Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

  • Mở bài:

Từ xưa, trong cuộc sống lao động và chiến đấu của mình nhân dân ta đã rút được biết bao bài học quý giá. Đó là những kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu và cách ứng xử trong xã hội. Đó là cách nhìn nhận mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của mỗi người. Câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã nói lên kinh nghiệm đó.

  • Thân bài:

Để nêu lên một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn hình ảnh của sự vật có liên quan đến con người để thể hiện ý của mình. Mực màu đen, tượng trưng cho những cái xấu xa, những cái không tốt đẹp. Đèn là vật phát ra ánh sáng, soi tỏ mọi vật xung quanh, tượng trưng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” câu tục ngữ đã đưa ra kết luận: “Gần mực thì đen, gần đèn thi rạng”. Đó là quy luật của sự vật.

Về nghĩa đen của câu tục ngữ nói lên một hiện tượng thường thấy trong hiện thực: ở gần mực thì dễ bị dính màu đen, ở gần đèn thì cũng được chiếu sáng. Về nghĩa bóng: nêu lên ý nghĩa, lời khuyên của tác giả dân gian: phải biết “chọn bạn mà chơi”, phải lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tài năng để học tập (chọn môi trường lành mạnh mới có thể phát triển được nhân cách tốt đẹp), tránh xa môi trường (con người) xấu.

Dựa vào thực tế cuộc sống của con người, ta thấy câu tục ngữ hoàn toàn đúng khi xét trong mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách mỗi người. Nhưng trong vài trường hợp đặc biệt, có thể gần mực mà không đen, gần đèn mà không rạng. Vì con người có khả năng vượt khỏi hoàn cảnh, chế ngự môi trường xung quanh.

Trong thực tế, hai mặt khả năng này không loại trừ nhau mà chúng bổ sung cho nhau, giúp chúng ta hiểu một cách đầy đủ về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách. Trong kho tàng văn học dân gian, nhân dân ta có những câu tương tự.

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”
“Thói thường gần mực thì đen”
“Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Những câu ca dao, tục ngữ đó đã khẳng định ảnh hưởng quyết định của môi trường xã hội đối với việc hình thành nhân cách. Trong thực tế cuộc sống, nhà trường làm công tác giáo dục tốt vì nhà trường đã chú ý đến quang cảnh sư phạm và xây dựng môi trường xã hội tốt. Ở gia đình cũng vậy, cha mẹ là những tấm gương sáng, anh chị em hòa thuận, thì gia đình sẽ có những đứa con ngoan, ở lớp học cũng thế, lớp nào biết quan tâm xây dựng tập thể tốt, quan hệ giữa thầy và trò, bạn bè đúng đắn, thân ái, đoàn kết, thì lớp đó có nhiều học sinh giỏi, đạo đức tốt.

Gần gũi hơn, trong quan hệ bạn bè, nếu ta chơi với một người bạn tốt, chăm ngoan, học giỏi, thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt ấy và sẽ trở nên người tốt. Ngược lại, trong một gia đình, nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái, anh em không nhường nhịn nhau, thì con cái trong gia đình cũng dễ lười biếng, ăn chơi, đua đòi. ở những môi trường xã hội phức tạp càng dễ sinh ra những hành vi phạm pháp.

Tuy nhiên, không phải cứ “gần mực” (sống trong môi trường xấu) “thì đen” (bị lây nhiễm những thói hư tật xấu) không? Và cứ “gần đèn” (ở trong môi trường có nhiều điều kiện tốt) thì đều “rạng” (phát triển tốt). Ở đây không chỉ có vai trò của môi trường mà còn phải nói đến bản lĩnh của mỗi người, biết vượt lên trên hoàn cảnh sống, môi trường sống để hoàn thiện nhân cách của mình… Trong thực tế, khó mà tạo ra một môi trường hoàn toàn lành mạnh và tốt đẹp. Trong xã hội cũ cũng như trong xã hội chúng ta ngày nay, những yếu tố lành mạnh và chưa lành mạnh, tốt đẹp và xấu xa thường xen kẽ vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Có lúc, có nơi, cái chưa lành mạnh, cái chưa tốt đẹp lại lấn át cái đẹp, cái lành mạnh. Đó là lúc môi trường xã hội không thuận lợi cho việc hình thành nhân cách.

Nhưng chính trong môi trường không thuận lợi ấy, vẫn có những con người có phẩm chất cao đẹp, có tình cảm đạo đức tốt đẹp, có những hành động cao cả. Chính trong môi trường không thuận lợi đó vẫn nở rộ những bông sen thơm ngát từ chôn bùn đen hôi tanh. Đó là những con người biết vượt lèn trên mọi cám dỗ thấp hèn, làm được những việc có ích cho đất nước và cho chính bản thân mình.

Ngày nay, trên đất nước ta còn nhiều hiện tượng tiêu cực, mặc dù chế độ ta về cơ bản là tốt đẹp. Do đó, bất cứ lúc nào, vẫn có những trường hợp gần mực mà không đen, gần đèn mà vẫn tối tăm. Sống trong môi trường tốt đẹp, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp xúc với những hiện tượng không lành mạnh, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

  • Kết bài:

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời khuyên bảo sâu sắc, cho chúng ta một bài học bổ ích, có cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Câu tục ngữ giúp chúng ta xác lập một thế đứng vững chắc trước những tác động tiêu cực ngoài xã hội và nếu có bị rơi vào một hoàn cảnh không thuận lợi, đầy rẫy những tiêu cực thì chúng ta hãy quyết tâm vượt qua. Nó giúp mỗi học sinh có tinh thần cảnh giác trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực mà vẫn không đen” và sẽ cố gắng mãi mãi là ngọn đèn luôn luôn tỏa sáng.

Chứng minh rằng: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang