suy-nghi-ve-cau-co-chi-thi-nen

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Có chí thì nên (lớp 7)

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ “Có chí thì nên”.

  • Mở bài:

– Giới thiệu khái quát chủ đề nghị luận: vai trò của ý chí đối với thành công.

– Dẫn vào câu tục ngữ: Có chí thì nên.

– Nhận xét khái quát về câu tục ngữ: là một lời khuyên đúng đắn.

Ví dụ: Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, thử thách, đòi hỏi con người phải có nhiều ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua để đạt đến thành công. Nhằm khuyên con người không ngừng rèn luyện ý chí, người xưa từng khuyên rằng: Có chí thì nên”. Đó là một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:Có chí thì nên”.

Chí ý chí, chí hướng, hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, nghị lực, sự kiên trì. Chí là điều cần thiết để con người vượt qua trở ngại.

Nên là sự thành công, là kết quả đạt được trong công việc, là sự thành đạt trong cuộc sống.

→ Ý nghĩa, thông điệp: câu tục ngữ khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công.

2. Bàn luận về ý nghĩa, thông điệp câu tục ngữ.

Tại sao lại có thể khẳng định: “Có chí thì nên”?

– Ý chí là yếu tố cần thiết để con người vượt qua khó khăn, trở ngại. Không có chí thì không làm được gì, dù là việc đơn giản nhất.

– Ý chí manh mẽ, kiên cường giúp ta vượt qua những khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.

– Không chỉ qua một lần làm việc mà thành công, mà chính ý chí, nghị lực, lòng kiên trì mới là sức mạnh giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan chịu đựng thử thách trong công việc thì sự thành công càng vinh quang, càng đáng tự hào.

– Nếu chỉ một lần thất bại mà vội nản lòng, nhụt chí thì khó đạt được mục đích.

Học sinh cần rèn luyện ý chí như thế nào?

– Ra sức học tập tốt, lao động tốt. Rèn luyện ý chí và nghị lực vượt khó mỗi ngày.

– Trước khó khăn, trở ngại không lùi bước. Trước thất bại không nản lòng.

– Sống lạc quan, tin tưởng, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

– Thực hiện lí tưởng, xây dựng sự nghiệp phải bằng chính sức mình, bằng ý chí quyết tâm, có nghị lực kiên cường.

3. Bàn luận mở rộng.

– Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người thiếu ý chí. Họ nhút nhát, sợ hãi trước cuộc sống, tinh thần bi quan, chán nản, dễ đầu hàng trức khó khăn, trở ngại. Những người như thế thật đáng chê trách.

4. Bài học nhận thức và hành động.

– Có ý chí quyết tâm và nghị lực kiên cường, có tinh thần lạc quan thì sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ và dẫn đến thành công.

– Mạnh dạn phê phán những kẻ ngại khó sợ khó hay nản ý ngã lòng bi quan trước khó khăn. Nhưng đừng nghĩ rằng chủ quan tự mãn là thái độ đúng đắn.

  • Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ: “Có chí thì nên” là một lời khuyên đúng đắn. Có ý chí mới có chiến thắng và thành công.

– Liên hệ bản thân: là học sinh, chúng ta hãy ra sức học tập, không ngừng bồi dưỡng ý chí vượt khó, từng bước hoàn thienj bản thân mình, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Xem thêm:

 


Tham khảo:

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Có chí thì nên”.

  • Mở bài:

Sự khác biệt lớn nhất giữa người chiến thắng và kẻ thất bai không phải là sức mạnh, tiền bạc hay địa vị mà chính là ở ý chí. Ý chí mạnh mẽ biến việc khó thành việc dễ, giúp ta kiên trì, bền bỉ trong công việc, vượt qua khó khăn, trở ngại để đạt đến thành công. Bởi thế, người xưa từng khuyên rằng: “Có chí thì nên”.

  • Thân bài:

“Chí” là ý chí, là chí hướng. Có chí nghĩa là có nghị lực, có mục đích trong hành động và quyết tâm đạt đến mục đích đó. “Nên” là đạt đến thắng lợi, thành công, đạt đến mục đích như mong muốn trong công việc và trong cuộc sống.

Câu tục ngữ khẳng định đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Đó là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau; có sự kiên trì nhẫn nại và quyết tâm lớn thì việc gì cũng làm xong cho dù việc đó rất khó khăn tưởng như không thể hoàn thành được.

Con người ai cũng muốn thành đạt trong công việc nhưng con đường dẫn đến thành công thường quanh co khúc khuỷu và lắm chông gai. Bác Hồ đã từng khẳng định trong bài “Đi đường”

“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”

Xác định được điều ấy, chúng ta mới xác định được lập trường, lí tưởng,mục đích và trước mọi chông gai khó khăn chúng ta mới sẵn sàng đối phó. Và lúc này ý chí, nghị lực là yếu tố đầu tiên giúp ta vượt qua trở ngại đó.

Ý chí sẽ giúp chúng ta có niềm tin vững vàng và chính trong gian khổ đó, trước những tai ương gặp trong đời sẽ nung rèn tinh thần chúng ta thêm hăng hái, tôi luyện hơn.

“Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương, rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

Trong cuộc sống lao động sản xuất, nhân dân ta cũng thể hiện đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đáng khâm phục. Nhìn con đê sừng sững ven sông Hồng, chúng ta mới hiểu được tổ tiên ta đã kiên trì, nhẫn nại tới mức nào để tạo bức tường thành ngăn dòng nước lũ bảo vệ mùa màng

Cuộc đời của Bác Hồ là những dẫn chứng hùng hồn về sự kiên trì nhẫn nại, về quyết tâm vượt qua thử thách, về niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng. Trên con đường cứu nước, sống ở nước ngoài, biết bao vất vả và cực nhọc nhưng Bác chẳng sờn lòng.

Có ý chí vững vàng sẽ giúp chúng ta thêm nghị lực, sức mạnh để đối phó với khó khăn. Có những việc tưởng chừng không làm được nhưng có ý chí giú ta dễ dàng khuất phục cho dù có là việc đào núi lấp biển, ý chí giúp chúng ta trước khó khăn có thêm sáng tạo để giải quyết.

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.

Lời khuyên của ông cha luôn đúng đắn thiết thực. Nó còn ý nghĩa hơn khi chúng ta thực hiện lời dạy đó. Vận dụng trong hoàn cảnh thực tế ngày nay, câu tục ngữ là bài học quý báu. Sống ở trên đời bất cứ việc gì khi đã xác định được mục đích, muốn đến thành công không dễ dàng. Nếu có ý chí nghị lực vững vàng, chúng ta sẽ vượt qua được thử thách. Có ý chí sẽ rèn luyện được tinh thần tự chủ không dựa dẫm, tự tin trong cuộc sống.

Không có ý chí không thể làm nên đực điều gì lớn lao. Nhưng ngoài đức tính kiên trì, nhẫn nại, ý chí bền bỉ, chúng ta cần phải vận dụng óc thông minh sáng tạo để đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Chúng ta phải đương đầu với mọi gian lao thử thách, xác định lý tưởng mục đích làm việc vững vàng. Đừng sợ thất bại. Nếu vấp ngã phải dũng cảm đứng lên, tự tin bước lại từ đầu, để đạt tới mục đích, đem hết khả năng của mình góp phần vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Để có ý chí mạnh mẽ, kiên cường, học sinh cần ra sức học tập tốt, lao động tốt. Rèn luyện ý chí và nghị lực vượt khó mỗi ngày. Trước khó khăn, trở ngại không lùi bước. Trước thất bại không nản lòng. Sống lạch quan, tin tưởng, hướng tới những điều tót đẹp trong cuộc sống. Thực hiện lí tưởng, xây dựng sự nghiệp phải bằng chính sức mình, bằng ý chí quyết tâm, có nghị lực kiên cường.

Có ý chí quyết tâm và nghị lực kiên cường, có tinh thần lạc quan thì sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ và dẫn đến thành công. Mạnh dạn phê phán những kẻ ngại khó sợ khó hay nản ý ngã lòng bi quan trước khó khăn. Nhưng đừng nghĩ rằng chủ quan tự mãn là thái độ đúng đắn.

  • Kết bài:

Câu tục ngữ “Có chí thì nên” ngắn gọn, súc tích mà bao hàm sâu xa. Đó là sự đúc kết kinh nghiệm từ cuộc sống chiến đấu và lao động, ông cha ta khuyên nhủ mọi người phải kiên trì nhẫn nại để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đạt tới thành công. Là học sinh, chúng ta phải quyết chí trong học tập như lời Bác Hồ đã từng dạy:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và ấp bể
Quyết chí ắt làm nên”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang