nhung-dong-gop-cua-phong-trao-tho-moi-ve-mat-thi-phap

Những đóng góp của phong trào Thơ mới về mặt thi pháp đối với sự phát triển của nền thi ca dân tộc

Những đóng góp của phong trào Thơ mới về mặt thi pháp đối với sự phát triển của nền thi ca dân tộc

I. Những đóng góp của phong trào Thơ.

1. Thơ mới tạo ra quan niệm thơ mới trong thi ca:

Phong trào thơ mới đã sáng tạo ra một quan niệm thơ mới, hệ thống hình thức thơ mới với thể loại thơ mới, đề thơ mới, cấu tứ mới, cảm xúc mới, ngôn ngữ mới, câu thơ mới, biểu tượng mới, phong cách mới, hệ thống biện pháp tu từ mới.

Trước hết, thơ mới vượt qua quan niệm thơ giáo huấn, thơ ngôn chí, tải đạo, thơ minh tâm bảo giám của thời Trung đại ngự trị hàng nghìn năm. Thơ mới là thơ của cái đẹp, thơ cảm xúc, thơ của cái tôi, thơ thành thực và thơ tự do. Thơ không hạn chế vào một đề tài nào, miễn là đẹp. Thơ là cảm xúc chứ không phải thực dụng. Nhưng thơ không phải vô ích đối với đời. Thơ mới mở mang tâm hồn, phát triển nhân cách. Thơ khơi dòng cho tâm tình tuôn trào. Với quan niệm đó thơ mới đã cáo biệt quan niệm thơ Trung Quốc thống trị hàng nghìn năm, cáo biệt luôn các tư thế trữ tình, điệu trữ tình, nhiều biện pháp tu từ cổ điển đã trở thành mòn sáo và không còn thích hợp.

Thứ hai, nếu thơ luật Trung Hoa đã lấy con chữ bằng trắc làm vật liệu của thơ, tạo một kiến trúc bất biến, bài thơ là những bức tranh ngôn từ, hầu như là một thế giới tĩnh lặng, thảng hoặc mới có tiếng nói và giọng điệu con người, thì Thơ mới trái lại làm thơ theo nguyên tắc khác. Nó lấy tiếng nói, giọng lời, hơi thở sống động của con người làm vật liệu cho thơ; từ đó kiến tạo thành thế giới thơ điệu nói với bao nhiêu tiếng gọi, lời thưa, tiếng giải bày, lời tâm sự. Đọc thơ mới cũng thấy có hoạ, nhưng chủ yếu là nghe tiếng nói con người. Hình thức đó làm cho không gian câu thơ, bài thơ thay đổi, nó không đông cứng như thơ luật mà tự do, vắt dòng, trùng điệp, nhảy vọt, tung tẩy, không gò bó. Với nhãn quan ngôn ngữ đó hình thức thể loại cũng thay đổi theo. Câu thơ đã thay đổi căn bản.

Thơ cổ xưa không có chia khổ, bài thơ là một khối duy nhất, nay thơ bảy chữ, năm chữ, tám chữ chủ yếu là chia khổ, khiến cho mạch thơ nối dài, không bị gò vào không gian tám chữ hay bốn chữ. Sự thay đổi không gian ấy là nền tảng cho thay đổi câu thơ. Các thể luật Đường hầu như không còn được dùng để sáng tác nữa. Trong các thể thơ mới, bề ngoài có vẻ như thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng đó là thứ thơ thất ngôn, ngũ ngôn mới, tự do, chia khổ, điệu nói.

2. Thơ mới đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thơ Hán, thơ Đường, thoát ra khỏi cái bóng của thơ Trung Hoa.

Thơ mới đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thơ Hán, thơ Đường, thoát ra khỏi cái bóng của thơ Trung Hoa để trở thành thơ trữ tình tiếng Việt hoàn toàn. Thơ mới đánh dấu thơ Việt đã thoát khỏi cái bóng lớn của thơ Đường luật bao trùm lên thơ Việt suốt mấy nghìn năm. Thơ mới cũng đánh dấu sự hình thành hệ thống thơ, hình thức thơ trữ tình mới thuần Việt. Trong hệ thống này các yếu tố thơ Trung Hoa sẽ chỉ là yếu tố phụ thuộc của hệ thống thơ Việt, chứ không phải là ngược lại như trước, thơ tiếng Việt nhiều thể lệ thuộc vào luật thơ Trung Hoa.

3. Thi pháp thơ mới là một hệ thống mở.

Bởi nguyên tắc của thơ mới là thẩm mĩ, cảm xúc, tự do và thành thực. Nó chống lại mọi ràng buộc, câu thúc, ngoài ra không đặt cho mình một giới hạn nào cả. Chính vì thế mà thơ mới từ khi ra đời không bao lâu đã liên hệ với thơ tượng trưng, siêu thực, thơ cách mạng, thơ hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại.

4. Thơ mới là thơ của tiếng Việt hiện đại, có khả năng phát huy mọi tiềm năng thẩm mĩ của tiếng Việt cho thơ.

Với hình thức mới, nó lại nối thông với toàn bộ truyền thống dân gian Việt, làm cho thơ phong phú, biến hóa, nhất là về phương diện cú pháp thơ ca. Đánh giá thơ mới không thể đóng khung trong một phong trào. Sau thơ mới cũng đã có một số phong trào rầm rộ, nhưng không phong trào nào có tầm vóc và ý nghĩa sánh được với thơ mới.

Vào những năm 1934 – 1935, không còn ai luận bàn về cái mới, cái cũ vì thơ mới đã có những đóng góp quan trọng, chỉ trong khoảng 10 năm, thơ mới đã chinh phục được lòng người đọc, đã tạo nên một trào lưu thi ca mới với hang loạt tác phẩm tiêu biểu, mỗi người mỗi vẻ có phong cách sang tạo riêng. Có thể kể những nhà thơ mới tiêu biểu nhất như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương, Tế Hanh. Ngoài ra còn có thể đến nhiều tác giả khác như: Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Hồ Dzếch…

5. Thơ mới có hệ thống tác giả, tác phẩm đồ sộ.

Có thể nói thơ mới đã tạo ra một sức sang tạo lớn trong thơ ca thời kì hiện đại với hàng trăm bài thơ hay. Có những nhà thơ chỉ có một hai bài thơ như Vũ Đình Liên với “Ông đồ”, Thâm Tâm với “Tống biệt hành” và Nguyễn Nhược Pháp với bài “Chùa Hương”; có những nhà thơ có những bài thơ hay tập trung thành từng tập thơ như Huy Cận với “ Lửa thiêng”, Xuân Diệu với “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Thơ mới là thơ lãng mạn, có nghĩa là thoát li cuộc sống, các nhà thơ đều ít viết về cuộc đời hiện tại.Thế Lữ ca ngợi vẻ đẹp của thế giới tiên cảnh, vẻ đẹp của sự lí tưởng không dễ có ở tong cuộc đời. Ông viết:

“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn vẻ
Mượn lấy bút nàng li tao tôi vẽ
Và mượn cây dàn ngàn phím tôi ca”.

(Cây đàn muôn điệu)

Nhà thơ Xuân Diệu cũng bày tỏ quan điểm sáng tác của mình:

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến”.

(Cảm xúc )

Ở một trường hợp khác, Xuân Diệu nói:

“Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngửa cổ hót chơi…
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa”.

Rõ ràng quan điểm trên là quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhà thơ Lưu Trọng Lư luôn đắm say trong tình và mộng, ông tìm thấy trong thơ cũng như trong tình yêu niềm vui và hạnh phúc nhưng thật mỏng manh:

“Thơ cũng như tình nàng vậy
Mộng, mộng mà thôi, mộng hững hờ”.

Đề xuất quan điểm lãng mạn trong thi ca nhưng rồi thực tế các nhà thơ luôn gặp phải những cảnh ngộ thực của cuộc đời làm cho ai oán xót đau, không thể cứ mơ mộng mãi ở mây gió. Chính Xuân Diệu đã nhận ra thực sự cảnh ngộ của mình:

“Nỗi đời cơ cực đang vơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Và tác giả nhận ra cảnh ngộ thật tù túng của mình: “Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù”. Hàn Mặc Tử cũng là một nhà thơ lãng mạn, nhưng rồi cảnh ngộ của cuộc sống làm ông nhận ra những xót xa của nó:

“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”

Với quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” tưởng rằng các nhà thơ luôn đề cao vai trò của thơ nhưng nhiều lúc biến thơ thành một phương tiện để phục vụ tình yêu và không phải bao giờ cũng có sự tiếp nhận trân trọng. Nhà thơ Đinh Hùng trong bài “Kĩ nữ” viết:

“Em đài các long cùng thoa son phấn
Hai bàn chân kêu ngạo giẫm lên thơ”.

Mặc dầu quan điểm sang tác có một số mặt hạn chế, thoát li, lãng mạn nhưng thơ mới thật sự là một trào lưu thơ ca có những đóng góp quan trọng trong thơ ca của thời kì hiện đại. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: “Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy lấy thời đại sánh với thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu …”

6. Thơ mới đáp ứng được thị hiếu của đông đảo công chúng mới.

Thơ mới được sự hưởng ứng rộng rãi của bạn đọc vì đã đáp ứng đúng tâm lí của thời đại, tâm lí của lớp công chúng mới. Nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Các cụ ưa chuộng những màu đỏ choét, ta lại yêu những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuân vì tiếng trùng trong đêm, ta lại nao nao lòng vì tiếng gà gáy đúng ngọ. Nhìn một gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã là một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với thơ ta thì trăm hình vạn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…”

Nhìn chung phong trào thơ mới đã thể hiện những ưu điểm lớn, trước hết về khát vọng tự do cá nhân, rồi tình yêu quê hương nồng thắm, sự giải phóng của cái tôi, giải phóng bản ngã. Các nhà thơ trong phong trào thơ mới là những người trí thức khao khát tự do cá nhân. Sóng trong cảnh đời tù túng họ muốn được giải phóng, giải thoát. Nhà thơ Huy Thông mơ ước trở thành một cánh chim bay trên bầu trời cao rộng:

Tôi muốn làm con chim để cùng gió
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng
Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng.

Trong bài thơ “Nhớ rừng”, Thế Lữ hình ảnh con hổ bị giam trong vườn bách thú. Tác giả nói lên những nỗi nhớ, những kỷ niệm về chốn rừng xanh sau một thời oanh liệt:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

Đâu những bình minh cay xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đây những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.

Các nhà thơ trong phong trào thơ mới cũng bộc lộ một tình yêu nước kín đáo. Nhà thơ Huy Thông trong bài “Con voi già” cũng bày tỏ tình cảm trân trọng với hình ảnh con voi già một thời nhiều chiến tích. Đó là hình ảnh cụ Phan Bội Châu một thời tung hoành trên trường đấu tranh chính trị và nay tưởng nhớ lại với một tấm lòng cảm phục. Nhà thơ Chế Lan Viên qua tập “Điêu tàn” nói về sự suy vong của nhà nước Chàm, và qua đó bộc lộ kín đáo nỗi lòng với quê hương đất nước. Một trong những phẩm chất quan trọng của thơ mới chính là tình yêu quê hương. Đó cũng chính là tâm sự yêu nước thầm kín mà thiết tha được các tác giả gửi gắm trong những vần thơ của mình.

Quê hương  hai tiếng thân thiết ấy gắn bó và trỏ nên thiêng liêng trong lòng mỗi người. Tình yêu quê hương là tình cảm quan trọng góp phần tạo nên nhân cách ở mỗi người, ở đậy là nơi chôn nhau cắt rốn, ở đấy có cha mẹ và những người thân yêu. Các nhà thơ như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Trần Tuấn Khải,…đã đem vào thơ những hình ảnh đẹp của quê hương. Và trong phong trào thơ mới, nhiều bài thơ hay viết về quê hương. Các nhà thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… đều là những tác giả chuyên viết về làng quê, họ khai thác nhiều vẻ đẹp của quê hương và cả những vất vả gian truân của cuộc sống sau lũy tre xanh.

Các bài thơ “Quê hương” của Tế hanh, “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ, “Tràng giang” của Huy Cận, “Dây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, “Chân quê” hay “Mưa xuân” của Nguyễn Bính đều là những bài thơ xuất sắc miêu tả về quê hương trong phong trào thơ mới. Nhà thơ miêu tả được tình yêu quê hương đất nước trong bài “Tràng giang” của Huy cận. Tế Hanh đã miêu tả cành một làng quê ở vủng biển với những hình ảnh rất đẹp, những người lao động được miêu tả khỏe khoắn man nhiều chất thơ:

Dân chài lưới làn da ngâm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

Hình ảnh quê hương được miêu tả cả phần hồn cả những hoạt động cụ thể, hăng say trong lao động:

Chiếc thuyền nhẹ hăng say như tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt Trường Giang
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Đặc biệt là Nguyễn Bính – một nhà thơ có tài năng đã miêu tả thành công văn hóa của làng quê với những sinh hoạt, lễ hội, hội hè… Người già lên chùa, trai gai trẫy hội, đặc biệt là trong không khí của ngày xuân. Thơ Nguyễn Bính mang hồn thơ đậm đà. Lúc này trong xã hội có xu hướng chạy theo lối ăn chơi, đua chen của đời sống thành thị và quên đi bản sắc của dân tộc.

Trở về với quê hương, ca ngợi truyền thống quê hương cũng chính là trở về với cội nguồn. Trong thơ Nguyễn Bính nổi lên vẻ đẹp của những cô gái quê có một tâm hồn đẹp, nhiều mơ ước trong yêu đương nhưng lại gặp phải nhũng cảnh ngang trái, lỡ làng trong chuyện tình duyên hay bị tình phụ. Hình ảnh cô gái bên khung cửi qua bài “ Mưa xuân” gợi rất nhiều thương cảm ở người đọc. Nguyễn Bính có ý thức trong sáng tạo nghệ thuật. Hai câu thơ:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.

Hai câu thơ trên của Nguyễn Bính bộc lộ một phương châm sáng tác là phải biết tôn trọng truyền thống, bản sắc của dân tộc. Xu hướng ngoại lai, thành thị hóa, mất gốc là hiện tượng cần tránh trong sáng tạo nghệ thuật.

7. Thơ mới là thơ ca tìm đến sự giải phóng bản ngã, giải phóng cá nhân.

Trong nhiều thế kỉ, thơ ca ít nói tới cái tôi cá thể. Các nhà thơ bị ràng buộc trong những quy tắc chung ít dám khẳng định bản sắc của mình mà bản chất thơ ca là sự bộc lộ cảm xúc riêng tư trước cuộc đời. Có thể nói phong trào thơ mới đã góp phần giải phóng cái tôi, đây là một hiện tượng mang ý nghĩa xã hội rộng rãi. Trong thời kì này, nhiều cuốn tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh đều tiến công vào lễ giáo hà khắc của đại gia đình phong kiến. Các nhân vật như bà Án, bà Trần, ông Phủ, ông Huyện thường là đối tượng trực tiếp của sự phê phán.

Lớp thanh niên trẻ trong gia đình đó muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ để có quyền suy nghĩ và chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Các nhà thơ mới đã tìm cách tự khẳng định và tạo cho mình một thế giới tinh thần riêng. Có nhà thơ bộc lộ nhiều trăn trở, những đau khổ trước cuộc đời như Huy Cận, Chế Lan Viên; có nhà thơ nói lên niềm khao khát được sống, được hưởng hạnh phúc, được giao cảm với đời và đặc biệt là tình yêu đôi lứa như nhà thơ Xuân Diệu.
Nhà thơ Chế Lan Viên nói lên những nỗi xót xa:

Trời xanh ơi hỡi xanh không nói
Hồn tôi muốn hiểu chẳng cùng cho

Tác giả có lúc ví mình như con đường, nhưng con đường này chịu đựng nhiều vò xé của xe cộ mà không hề cảm thông:

Là một con đường lòng tôi đau khổ
Im lặng xé mình theo muôn xe cộ
Đường nào đâu vào hẳn giữa lòng xe
Xe nào đâu theo mãi lối đường đi.

Và có những lúc bế tắc nhất, tác giả như cảm thấy rơi vào cảm giác hư vô:

Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Các nhà thơ bộc lộ niềm đau khổ của mình và tình trạng bi kịch vì không tìm được lối thoát:

Tôi là con nai bị chiều giăng lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối.

Qua bài “Hy mã Lạp Sơn”, Xuân Diệu có những ý thơ vùa khẳng định lại vừa phủ định mình:

“Ta là một là riêng là thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta”.

Nhưng rồi chính ở nơi cao xa, nhà thơ lại cảm thấy cô đơn: Ta bỏ đời mà đời cũng bỏ ta. Cái tôi phong trào thơ mới có hai mặt biểu hiện, mặt tích cực là giải phóng cá nhân không tìm được chỗ đứng trong cuộc đời cũ, nhiều lúc rơi vào cực đoan hoặc chán chường. Sau cách mạng Tháng Tám cái tôi mới được thật sự giải phóng, nhà thơ hòa hợp với cuộc đời chung.

Các nhà thơ mới là những người trí thức nghèo cũng phải chịu đựng nhiều nỗi vất vả trong cuộc sống và họ cũng có nhiều cảm thương với những người lao động vất vả. Vũ Đình Liên là một nhà thơ biểu hiện rõ sự cảm thương với những người lao động vất vả, ông tự xem mình là “thi sĩ của những người thân tàn ma dại”:

Rồi tất cả bầy rách rưới đui mù
Từ ông già cho tới đứa trẻ thơ
Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái
Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại.

Vũ Đình Liên đã sáng tạo được một bài thơ bất hủ, một trong những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới: “Ông đồ”. Ông đồ tượng trung cho người trí thức phong kiến, lạc lỏng và thất thế với thời buổi mới:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay hoa đào nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ. Một trong những hình ảnh được một số nhà thơ mới quan tâm miêu tả với tấm lòng cảm thương là những cô gái giang hồ. Bài thơ “Lời kĩ nữ” của Xuân Diệu” vừa bộc lộ tình thương đối với số phận cơ cực của những cô gái giang hồ và ít nhiều tác giả cũng tự liên hệ tới mình:

Lòng kĩ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em.

Tình cảm nhân đạo trong thơ mới tuy chưa bộc lộ sâu sắc sự cảm thương theo quan điểm cách mạng nhưng cũng đã tạo được nhiều giá trị trong thơ. Các nhà thơ xót thương những người nghèo khổ trong đời và một phần cũng biểu hiện sự cảm thương bản thân mình. Họ là những người trí thức với nhiều khao khát và mơ ước nhưng đã bị cuộc đời đẩy vào hoàn cảnh tù túng không lối thoát, họ không thể tự mình tìm được lối ra.

Tình cảm thiên nhiên trong thơ mới thì hết sức chân thật. Thiên nhiên là đề tài vô cùng quan trọng góp phần đem lại cái đẹp cho sáng tác thơ ca và cũng là nơi để nhà thơ gửi gấm tâm tình của mình. Nhiều bức tranh thiên nhiên đẹp trong thơ của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà…

Tuy nhiên bước sang đầu thế kỉ XX, việc miêu tả thiên nhiên không có xu hướng rơi vào tình trạng ước lệ, miêu tả cảnh vật theo những quy ước mà dựa vào đời sống thực. Có lần nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Thiên nhiên Việt Nam không có tuyết và hạc nhưng trong thơ lại có nhiều hạc và tuyết”. Thơ mới đã có những thay đổi rất cơ bản trong việc miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên được miêu tả chân thực, cái đẹp của cảnh vật trong đời đã được phát hiện và đưa vào sáng tác thi ca:

Sao anh không về chơi thôn
Vĩ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử).

Nhà thơ Bích Khuê cũng đã viết:

Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn
Biết anh cần trúc không buồn mà say

Trong “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, tác giả miêu tả một cách chân thực không khí giao mùa khi trời đất vào thu:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Xuân Diệu đã miêu tả rất tỉ mỉ, vận dụng nhiều cảm giác khác hẳn với lối miêu tả trước kia trong thơ cũ. Thiên nhiên trong thơ mới cũng rất thơ mộng, được tạo nên bằng trí tưởng tượng. Chỉ riêng vầng trăng, ánh trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử đã dược miêu tả rất gợi cảm từ ánh trăng xanh trong vườn khuya của tình yêu đôi lứa đến một không gian huyền ảo ngập ánh trăng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Cảnh vật nông thôn cũng dược miêu tả rất đẹp trong thơ của Nguyễn Bính, Anh Thơ, có mưa xuân và lớp lớp hoa rụng. Trong thơ của Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Rồi hình ảnh làng quê trong thơ Anh Thơ:
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.

Miêu tả thiên nhiên các nhà thơ trong nhiều trường hợp như hòa nhập với cảnh vật, nhân hóa thiên nhiên, tạo cho thiên nhiên một sức sống sinh động:

Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai với nhánh đào.

(Xuân Diệu)

hay như ngọn gió xuân trong thơ Hàn Mặc Tử:

Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí bóng xuân sang.

II. Những ưu điểm và hạn chế của phong trào thơ mới.

* Ưu điểm:

1. Thơ mới chủ yếu là thơ lãng mạn, thoát li cuộc đời.

Nhà phê bình Hoải Thanh nhận xét: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên; ta đắm say cùng với Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ”. Nói tóm lại, mọi trạng thái thoát li cuối cùng vẫn trở về với cuộc đời thực.

2. Thơ mới thoát li nên không nói nhiều về cuộc sống.

Còn ít những bức tranh sinh hoạt chân thật về đời thường. Đề tài trong thơ mới phần lớn nói về tình yêu. Một số nhà thơ qua việc miêu tả tình yêu đã nói lên được khát vọng giải phóng cá nhân, tuy nhiên không khí thơ chìm ngập trong yêu đương. Nhà thơ tình số một trong phong trào thơ mới cũng phải thảng thốt kêu lên: “Giọng em đầy rẫy trong văn chương, không khí trêu những chàng với nàng, không khí khéo thở thì đến chết ngạt mất”.

Miêu tả tình yêu, Xuân Diệu là người tả được nhiều trạng thái yêu đương nhất, cảm xúc say mê nhưng thanh cao. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà thơ say đắm trong tình yêu đam mê và bệnh hoạn như một số bài thơ cảu Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng.

Vũ Hoàng Chương viết:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối
Sát gần đây gần nữa cặp môi điên
Rồi anh sẽ dìu em trên cánh khói
Đưa hồn say về tận cuối trời quên.

Ngay từ thời đó, nhà phê bình Hoài Thanh cũng đã nhận xét: “con thuyền say kia chính là linh hồn và cuộc đời của thi nhân, rút lại hi vọng cao nhất của người là quên – quên hết thảy trong những thú lượm giọng của khách làng chơi”.

3. Thơ mới phù hợp với cách cảm và cách nghĩ của con người hôm nay.

Thơ mới có những đóng góp về nghệ thuật, một trong những đóng góp quan trọng của thơ mới là đưa thơ ca về với thời kì hiện đại, phù hợp với cách cảm và cách nghĩ của con người hôm nay. Giữa Trần Tuấn Khải, Tản Đà với Xuân Diệu, Huy Cận có một khoảng cách khá xa về hình thức biểu hiện. Một bên là thơ theo thi pháp cổ, một bên là theo thi pháp hiện đại. Ngày nay, đọc nhiều bài thơ của Xuân Diệu, chúng ta cảm thấy tiếng nói ấy rất gần gũi. Thơ mới đã khai thác nhạc điệu một cách có hiệu quả, đặc biệt là thanh bằng. Có những câu thơ nhạc điệu phù hợp với nội dung tạo nên những sợi cảm đặc biệt:

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.”

(Xuân Diệu)

hay:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.

(Bích Khuê)

Câu thơ của Bích Khuê được Hoài Thanh nhận xét là câu thơ hay vào bậc nhất của thơ mới. Nhạc điệu một số bài tạo nên âm hưởng đặc biệt như trong bài “Đêm mưa” của Huy Cận:

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tay nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẽ loi.
Rơi rơi…dìu dịu rơi rơi
Như muôn giọt lệ nối lời vu vơ.

* Hạn chế: Thơ mới còn cầu kì ở hình thức.

Tuy nhiên thơ mới trong nhiều trường hợp đã đi vào củ nghĩa hình thức chạy theo nhạc điệu theo một lối kết cấu cầu kì có những bài thơ dài hoàn toàn chỉ dùng thanh bằng:

Cây đàn yêu dương làm bằng thơ
Cây đàn yêu dương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

(Bích Khê)

Trong bài thơ “Sương rơi”, Nguyễn Vĩ đã sử dụng những câu thơ hai từ để nói lên tiếng sương rơi, mưa rơi, lá rơi:

Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Thánh thót
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi

Thế Lữ tỏ ra rất tài hoa khi ông viết bài “Hoài tình” và mỗi câu thơ mang một dấu trong ngôn ngữ tiếng Việt:

“Trời buồn làm gì trời rầu rầu
Anh yêu em xong em đi đâu
Lắng tiếng suối thấy tiếng khóc
Một bụng một dạ một nặng nhọc

Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi
Nghĩ mãi gõ mãi lỗi vẫn lỗi
Thương thay cho em căm thay anh
Tình hoài càng ngày càng tày tình”.

Một số nhà thơ sử dụng hình họa làm cơ sở để cấu trúc một số bài thơ: hình tam giác, hình quả trám, những hướng này nói chung đi vào bế tắc.

Mặc dầu có những hạn chế nhưng thơ mới vẫn là một trào lưu thi ca có những đóng góp quan trọng cho thơ ca thời kì hiện đại. Tình yêu quê hương, đất nước thầm kín, thiết tha và tinh thần dân tộc sâu sắc cùng những cách tân về nghệ thuật chính là những đóng góp lớn nhất của thơ mới trong dòng chảy của thơ ca tiếng Việt. Sau cách mạng Tháng Tám, hầu hết các nhà thơ mới đã đến với cách mạng và lại có những đóng góp quan trọng trên chặng đường thơ ca cách mạng.

Họ lại chín lại với thực tế mới. Và một số nhà thơ tiêu biểu như Xuân Diệu, huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử … có thể xem là tài năng thi ca thế kỉ XX. Tác phẩm của họ có giá trị bền vững với thời gian.

III. Những mặt tích cực, tiến bộ của phong trào Thơ mới.

Đánh giá Phong trào thơ mới, nhà thơ Xuân Diệu nhận định “Thơ mới là một hiện tượng văn học đã có những đóng góp vào văn mạch của dân tộc”… “ Trong phần tốt của nó, Thơ mới có một lòng yêu đời, yêu thiên nhiên đất nước, yêu tiếng nói của dân tộc”. Nhà thơ Huy Cận cũng cho rằng : “Dòng chủ lưu của Thơ mới vẫn là nhân bản chủ nghĩa”… “Các nhà thơ mới đều giàu lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước Việt Nam. Đất nước và con người được tái hiện trong Thơ mới một cách đậm đà đằm thắm”

1. Tinh thần dân tộc sâu sắc.

Thơ mới luôn ấp ủ một tinh thần dân tộc, một lòng khao khát tự do. Ở thời kỳ đầu, tinh thần dân tộc ấy là tiếng vọng lại xa xôi của phong trào cách mạng từ 1925-1931 (mà chủ yếu là phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu và cuộc khởi nghĩa Yên Bái). Nhà thơ Thế Lữ luôn mơ ước được

“Tung hoành hống hách những ngày xưa”

(Nhớ rừng)

Huy Thông thì khát khao:

“Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng”.

Tinh thần dân tộc của các nhà thơ mới gửi gắm vào lòng yêu tiếng Việt. Nghe tiếng ru của mẹ, nhà thơ Huy Cận cảm nhận được “hồn thiêng đất nước” trong từng câu ca:

“Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”.

Có thể nói, các nhà thơ mới đã có nhiều đóng góp, làm cho tiếng Việt không ngày càng trong sáng và giàu có hơn.

Ở giai đoạn cuối, tinh thần dân tộc chỉ còn phảng phất với nỗi buồn đau của ngưòi nghệ sĩ không được tự do (Độc hành ca, Chiều mưa xứ Bắc của Trần Huyền Trân, Tống biệt hành, Can trường hành của Thâm Tâm) …

2. Tâm sự yêu nước thiết tha.

Có thể nói, tinh thần dân tộc là một động lực tinh thần để giúp các nhà thơ mới ấp ủ lòng yêu nước. Quê hương đất nước thân thương đã trở thành cảm hứng trong nhiều bài thơ. Đó là hình ảnh Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp (Em đi Chùa Hương); hình ảnh làng sơn cước vùng Hương Sơn Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận (Đẹp xưa); hình ảnh làng chài nơi cửa biển quê hương trong thơ Tế Hanh (Quê hương) v.v… Các thi sĩ đã mang đến cho thơ cái hương vị đậm đà của làng quê, cái không khí mộc mạc quen thuộc của ca dao: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, … Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông, mái đình, gốc đa, bến nước, giậu mồng tơi, cổng làng nắng mai, mái nhà tranh đã gợi lên sắc màu quê hương bình dị, đáng yêu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam yêu nước.

Bên cạnh những mặt tích cực và tiến bộ nói trên, Phong trào thơ mới còn bộc lộ một vài hạn chế. Một số khuynh hướng ở thời kỳ cuối rơi vào bế tắc, không tìm được lối ra, thậm chí thoát ly một cách tiêu cực. Điều đó đã tác động không tốt đến một bộ phận các nhà thơ mới trong quá trình “nhận đường” những năm đầu sau cách mạng tháng Tám.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang