thi-phap-la-gi

Thi pháp là gì?

Thi pháp là gì?

1. Thi pháp là gì.

Lịch sử của Thi pháp đã trải qua một quá trình phát triển đa dạng, phong phú về sáng tác, quan niệm và phương pháp. Thuật ngữ Thi pháp (tiếng Pháp: Poétique, tiếng Anh: Poetics) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: Poietike, thể hiện trong công trình Poetica của Aristote (384 – 322, tr.CN). Hiện có nhiều cách hiểu về thuật ngữ Thi pháp, nhưng nội dung cơ bản của Thi pháp thống nhất trong các cách hiểu là: Thi pháp là hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học. Khái niệm này có một số yếu tố cơ bản cần thiết phải được cắt nghĩa, bao gồm: hệ thống, nghệ thuật, hệ thống nghệ thuật và hiện tượng văn học.

Hệ thống: Là một tập hợp của nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố có quan hệ với nhau, giá trị của hệ thống không phải là tổng của phép cộng các yếu tố với nhau, mà là giá trị tổng hợp; giá trị của từng yếu tố khi tồn tại trong hệ thống không phải do tự thân yếu tố quyết định, mà do hệ thống quy định trên cơ sở giá trị tổng hợp toàn hệ thống và mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống đó. Ví dụ: Các chi tiết miêu tả hình thức, tính cách, giòng dõi của nhân vật thị Nở trong truyện Chí Phèo của Nam Cao chịu sự qui chiếu của hệ thống thẩm mỹ toàn thiên truyện, nhất là trong sự chi phối, tham chiếu của đặc điểm thi pháp nhân vật Chí Phèo.

Nghệ thuật: Phương diện hình thức như các thủ pháp nghệ thuật, biện pháp nghệ thuật, phương cách xây dựng, miêu tả và tường thuật, quan niệm nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật, điểm nhìn nghệ thuật…, mang tính nội dung. Tính nội dung của các phương diện nghệ thuật khác với tính nội dung xã hội mà hiện tượng văn học phản ánh. Chẳng hạn: Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù thể hiện ở cái Đẹp từ tài hoa, tính cách, ứng xử, triết lý sống phối kết với ý thức về cái đẹp, trân trọng và nâng niu cái đẹp như một sự phủ nhận cái xấu, cái ác trong xã hội nô lệ và tội lỗi thời thực dân – phong kiến.

Hệ thống nghệ thuật: tập hợp các quan niệm, các thủ pháp, biện pháp…, quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, giá trị của từng yếu tố do hệ thống quy định và các yếu tố phát huy giá trị, ý nghĩa của chúng trong hệ thống. Tính hệ thống của nghệ thuật tồn tại ở nhiều cấp độ như trong một tác phẩm, hệ tác phẩm, một tác phẩm lớn có nhiều tác phẩm nhỏ. Chẳng hạn trong một thi phẩm của Nhật ký trong tù, trong cả tập Nhật ký trong tù, trong toàn bộ sáng tác văn chương của Hồ Chí Minh.

Hiện tượng văn học: Một giai đoạn, một trào lưu, một tác gia, một hệ tác phẩm hoặc một tác phẩm…, có những đặc trưng trên cơ sở quan hệ nội tại và như là hệ quả của lịch sử, kinh tế, chính trị xã hội, tình hình văn học; sáng tạo của nhà văn và mỹ cảm của người đọc. Chẳng hạn: thơ Mới Việt Nam 1930-1945, văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930-1945; văn học cách mạng miền Nam trong vùng tạm chiếm thời chống Mỹ, sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành; truyện ngắn của Tchekhov, thơ tình của Tagor, Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London; Lá cỏ của Whitman…

2. Thi pháp học là gì?

Với tư cách là một bộ môn khoa học, Thi pháp học lấy Thi pháp làm đối tượng nghiên cứu, nghĩa là nghiên cứu hệ thống nghệ thuật của hiện tượng văn học. Trong thực tế, hệ thống nghệ thuật trong văn học tồn tại ở nhiều cấp độ, như tác gia, tác phẩm, trào lưu, giai đoạn…; mặt khác, ở các dòng văn học như văn học dân gian, văn học viết có những đặc trưng thi pháp khác nhau. Do vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu có thể được tiến hành ở nhiều cấp độ, bình diện khác nhau. Với dòng văn học dân gian và văn học viết, các bình diện của Thi pháp học là Thi pháp văn học dân gian và Thi pháp văn học viết.

Thi pháp văn học dân gian gồm có thi pháp truyện cổ dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn), thi pháp thơ ca dân gian (ca dao, vè), thi pháp câu đố.

Thi pháp văn học viết gồm có thi pháp các thể loại (thơ, truyện, kí, kịch), thi pháp văn học các thời kỳ, các giai đoạn (trung đại, hiện đại, hậu hiện đại). Thi pháp hệ thống tác phẩm của một tác gia (thi pháp thơ Nguyễn Du, thi pháp Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, thi pháp thơ Tố Hữu, thi pháp truyện của Nam Cao, thi pháp truyện của O. Banzăc…); thi pháp của một tác phẩm (thi pháp bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, thi pháp truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, thi pháp truyện Thuốc của Lỗ Tấn, thi pháp truyện Ông già và biển cả của Hê-Minh-Uê…).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang