Chuyện người con gái Nam Xương
(Nguyễn Dữ)
I. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm.
1. Tác giả: Nguyễn Dữ.
– Nguyễn Dữ là người tỉnh Hải Dương. Ông là chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc.
– Vốn tính tình khảng khái, cương trực, ghét thói xấu thương dân nghèo bị áp bức, làm quan một năm, Nguyễn Dữ xin từ quan về quê sống cuộc đời ẩn dật, vui thú ruộng vườn, giữ gìn khí tiết.
– Ông thường lang thang khắp nơi, sưu tầm chuyện cổ, truyền kỳ rồi ghi chép cẩn thận. Sau sáng tác nên bộ “Truyền kỳ mạn lục” nổi tiếng khắp vùng.
2. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.
“Truyền kỳ mạn lục” chưa rõ sáng tác năm nào. Sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả, một kiểu bình văn vốn phổ biến đương thời. Truyền kỳ mạn lục được đánh giá là một “thiên cổ kỳ bút”, được xem là bộ “Liêu trai chí dị” của Việt Nam.
3. Thiên truyện “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Xuất xứ: “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyền thứ 16, có nguồn gốc từ một truyện cổ tích Việt Nam có tên là “Vợ chàng Trương”. So với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, “Chuyện người con gái Nam Xương” phức tạp hơn về tình tiết và sâu sắc hơn về cảm hứng nhân văn.
* Tóm tắt nội dung văn bản:
“Chuyện người con gái Nam Xương” viết về một cuộc đời đầy khổ đau, bất hạnh của người thiếu phụ tên là Vũ Thị Thiết (thường gọi là Vũ Nương) ở huyện Nam Xương. Vũ Nương là người con gái thùy mị, nết na, đức hạnh vẹn toàn. Vì yêu mến dung hạnh của Vũ Nương, Trương Sinh đã xin tiền mẹ cưới nàng về làm vợ. Với phẩm hạnh tốt đẹp, Vũ Nương chu toàn bổn phận ở nhà chồng.
Hạnh phúc chưa được bao lâu, năm ấy, giặc Chiêm thành quấy nhiễu biên cương, Trương Sinh phải ra trận, lại lúc Vũ nương đang có mang cũng đành ngậm ngùi tiễn đưa. Trương Sinh đi chưa lâu, nàng hạ sinh con trai và đặt tên con là Đản. Vắng chồng, một mình nàng chăm lo con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già chu đáo, người mẹ vì thế mà vô cùng cảm động. Mỗi tối, Đản hay quấy khóc, nàng thường chỉ lên cái bóng của mình trên tường và nói rằng cha Đản đó. Đứa bé tưởng thật, không khóc quấy nữa. Người mẹ già vì mong nhớ con đến nỗi ốm đau sức cùng lực kiệt, chẳng bao lâu thì qua dời. Vũ Nương lo ma chay tế lễ hết sức cẩn thận như mẹ ruột của mình.
Năm sau, quân giặc chịu trói, Trương Sinh trở về. Hay tin mẹ mất, chàng vô cùng đau buồn. Buổi sáng, chàng bế con viếng mộ mẹ. Bởi lời nói ngây thơ của con trẻ mà Trương Sinh nghi rằng Vũ nương ở nhà hư hỏng, thất tiết với người khác. Chàng mắng nhiếc, đánh đập thậm tệ rồi đuổi đi. vũ Nương hết lời mình giải, làng xóm can ngăn nhưng Trương Sinh quyết không nghe. Phẫn uất, Vũ Nương chạy ra bến Hoàng Giang tự vẫn. Khi Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ thì đã muộn màng.
Vì thấu hiểu nỗi oan khuất và thương cảm cho Vũ Nương, Linh Phi đã cứu sống nàng và cho tá túc ở nơi thủy cung. Nhờ có Phan Lang đưa tin về, Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ. Trên bến sông, Vũ Nương hiện về nói lời từ biệt rồi từ từ biến mất.
Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm xuất sắc góp phần vào tiếng nói chung đòi sự bình đẳng cho người phụ nữ. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương, thể hiện niềm xót thương thân phận người phụ nữ xưa và thông qua đó ca ngợi phẩm chất son sắc, thủy chung của họ.
II. Phân tích văn bản.
1. Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương:
a. Vẻ đẹp hình thức:
– Vũ Nương là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Dù không chú trong miêu tả hình thức nhân vật, nhưng chỉ bằng vài lời gợi tả, người đọc cũng nhận ra, Vũ Nương là một phụ nữ có nhan sắc. Trương Sinh yêu mến nàng trước là ở nhan sắc yêu kiều, sau là nhân cách cao đẹp.
b. Vẻ đẹp phẩm chất:
– Vũ Nương là người tính tình thuỳ mị nết na. Vẻ dẹp dịu dàng của người thiếu nữ tạo ấn tượng về một chân dung người phụ nữ hoàn hảo đẹp cả người lẫn nết, đúng với chuẩn mực của người xưa.
– Vũ Nương là người phụ nữ thuỷ chung, son sắc trong tình nghĩa vợ chồng:
Trong cuộc sống vợ chồng, biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Nàng luôn giữ cho tình cảm gia đình đầm ấm, yên vui. Nàng là một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
Khi trương Sinh ra trận, nàng chỉ mong chồng được bình an, chẳng mong gì đến công danh, ấn hầu. Lời tiễn đưa chứa đầy tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha. Ngày rồi đến đêm, lúc nào nàng cũng mong nhớ, lại hết sức giữ gìn tiết hạnh. Không có chồng ở nhà, nàng thay chồng gánh vác việc nhà, chu toàn mọi việc mà không hề than vãn, kể công. Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa, thật đáng trân trọng biết bao.
Khi bị nghi oan, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, Vũ Nương ra sức cứu vãn, hàn gắn, hết lời tỏ bày, thanh minh, phân trần rồi van xin. Những lời nói nhún nhường tha thiết đó cho thấy thái độ trân trọng chồng, trân trọng gia đình nhà chồng, niềm tha thiết gìn giữ gia đình nhất mực của Vũ Nương.
Cả khi ở dưới thủy cung, nàng vẫn không ngui nỗi thương nhớ chồng con. Vừa gặp lại Phan lang, nghe Lang kể về tình cảnh gia đình nàng đã ứa nước mắt xót thương. Mặc dù đã nặng lời thề sống chết với Linh Phi nhưng nàng vẫn tìm cách trở về với chồng con trong giây lát để nói lời đa tạ tấm lòng chồng. Rõ ràng trong trái tim người phụ nữ ấy, không bợn chút thù hận, chỉ có sự yêu thương và lòng vị tha.
– Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thuận với mẹ chồng, là một người mẹ hiền đầy tình yêu thương con.
Với mẹ chồng, khi Trương Sinh ra trận, nàng thay chồng phụng dưỡng mẹ già, yêu thương và kính trọng như mẹ ruột của mình. Lúc mẹ buồn, hay tuyệt vọng nàng tìm lời khuyên nhủ thiết tha. Lúc bà ngả bệnh, nàng lo thuốc thang chu đáo, tận tình. Cái tình ấy quả có thể cảm thấu cả trời đất cho nên trước lúc chết người mẹ già ấy đã trăng trối những lời yêu thương, động viên, trân trọng con dâu. Khi bà qua đời, nàng lo ma chay tế lễ chu toàn khiến làng xóm vô cùng cảm kích. Nàng làm tất cả bằng tấm lòng chân thiện, chẳng tính toán, nề hà. Vẹn toàn nghĩa tình như nàng, trên đời này quả thực chẳng có người thứ hai.
Với con thơ, nàng hết sức yêu thương và chăm chút. Chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ : để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha. Bé Đản lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc và che chở hoàn hảo của mẹ.
Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng qua từng trang truyện, từ đó khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp. Ở Vũ Nương hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý của người phụ nữ mà xã hội phong kiến cần có.
c. Số phận bất hạnh và cái chết oan nghiệt của Vũ Nương:
* Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương:
– Nguyên nhân trực tiếp:
Trương Sinh trở về và trực tiếp gây ra cái chết thương tâm đối với Vũ Nương. Lời nói ngay thơ của bé Đản nhóm lên ngọn lửa tàn bạo trong lòng Trương Sinh. Nhưng chính tính khí hồ đồ, thói ghen tuông mù quáng, lòng nghi kị vợ quá mức, đã biến Trương Sinh thành một kẻ hung bạo, hành động lỗ mãn, không còn biết suy nghĩ hay cảm thương, suy xét.
– Nguyên nhân gián tiếp:
+ Chiến tranh phi nghĩa của các tập đoàn phong kiến đã gây ra cảnh ly biệt, khiến cho tính hồ nghi ích kỉ của Trương Sinh có cơ hội được tồn chứa và lớn dần lên. Thế rồi, chỉ cần có một cái cơ dù hết sức vu vơ cũng có thể trở thành lý do để ngọn lửa hung tàn trong Trương Sinh bùng phát mãnh liệt, đốt cháy cả lương tri, lương năng, biến chàng thành một con người hoàn toàn vô tình, vô nghĩa, vô lý trí.
+ Chế độ phong kiến với những luật lệ hà khắc, bất công, xem thường cuộc đời, nhân cách và số phận của người phụ nữ. Chính nó là cái nguyên cớ đẩy Vũ Nương vào con đường tận tuyệt. Nàng không thể sống để chịu nhục, mang tiếng nhuốc nhơ, thất tiết, phụ chồng.
+ Lòng tự trọng cao cả của người người phụ hết lòng trung trinh cũng là một nguyên nhân nhanh chóng đưa nàng đến với cái chết. Càng thủy chung, tha thiết, nàng càng đau khổ. Bởi thế, nàng thà chết chứ không thể sống mà nhục nhã.
* Ý nghĩa:
Cái chết của Vũ Nương tố cáo chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do. Cái thua thiệt đầu tiên làm nên bất hạnh của Vũ Nương là thua thiệt về vị thế. Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng. Vũ Nương “vốn con kẻ khó” còn Trương Sinh lại là “nhà giàu” đến độ khi muốn Sinh có thể xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương về. Sự cách bức giàu nghèo ấy khiến Vũ Nương sinh mặc cảm và cũng là cái thế khiến Trương Sinh có thể đối xử thô bạo, gia trưởng với nàng.
Bi kịch cuộc đời Vũ Nương tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Chính chiến tranh gây nên cảnh ly biệt và làm nảy nở những hoài nghi. Chiến tranh tạo điều kiện cho sự hiểu lầm trở thành nguyên nhân gây bất hạnh. Đó cũng là ngòi nổ cho thói hay ghen, đa nghi của Trương Sinh nảy nở, phát triển, dẫn đến cái chết oan uổng của Vũ Nương.
Cái chết của Vũ Nương khẳng định sức sống mãnh liệt của người phụ nữ. Họ thà chết chứ không thể sống với tiếng đời nguyền rủa. Là người vợ thuỷ chung nhưng nàng lại bị chồng nghi oan và đối xử bất công, tàn nhẫn. Vũ Nương đau đớn vô cùng vì tiết giá của mình bị nghi kị,bôi bẩn bởi chính người chồng mà mình yêu thương. Bế tắc, Vũ Nương đã phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức, thoát khỏi cuộc đời đầy đau khổ, oan nghiệt.
2. Ý nghĩa của kết thúc của truyện có hậu:
Cái kết thúc tưởng là có hậu hoá ra cũng chỉ đậm tô thêm tính chất bi kịch trong thân phận Vũ Nương. Có thể coi đây là một kết thúc có hậu, thể hiện niềm mơ ước của tác giả về một kết thúc tốt lành cho người lương thiện, niềm khát khao một cuộc sống công bằng nới cái thiện cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác.
Nhưng sâu xa, cái kết thúc ấy không hề làm giảm đi tính chất bi kịch của tác phẩm. Vũ Nương hiện về uy nghi, rực rỡ nhưng đó chỉ là sự hiển linh trong thoáng chốc, là ảo ảnh ngắn ngủi và xa xôi. Sau giây phút đó nàng vẫn phải về chốn làng mây cung nước, vợ chồng con cái vẫn âm dương đôi ngả. Hạnh phúc lớn nhất đời người đàn bà ấy là được sum họp bên chồng bên con cuối cùng vẫn không đạt được. Sự trở về trong thoáng chốc và lời từ biệt của nàng đã hé ra cái sự thực cay đắng là cái nhân gian đầy oan nghiệt, khổ đau này không có chốn dung thân cho người phụ nữ vì thế mà “Thiếp chẳng thể trở lại chốn nhân gian được nữa”
Dù có đầy đủ những phẩm đức đáng quý nhưng Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng,oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người.
Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người đặc biệt là người phụ nữ. Có lẽ chưa cần nhiều, chỉ cần khai thác chân dung Vũ Nương đã đủ thấy chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nguyễn Dữ.
3. Ý nghĩa các chi tiết kỳ ảo:
a. Những chi tiết kỳ ảo:
– Vũ Nương được Linh Phi cứu sống.
– Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
– Phan Lang chết, được Linh Phi cứu sống và đãi yến. Tại thủy cung, Phan lnag gặp được Vũ Nương.
– Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về nói lời từ biệt rồi từ từ biến mất.
b. Ý nghĩa:
– Tăng sức hấp dẫn bằng sự li kỳ và trí tượng tượng phong phú.
– Góp phần thúc đẩy tình huống truyện phát triển với sức mạnh của thần linh. Nếu không có Linh Phi, có lẽ truyện đã kết thúc khi Vũ Nương trầm mình xuống dòng Hoàng Giang sâu thẳm.
– Minh giải cho nỗi oan khuất của Vũ Nương.
– Hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương, một người dù đã ở thế giới khác, vẫn quan tâm đến chồng con, nhà cửa, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.
– Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người tốt dù có phải trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.
– Khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với sự bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
5. Ý nghĩa chi tiết cái bóng của Vũ Nương trên tường:
– Cái bóng là một chi tiết đặc sắc, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn so với truyện cổ tích.
– Cái bóng là đầu mối, điểm nút của câu chuyện. Thắt nút là nó, mà mở nút cũng là nó, góp phần thể hiện tính cách nhân vật: Bé Đản ngây thơ; Trương Sinh hồ đồ, đa nghi; Vũ Nương yêu thương chồng con.
– Chi tiết cái bóng thể hiện tấm lòng yêu thương con của người mẹ. Vũ Nương muốn dùng cái bóng để bù đắp lại nỗi thiếu vắng cha, giúp bé Đản tự tin và trưởng thành toàn vẹn.
– Cái bóng góp phần tố cáo xã hội phong kiến hung tàn, vô đạo đức, bất công, tàn bạo, khiến hạnh phúc của người phụ nữ hết sức mong manh.
V. Tổng kết:
1. Giá trị nội dung:
Phê phán, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã chà đạp lên thân phận và cuộc đời người phụ nữ, đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát. Tác phẩm còn đề cao, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ và thương cảm sâu sắc của tác giả đối với họ.
2. Giá trị nghệ thuật:
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo đặc biệt chi tiết chiếc bóng, nhằm hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách cho nhân vật Vũ Nương nhưng cũng thể hiện rõ nét bi kịch số phận nhân vật. Nghệ thuật dựng truyện chặt chẽ, độc đáo, dẫn tới nhiều bất ngờ thú vị, tăng tính bi kịch của truyện. Xây dựng thành công nhân vật qua lời nói và hành động, kết hợp với các hình ảnh ước lệ tượng trưng.
Phân tích những giá trị của thiên truyện”Chuyện người con gái Nam Xương”.
1. Giới thiệu tác phẩm:
Từ thế kỉ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam đã bắt đầu có những biểu hiện suy thoái. Nguyễn Dữ – tác giả tập truyện Truyền kì mạn lục – bất mãn và bất lực trước thời cuộc, chán ghét cảnh quan trường điên đảo, bỏ đi ở ẩn. Tuy ở ẩn nhưng ông vẫn quan tâm đến cuộc đời, đã phản ánh những mặt xấu xa của xã hội phong kiến đương thời một cách có ý thức.
Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện trong tập Truyền kì mạn lục, “Truyện được xây dựng trên một số chi tiết ít nhiều có thật : Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương (Sơn Nam), nay là Lí Nhân (Nam Hà), lấy chồng họ Trương. Khi Trương Sinh đi lính đánh bọn phong kiến Chiêm Thành thường hay quấy rối nước ta lúc đó, thì Vũ Thị có mang và khi Trương Sinh về thì con đã thỏ thẻ biết nói. Chỉ vì nghi ngờ vợ một cách vô căn cứ và không thảng thắn nói ra nên Trương Sinh đã làm cho hạnh phúc gia đình tan vỡ một cách bi thảm. Người xưa đã lấy đề tài này để kể thành truyện cổ tích, dựng thành chèo (chèo Trương Sinh) hay sáng tác thành thơ văn, trong những truyện viết thành vãn thì truyện này của Nguyễn Dữ là khá hơn cả” (Trích giảng văn học 8 – Tập hai – 1976).
2. Những giá trị cơ bản của tác phẩm:
– Giá trị hiện thực: Lên án xã hội phong kiến bất công, gây nhiều đau khổ cho người phụ nữ.
– Giá trị nhân đạo: Để cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ : đảm đang, hiếu nghĩa, chung thủy.
– Giá trị nghệ thuật: Truyện giàu kịch tính, gây xúc động đối với người đọc.
Dàn bài:
- Mở bài:
Bước sang thế kỉ XVI, tình hình xã hội Việt Nam không còn ổn định như ở thế kỉ XV. Con người, nhất là phụ nữ, phải chịu nhiều đau khổ do chế độ phong kiến bất công gây nên. Truyền kì mạn lục là một tập truyện viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ, một nhà nho ở ẩn, sống ở thế kỉ XVI. Tác phẩm đã phản ánh những mặt xấu xa của chế độ phong kiến đương thời một cách có ý thức, qua đó tỏ bày thái độ của tác giả. Chuyện người con gái Nam Xương cũng như nhiều truyện trong tập Truyền kì mạn lục có giá trị về nhiều mặt, trong đó nổi bật các giá trị hiện thực, nhân đạo, nghệ thuật dựng truyện.
- Thân bài
1. Giá trị hiện thực:
– Truyện tố cáo xã hội phong kiến bất công, gây nhiều đau khổ cho người phụ nữ.
Phóng tác một câu chuyện xảy ra và được lưu truyền trong dân gian hàng trăm năm về trước (cuối đời Trần đến đời Hồ, tức từ cuối thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XV), Nguyễn Dữ muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay (thế kỉ XVI, thời Nguyễn Dữ sống).
– Tác phẩm lên án chiến tranh, loạn lạc gây ra đau khổ cho con người.
+ Trương Sinh ra lính, phải xa cách mẹ già, vợ trẻ. Buổi chia li thật ngậm ngùi xót xa. Bà mẹ dặn con : “… nhưng trong chỗ binh cách, phải biết giữ mình làm trọng, gặp khó nên lui, lường sức mà tiến, đừng nên tham miếng mồi thơm để lỡ mắc vào cạm bẫy”. Người vợ tiễn chồng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.
+ Xa con, bà mẹ nhớ con sinh ra ốm. Người vợ trẻ Vũ Thị Thiết vừa nuôi con thơ, vừa tận tình thuốc thang chạy chữa cho mẹ chồng. Nhưng không cứu nổi, mẹ chồng mất, nàng một mình lại lo liệu việc ma chay.
+ Người dân chạy loạn, đắm thuyền, chết đuối cả.
– Lễ giáo phong kiến bất công khiến cho người đàn ông có được quyền hành hạ, ruồng rẫy người phụ nữ, dẫn đến cái chết đầy oan khuất của người vợ chung thủy, hiếu nghĩa.
Đọc truyện, ta phẫn uất trước cái chết của Vũ Nương, một người phụ nữ tiết hạnh, chỉ có công chứ không có một chút tội lỗi nào. Vì đâu gây nên nỗi oan khuất đó ? Có phải do thói ghen tuông của Trương Sinh bởi cả tin ở lời của một đứa trẻ ? – Đúng là có điều đó.
Nhưng căn nguyên sâu xa là do sự bất công của lễ giáo phong kiến: trong quan hệ vợ chồng dưới chế độ phong kiến, chỉ có người chồng là có toàn quyền (nam quyền) đối với người vợ, bất kể đúng sai, như trong truyện : Trương Sinh nghi oan cho vợ, không nói thẳng với vợ, không thèm nghe lời thanh minh, nên đã dẫn đến cái chết thảm thương của người vợ vô tội.
Giá trị tố cáo càng cao khi Vũ Nương tuy oan đã được giải, nhưng nàng không thể nào trở lại cõi trần với chồng con được nữa ; Vũ Nương thà trở về sống dưới thủy cung còn hơn sổng trên cõi đời đẩy oan khuất, đầy đau khổ của chế độ phong kiến đương thời.
2. Giá trị nhân đạo:
– Truyện để cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: đảm đang, hiếu nghĩa, chung thủy.
– Truyện đã xây dựng nên hình tượng Vũ Nương, một hình tương phụ nữ đẹp với những đức tính đáng quý :
+ Vũ Nương là một người phụ nữ đảm đang: Khi chồng ra lính, Vũ Nương đã một mình nuôi dạy con thơ; nuôi dưỡng mẹ chồng, thuốc thang khi ốm đau, lo liệu ma chay khi mẹ chồng mất.
+ Vũ Nương là một người hiếu nghĩa: Với mẹ chồng, Vũ Nương giữ tròn chữ hiếu của người con đối với cha mẹ, thay chồng nuôi mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình.
+ Vũ Nương là một người vợ thủy chung, son sắt:Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (người phụ nữ) lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con (con trai). Với chồng, Vũ Nương trước sau vẫn giữ trọn vẹn nghĩa tình. Biết chồng vốn tính đa nghi, “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Khi xa chồng, nàng không để xảy ra điều tai tiếng gì. Khi bị nghi oan, không thể giãi bày được, nàng lấy cái chết để chứng thực nghĩa tình của mình. Sau khi tự vẫn, được “cứu sống” (“sống” ở thủy cung), tuy cuộc sống thanh thản, sung sướng, nàng vẫn nhớ đến chồng, mong được chồng biết đến nỗi oan và giải oan cho mình.
– Vũ Nương hoàn toàn vô tội (giữ trọn nghĩa tình vợ chồng) nhưng lại bị nghi oan, dù có giãi bày cũng không gỡ ra được nên nàng phải chết với lời thề : “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vũ Nương tin ở tấm lòng chung thủy, trong trắng của mình. Nên sau khi chết đã được như lời nguyền : “Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết, nếu không thì đã vùi vào bụng cá…”, rồi được Linh Phi cho sống sung sướng trong cung…
Tiết nghĩa của Vũ Nương là như vậy, nhưng như trên đã nói : oan được giải, gặp lại chồng nhưng nàng không thể trở lại sống ở cõi đời được. Câu chuyện càng thương tâm. Và tấm lòng nàng càng sáng tỏ.
3. Giá trị nghệ thuật:
– Truyện có nhiều thành công về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính, tập trung làm nổi bật nỗi oan của Vũ Nương, gây xúc động đối với người đọc,
– Xuyên suốt câu chuyện, trong mọi tình tiết, chi tiết, có dịp là tác giả giới thiệu, khẳng định, ca ngợi phẩm chất của Vũ Nương. Để nhân vật (Vũ Nương) nói nhiều lẩn trong tác phẩm, giọng nói khi thì thắm thiết, khi thì thống thiết khiến người đọc càng xúc động.
– Cách xây dựng tình tiết, thắt nút, gỡ nút đẩy bất ngờ, đầy kịch tính, càng làm cho nỗi oan nổi rõ lên với tất cả cái bi thảm của nó:
+ Thắt nút bằng yếu tố bất ngờ : Một câu nói ngây thơ nghe như thật, của một trẻ thơ mà gây nên bão táp dây chuyển trong cuộc đời vợ chồng Trương Sinh, Vũ Nương: chồng nghi kị vợ, hạnh phúc gia đình tan vỡ và cuối cùng là cái chết bi thảm của người vợ trong tráng.
+ Gỡ nút cũng bằng yếu tố bất ngờ : Bấy nhiêu bão tố, bi kịch, oan khiên bỗng được làm sáng tỏ cũng bằng một câu nói ngây thơ của một trẻ thơ (“Cha Đản lại đến kia kìa !”), hay nói cho đúng hơn là lời nói đùa của người mẹ với con khi váng chồng.
- Kết bài:
Chuyên người con gái Nam Xương là một chuyện tình yêu đáy oan khuất. Người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đã phải lấy cái chết để minh oan, Thật là vô lí và bất công khi toàn bộ bi kịch đó là do một lời nói đùa của người mẹ mà đứa con thơ dại đã ngây thơ nói lại. Người đọc càng thương cảm, phẫn uất khi hiểu ra rằng : Vũ Nương chỉ là một nạn nhân của lễ giáo phong kiến bất công đối với người phụ nữ mà Nguyễn Dữ đã phản ánh một cách khá chân thực trong tác phẩm của mình.
Vũ Nương là một hình tượng nhân vật phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam, thế kỉ XVI. Cái chết bi thảm của Vũ Nương, ngoài giá trị lên án xã hội phong kiến đương thời, còn sáng ngời tiết nghĩa của một người phụ nữ đức hạnh, phù hợp với cách đánh giá của dân gian đối với hình tượng nhân vật này và câu chuyện đầy xúc động này.
Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ