Suy nghĩ về “sự im lặng” của những người tốt trước cái xấu, cái ác.

su-im-lang-cua-nguoi-tot-truoc-cai-xau-cai-ac

Suy nghĩ về “sự im lặng” đáng sợ của những người tốt trước cái xấu, cái ác.

  • Mở bài: 

Chưa bao giờ thế giới này thực sự trở nên cân bằng mà ở đó không có ai nghèo khó hay khổ đau, không có cái xấu, cái ác. Những ai đứng lên đấu tranh bảo vệ công lí, lẽ phải, bảo vệ kẻ yếu đuối là người tốt, luôn nhận được sự tin tưởng của người khác. Thế nhưng, cũng có lúc, những người tốt ấy chọn cách im lặng trước cái xấu, cái ác khiến chúng ta hụt hẫng, đau đớn và suy nghĩ về lẽ đời.

  • Thân bài:

Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Có lẽ, câu nói ấy là kết quả của biết bao từng trải, chiêm nghiệm về tình người, tình đời trong cuộc sống này. Đó hẳn là sự chua xót, đắng xay, nỗi đau thương của một trái tim luôn nghĩ đến những con người đang chịu sự áp bức, bất công trong cuộc sống này.

“Xót xa” là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn “im lặng” tức là không có hành động hay phản ứng cụ thể trước những tình huống, sự việc đáng lẽ cần có thái độ, có phản ứng. Hãy gọi đó là sự vô cảm, một căn bệnh tinh thần đáng sợ đang từng ngày gặm nhấm lương tâm của nhận loại.

Sự im lặng ấy trở nên đáng sợ hơn khi nó là một biểu hiện bất thường trong cách ứng xử của  người tốt, những người luôn được mọi người tin tưởng, có thể gây ra cảm giác bất an cho người khác.

Thực tế, chúng ta sống trong một xã hội luôn tồn tại hai loại người: kẻ xấu là người kém đạo đức, đáng khinh ghét, có thể gây hại, mang lại những điều không hay. Lời nói và hành động của họ đều không phù hợp với các quy tắc chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương người khác và có những tác động tiêu cực đến xã hội. Ngược lại, người tốt luôn có những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, về thái độ hành vi trong các mối quan hệ và được mọi người đánh giá cao.

Thông qua câu nói của mình, Martin Luther King muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp sâu sắc: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy. Sự im lặng thật đáng chê trách.

Thế giới này có biết bao điều ngang trái, nó xảy ra hàng ngày, ngay trong cuộc sống của chúng ta. Ta chẳng mấy xa lạ với việc chen lấn khi thanh toán trong siêu thị hay ở bãi đỗ xe. Chẳng có ai can thiệp để mọi người có thể đảm bảo đúng lượt của mình dù có một vài người phụ trách việc đó. Rồi ta còn thấy người ta vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, la hét inh ỏi; thấy đám người lưu manh dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường; thấy một vài kẻ côn đồ ức hiếp một học sinh đang đi trên đường,…

Chứng kiến những hành động như thế, thử hỏi ai mà không bất bình? Bởi lẽ, những hành động ấy là biểu hiện của sự thấp kém về nhận thức và ý thức, nó gây ra những tổn thất cả về vật chất và tinh thần cho mọi người và xã hội. Hơn thế nữa, sự tồn tại của những lời nói và hành động của kẻ xấu cũng là biểu hiện của sự bất ổn của xã hội ở một mức độ nhất định.

Xót xa trước hành động của người xấu là lẽ tất nhiên. Nhưng tại sao chúng ta lại xót xa hơn trước sự im lặng đến đáng sợ của người tốt? Trong suy nghĩ của mọi người, người tốt luôn có tư cách đạo đức, có khả năng và trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Với phẩm chất vốn có ấy, họ không thể nào không có phản ứng trước cái xấu, cái tiêu cực, những điều “chướng tai gai mắt” trong xã hội. Vậy nên, thái độ im lặng của họ chính là một biểu hiện bất thường.

Sự im lặng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả. Họ im lặng khi cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những việc tốt mình làm không nhận được sự ủng hộ của số đông. Chăm lo làm kinh tế khiến đời sống khá giả, nhưng mê mải quá nhiều lại đẩy người ta ra xa nhau hơn, lo cho lợi ích của mình hơn là lợi ích người khác.

Có rất ít người sẽ la lên khi thấy một tên trộm đang trộm xe trên vỉa hè, hay đứng ra bênh vực nạn nhân trong một vụ va chạm trên đường phố – nhất là kẻ gây sự lại là đám côn đồ, lưu manh. Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại trở thành sự coi nhẹ, chế nhạo của người khác, thậm chí còn gây ra những tổn thương không đáng có cho chính họ.

Một thanh niên bị trấn lột ngay trên xe buýt. Xung quanh đó có rất nhiều người, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của anh thanh niên là sự im lặng. Người tài xế cứ vờ thản nhiên như không có chuyện gì. Anh thanh niên với ánh mắt tuyệt vọng, lững thững bước xuống xe tại một trạm dừng gần nhất. Rõ ràng, muốn xử lí gã côn đồ kia đâu phải là việc khó. Nhưng sao không ai dám lên tiếng? Phải chăng chúng ta không dám bênh vực người lương thiện, phải chăng nỗi sợ hãi cái xấu, cái ác đang giết chết dần lương tâm chúng ta? Xét cho cùng, im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa, thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự phá sản những giá trị tinh thần.

Vậy, làm thế nào để người tốt không im lặng nữa? Hãy trao quyền và khuyến khích người tốt cất lên tiếng nói của mình bằng cách lắng nghe tiếp thu ý kiến và sẵn sàng sửa đổi theo những ý kiến đóng góp đúng đắn của họ. Hãy đưa ra những chính sách bảo vệ, để tránh tối đa những tổn thất mỗi khi người tốt cất tiếng nói. Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể đứng lên bảo vệ chính nghĩa, ủng hộ cái tốt điều hay, bởi có thể cá nhân ấy không đủ sức mạnh. Nhưng không có nghĩa chúng ta phải thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Bởi ngay cả khi không đủ sức mạnh để thay đổi nó, ta vẫn luôn có đủ quyết tâm để không đồng tình và không bị nó lôi kéo. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những mối quan hệ với cộng đồng đã trở nên không thể thiếu. Không ai có thể đơn độc trong cuộc sống được, vì vậy, trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, cần xây dựng những hiệp hội của những người cùng chí hướng mục đích để phấn đấu cho sự phát triển chung của xã hội, để người tốt có chỗ đứng và điểm tựa. Khi đó, họ sẽ không ngần ngại bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.

Ý kiến của Martin Luther King là một lời cảnh báo nghiêm khắc để cảnh tỉnh con người trước nguy cơ về sự băng hoại của những giá trị tinh thần, biểu hiện những hành vi ứng xử của con người trong đời sống. Có người đã nói: “Lùi bước cho cái xấu cũng là một tội ác”. Hãy nhớ rằng, cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh. Đây là một ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Đó cũng là một thái độ đúng, tích cực, xuất phát từ nhận thức về yêu cầu đối với hành vi của con người trong một xã hội tiến bộ, nhân văn. Khi đơn độc một mình, người tốt sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược và thất bại cay đắng. Họ chỉ đủ mạnh khi họ kết nối với nhau trong một tập thể, trong một xã hội biết coi trọng giá trị nhân văn đích thực của con người. Trước sự im lặng của người tốt, xót xa là điều khó tránh song điều đó là chưa đủ mà ta còn phải hành động, phải có những giải pháp tích cực để thay đổi hiện trạng đó trong mỗi cá nhân con người và toàn xã hội. Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng trước những điều đáng lẽ phải nói ra.

  • Kết bài:

Mỗi chúng ta luôn mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà ở đó con người được sống trong yên vui hạnh phúc. Hãy coi câu nói của Martin Luther King là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Hãy tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.

Nghị luận: Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.