»» Nội dung bài viết:
Phân tích tác phẩm truyện ngắn Ngữ văn 12 (đầy đủ và chi tiết).
BÀI 1: “VỢ CHỒNG A PHỦ” (TÔ HOÀI).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước.
2. Tác phẩm:
– “Vợ chồng A Phủ” (1952) là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.
– Được giải Nhất giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Tác phẩm gồm 2 phần, đoạn trích trong SGK là phần một.
II. Phân tích văn bản:
1. Nhân vật Mị.
– Cuộc sống thống khổ: Mị là cô gái trẻ, đẹp, yêu đời nhưng vì món nợ “truyền kiếp”, bị bắt làm “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra, bị đối xử thậm tệ, mất ý thức về cuộc sống (lời giới thiệu về Mị, công việc, không gian căn buồng của Mị…)
– Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc:
+ Mùa xuân đến (thiên nhiên, tiếng sáo gọi bạn, bữa rượu…), Mị đã thức tỉnh (kỷ niệm sống dậy, sống với tiếng sáo, ý thức về thời gian, thân phận…) và muốn đi chơi (thắp đèn, quấn tóc…), khi bị A Sử trói vào cột, Mị “như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo.
+ Sức phản kháng mạnh mẽ: Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị dửng dưng “vô cảm”. Nhưng khi nhìn thấy “dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị xúc động, nhớ lại mình, đồng cảm với người, nhận ra tội ác của bọn thống trị. Tình thương, sự đồng cảm giai cấp, niềm khát khao tự do mãnh liệt… đã thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình.
2. Nhân vật A Phủ.
– Số phận éo le: A Phủ là nạn nhân của hủ tục lạc hậu và cường quyền phong kiến miền núi (mồ côi cha mẹ, lúc bé đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác, lớn lên nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ).
– Phẩm chất tốt đẹp: A Phủ có sức khoẻ phi thường, dũng cảm; yêu tự do, yêu lao động;
– Có sức sống tiềm tàng mãnh liệt: không chịu khuất phục cường quyền.
3. Giá trị của tác phẩm:
– Giá trị hiện thực: miêu tả chân thực số phận cực khổ của người dân nghèo, phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị ở miền núi.
– Giá trị nhân đạo: thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người dân lao động miền núi trước Cách Mạng; tố cáo, lên án, phơi bày bản chất xấu xa tàn bạo của giai cấp thống trị; trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khả năng cách mạng của nhân dân Tây Bắc….
4. Đặc sắc nghệ thuật:
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật có nhiều điểm đặc sắc (A Phủ được miêu tả qua hành động, Mị chủ yếu khác hoạ tâm tư, …)
– Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên mà ấn tượng; kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo.
– Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi.
– Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ….
5. Ý nghĩa văn bản:
– Tố cáo tội ác của bọn phong kiến, thực dân; thể hiện số phận đau khổ của người dân lao động miền núi; phản ánh con đường giải phóng và ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của họ.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG.
Câu 1: Trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ- Tô Hoài, chi tiết hình ảnh “nắm lá ngón” được nhắc đến mấy lần?
Câu 2: Tô Hoài đã miêu tả căn buồng của Mỵ như sau: “Ở cái buồng Mỵ nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết sương hay là nắng”. Ý nghĩa sâu sắc nhất của hình ảnh nơi Mị ở là gì?
Câu 3: Cảm nhận về nghệ thuật miêu tả những yếu tố tác động đến sự hồi sinh của Mị, đặc biệt là tiếng sáo và diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
Câu 4: Hãy nêu những thành công của Tô Hoài trong việc miêu tả đời sống nội tâm của Mị (Bên ngoài, bên trong, khi bị A Sử trói, khi cứu A phủ)
Câu 5: Anh/Chị hãy phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ trong đoạn trích truyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai). Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả nhân vật Mị.
Câu 6: Cảm nhận của anh chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài .
Câu 7: Cảm nhận của anh chị về hành động cắt dây trói và vùng chạy theo A Phủ của nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài .
Câu 8: Anh/Chị hãy phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ trong đoạn trích truyện Vợ chồng A Phủ(Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai). Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả nhân vật Mị.
Câu 9: Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, ở phần mở đầu truyện, nhà văn Tô Hoài tả nhân vật Mị: “một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa.Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” . Đến cuối truyện, khi chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ khi bị trói, Mị suy nghĩ: “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ…”
(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Phân tích hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả như trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
Câu 10: Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu dưới đây:
“Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”.
(Trích “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài)
a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
c. Trong đoạn văn trên, Tô Hoài sử dụng nhiều câu ngắn kết hợp với các câu dài có nhiều vế ngắn, nhịp điệu nhanh. Tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì ?
BÀI 2: “VỢ NHẶT” (KIM LÂN).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Kim Lân (1920 – 2007): thành công về đề tài nông thôn và người nông dân; có một số tác phẩm có giá trị về đề tài này.
2. Tác phẩm:
– “Vợ nhặt” (in trong tập Con chó xấu xí, 1962) được viết dựa trên một phần cốt truyện cũ của tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”.
II. Phân tích văn bản:
1. Nhân vật Tràng:
– Là người lao động nghèo khổ nhưng tốt bụng và cởi mở:
+ Nghèo khổ: thể hiện qua hoàn cảnh xuất thân, qua cái ở, cái ăn, cái mặc của Tràng.
+ Tốt bụng, cởi mở: giữa lúc đói, sẵn lòng đãi người đàn bà xa lạ 4 bát bánh đúc, cưu mang thị
→ Tình thương của con người trong cảnh khốn cùng.
– Luôn khao khát hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc:
+ Câu nói đùa: “chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.
+ Cái “chậc, kệ”: Liều lĩnh.
+ Niềm khao khát tổ ấm gia đình.
– Tâm trạng từ khi có vợ có nhiều biến đổi:
+ Trên đường về xóm ngụ cư, quên hết cảnh đói khổ, cảnh sống ê chề, chỉ còn tình nghĩa với người vợ mới.
+ Buổi sáng đầu tiên: thấm thía cảm động, thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, cảm thấy yêu thương và gắn bó, có trách nhiệm với gia đình, nhận ra bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này; nghĩ tới sự thay đổi cho dù vẫn chưa ý thức thật đầy đủ (hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên đê sộp).
2. Người “vợ nhặt”.
– Là nạn nhân của nạn đói. Những xô đẩy dữ dội của hoàn cảnh đã khiến thị: chao chát, thô tục và chấp nhận làm “ vợ nhặt”.
– Sâu thẳm trong con người này vẫn khao khát một mái ấm gia đình:
+ Trên đường về tới nhà: rón rén, e thẹn, ngượng nghịu, tuổi hờn → dần dần trở thành người đàn bà khác.
+ Sáng sớm hôm sau : hiền hậu, dịu dàng, chu đáo, biết lo toan, vun vén hạnh phúc gia đình
→ Người phụ nữ xuất hiện không tên, không tuổi, không quê như “rơi” vào giữa thiên truyện để Tràng “nhặt” làm vợ. Từ chỗ nhân cách bị bóp méo vì cái đói, thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức khi người phụ nữ này quyết định gắn sinh mạng mình với Tràng. Chính chị cũng đã làm cho niềm hi vọng của mọi người trỗi dậy khi kể chuyện ở Bắc Giang, Thái Nguyên người ta đi phá kho thóc Nhật
3. Bà cụ Tứ.
– Một người mẹ nghèo khổ, rất mực thương con, bao dung, vị tha.
+ Khi chưa biết chuyện: ngạc nhiên, băn khoăn, không hiểu.
+ Khi đã biết chuyện:
→ Vừa ai oán, xót thương, vừa tủi hờn về bổn phận làm mẹ, vừa lo âu, thương cảm, vừa xao xuyến vui mừng.
– Là người lạc quan, hi vọng tin tưởng ở tương lai, vun vén hạnh phúc cho con.
→ Người mẹ nghèo, nhân hậu, thương con, bao dung và giàu lòng vị tha; lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng.
4. Nhận xét:
– Ba nhân vật có niềm khát khao sống và hạnh phúc, niềm tin, hy vọng vào tương lai tươi sáng ở cả những thời khắc khó khăn nhất, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Qua các nhân vật, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng: “dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai”.
5. Đặc sắc nghệ thuật.
– Xây dựng được tình huống truyện độc đáo: Tràng nghèo, xấu, lại là dân ngụ cư, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết đang cận kề lại “nhặt” được vợ, có vợ theo. Tình huống éo le này là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm trạng, hành động của các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện.
– Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn; dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc.
– Nhân vật được khắc hoạ sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện tâm lí tinh tế.
– Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắt lọc và giàu sức gợi.
6. Ý nghĩa văn bản.
– Tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 và khẳng định: ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, tin tưởng ở tương lai, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG.
Câu 1: Nêu ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân).
Câu 2: Suy nghĩ của anh/chị về đoạn kết của tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân).
Câu 3: Nhà văn đã xây dựng tình huống truyện “Vợ nhặt” như thế nào? Tình huống đó có ý nghĩa gì?
Câu 4: Không khí nạn đói năm 1945 được nhà văn gợi lên bằng những chi tiết đặc sắc nào?
Câu 5: Cảm nhận của anh (chị) về diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng (lúc quyết định để người đàn bà theo về, trên đường về xóm ngụ cư, buổi sáng đầu tiên có vợ).
Câu 6: Cảm nhận của anh (chị) về người vợ “nhặt” (tư thế, bước đi, tiếng nói, tâm trạng,…).
Câu 7. Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ. Qua đó anh/chị hiểu gì về tấm lòng người mẹ nghèo?
Câu 8. Trong truyện Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân tả nhân vật Tràng với hai lần gặp nhân vật “thị”: Lần đầu, Tràng kéo xe thóc liên đoàn lên tỉnh, Tràng chỉ hát mấy câu vu vơ: “Muốn ăn cơm trắng mới giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Lần thứ hai, “hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Sau đó, chỉ mất “bốn bát bánh đúc”và một câu nói đùa “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, Tràng đã dẫn thị về nhà. (Kim Lân – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.26 và tr.27)
Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự tấm lòng của nhà văn dành cho người nông dân.
Câu 9: Chi tiết “bốn bát bánh đúc” và chi tiết “nồi cháo cám” được miêu tả thế nào? Ý nghĩa.
Câu 10: Phân tích hình ảnh nhân vật bà cụ Tứ trong hai lần được miêu tả, từ đó làm nổi bật tấm lòng của nhà văn dành cho nhân vật này.
Đoạn 1:
“ Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”
Đoạn 2:
“…Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy xót thương. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:
– Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đó. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…
Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”
(Kim Lân – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.28 và tr.29)
BÀI 3. “NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH” (NGUYỄN THI).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Nguyễn Thi (1928-1968) là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
– Ông gắn bó sâu sắc với nhân dân Nam Bộ và thực sự trở thành nhà văn của người nông dân Nam Bộ.
– Nguyễn Thi cũng là cây bút có năng lực phân tích tâm lý sắc sảo.
2. Tác phẩm:
– “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Thi được sáng tác trong những ngày chiến đấu ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
II. Phân tích văn bản.
1. Nhân vật Việt.
a. Có nét riêng của cậu con trai mới lớn:
– Hồn nhiên, hiếu động (đi đánh giặc không sợ chết mà sợ ma).
– Thích những công việc, những trò chơi như bắt ếch, câu cá, chụp đom đóm, chơi ná thun…
– Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con: “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị trước những lời đùa của anh em.
– Bị thương nằm lại chiến trường: sợ ma cụt đầu, khi gặp lại anh em thì như thằng Út ở nhà “khóc đó rồi cười đó”.
b. Một chiến sĩ có tính cách anh hùng, tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, kiên cường:
– Còn bé tí: dám xông thẳng vào đá thằng giặc đã giết hại cha mình.
– Lớn lên: nhất quyết đòi đi tòng quân để trả thù cho ba má.
– Khi xông trận: chiến đấu rất dũng cảm, dùng pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của giặc.
– Khi bị trọng thương: một mình giữa chiến trường, mặt không nhìn thấy gì, toàn thân rã ròi, rõ máu nhưng vẫn trong tư thế quyết chiến tiêu diệt giặc.
→ Kế tục truyền thống gia đình nhưng Việt và Chiến còn tiến xa hơn, lập nhiều chiến công mới hiển hách.
2. Nhân vật Chiến.
a. Mang tính cách người con gái Nam bộ:
– Chiến giống má từ vóc dáng đến tính tình: “thân người to và chắc nịch”, “bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng”; đảm đang, tháo vát, tính toán mọi việc “nói in như má”.
– Giàu nữ tính (mang theo chiếc gương nhỏ bên người).
b. Chiến vừa có những điểm giống mẹ, vừa có những nét riêng:
– Trẻ trung, hồn nhiên, lạc quan, thích làm duyên làm dáng.
– Hơn Việt 1 tuổi nhưng Chiến rất chững chạc, biết nhường nhịn em (đi bộ đội là quyết không nhường: giành phần khổ về mình).
– Trước khi lên đường nhập ngủ, C lo toan, sắp xếp mọi việc chu đáo.
– Chiến đấu gan góc, dũng cảm, lập được nhiều chiến công.
– Đươc trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề như dao chém: “Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất”.
→ Đó là vẻ đẹp của con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng để chiến đấu và chiến thắng.
– Chiến và Việt là hai “khúc sông” trong “dòng sông truyền thống” của gia đình. Hai chị em là sự tiếp nối thế hệ trẻ miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.- Hai chị em cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát đau thương (cùng chứng kiến cái chết đau thương của ba và má).
– Hai chị em có chung mối thù với bọn xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc.
– Tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em. Tình cảm này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm chị em giành nhau ghi tên tòng quân và sáng hôm sau trước khi lên đường nhập ngũ cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm
– Cả hai chị em đều là những chiến sĩ gan góc dũng cảm. Đánh giặc là niềm say mê lớn nhất của hai chị em Việt và Chiến cũng là của tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng ấy: “Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”.
– Hai chị em Việt đều có những nét rất ngây thơ thậm chí có phần trẻ con (giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến giặc và giành nhau ghi tên tòng quân).
3. Hình ảnh chị em Việt khiêng bàn thờ ba má sang gởi chú Năm.
+ Chỗ hay nhất của đoạn văn là không khí thiêng liêng, nó hoán cải cả cảnh vật lẫn con người.
+ Không khí thiêng liêng đã biến Việt thành người lớn. Lần đầu tiên Việt thấy rõ lòng mình (thương chị lạ, mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy vì nó đang đè nặng trên vai).
+ Hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng thể hiện sự trưởng thành của hai chị em có thể gánh vác việc trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa, thế hệ sau cứng cáp, trưởng thành và có thể đi xa hơn. gia đình và viết tiếp khúc sông của mình
4. Đặc sắc nghệ thuật.
– Tình huống truyện: Việt – một chiến sĩ Quân giải phóng – bị thương phải nằm lại chiến trường. Truyện kể theo dòng nội tâm của Việt khi liền mạch (lúc tỉnh), khi gián đoạn (lúc ngất) của “người trong cuộc” làm câu chuyện trở nên chân thật hơn; có thể thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen tự sự và trữ tình.
– Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh. Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm sắc thái Nam Bộ.
– Giọng văn chân thật, tự nhiên, nhiều đoạn gây xúc động manh…
5. Ý nghĩa văn bản:
– Qua câu chuyện về những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung với quê hương, với cách mạng, nhà văn khẳng định: sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG:
Câu 1: Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi:
Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai…Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm…chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra…Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên…Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…
(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
a/ Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
b/ Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
c/ Xác định phép tu từ so sánh trong văn bản. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ đó ?
d/ Tại sao Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt ?
Câu 2. Nhân vật Việt được đồng đội tìm lại khi đang ở trong trạng thái như thế nào?
Câu 3. Cảm hứng bao trùm tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là gì?
Câu 5. So sánh hai nhân vật Việt và Chiến.
Câu 6. Trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”, nhân vật chú Năm nói: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”. Hãy phân tích và chứng minh: trong truyện ngắn này, có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ thế hệ cha ông đến đời chị em Chiến Việt.
BÀI 4: “RỪNG XÀ NU” (NGUYỄN TRUNG THÀNH).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc) là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, gắn bó mật thiết với mảnh đất Tây Nguyên.
2. Tác phẩm:
– Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965; đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ (số 2 – 1965), sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
– Hoàn cảnh sáng tác: Mĩ – nguỵ ra sức phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối. Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Cả nước sục sôi không khí đánh Mĩ. Rừng xà nu được viết vào đúng thời điểm đó.
II. Phân tích văn bản:
1. Hình tượng cây xà nu.
– Đây là loại cây thân gỗ, họ thông, mọc thành rừng ở Tây Nguyên. Nhựa và gỗ rất quý.Cây xà nu là hình tượng trung tâm, xuyên suốt, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
– Cây xà nu gắn bó mật thiết với người Tây nguyên :
+ Cây xà nu gắn với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày: Lửa xà nu náu ăn , đuốc xà nu soi sáng rừng đêm , trong nhà rông , khói xà nu đen nhẻm than hình lũ trẻ, làm bảng đen để Tnú và Mai học
+ Xà nu tham dự những sự kiện lớn trong làng: Giặc đốt bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu , ngọn lửa từ các đuốc xà nu sáng rực cả làng trong đêm nổi dậy, soi rõ xác mười tên giặc
+ Xà nu, nhân chứng tội ác chiến tranh: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây, không cây nào không bị thương, có những cây bị bom đạn chặt ngang thân mình nơi vết thương nhựa ứa ra tràn trề”, “nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm đen lại, đặc quyện lại thành cục máu lớn”.
– Rừng xà nu có mặt trong suốt câu chuyện, trong đời sống hằng ngày của dân làng. Cây xà nu tiêu biểu của rừng núi Tây Nguyên và gắn bó với dân làng Xô-Man .
– Ý nghĩa tượng trưng: biểu tượng cho con người và núi rừng Tây Nguyên.
+ Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do bom đạn của kẻ thù. Cả rừng xà nu không có cây nào không bị thương…tượng trưng cho những mất mát , đau thương cho dân làng XôMan và đồng bào Tây Nguyên.
+ Đặc tính ham ánh sáng :Cây xà nu ham ánh sáng… tượng trưng cho niềm khao khát tự do, tin vào lý tưởng cách mạng của người Tây nguyên, của đồng bào miền Nam.
+ Khả năng sinh sôi mãnh liệt: “Cạnh cây xà nu mới ngã gục , đã có bốn năm cây con mọc lên” gợi đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ người Tây Nguyên (Cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Heng…)
+ Sự tồn tại kỳ diệu “Những cây xà nu vượt lên được cao hơn đầu người , cành lá sum sê…Đạn đai bác không giết nổi chúng…Cứ thế .. rừng xà nu ưởn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng” tượng trưng cho sức sống bất diệt , sự bất khuất kiên cường của người Tây Nguyên .
→ Trong quá trình miêu tả cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn đã sử dụng phép nhân hóa như một phép tu từ chủ đạo. Ông luôn lấy nỗi đau và vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực để nói về xà nu khiến cho xà nu trở thành một ẩn dụ cho con người, 1 biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.
2. Hình tượng nhân vật Tnú.
a. Tnú là đứa con của núi rừng Xô-man:
– Nhân vật được xây dựng qua lời kể của cụ Mết (kể khan), giúp cho tác phẩm mang đậm màu sắc sử thi.
– Nhân vật trung tâm, người anh hùng lí tưởng của cộng đồng, kết tinh vẻ đẹp và sức sống của con người Tây Nguyên.
– Mồ côi cha mẹ, được dân làng Xô Man nuôi dưỡng.
b. Vẻ đẹp của nhân vật Tnú:
– Tnú là chàng trai gan góc, dũng cảm, mưu trí, trung thành với cách mạng:
+ Lúc còn nhỏ: không sợ gian khổ, nguy hiểm đi làm liên lạc cho anh Quyết. Khi đi liên lạc đưa thư, để tránh sự phục kích của giặc, Tnú thường leo lên cây cao nhất để quan sát, băng rừng rậm, chọn những nơi thác dữ mà đi. Khi bị giặc, bắt Tnú nuốt luôn cái thư, không khai một lời naò dù bị địch tra tấn dã man (trên lưng Tnú ngang dọc vết dao chém).Khi bọn giặc kéo về làng, bắt Tnú khai cộng sản ở đâu anh đặt tay lên bụng dõng dạc nói “cộng sản ở đây này”.
+ Sau khi bị bắt, giam 3 năm rồi vượt ngục trở về làng, Tnú đã nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng: cùng với cụ Mết lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí đánh giặc. Anh đi 3 ngày đường lên núi Ngọc Linh mang về một gùi đá mài để mài vũ khí. Tnú vượt ngục trở về làng đúng vào lúc kẻ thù khủng bố dữ dội hòng dập tắt cuộc đấu tranh giành tự do của dân làng Xô Man: anh Quyết đã hi sinh, dân làng nhiều người bị giặc giết hại.
+ Trong giờ phút đau thương nhất (vợ con bị giặc sát hại, bản thân cận kề cái chết,…), Tnú vẫn không mất niềm tin và ý chí chiến đấu. Trong đầu anh chỉ nghĩ đến nếu mình chết ai sẽ thay anh lãnh đạo dân làng đánh giặc? Cụ Mết thì đã già…
+ Lúc 10 đầu ngón tay bị thằng Dục đốt cháy: Tnú đau đớn đến cùng cực “anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng…’’ nhưng quyết không kêu van mà cắn chặt môi…
+ Sau khi được giải cứu: Tnú không nhụt chí mà gia nhập lực lượng Giải phóng quân, lên đường đi chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Với đôi bàn tay mà mỗi ngón chỉ còn có 2 đốt, Tnú đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc.
– Tnú gắn bó sâu nặng với quê hương, gia đình:
+ Gắn bó với quê hương: Ngay từ nhỏ đã sớm có ý thức trách nhiệm với buôn làng: cùng với buôn làng tìm cách tiêu diệt giặc. Đi nuôi cán bộ; lo học chữ mới làm đươc cán bộ và giúp dân làng đánh giặc.Khi xa làng đi chiến đấu: Tnú nhớ da diết tiếng chày vang lên mỗi buổi chiều. nhớ từng gốc cây trên lối đi, từng khuôn mặt người già, hòa mình vào dòng suôí trong mát cho thỏa nỗi nhớ mong khi về thăm làng 1 ngày. Xem làng Xô Man như gia đình của mình: mồ côi từ nhỏ, được dân làng nuôi lớn; khi quay trở về, dù không còn gia đình riêng nhưng anh không cảm thấy lẻ loi, đơn độc.
+ Yêu thương vợ con: Không đi Kon Tum mua vải được, Tnú xé đôi tấm giồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con. Chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, Tnú rất đau lòng và xông vào cứu, che chở cho vợ con. Trở về thăm làng, từng kỉ niệm xưa như trỗi dậy. Anh nhớ từ lúc Mai còn là một cô bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, tiếng nói lanh lảnh… đến khi cô là một thiếu nữ. Qua nơi gặp gỡ Mai ngày xưa, kỉ niệm củ như cứa vào lòng anh… Ngồi bên bếp lửa, nhìn thoáng qua khuôn mặt Dít, anh như ngỡ Mai còn sống…
→ Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng; đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.
c. Hình tượng đôi bàn Tnú.
– Đôi bàn tay khi còn nguyên vẹn, lành lặn:
+ Cầm phấn viết chữ – bàn tay quyết tâm.
+ Cầm đá đập vào đầu – bàn tay tự trừng phạt và nêu cao quyết tâm.
+ Chỉ tay vào bụng để dõng dạc nói “Cộng sản ở đây” – bàn tay trung thành.
+ Sau khi vượt ngục, Tnú nắm tay Mai và xây dựng hạnh phúc với Mai – bàn tay yêu thương.
+ Trước sự tra tấn của kẻ thù với vợ con, tay Tnú bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay – bàn tay căm thù.
+ Tnú xông ra, dang 2 cánh tay … ôm chặt lấy mẹ con Mai – bàn tay nghĩa tình.
– Đôi bàn tay khi bị hủy hoại:
+ Bị đốt 10 đầu ngón tay: Bàn tay đau đớn và tật nguyền.
+ 10 ngón tay thành 10 ngọn đuốc. Tnú “nghe lửa cháy trong lồng ngực … thét lên … nhiều tiếng thét dữ dội hơn … tiếng “Giết”…tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào…”
+ Bàn tay khơi dậy lòng căm thù và dũng khí giết giặc.
+ Tnú nhận nhiệm vụ giết giặc, dùng bàn tay cụt bóp cổ tên giặc – Bàn tay trừng phạt và quả báo.
+ Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm rõ chân lí của thời đại: phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng; đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.
→ Hình tượng rừng xà nu và Tnú có mối quan hệ khắng khít, bổ sung cho nhau. Rừng xà nu chỉ giữ được màu xanh bất diệt khi có những con người biết hy sinh như Tnú; sự hy sinh của những con người như Tnú góp phần làm cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.
d. Đặc sắc nghệ thuật.
– Không khí, màu sắc đậm chất Tây Nguyên thể hiện ở bức tranh thiên nhiên. ở ngôn ngữ, tâm lí, hành động của các nhân vật.
– Xây dựng thành công các nhân vật vừa có những nét cá tính sống động vừa mang những phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu (cụ Mết, Tnú, Dít,…)
– Khắc hoạ thành công hình tượng cây xà nu – một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc – tạo nên màu sắc sử thi và sự lãng mạn bay bổng cho thiên truyện.
– Lời văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, khi thâm trầm, khi tha thiết, trang nghiêm,…
e. Ý nghĩa văn bản.
– Tác phẩm ngợi ca tinh thần bất khuất, sức mạnh quật khởi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chân lí của thời đại: để giữ gìn sự sống của đất nước và nhân dân, không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG:
Câu 1. Nêu hoàn cảnh ra đời truyện ngắn “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành).
Câu 2. Nêu ý nghĩa nhan đề truyện ngắn truyện ngắn “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành).
Câu 3. Cảm nghĩ của anh (chị) về đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác.
Câu 4. Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh những đồi xà nu, cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm.
Câu 5. Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành).
Câu 6. Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).
Câu 7. Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của cụ Mết “Chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo!”. Làm sáng tỏ điều đó qua cuộc đời của Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).
Câu 8. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. ………………. Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nuưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…
(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành).
a/ Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
b/ Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
c/ Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trung Thành sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, đối lập. Xác định biểu hiện các phép tu từ đó và nêu tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì ?
d/ Xác định từ loại của các từ được gạch chân : mọc, lao, phóng, ham, tiếp, vượt, ưỡn trong văn bản ? Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các từ đó là gì ?
Câu 9. Theo em, hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng Tnú gắn kết hữu cơ, khăng khít với nhau như thế nào?
Câu 10. Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cócây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thắng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mai ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rấtnhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
(Trích Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12,Tập hai, tr 38,NXB Giáo dục Việt Nam, 2008)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong đoạn trích trên trên. Từ đó, nhận xét bút pháp miêu tả thiên nhiên của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
BÀI 5: “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA” (NGUYỄN MINH CHÂU).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Nguyễn Minh Châu (1930 -1989). Trước năm 1975 là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mãn; từ đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh, thuộc trong số những “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) nhất của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
2. Tác phẩm:
– “Chiếc thuyền ngoài xa” tiêu biểu cho xu hướng chung của văn học Việt Nam thời kì đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống đời thường.
– Bố cục chia làm 3 đoạn:
+ Đoạn 1: (Từ đầu đến “chiếc thuyền lới vó đã biến mất”). Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
+ Đoạn 2: (Từ “Ngay lúc ấy … với sóng gió giữa phá”): Câu chuyện của người đàn bà làng chài.
+ Đoạn 3: Còn lại: Tấm ảnh trong bộ lịch năm ấy.
II. Phân tích văn bản.
1. Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
– Phát hiện thứ nhất – Một vẻ đẹp toàn mĩ:
+ Một “cảnh đắt trời cho” là cảnh chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sơm mờ sương có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…
+ Với người nghệ sĩ, khung cảnh đó chứa đựng “chân lí của sự hoàn thiện”, làm dấy lên trong Phùng những xúc cảm thẩm mĩ, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.
– Phát hiện thứ 2 – Một cảnh thưởng phi thẩm mĩ:
+ Người nghệ sĩ đã tận mắt chứng kiến: từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau…
+ Đây là hình ảnh đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên biển. Nó hiện ra bất ngờ, trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống, làm Phùng “ngơ ngác” không tin vào mắt mình.
+ Chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lí và thô bạo, Phùng đã “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu …. vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới”. Hành động đó nói lên nhiều điều.
2. Câu chuyện của người đàn bà hang chài ở tòa án huyện.
– Đó là câu chuyện về cuộc đời nhiều bí ẩn và éo le của một người đàn bà hàng chài nghèo khổ, lam lũ…
+ Người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, có tâm hồn đẹp dẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
+ Về người chồng của chị: Đánh vợ để giải toả mọi tức tối, u phiền àVừa là nạn nhân của cuộc sống , vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho người thân
– Câu chuyện đã giúp nghệ sĩ Phùng hiểu:
+ Về người đàn bà hàng chài là một phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, có tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
+ Về người chồng của chị chị nhìn với một thái độ thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Bởi cuộc sống nghèo khổ đã biến người đàn ông cộc tính, hiền lành thành người đàn ông vũ phu, độc ác (bất kể lúc nào thấy khổ quá là lôi vợ ra đánh);
+ Về chánh án Đẩu: có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều
+ Về chính mình: sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận, suy nghĩ.
→ Qua câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà hàng chài và cách ứng xử của các nhân vật, nhà văn muốn gửi đến người đọc thông điệp: đứng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện; phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều.
3. Tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”:
– Mỗi lần nhìn kĩ vào bức ảnh đen trắng, người nghệ sĩ thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” (đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật). Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh” (đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là sự thật cuộc đời).
– Ý nghĩa: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.
4. Đặc sắc nghệ thuật.
– Tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc sống.
– Tác giả lực chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực và có sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ nhân vật sinh động, phù hợp với tính cách . Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.
5. Ý nghĩa văn bản:
– Thể hiện những chiệm nghiệm sâu sắc của nhà văn về nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn với cuộc đời, vì cuộc đời; người nghệ sĩ cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách toàn diện, sâu sắc. tác phẩm cũng rung lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực gia đình và hậu quả khôn lường của nó.
BÀI TẬP VẬN DỤNG:
Câu 1. Ý nghĩa nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Câu 2. Tóm tắt lại tình huống truyện và phân tích tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu).
Câu 3. Phân tích những phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu).
Câu 4. Cảm nhận của anh chị về người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu).
Câu 5. Cảm nhận của anh chị về câu chuyện người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu).
6. Đọc đoạn văn trên và thực hiện cá yêu cầu:
Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần tâm hồn. (Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
a. Nêu những ý chính của văn bản?
b. Xác định các phương thức biểu đạt trong văn bản ?
c. Câu văn Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ sử dụng biệp pháp tu từ gì? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?
d. Các tính từ láy loè nhoè, hồng hồng, phăng phắc, khum khum đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện bức tranh chiếc thuyền ngoài xa?
Câu 7. Những đổi mới trong cách nhìn hiện thực cuộc sống của Nguyễn Minh Châu trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu).
Câu 8. Phân tích vẻ đẹp “chiếc thuyền lưới vó” ở đầu truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu mà nhân vật Phùng đã phát hiện ra và hình ảnh “những tấm ảnh tôi mang về”ở cuối truyện. Từ đó làm nổi bật thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Câu 9. Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu có đoạn :
Lát sau mụ lại mới nói tiếp :
– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được ! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó ! Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. »
(Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
Phân tích phẩm chất của người đàn bà trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện nay.
Câu 10. Cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm có nét gì độc đáo.
BÀI 6: “HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT” (LƯU QUANG VŨ).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một tài năng đa dạng nhưng kịch là phần đóng góp đặc sắc nhất. Ông được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại.
2. Tác phẩm:
– “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Từ cốt truyện dân gian, nhà văn xây dựng một vở kịch hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân sinh sâu sắc. Văn bản trích trong SGK thuộc cảnh VII và là đoạn kết của vở kịch.
II. Phân tích văn bản:
1. Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt:
– Hồn Trương Ba có một cuộc sống đáng hổ thẹn khi phải sống chung với phần thể xác dung tục và bị sự dung tục đồng hoá.
– Lời cảnh báo của tác giả: khi con người sống trong dung tục thì sớm hay muộn những phẩm chất tốt đẹp cũng sẽ bị cái dung tục ngự trị, lấn át và tàn phá. Vì thế, phải đấu tranh để loại bỏ sự dung tục, giải tạo để cuộc jsống trở nên tươi sáng hơn, đẹp đẽ và nhân văn hơn.
2. Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với người thân:
– Trong thân xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba dù không muốn vẫn phải làm những điều trái với tư tưởng của mình để thoả mãn đòii hỏi của thể xác.
– Những người thân trong gia đình người thì xa lánh, sợ hãi, thậm chí ghét bỏ, ghê tởm (cái Gái); người lại buồn bã, đau khổ (vợ Trương Ba); … song, tất cả đều không giúp gì được và Hồn Trương Ba rơi vào sự hụt hẫng, cô đơn. Vì thế, Hồn Trương Ba phải lựa chọn một thái độ dứt khoát.
3. Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích:
– Hồn Trương Ba không chấp nhận cảnh sống “bên trong một đằng, một ngoài một nẻo”. Ông muốn được sống theo đúng bản chất của mình: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
– Đế Thích khuyên Hồn Trương Ba nên chấp nhận. Hồn Trương Ba kiên quyết chối từ và kêu gọi Đế Thích sửa sai bằng việc làm cho cu Tị sống lại.
– Cuộc trò chuyện giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Hai lời thoại của Hồn trong cảnh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng:
+ “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn…”
+ Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!.
– Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này.
+ Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.
+ Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.
+ Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật Hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết. Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ “bao nhiêu sự rắc rối” vô lí lại tiếp tục xảy ra. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến Hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.
– Qua màn đối thoại, ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo, bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, tự nhiên. Đó chính là chất thơ trong kịch của Lưu Quang Vũ
– Kết thức ở kịch, Hồn Trương Ba chấp nhận cái chết, một cái chết làm sáng bừng lên nhân cách đẹp đẽ của Trương Ba, thể hiện sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp và sự sống đích thực.
4. Đặc sắc nghệ thuật:
– Sáng tạo lại cốt truyện dân gian.
– Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm.
– Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cáhc, góp phần phát triển tình huống truyện,…
5. Ý nghĩa văn bản:
– Một trong những điều quý giá nhất của mỗi con người là được sống là mình, sống trọn vẹn với giá trị mình có và theo đuổi. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống trong sự hài hoà tự nhiên giữa thể xác và tâm hồn.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG:
Câu 1: Quyết định cuối cùng của Trương Ba khi gặp Đế Thích là gì? Quyết định này thể hiện nhân cách gì của nhân vật?
Câu 2: Em hãy lựa chọn và phân tích 3 lời thoại của nhân vật Trương Ba thể hiện rõ nhất sự giác ngộ từ khi gặp Đế Thích? Chỉ với 3 lời thoại, hồn Trương Ba đã trở lại là mình nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn để rồi dẫn đường cho những quyết định đau đớn, nghiệt ngã nhưng sáng suốt và tất yếu. Quyết định đó là gì? Trước khi đi đến quyết định này, tác giả đã đặt nhân vật của mình trước những lựa chọn nào? Nếu là Trương Ba, em có làm như vậy không?
Câu 3: Hãy chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống. Theo anh (chị), Trương Ba trách Đế Thích, người đem lại cho mình sự sống (Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!) có đúng không? Vì sao? Màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích toát lên ý nghĩ gì?
Câu 4: Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, trong cuộc đối thoại với nhân vật Đế Thích, nhân vật Hồn Trương Ba có nghĩ đến người thân: “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ. Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi!…” và trong đoạn kết, khi Vợ Trương Ba hỏi: “Ông ở đâu? Ông ở đâu?”, nhân vật Trương Ba trả lời: “ Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”.
Phân tích hình ảnh nhân vật Trương Ba trong hai lần trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
Câu 5: Mối quan hệ giữa hồn và xác, bên trong và bên ngoài trong chương kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
BÀI 7: “SỐ PHẬN CON NGƯỜI” (SÔ-LÔ-KHỐP).
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Mi-kha-in Sô-lô-khốp (1905- 1984), nhà văn Nga Xô viết, Giải Nô-ben Văn học năm 1965; được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỉ XX.
2. Tác phẩm:
– “Số phận con người” được viết năm 1957, mười hai năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
II. Phân tích văn bản:
1. Chiến tranh và thân phận con người:
– Người lính Xô-cô-lốp với những đau đớn về thể xác và tinh thần dường như không thể nào vượt qua nổi: đi lính, bị thương, bị đọa đày trong trại tập trung; vợ và hai con gái chết vì bom phát xít, con trai cũng đi lính và hi sinh đúng ngày chiến thắng; sau chiến tranh, Xô-cô-lốp không biết đi đâu, về đâu.
– Chú bé Va-ni-a lang thang, rách rưới, hằng ngày nhặt nhạnh kiếm ăn nơi hàng quán, ban đêm bạ đâu ngủ đó; cha chết trận, mẹ chết bom, không biết quê hương, không người thân thích.
2. Nghị lực vượt qua số phận:
– Xô-cô-lốp chấp nhận cuộc sống sau chiến tranh, tự nhận mình là bố Va-ni-a, sung sướng trong tình cảm cha con, chăm lo cho Va-ni-a từng cái ăn, cái mặc, giấc ngủ.
– Va-ni-a vô tư, hồn nhiên đón nhận cuộc sống mới trong sự chăm sóc và tình yêu thương của người mà chú bé luôn nghĩ là cha đẻ.
→ Tác phẩm đề cao chủ nghĩa nhân đạo cao cả, nghị lực phi thường của người lính và nhân dân Xô viết hậu chiến: lòng nhân hậu, vị tha, sự gắn kết giữa những cảnh đời bất hạnh, niềm hi vọng vào tương lai.
3. Đặc sắc nghệ thuật:
– Miêu tả sâu sắc, tinh tế nội tâm và diễn biến tâm trạng nhân vật.
– Lối kể chuyện giản dị, sinh động, giàu sức hấp dẫn và lôi cuốn.
– Nhiều đoạn trữ tình ngoại đề gây xúc động mạnh cho người đọc.
4. Ý nghĩa văn bản:
– Con người bằng ý chí và nghị lực, lòng nhân ái và niềm tin vào tương lai, cần và có thể vượt qua những mất mát do chiến tranh và bi kịch của số phận.
BÀI TẬP VẬN DỤNG:
Câu 1. Phân tích hoàn cảnh đáng thương của con người sau chiến tranh trong đoạn trích Số phận con người
Câu 2. Đọc nhiều lần đoạn cuối: “Hai con người côi cút….trên má anh” để thấy được ý chí và nghị lực , niềm tin ở tương lai của người dân Xô viết sau chiến tranh cũng như bút pháp trữ tình đằm thắm của Sô-lô-khôp.
Câu 3. Tìm cái mới của truyện ngắn “Số phận con người” trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô?
BÀI 8: “ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ” (HÊ-MINH-ÊU)
I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
– Hê-minh-êu (1899-1961), một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ thế kỉ XX, nổi tiếng với nguyên lí “tảng băng trôi”; với hoài bão viết cho được “một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”.
– Hê-minh uê đề xướng nguyên lí “tảng băng trôi”. Tác phẩm văn chương phải là “tảng băng trôi”, bảy phần chìm ,chỉ một phần nổi. Theo nguyên tắc này ,nhà văn phải hiểu biết cặn kẻ mọi vấn đề cần tái hiện liên quan đến sự vật, hiện tượng, sự kiện được miêu tả rồi loại bỏ những chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi và sắp xếp chúng để tạo thành câu chuyện , người đọc vẫn cảm nhận được những gì mà tác giả lược bỏ, vẫn hiểu được những lớp nghĩa khác ẩn chìm trong mạch ngầm văn bản văn chương hàm ẩn trong bề sâu của nó với nhiều tầng nghĩa kín đáo .Tương đồng với nguyên lí “tảng băng trôi” với các cách nói và quan niệm văn chương của người Trung Quốc: ”Ý tại ngôn ngoại”, “Ngôn hữu tận , ý vô cùng”.
– “Tảng băng trôi”: dung lượng câu chữ ít nhưng “khoảng trống” được tác giả tạo ra nhiều, chúng có vai trò lớn trong việc tăng các lớp nghĩa cho văn bản (Tác giả nói rằng tác phẩm lẽ ra dài cả 1000 trang nhưng ông đã rút xuống chỉ còn bấy nhiêu thôi).
2. Tác phẩm.
– Đoạn trích nằm gần cuối truyện, thuật lại việc ông lão Xan-ti-a-gô rượt đuổi và khuất phục được con cá kiếm.
II. Phân tích văn bản:
1. Hình tượng con cá kiếm:
– Chưa xuất hiện: con cá tạo ấn tượng bằng những vòng tròn .
– Ông lão và độc giả cảm nhận con cá qua ấn tượng và cảm giác về những vòng lượn à mọi người hình dung khác nhau về con cá.
– Lúc cá xuất hiện: “một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền”, “cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn”. Xan-ti-a-gô kinh ngạc vì nó rất lớn và rất đẹp. Sự xuất hiện của con cá báo hiệu cuộc chiến giữa ông lão và con cá sẽ vô cùng ác liệt.
– Con cá được tô đậm : “người anh em ấy rất tinh ranh. Không cắn câu ngay mà lượn hai vòng” nó không chấp nhận mà phản ứng dữ dội. Bơi đi, nhào qua, nhào lại như đoán được việc ông lão sẽ phóng lao tiêu diệt nó à thể hiên sự khôn ngoan của con cá.
– Những vòng bơi của nó khiến ông lão “hoa mắt”, “chóng mặt”, “choáng váng” → con cá đầy sức mạnh.
– Ngay khi cái chết cận kề, con cá “phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực” . Con cá thể hiện sức mạnh, sự kiêu hùng, bất khuất. Khi sức cùng lực kiệt, con cá vẫn có phong cách cao thượng và đầy uy dũng. Dường như với cá kiếm, chết phải là chết oai hùng, mạnh mẽ.
→ Miêu tả con cá như thế, nhà văn muốn nó đúng là ngang tài ngang sức với ông lão, xứng đang là con cá mà ông trông đợi lâu nay. Con cá càng dũng mãnh, chiến thắng của ông lão càng vinh quang. Con cá là biểu tượng của ước mơ, lý tưởng mà mỗi con người trong cuộc đời theo đuổi.
2. Cuộc đấu tranh giữa ông lão và con cá kiếm:
– Thời điểm: mặt trời mọc lên lần thứ ba
– Phong độ: “lão mệt thấu xương, mồ hôi ướt đẫm”
– Tình thế: đơn độc.
– Cảm nhận của ông lão về con cá kiếm:
+ Gián tiếp: Ông lão chỉ gián tiếp cảm nhận con cá qua sợi dây, qua mũi lao, tập trung vào hai giác quan: thị giác và xúc giác vì ông chưa thể nhìn thấy con cá mà chỉ đoán biết nó qua vòng lượn.
+ Trực tiếp: Từ xa đến gần “đến vòng thứ ba….” ngày càng mãnh liệt và trực tiếp.
+ Cảm nhận từ bộ phận đến toàn thể: ngày càng lộ dần: nhìn thấy từng bộ phận trước khi nhìn thấy cả con cá.
– Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm lặp đi lặp lại:
+ Gợi lên hình ảnh một ngư phủ lành nghề kiên cường: chỉ bằng con mắt từng trải và cảm giác đau đớn nơi bàn tay,ông ước lượng được khoảng cách
+ Vẽ lên những cố gắng cuối cùng nhưng mãnh liệt của con cá ,cố gắng thoát khỏi sự bủa vây : kiên cường không kém ông lão.
→ Diễn biến ngày càng mãnh liệt, cuối cùng ông lão chiến thắng. Ông chiến thắng là do tài năng của ông.
– Ngoài ra, ông còn có niềm tin, ý chí, nghị lực, kiên trì, quyết tâm tìm và bắt được con cá kiếm để xứng với tài năng của mình.
+ Tin là sẽ chiến thắng:” Chỉ ba vòng nữa thôi, ta sẽ có nó”, “lần này ta sẽ lật được nó”
+ Ý chí và nghị lực: Tuy “mệt thấu xương”, “hoa cả mắt suốt cả tiếng đồng hồ”, có lúc “cảm thấy ngất đi” nhưng vẫn cố sức chiến đấu.
→ Ông là biểu tượng đẹp về nghị lực, ý chí, quyết tâm.
3. Đặc sắc nghệ thuật:
– Lối kể chuyện độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời kể với văn miêu tả cảnh vật, đối thoại và độc thoại nội tâm.
– Ý nghĩa hàm ẩn của hình tượng và tính đa nghĩa của ngôn ngữ.
4. Ý nghĩa văn bản.
– Cuộc hành trình đơn độc, nhọc nhằn của con người vì một khát vọng lớn lao là minh chứng cho chân lí: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.