Cái nhìn và điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Cái nhìn và điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm văn học

1. Cái nhìn nghệ thuật.

Cái nhìn nghệ thuật là một trong những phương diện quan trọng của thi pháp học, thể hiện phương cách cảm quan, soi thấu, phát hiện, tiếp nhận, nghiền ngẫm và xử lí những chất liệu, nguồn mạch và dạng thái của hiện thực và đời sống trong sáng tạo nghệ thuật. Cái nhìn nghệ thuật vừa là tư duy nghệ thuật mang dấu ấn chủ quan của nhà văn, vừa là hình bóng của lịch sử, văn hóa, hiện thực và con người mang tính khách quan của tồn tại xã hội, và được thể hiện ở hầu khắp các bình diện của tác phẩm, từ quan niệm nghệ thuật về con người cho tới việc xây dựng và kiến tạo thời gian, không gian nghệ thuật. Cái nhìn nghệ thuật có ý nghĩa quyết định mục tiêu sáng tạo cũng như việc xây dựng cấu trúc thẩm mỹ và dắt dẫn hình tượng vận hành theo những chiều hướng nhất định của người nghệ sĩ.

Do vậy, việc phân tích tác phẩm cần chú ý giải mã cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, vì nó là một phương diện quan trọng không thể thiếu trong tác phẩm. Theo M. Khrapchencô thì chân lí cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không thể tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ. Nhà văn Pháp, Mácxen Prutxt cũng cho rằng đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn.

Qua cái nhìn nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật toát lên từ hệ thống hình tượng của tác phẩm. Cái nhìn nghệ thuật quyết định giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của đối tượng phản ánh. Chẳng hạn, cùng một sự vật hiện tượng là máu nhưng do những cái nhìn khác nhau nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của máu trong những trường hợp sau cũng khác nhau. Máu giặc Minh xâm lược ghê rợn:

“Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc;
Thành Đan Xá thây chất đầy núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

Máu thực dân Pháp nhơ bẩn, hôi tanh:

“Tàu giặc đắm sông Lô,
Tha hồ mà uống nước,
Máu tanh đến bây giờ,
Chưa tan mùi bữa trước”

(Cá nước – Tố Hữu)

Máu Chí Phèo nhạt, vô nghĩa: “Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá!” (Chí Phèo – Nam Cao).

Máu của bà má Hậu Giang lên trời đòi công lý:

“Một dòng máu đỏ lên trời,
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!”

(Bà má Hậu Giang – Tố Hữu)

Máu của chiến sĩ Điện Biên bất tử, hiện hình trong hoa trái mãi giúp đời:

“Máu của các chị các anh không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng”

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Máu người công sản mãi thắm đỏ, bất tử, hóa thành hoa đỏ ngát hương:

“Bông hồng đỏ và đỏ
Như máu nở thành hoa
Trong trang sử nước nhà
Trận sau cùng chiến thắng”

(Mồ anh hoa nở – Thanh Hải)

Máu anh giải phóng quân căm phẫn giặc Mỹ xâm lược, không ngừng khát vọng tiêu diệt kẻ thù:

“Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”

(Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân).

2. Điểm nhìn nghệ thuật.

Điểm nhìn nghệ thuật là những yếu tố, đối tượng thuộc hình tượng nghệ thuật được nhà văn tập trung trình bày, miêu tả phù hợp với cái nhìn, cách nhìn, cách cảm quan thế giới, quan niệm về thế giới và nhân sinh của tác giả. Điểm nhìn bao giờ cũng thể hiện mối quan hệ giữa người sáng tạo và cái được sáng tạo. Chẳng hạn về vấn đề số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945, Ngô Tất Tố và Nam Cao có điểm nhìn riêng (qua Tắt đèn và Chí Phèo). Điểm nhìn bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, cảm thụ…, của chủ thể đối với thế giới và con người. Nó là những vùng, những điểm của đối tượng phản ánh thể hiện sự chú tâm cảm nhận, đánh giá của chủ thể phản ánh ở các phương diện tâm lý, văn hóa, xã hội, lịch sử, mỹ cảm và tư tưởng.

Trong văn bản nghệ thuật, điểm nhìn là một trong những nội dung liên quan mật thiết đến cái nhìn. Ở một mức độ nào đó, cũng có thể coi là một phân hệ của cái nhìn, chịu sự tham chiếu của cái nhìn. Cái nhìn mang tính diện, điểm nhìn mang tính điểm; cái nhìn mang tính khái quát, cái chung; điểm nhìn mang tính cụ thể, xác thực. Cái nhìn mang tính hệ thống, xu hướng, lộ trình; điểm nhìn mang tính phân hệ, miêu tả, phẩm bình, tường thuật. Chẳng hạn, trong Chí Phèo của Nam Cao, cái nhìn nghệ thuật là mâu thuẫn và xung đột trong cuộc quyết đấu giữa hai con người trong một con người Chí Phèo: Con người thiếu khát tình người, nhân tính, thiên lương và con người thú tính, quỉ dữ. Theo đó, Nam Cao chọn và triển khai hệ thống các điểm nhìn về nhân vật Chí Phèo là: Con số không trống trụi, vô nghĩa (nơi sinh ra, tuổi thơ, gia đình…), bị làm nhục, bị đẩy vào tù, bị lợi dung, bị tha hóa, gặp thị Nở, giết Bá Kiến, cái chết bằng hình thức tự sát. Bên cạnh đó là các điểm nhìn về nhân vật bá Kiến, thị Nở. Bá Kiến được nhìn ở các điểm: Tàn ác, bất lương, thâm độc, xảo quyệt. Thị Nở được nhìn ở các điểm: Xấu ma chê quỷ hờn, nhà có mả hủi, dở hơi, mang thai với Chí Phèo. Tất cả các điểm nhìn ở các nhân vật đều mang tính quan niệm và có quan hệ mật thiết với nhau.

Để xác định điểm nhìn trong văn bản, một mặt, cần căn cứ trên cái nhìn; mặt khác, cần phân biệt khách thể ngôn từ và chủ thể ngôn từ. Khách thể ngôn từ là tất cả những gì được miêu tả hay được nói tới như nhân vật, đồ vật, sự kiện, phong cảnh. Chủ thể ngôn từ là người mang lời nói, tức là nói từ người ấy mà ra. Chẳng hạn, khách thể ngôn từ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là các nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục, thầy đề; cảnh trong ngục tối, cảnh cho chữ và nhận chữ…; còn chủ thể ngôn từ là lời của người kể chuyện, lời của nhân vật Huấn Cao, lời của viên quản ngục. Sự phân biệt này là điều quan trọng và cần thiết để xác định đúng các điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn, tránh nhầm lẫn giữa điểm nhìn nghệ thuật của tác giả với tất cả những gì được thể hiện trong tác phẩm.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang