Phân tích ý nghĩa những chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

phan-tich-truyen-ngan-vo-nhat-cua-nha-van-kim-lan-678

Phân tích ý nghĩa những chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.

I. Tác giả, tác phẩm:

1. Tác giả Kim Lân.

Tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê Bắc Ninh. Chính vùng quê này cũng đã tạo thành không gian nghệ thuật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của nhà văn. Nhà văn Kim Lân chỉ học hết bậc tiểu học, sau đó phải lăn lộn kiếm sống bằng rất nhiều nghề: nghề sơn guốc, nghề khắc tranh bình phong, kiếm sống rất chật vật và mãi sau này mới trụ lại với nghề viết văn.

Chính vì chỉ học hết tiểu học thôi nên có nhà văn đánh giá Kim Lân rằng: “Với vốn học vấn như vậy mà có được những trang viết xuất sắc như thế thì chắc chắn đó chỉ có do thần mượn tay người viết”.

Từ 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Sau đó nhà văn liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng: làm báo, viết văn, tham gia diễn kịch, đóng phim vai Thống lí Pá tra (phim Vợ chồng A Phủ); vai lão Hạc (phim Làng Vũ Đại ngày ấy); vai Lí Cựu (phim Chị Dậu…). Như vậy ông rất có khả năng diễn xuất, là nhà văn đa tài.

– Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông là một trong số những nhà văn viết ít nhưng thành công lớn. Nếu kể tên 10 nhà văn 1945-1975 có thể không có Kim Lân, nhưng kể 10 tác phẩm xuất sắc của văn học giai đoạn này thì Kim Lân có 2 có đến 2 tác phầm: Làng và Vợ nhặt).

Phong cách nghệ thuật truyện ngắn của kim Lân:

+ Kim Lân chủ yếu viết về khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông có nhiều trang viết đặc sắc về phong tục, đời sống làng quê. Nhà văn khắc họa thành công hình ảnh người nông dân: vất vả lam lũ nhưng rất nhân hậu, lạc quan… Kim Lân được xem là nhà văn của nông thôn Bắc bộ.

2. Tác phẩm “Vợ nhặt”.

Tác phẩm được viết lại từ một phần cốt truyện của tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” (viết sau ngay CM tháng Tám nhưng dang dở, thất lạc bản thảo). Có lẽ Kim Lân chỉ có duyên với truyện ngắn nên khi viết tiểu thuyết thì đã không hoàn thành được. Đã không hoàn thành được rồi lại còn mất bản thảo nên tiểu thuyết này tạm thời gác lại.

Đầu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, cùng với thực dân Pháp áp bức, bóc lột khiến nhân dân ta lâm vào tình cảnh một cổ hai tròng. Ở miền Bắc, Nhật bắt nông dân phải nhổ lúa để trồng đay (nguyên liệu dệt vải, phục vụ chiến tranh). Trong khi đó Pháp tăng thuế, ra sức vơ vét thóc gạo.

Những bộ ảnh của cụ Nguyễn An Ninh ghi lại nạ đói khủng khiếp này: người chỉ còn da bọc xương, những đống đầu lâu xếp chồng lên nhau…Hay như trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh nêu: Mùa xuân 1945, từ Lạng Sơn đến Quảng Trị, dân ta lâm vào nạn đói chưa từng có trong lịch sử: hơn 2 triệu người chết đói thê thảm (1/10 dân số lúc bấy giờ). Có làng chết gần hết, nhiều người chết lả trên đường đi, nơi gốc cây, ven đường, hè nhà, quán chợ…. Nhiều gia đình, nhiều người phải ăn cháo cám, ăn rau, ăn củ chuối…thay cơm (gia đình nhà văn Kim Lân cũng đã từng phải ăn cháo cám trong những ngày đói ấy.

Đến 1954, hòa bình lập lại, nhân một số báo văn nghệ kỉ niệm ngày CMT8 thành công thì Kim Lân nhớ lại tiểu thuyết Xóm ngụ cư của mình. Tác giả dựa trên cốt truyện cũ viết lại thành truyện ngắn Vợ nhặt.

II. Ý nghĩa những chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn “Vợ nhặt”

1. Tình huống truyện độc đáo.

Tình huống truyện là những hoàn cảnh có vấn đề đòi hỏi nhân vật bày tỏ thái độ, hành động từ đó bộc lộ tính cách. Tình huống truyện có vai trò phát triển cốt truyện. Nổi bật tính cách nhân vật. Nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm

Tình huống truyện trong tác phẩm: Tràng “nhặt” được vợ được biểu hiện qua nhan đề: “Vợ nhặt”, qua phẩm chất người vợ, qua tình cảnh người chồng (nhân vật Tràng). Tình huống truyện Vợ nhặt chứ nhiều nghịch lí: Tràng rất ít khả năng lấy vợ bỗng có vợ dễ dàng; hoàn cảnh “nhặt” vợ: nạn đói

Tình huống truyện Vợ nhặt phản ánh hiện thực làng quê Việt Nam 1945. Phản ánh chiều sâu hiện thực: Sự đói khát hủy hoại hình hài con người, nhân cách giá trị tốt đẹp của cuộc sống, con người. Nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Trân trọng, tin yêu con người (Thân phận nhỏ bé của người phụ nữ; sự đói khát không làm mất đi lòng nhân ái, khát vọng hạnh phúc, hi vọng ). Tố cáo tội ác của bọn thực dân.

2. Tình huống “nhặt” vợ của Tràng:

Vợ là một người, là một phần quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông. Việc lấy vợ là việc trọng đại, được chuẩn bị kĩ càng. “Nhặt’ là việc không chủ tâm, cúi xuống đất lấy lên một vật nhỏ nhặt không ai để ý hoặc không còn giá trị người ta vứt đi.

Một người ế vợ lại lấy được vợ chỉ bằng bốn bát bánh đúc với những câu đùa tầm phơ tầm phào. Ở hoàn cảnh này có sự xuất hiện của nỗi đau khổ, niềm hành phúc; thất vọng rồi lại hi vọng ở cả nhân vật cô “vợ nhặt” và cả ở tràng. Một lần nữa, người đọc nhìn thấy cảnh nạn đói 1945 khi Tràng đưa vợ về trong cảnh: xóm chợ xơ xác, người đói vật vờ, những cái thây còng queo. Gương mặt những người dân ngụ cư hốc hác, trẻ con ủ rũ, người vợ nhặt tả tơi: như tổ đỉa, áo rách bợt.

Một người đàn bà mà phải bám víu vào câu đùa tầm phơ tầm phào để được ăn, trốn cái đói. Bản thân cuộc hôn nhân của Tràng không phải  vì tình yêu hay duyên kiếp. Những con người đến với nhau vì miếng ăn. Họ đang chạy trốn cái đói. Giá trị con người bị lãng quên. Nó bị hạ giá thê thảm. Với Tràng, hào dầu là xa xỉ, cỗ cưới là nồi cháo cám, cô dâu về nhà chồng với một bộ quần áo rách tả tơi.

Ngày đưa dâu không có cả đưa, đón, rước mà chỉ có hai con người nhỏ bé tội nghiệp dắt díu nhau về làng trong một khung cảnh khủng khiếp nhất của nạn đói năm 1945. Những khuôn mặt hốc hác xóm ngụ cư cảm thấy như có luồng gió mát lúc thấy Tràng dẫn vợ về. Bà cụ Tứ tươi tỉnh, Tràng êm ái lửng lơ…

Thị trốn cái đói nhưng về đến nhà Tràng thì thấy cái đói hiện ra nhưng thị vẫn bước vào sau tiếng thở dài. Ngay trong tận cùng đói khát mà con người vẫn không mất đi khát vọng hạnh phúc. Tràng mua hai hào dầu được xem xa xỉ nhưng Bà cụ Tứ, Tràng cả hai đều nhắc đến một từ thắp lên cho nó sáng sủa. Phải chăng mơ hồ sáng sủa cuộc đời con người.

Không gian nghệ thuật truyện có sự thay đổi. Nửa đầu chìm trong bóng tối vô tận. Nhưng đến sáng hôm sau không gian sáng sủa, ánh sáng tràn ngập trong gian nhà, sân nhà Tràng. Từ sân nhà được hót gọn rác, dây đồ phơi hong, hai ang nước đổ đầy…Những câu chuyện vui trong bữa sáng. Tất cả gieo vào lòng người tuy mơ hồ mong manh niềm hi vọng tương lai tươi sáng.

3. Bức tranh nạn đói:

– Cảnh vật: xóm chợ xác xơ.

– Không khí: Mùi ẩm thối của rác rưởi, xác người, đốt đống rấm khét lẹt: ngột ngạt, chết chóc

– Âm thanh: thút thít tiếng khóc trong đêm, khung cảnh thê lương, ảm đạm như chốn âm phủ

– Con người: người chết như ngả rạ. người sống vất vưởng, đạt dờ như những bóng ma. Trẻ con ủ rũ, xanh xao.

→ Đói khát, không còn sức sống. Nhà văn tái hiện chân thực hiện thực cuộc sống. Tác giả đã dùng phép so sánh rất ghê rợn: người so sánh với ma…thể hiện cảm quan của nhà văn về một thời kinh hoàng, cái thời mà cõi âm nhòa với cõi dương, sự sống nhòa với cái chết, thời điểm mà trần gian ngấp nghé với địa phủ.

4. Hình tượng nhân vật Tràng:

– Lai lịch: dân ngụ cư. Gia cảnh: nghèo. Ngoại hình, dáng vẻ: Thô kệch, xấu trai, dở tính. Mỗi buổi chiều về: mệt mỏi, áo nâu tàng, đầu chúi về phía trước

– Tính cách: Tình huống “nhặt” vợ: Đãi thị ăn: chia sẻ miếng ăn → bốc đồng, hào hiệp, nhân hậu, chất phác. Đưa thị về làm vợ: chia sẻ cuộc đời → liều lĩnh, giàu tình thương, khát vọng hạnh phúc

– Diễn biến tâm trạng, hành động khi “nhặt” vợ: Khi ở chợ:Ngạc nhiên vì quyết định liều lĩnh, bất ngờ: “chợn”, “ngờ ngợ”, “sờ sợ”, “giấc mơ”. Tính chất trớ trêu của hoàn cảnh. Tâm lí chân thực, thân phận khốn khổ của Tràng. Trên đường về nhà: Gương mặt “phớn phở”, “tủm tỉm cười…lấp lánh”, “thích ý”, “mặt vênh vênh tự đắc”. Sáng hôm sau: “êm ái lửng lơ…đi ra”. ⇒ Biểu hiện của hạnh phúc.

– Tâm trạng của Tràng biến đổi sâu sắc: Qua ứng xử với vợ:  “hắn đưa thị…về”: lo toan cảm động, băn khoăn trước dáng vẻ buồn bã của vợ → tình thương, thấy có lỗi. Khi giới thiệu vợ với mẹ: Bồn chồn, lo lắng: “Kìa nhà tôi nó chào u.”, “Nhà tôi…cái số cả”: trân trọng, trìu mến với vợ.  Khi được mẹ đồng ý: thở đánh phào…ngực nhẹ hẳn → Từ người con trai vô tâm thành người đàn ông nghĩa tình.

– Qua tình cảm đối với cuộc sống gia đình: Sáng hôm sau: Cảm giác mới mẻ, khác lạ; nhận ra sự thay đổi trong ngôi nhà. Hắn thấy yêu thương…,có bổn phận…, dự phần tu sửa căn nhà : ý thức trách nhiệm. Hành động cụ thể “xăm xăm…” Nghe chuyện Việt Minh lãnh đạo dân phá kho thóc chia cho dân nghèo: Tiếc rẻ vẩn vơ→ Sẽ không bỏ lỡ cơ hội lần 2. “Cờ đỏ phấp phới trong tâm trí” → sẽ đến với cách mạng → Ý thức trách nhiệm với những người yêu thương.

Dân ngụ cư là trôi dạt từ nơi khác đến là tha phương cầu thực, không sống được ở quê mình, bị kì thị: không được chia ruộng đất, không được sống trong cùng một không gian với dân chính gốc mà phải sống ở rìa làng, ngoài đê; không được tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng của làng. Nghĩa là bị phân biệt kì thị, coi thường. Dân gian đúc kết thành câu ca: Trai làng ở góa còn đông cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư.

Nhân vật Tràng có gia cảnh nghèo: mẹ góa con côi, không có ruộng đất, làm nghề kéo xe bò thuê trên tỉnh nhưng thu nhập thấp, bấp bênh. Anh phải nuôi mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời.

Ở phần đầu của truyện tác giả đã miêu tả Tràng với những đường nét thô kệch, giống như là một sự gọt đẽo sơ sài của tạo hóa. Hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra thân hình to lớn vập vạp. Anh ta còn có cái tật vừa đi vừa lảm nhảm những điều nghĩ trong đầu. Khi có điều gì thú vị thì anh ta ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Chính vì những đặc điểm như vậy nên Tràng có sức hấp dẫn với đám trẻ con trong xóm. Chúng vốn xem anh như một đứa trẻ lớn chứ anh không có sức hấp dẫn với các cô gái ở tuổi cập kê. Như vậy là hội tụ đầy đủ những yếu tố bất lợi để có thể lấy được vợ, rất đáng thương.

Dường như cái đói hiện hình ở con người Tràng. Ban đầu Tràng đến với thị không phải vì tình yêu mà từ một câu đùa vui của tuổi trẻ. Trai chưa vợ gái chưa chồng, khi anh đang kéo xe bò lên dốc tỉnh, anh hò một câu để tạo nhịp phối hợp với động tác cho đỡ mệt: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”. 

Tất nhiên đối tượng hướng đến là đám mấy cô gái đang ngồi vêu ra nhặt hạt rơi, hạt vãi ở cửa kho thóc và anh cũng không chủ tâm chọc ghẹo một cô nào cả, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ. Thị lúc đầu cong cớn mấy câu, sau liền vùng đứng dậy, ton ton chạy lại liếc mắt, cười tít mắt với hắn.

Cử chỉ ấy làm tràng thấy vui sướng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới có người cười tình tứ với mình như thế nên anh ta thích chí lắm. Nhưng mà rồi cũng chỉ dừng lại ở đấy thôi. Đó là lần gặp thứ nhất. Đến lần gặp gỡ thứ hai, lần này cũng không thuần túy là bông đùa nữa nhưng nó cũng chưa phát triển thành tình yêu.

Lúc hắn đang ngồi quán uống nước thì thị ở đâu sầm sập chạy tới, nói năng dằn dỗi: “Điêu! Người thế mà điêu! Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt”. Hắn ngạc nhiên, giương mắt nhìn thị, tỏ ra không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sộp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. 

Đến khi nhìn kĩ, Tràng nhận ra là thị,  cũng lại đùa tiếp “Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã”. Thị vẫn cái vẻ cong cớn, chỏng lỏn không chịu ăn trầu. Khi nghe tràng bảo: “Đấy muốn ăn gì thì ăn” thì ngay lập tức hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên. Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, vừa thở vừa hổn hển nói.

Ngồi nhìn hình dung người đàn bà và cách thị ăn, Tràng bần thần suy nghĩ. Thần chết đã bắt đầu vẽ những nét vẽ đầu tiên lên trên khuôn mặt của người phụ nữ đói khổ này rồi. Nhìn thấy tình cảnh ấy nên anh ấy thương, vì đồng cảnh mà. Thương nên anh sẵn sàng hào phóng đãi bốn bát bánh đúc. Đặt vào cảnh nạn đói lúc bấy giờ miếng ăn là mạng sống. Vậy mà anh sẵn sàng đãi một người xa lạ. Điều đó cho thấy anh là người rất nhân hậu. Và nó cũng chỉ dừng lại ở tình thương thôi. Trong nạn đói mà sẵn sàng mời người đàn bà xa lạ ăn là điều quý giá lúc bấy giờ.

Khi thị đã ăn xong, Tràng lại đùa: “Này nói đùa chứ có về thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.  Tưởng câu chuyện chỉ đùa thôi, có ai ngờ cái “duyên” ấy nó theo anh tràng về tân tới nhà. Ban đầu Tràng cũng sợ, chợn nghĩ “giữa lúc thóc cao gạo kém thế này nuôi thân mình còn chưa nổi lại còn đèo bòng”. Nhưng cái sợ thoáng qua thôi, sau đó anh lấy lại bình tĩnh “chậc, kệ” nghĩa là đánh liều, đưa thị về làm vợ, cưu mang một người đàn bà đói khổ.

Việc Tràng lây vợ là điều kì lạ, gây ngạc nhiên cho mọi người và ngay cả chính Tràng. Một anh con trai ngờ nghệch lại lấy được vợ 1 cách dễ dàng. Một người đàn ông khốn khổ đến mức không tin vào hạnh phúc của mình dẫu đã chạm tay vào.

Có vợ, con người Tràng hoàn toàn thay đổi.  Từ người vô tư đến vô tâm giờ tràng trở thành người quan tâm, sâu sắc. Thường ngày Tràng vốn là một người cục mịch thế mà hôm nay anh trở nên tinh ý, anh chăm sóc vợ bằng những biểu hiện rất đơn sơ nhưng lại rất cảm động. Anh thấy vợ rách rưới, khuôn mặt là hiện hình của cái đói chứ không còn dấu hiệu của nhan sắc nữa. Anh đưa thị vào chợ tỉnh mua một cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt. Vì sao lại là cái thúng? Vì ngày xưa các cô gái về nhà chồng thường mang theo một chút đồ dùng cá nhân của mình và thường đựng nó trong cái thúng mới như vậy.

Tràng không thể có những lễ nghi cưới hỏi như người khác và chị thì sẵn sàng theo không anh về. Chị không đòi hỏi gì cả nhưng anh thì anh thương chị nên mua cho chị cái thúng con đựng vài thứ đồ lặt vặt để chị bước chân về nhà chồng chị cũng bình đẳng như bao cô dâu mới về nhà chồng khác. Anh còn dẫn chị ăn một bữa no nê, đói bao nhiêu năm rồi và tới đây có thể sẽ đối mặt với cái đói nữa nhưng hôm nay là ngày vui không thể có tiệc mừng thì có một bữa no đấy cũng là một cách để an ủi.

Ngoài ra anh cũng mua hai hào dầu được xem là hoang phí vì lúc này người ta chỉ tìm xem có miếng ăn để sống qua ngày là tốt rồi chứ người ta không có nhu cầu để bồi đắp cho đời sống tinh thần. Nhưng anh ta thì hôm nay là ngày có vợ, có người mới trong nhà nên nhà cửa cũng phải sáng sủa một chút. Ánh sáng chiếu rọi căn nhà, xua tan bóng tối, đẩy lùi nỗi sợ hãi và khiến con người càng thêm tin tưởng mà mạ mẽ sống tiếp.

Có đến gần 20 lần nhà văn miêu tả khuôn mặt vui vẻ tươi tỉnh của Tràng. Trong phút chốc Tràng như quên hết mọi đói khổ trước mắt. Trong hắn lúc này chỉ còn hạnh phúc với người đàn bà đi bên. Tác giả đã dùng từ láy “phớn phở”: không phải “phởn phơ”, thỏa mãn. Hình dung “phớn phở” cho thấy sự rạng rỡ, những đường nét trên khuôn mặt nở ra, nâng anh ta bay bổng. Dường như có gì thú vị lắm khiến anh cười một mình.

Đặc không gì giấu được trong ánh mắt. Nhà văn miêu tả chính xác biểu cảm gương mặt một chàng trai vô cùng hạnh phúc bằng những từ ngữ tinh tế và trìu mến. Khuôn mặt không đáng ghét mà cảm thông vì Tràng thấy tự hào, hạnh phúc khi mình làm được điều mà người khác không làm được.

Thực ra, lúc đầu cũng giống như thị, Tràng cũng ngượng nghịu. Ngượng là đúng bởi vì thời gian quen biết chưa lâu, thời gian gặp gỡ rất ít, sự hiểu biết chưa đủ độ chín để hai người có được cái sự thân tình. Và vừa nãy ở không gian rộng họ không ngại, bây giờ vào không gian hẹp chỉ hai người với nhau thì họ cảm thấy ngượng nghịu. Nỗi sợ thoáng qua, cảm giác hp lấn át nỗi sợ. Anh tủm tỉm cười một mình và có ý nghĩ ngạc nhiên, không dám tin đây là sự thật.

Anh chờ mẹ về để hỏi ý kiến. Anh đồng ý nhưng phải chờ sự phán quyết của mẹ thì việc cưới xin mới chính thức được công nhận. Khi mẹ về: đón chào rối rít. Cách giới thiệu: gọi là nhà tôi thân tình, triều mến, trân trọng; làm bạn, phải duyên phải kiếp…: có nghĩa là cuộc hôn nhân này cũng là do ông tơ bà nguyệt xe duyên, trời sắp đặt. Như vậy nó cũng bình đẳng đẹp đẽ như những cuộc hôn nhân nào khác. Cách giới thiệu khiến người vợ không tủi thân, tuy là vợ theo không nhưng chị cũng có vị thế bình đẳng như bất kì một cô dâu nào khác khi bước chân về nhà chồng.

5. Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ:

Ngoại hình, dáng vẻ: dáng lọng khọng, ho húng hắng, lẩm bẩm → hình ảnh người mẹ già nua, còm cõi, luôn ám ảnh những lo toan về cuộc sống

Diễn biến, tâm lí cảm xúc trước việc con trai “nhặt” vợ: Mới về: ngạc nhiên- phấp phỏng- lập cập- đứng sững- mắt như nhoèn ra. Sự tinh tường, nhạy cảm; thân phận khốn khổ. Khi nghe lời giới thiệu của con trai: “cúi đầu nín lặng…hiểu ra…cơ sự”. Những uẩn khúc Tràng không nỡ nói mà bà cụ Tứ không nỡ hỏi. Người vợ nhặt xấu hổ, ngượng ngùng Người mẹ từng trải, nhân hậu.  “Ừ,… u cũng mừng lòng”: tấm lòng bao dung.  Xúc cảm: mừng rỡ xen lẫn lo lắng, buồn tủi; xót thương: Đầy tình thương yêu con trai, con dâu. Ứng xử với con dâu: “đăm đăm…” “nhìn… thương xót”;  “nhẹ nhàng nói”; cách dùng từ thân mật: “các con”. Tỏ lòng cảm thông, thương xót

Thái độ đối với cuộc sống: Sáng hôm sau: cái mặt …rạng rỡ, xăm xắn thu dọn. Bữa cơm ngày đói: bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau, cám – chè khoán ngon đáo để → Tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, xua tan không khí ảm đạm của ngày đói. Hướng niềm tin vào tương lai.

6. Hình tượng nhân vật người “vợ nhặt”.

– Lai lịch: Người đàn bà vợ nhặt không tên, không quê quán, không lai lịch, không gia đình họ hàng gốc rễ. Thị được Tràng “nhặt” được ở ngoài chợ. Tính chất “nhặt” thể hiện thân phận bất hạnh của thị và niềm ảm thông sâu sắc của nhà văn. Thế nhưng, chính thị lại là người đem đến niềm vui, hạnh phú, niềm tin và sức sống cho gia đình của Tràng ⇒ Niềm tin vào bản chất tốt đẹp.

– Ngoại hình: Thị rách quá… Xấu xí, ốm yếu, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày vì đói, hai mắt trũng hoáy, ngực gầy lép, rách rưới đến tội nghiệp.

– Tính cách:

+ Trước khi theo tràng về nhà:

  • Xưng hô: nhà tôi, đằng ấy → bạo dạn.
  • Nói năng: chua ngoa.
  • Hành động: Gợi ý để được ăn Bất lịch sự, đánh mất. Cắm đầu ăn…4 bát bánh đúc lòng tự trọng. Theo không Tràng: bỏ qua sự thận trọng, đạo lí, lễ giáo → Đáng thương, đáng cảm thông.

+ Từ khi theo Tràng về làm vợ:

  • Trên đường về nhà: đi sau, nón che nghiêng, e thẹn, cúi đầu ý tứ.
  • Về tới nhà: Nén một tiếng thở dài che dấu sự thất vọng, trân trọng tình nghĩa. Ngồi mớm ở mép giường. Cúi mặt, tay vân vê tà áo, đứng Ý tứ, nết na, cư xử khép nép đúng mực.

+ Sáng hôm sau: Quét sân, lẳng lặng… : hiền thục, chăm chỉ.

+ Ứng xử trong bữa ăn: hòa trong không khí đầm ấm; “đón lấy …vào miệng”: làm vơi dịu nỗi khổ tâm của mẹ, nỗi xấu hổ của chồng → sâu sắc, tình nghĩa. Kể chuyện Việt Minh.

→ Thị đã biến đổi, đã trở về với bản chất tốt đẹp bị khuất lấp; đem đến niềm vui, hạnh phúc, niềm tin về sự đổi đời cho chồng, mẹ chồng.

7. Giá trị nhân đạo của tác phẩm:

– Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít. Cảm thông cho số phận của người nông dân nghèo. Ngợi ca tình người. Tin tưởng vào sự sống và tương lai của con người.

Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn: Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) - Theki.vn
  2. Phân tích hình tượng nhân vật Tràng (Vợ nhặt – Kim Lân) trong buổi sáng ngày hôm sau. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) trong buổi sáng tỉnh rượu để thấy đư

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.