quan-niem-nghe-thuat-ve-con-nguoi-trong-tac-pham-van-hoc

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm văn học

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm văn học.

Quan niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù cơ bản của thi pháp học, có mối quan hệ với quan điểm triết học, đạo đức, tôn giáo, xã hội, tâm lý…, về con người ở những thời điểm hoặc thời đại cụ thể với những mức độ nhất định trong quá trình nhà văn sáng tạo tác phẩm của mình. Tuy nhiên, quan niệm nghệ thuật về con người có tính đặc thù của nó.

Việc phân tích tác phẩm văn học ở bậc trung học trong nhà trường phổ thông, cần thiết phải xuất phát từ nhận thức rằng quan niệm nghệ thuật về con người là một phương diện thiết yếu của sáng tạo nghệ thuật. Nó vừa chịu sự tham chiếu, tương tác của các yếu tố khách quan của thời đại như lịch sử, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ, tâm lý…, vừa thể hiện cái riêng, cái đặc thù trong tư duy, quan niệm, cái nhìn sáng tạo của nhà văn hướng tới những mục tiêu nhất định.

Quan niệm về con người là một trong những vấn đề cơ bản và quan trọng trong xã hội loài người từ xưa tới nay. Trong thực tế, có nhiều cách quan niệm khác nhau, nhiều kênh tiếp cận khác nhau. Khác với quan niệm về con người từ các góc nhìn thần học, triết học, sinh học, quan niệm nghệ thuật về con người không nhằm giải thích nguồn gốc, đặc tính, sự sinh trưởng…, của con người, mà là quan niệm của người nghệ sĩ về con người trong địa hạt nghệ thuật.

Đối với văn học, quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong thế giới nghệ thuật cụ thể, là vấn đề nằm trong hình tượng với những mối quan hệ trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm đó, được độc giả nhận ra qua tìm hiểu, khám phá thi pháp của tác phẩm. Tục ngữ Việt Nam quan niệm rằng “Người ta là hoa đất”, Nguyễn Du quan niệm rằng “Đục trong thân cũng là thân”, Nguyễn Gia Thiều quan niệm rằng: “Trăm năm còn thấy gì đâu/Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”.

Đó là những cách quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện một cách cụ thể. Còn đối với những tác phẩm có dung lượng lớn, cần phải phân tích hình thức bên trong của tác phẩm, khám phá hình tượng từ kết cấu chỉnh thể nội tại của hình tượng và dáng nét tư tưởng thẩm mỹ hình tượng; từ sự tham chiếu của nhiều góc nhìn khác như tâm lý, văn hóa, mỹ học…, thậm chí cả phương diện tâm linh.

Trong việc dạy học và nghiên cứu văn học, khi phân tích nhân vật, hình tượng không nên chỉ quan tâm ở mặt tính cách theo những khung chuẩn của các tiêu chí xã hội, đạo đức theo cách phân tích mổ xẻ, xem xét nhân vật ở các bình diện ngôn ngữ, hành vi…, thông qua việc tìm các chi tiết để chứng minh và khái quát tính cách nhân vật theo các tiêu chí đạo đức như xấu hay tốt, cao thượng hay thấp hèn, chính diện hay phản diện, ý nghĩa giáo dục là gì. Cần thiết và quan trọng là phải tìm ra nhà văn đã xây dựng hình tượng theo quan niệm nào, cái nhìn nào, những điểm nhìn nào, tiêu chí tư tưởng và thẩm mỹ nào, nhắm tới mục tiêu sáng tạo nào.

Ví dụ: Quan niệm nghệ thuật về con người của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn là người phụ nữ nông dân Việt Nam đẹp ở mọi phương diện, nhất là luôn giữ phẩm tiết trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo đó, góc nhìn và tiếp cận của Ngô Tất Tố đối với người phụ nữ nông dân là đặt họ trong bi kịch qua những cảnh ngộ khó khăn, nghiệt ngã để qua đó khẳng định phẩm chất của họ luôn tốt đẹp, dù bị áp bức bóc lột đến tận độ, dù hoàn cảnh gia đình vô cùng bi đát, cảnh ngộ bản thân hết sức éo le.

Nam Cao lại quan niệm về sức mạnh bất tử của cái giá làm người lương thiện luôn vĩnh hằng trong người nông dân. Do vậy, ông nhìn người nông dân ở góc độ lộ trình tha hóa và những đấu tranh nội tâm giữa các mặt trong con người, có khi là hai con người trong một con người trong lộ trình đó. Đó là cuộc đấu tranh cam go, sống mái, nhưng cuối cùng con người lương thiện vẫn chiến thắng con người tha hóa, ác quỉ.

Quan niệm nghệ thuật về con người không phải là những tư biện hay trữ tình ngoại đề của tác giả trong tác phẩm, mà được thể hiện ngay trong hình tượng với tính tổng hợp thẩm mỹ từ mọi mối quan hệ trong kết cấu của hình tượng. Do vậy, nó luôn gắn với phương tiện nghệ thuật được thể hiện như thế nào trong tác phẩm. Chẳng hạn, Nguyễn Tuân luôn nhìn con người ở phương diện văn hóa, mỹ học. Theo đó, cách thể hiện con người trong tác phẩm của ông luôn gắn với những phương tiện nghệ thuật nhất định, phù hợp và hữu dụng. Trong Vang bóng một thời, con người luôn được đặt trong bối cảnh và phương tiện nghệ thuật để thể hiện cái đẹp, cái hay, cái tài. Chẳng hạn, cách thưởng thức vị trà và kẹo dưới trăng (Hương cuội); bối cảnh ngục tù, không gian ngục tù và những mối quan hệ với con người chốn ngục tù trong ranh giới cận kề trước cái chết là các phương tiện nghệ thuật để thể hiện cái tài, cái đẹp trong nhân cách con người Huấn Cao (Chữ người tử tù)…

Quan niệm và bút pháp đó vẫn được Nguyễn Tuân phát huy trong sáng tác về sau. Chẳng hạn, con sông Đà hung dữ, hiểm ác, hoang dại nhưng lãng mạn, trữ tình, mãnh liệt là cái phông, cái nền của phương tiện nghệ thuật trong mối quan hệ với người lái đò, để qua đó, tình yêu cuộc sống, lòng dũng cảm, sự khéo léo và tinh thông nghề nghiệp cùng những vẻ đẹp khác của người lái đò được thể hiện lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục (Người lái đò sông Đà).

Quan niệm về con người trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang