tiêu biểu. Đó là hình ảnh của nắng mới chiếu lên, những ngọn cau thẳng đứng mới đẹp làm sao. Hay là hình ảnh đẫm Sương đêm của vườn tược thôn vĩ cũng được ánh ban mai chiếu vào, nhìn ánh lên như ngọc. Rồi còn là sự hữu tình của con người xứ Huế, với vẻ mặt phúc hậu, bản chất chăm chỉ hiện lên chỉ bằng vài ba nét vẽ. Thi sĩ họ hẳn đã đưa ta đến cái đẹp tuyệt trần, mỹ lệ của thôn Vĩ Dạ. Hình ảnh thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp con người tặng cho độc giả những điều không thể quên.

Đã có nhà phê bình văn học từng nhận xét “thơ xưa nhiều cái vô lý”, nước ta không có tuyết mà cứ bắt nói tuyết, cái chủ quan của người viết phải đứng dưới cái khuôn mẫu đã đặt ra. Nhưng thơ mới không như vậy, nó là sự cách tân đổi mới rõ ràng, bức tranh thiên nhiên đâu có tuyết, mây, gió trăng, hoa đâu mà ta vẫn cứ thấy đẹp. Phần hồn của thơ mới thoát ra bộc lộ rõ ràng. ở đây với cái nhìn thiên nhiên tươi trẻ xanh non, nhưng người nghệ sĩ đã đem đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ, độc đáo và hết sức rung động trước cảnh, trước người.

Không những phần hồn thay đổi, từ cái nhìn về thiên nhiên non tơ, tươi trẻ, mà phần hồn của thơ mới còn được bộc lộ sự cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống. Thơ xưa ta cũng từng gặp cái buồn đau, thất vọng nhưng nỗi buồn trong thơ mới rất đa dạng, phức tạp. Đến với Xuân Diệu đó là nỗi buồn của sự ngắn ngủi về kiếp người trước thời gian chẩy trôi vô hạn.

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi răng Xuân văn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ Chẳng hai lần thăm lại”.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Xuân Diệu nhìn thời gian đầy tính mất mát, Ông nhận ra rằng thời gian thì vô thủy, vô cùng, con người thì chỉ là một cái chớp mắt của khoảng thời gian ấy. Ông quan niệm thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, thi nhân đã lấy tuổi trẻ làm thước đo của thời gian nên ông mới thấy ngắn ngủi, đang từ vui vẻ chuyển sang buồn bã thậm chí là cô đơn và thất vọng.

Nỗi buồn của thơ mới có khi là nỗi buồn về cuộc sống thực tại, điều đó ta bắt gặp trong thơ Hàn Mặc Tử, là một nhà thơ thắm thiết yêu đời, yêu cuộc sống, thế nhưng lại có cuộc đời đau khổ bất hạnh. Trên từng dòng thơ của ông cũng mang rõ điều đó.

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đâu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”.

(Đây Thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Xưa nay mây và gió thường đi đôi với nhau, gió thổi mây bay, thế mà Hàn Mặc Tử lại thấy mây, gió chia lìa gợi một sự buồn bã cô đơn đến tuyệt vọng. Đó còn là hình ảnh của dòng nước buồn thiu như ngừng đọng lại, là hình ảnh của hoa ngô khẽ khàng lay chuyển một cách thiếu sức sống, cũng gợi sự buồn bã. Hàn Mặc Tử khi viết thi phẩm này đang nằm trong trại phong Tuy Hòa. Thế nên thơ thường mang hình ảnh trăng, nhà thơ mong trăng như mong ngóng một cái gì đó quý giá, thiêng liêng. Người khác chăng không về hôm nay thì sẽ về ngày mai, nhưng với Hàn Mặc Tử Trăng không về hôm nay thì sẽ đem theo một dư vị gì đó buồn bã, tuyệt vọng.

Nhắc đến nỗi buồn thơ mới, ta không thể không nhắc đến Huy Cận, những vần thơ của ông thao thao như chất chứa nỗi niềm. Đó cũng là một gương mặt, một biểu hiện cho cái tinh thần thơ mới. Bài thơ “Tràng Giang” bộc lộ rõ nỗi buồn của thi nhân của kiếp người nhỏ bé trước vũ trụ bao la, điều đó bộc lộ rõ qua lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Và dân dần hiện ra qua các khổ thơ.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

(Tràng giang – Huy Cận)

Hình ảnh từng đợt sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước mênh mông “Điệp điệp, trùng trùng”, gợi một cái gì đó bâng khuâng, rồi là hình ảnh con thuyền xuôi mái song song trên dòng nước rất đẹp. Nhưng lại gợi sự cô đơn lẻ loi. Cũng như Hàn Mặc Tử, Huy Cận cũng thấy được sự chia ly giữa thuyền và nước, đó còn là sự đối nghịch lác đác trên sông là những cành củi khô trôi lơ lửng, lạc loài. Cảnh vật rất đẹp nhưng cũng rất buồn, một nỗi buồn bâng khuâng, xao xuyến.

Chưa dừng lại ở đó nỗi buồn của Huy Cận còn là nỗi buồn của sự quạnh hiu, vắng vẻ, không có âm thanh của sự sống, con người.

“Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đầu tiếng làng xa vắng chợ chiều”.

(Tràng giang – Huy Cận)

Hay:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật”.

(Tràng giang – Huy Cận)

Con người không xuất hiện làm cho bức tranh trở nên buồn bã thêm, có đâu xuất hiện thì cũng là đâu đó thôi chứ không rõ hình ảnh cây bèo trôi. Cùng với đó là sự không cầu, không đò đã đem đến cái cảm giác trống trải. Để rồi từ đó nhà thơ nhớ về quê hương, đồng thời bộc lộ tình yêu nước thiết tha thầm kín.

“Long quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

(Tràng giang – Huy Cận)

Quả thực nỗi buồn của thơ mới thật đa dạng, phong phú, nhưng nhìn chung một điểm là nó đều bộc lộ cái tôi sâu sắc thầm kín của thi nhân.

Cái mới, cái để phân biệt thơ mới và thơ cũ là phần “hồn”, nhưng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn cách tân sáng tạo của phần “xác”. thơ mới đã thoát khỏi những niêm luật chặt chẽ, những quy định dường như trở thành khuôn mẫu của thơ ca xưa như tính quy phạm, tính ước lệ, tính sùng cổ. Thơ mới còn là sự phá cách về thể thơ, vần nhịp, nhạc điệu, ngôn từ, không mang những hình thức gò bó, thơ mới cũng dễ bộc lộ được tấm lòng tình cảm của thi nhân. một cách tân về hình thức chính là để khám phá nội dung. Đến với thơ mới không những ta được gặp những hồn thơ mới đặc sắc, mà còn được gặp những sáp thơm độc đáo, thú vị.

Sự ra đời của phong trào thơ mới, sự xuất hiện của cái tôi là một bước chuyển mình to lớn của văn học nước nhà. nó đã khẳng định sự vận động tự thiên của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Thơ mới đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thơ ca dân tộc. Đó là nền tảng cho sự phát triển của thơ, thơ ca cách mạng sau này. Thử hỏi không có thơ mới văn học Việt Nam làm sao có được bước chuyển mình toàn diện, nó đã góp phần hiện đại hóa cho nền văn học Việt Nam cả phần “xác” lẫn phần “hồn”. Theo về thơ mới là ta về với cội nguồn dân tộc, đi tìm vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đắm chìm trong tình cảm ngọt ngào, đôi khi là sự sẻ chia nỗi buồn. Đọc một câu thơ hay ta không còn thấy câu thơ mà chỉ thấy tình người trong đó, điều đó quả không sai mà.

Với Thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào giai đoạn mới, thơ mới đã làm nên một cuộc cách mạng thơ ca, nó đã thay đổi từ “xác” đến “hồn”. Đó là cái hồn của thiên nhiên tươi non, mượt mà, xanh mát, nhưng cũng là cái hồn của nỗi buồn, sự bơ vơ. Đến với thơ mới những cái tên Như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là những cái tên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả, bởi những sáng tác của nó thoát xác một cách rõ rệt nhất, thể hiện mới mẻ nhất. Có lẽ vì điều đó mà tên tuổi của họ cũng như các sáng tác của các nhà thơ, đó sẽ như bông hoa vĩnh cửu mang hương sắc làm ngất ngây độc giả cả hôm nay và mai sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang