Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Thanh Hải qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

ve-dep-tam-hon-nha-tho-thanh-hai-qua-mua-xuan-nho-nho

Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Thanh Hải qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

  • Mở bài:

Thanh Hải viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” trên giường bệnh hai tháng trước khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng. Dù sắp từ biệt cuộc đời, thế mà bài thơ không hề gợi chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Bài thơ thể hiện chân thành tấm lòng tha thiết, tâm hồn cao đẹp của nhà thơ đới với cuộc đời. Ông đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời mình cho nhân dân, cho mùa xuân của đất nước.

  • Thân bài:

Với Thanh Hải, mùa xuân thật là tươi đẹp, bình dị, đáng yêu. Đó là mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, của con người. Lời thơ tự do, âm điệu nhẹ nhàng, giọng thơ tha thiết đã làm nổi bậc khao khát sống, khao khát gắn kết  với cuộc đời của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ, bức tranh mùa xuân thiên hiện ra thật tươi xanh, tràn trào sức sống của đồng quê xứ Huế. Đó là những cảm xúc trực tiếp hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”

Với phép đảo trật tự ngữ pháp đầy ấn tượng, động từ “mọc” được đặt trước hình ảnh “dòng sông xanh”“hoa tím biếc”, tác giả đã gợi được cái sức sống trỗi dậy, vươn mình của vạn vật trước mùa xuân. Chỉ một bông nhưng không hề gợi ra cái vẻ cô đơn lẻ loi, trái lại, đó là cảm giác say mê ngắm nhìn, tận hưởng cảnh đẹp của tạo hóa. Xuân không chỉ hiện hữu qua màu sắc, đường nét mà còn hài hòa cả âm thanh. Là cái tiếng hót trong trẻo thanh thanh của chú chiền chiện nhỏ nhắn vang động cả không gian mùa xuân tĩnh tại. Đó cũng là tiếng lòng vang vọng trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải

Ấn tượng nhất trong bức tranh đầy xuân sắc xuân tình là chi tiết “từng giọt long lanh rơi”. Từ “giọt” gợi cho người đọc biết bao suy nghĩ. Phải chăng, đó là giọt sương đêm, giọt mưa xuân còn động lại trên lá thắm, đó là giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện đang say sưa hót trên bầu trời hay là giọt yêu thương mà cuộc đời nhà thơ vắt đọng lại để dâng cho cuộc đời này. Đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, giữa tiết trời đông lạnh giá, hanh khô của xứ Huế, hóa ra giọt sương ấy không chỉ đơn thuần là hình ảnh tả thực. Nó được tạo ra dưới hình thức nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe – nhìn – thấu cảm” và có lẽ phải đặt mình trong vị trí của nhà thơ mới có thể thấu cảm hết ý nghĩa của nó được.

Bức tranh hiện lên sắc nét qua những hình ảnh chọn lọc đầy tiêu biểu vẽ  lên những đường nét rất rõ ràng của cảnh vật tươi tắn, rộn ràng, đầy sức sống với những sắc màu, âm thanh quen thuộc của thiên nhiên xứ Huế. Nhà thơ khai thác sức mạnh của các từ màu sắc, từ cảm thán, từ láy, hiện tượng chuyển đổi cảm giác…để làm nổi bật cảm xúc ngây ngất, say đắm trước bức tranh thiên nhiên màu xuân rộn ràng, đầy sức sống của quê hương xứ Huế. Bức tranh mùa xuân xứ Huế cũng là vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Thanh Hải đối với quê hương.

Khung cảnh mùa xuân có không gian cao rộng, màu sắc tươi thăm, âm thanh vang vọng. Một không gian vừa bay bổng lại vừa đằm thắm dịu dàng, tươi tắn. Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác: từ thính giác đến thị giác, xúc giác. Những hình ảnh trong bài thơ được thể hiện một cách sáng tạo và gợi cảm.

Hành động “tôi đưa tay tôi hứng”: thể hiện sự trân trọng vẻ đẹp của thi nhân đối với vẻ đẹp chất nhạc của trời với sông, của chim với hoa thể hiện sự đồng cảm của thi nhân trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc đời. Đây chính là tình cảm say mê, ngây ngất, một thái độ trân trọng, nâng niu, trìu mến của tác giả trước quê hương, đất nước. Phải là một nhà thơ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và tha thiết với cuộc đời. Nâng niu “từng giọt sương” nhỏ bé hay cũng chính là trân trọng vẻ đẹp tự nhiên mà mẹ tạo hóa đã ban tặng cho con người. Phải có một tình yêu, sự gắn bó thiết tha vào cuộc sống, với quê hương đất nước, phải có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ mới có được những cảm nhận về mùa xuân hay đến vậy.

Sau những rung động trước cảnh vật thiên nhiên, nhà thơ nghĩ về mùa xuân của con người, mùa xuân của đất nước.

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.” 

Hai hình ảnh người cầm súng và người ra đồng gắn liền với “lộc” mùa xuân. Con người trong cuộc sống lao động và chiến đấu, đang góp phần làm nên mùa xuân yên ôn, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Hình ảnh “lộc” được tác giả lặp lại hai lần, không chỉ là lộc non, lộc biếc của mùa xuân, tươi non trên cành lá mà còn tượng trưng cho thành quả lao động sản xuất và chiến đấu, là thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam trên khắp các mặt trận giải phóng dân tộc. Điệp ngữ “tất cả” kết hợp với hai tính từ “hối ha”, “xôn xao” diễn tả không khí khẩn trương, sôi động của cuộc sống mới. Chỉ với hai tính từ láy nhưng tác giả đã thể hiện thành công cái không khí “người người thi đua, nhà nhà thi đua” xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phép so sánh và nhân hóa mới mẻ: “đất nước như vì sao” là cách nói rất đẹp mở ra một tầm nhìn lạc quan, tươi sáng về tương lai của đất nước…. Đó cũng là niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ “Gánh vác phần người đi trước để lại. Dặn dò con cháu chuyện mai sau” (Nguyễn Khoa Điềm). Âm hưởng lời thơ vui vẻ, phơi phới. Tâm hồn ta cũng như cuộn trào trong từng đợt sóng lòng khôn nguôi hòa vào mùa xuân và sức sống diệu kì của dân tộc. Niềm tin tưởng ấy cũng là cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là niềm vui trước hiện thực cuộc sống mới, niềm tự hào, niềm tin vững chắc vào tương lai nước nhà.

Như một lẽ thường tình, niềm tự hào trong Thanh Hải gợi cho nhà thơ nhớ về một thời lịch sử hào hùng của toàn dân tộc. Tin tưởng vào nhân dân, đất nước, trước khi từ biệt anh em đồng chí, từ biệt cuộc đời, nhà thơ mong muốn được hòa nhập vào với đất nước vĩnh hằng, trở về với nguồn cội tồn sinh bất diệt:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”. 

Nhà thơ khéo chọn vẻ đẹp của thiên nhiên để thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, ước nguyện của chính mình. Đấy cũng là những hình ảnh đơn sơ, nhỏ bé: con chim hót, một cành hoa, nốt trầm, nhưng giàu sức gợi, thể hiện vẻ đẹp cao quý của tâm hồn, lối sống của con người cách mạng. Nhà thơ như hòa nhập tâm hồn mình vào tâm hồn của tạo vật, con người để nói hộ chung tiếng nói của vô vàn những người khác.

Nghệ thuật điệp ngữ, sự chuyến đổi đại từ “tôi” sang “ta” cũng góp phần làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa bài thơ. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ý thơ hay, vừa thể hiện sự khiêm tốn, đông thời cũng là ý nguyện được sống có ích, được cống hiến một phần công sức nhiệt huyết, sức lực, sự sống của mình trong việc làm nên mùa xuân rộng lớn của đất nước. Người đọc bỗng thấy tận sâu trong mỗi từ mỗi câu là một sự tự nguyện chân thành, một khát khao được tận hiến cho cuộc đời một cách âm thầm, lặng lẽ mà ý nghĩa, là vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Thanh Hải trong nhũng tháng ngày cuối cùng của cuộc đời.

Trong cái không khí rộn rã của thời đại, nhà thơ thiết tha hiến dâng, hoà nhập vào cuộc sống vui tươi sôi nổi ấy. Thật đáng trân trọng biết nhường nào khi ta biết rằng, suốt một đời người – một đời thơ, Thanh Hải đã cống hiến nhiều tâm huyết cho sự nghiệp chung của dân tộc mà ông chỉ khiêm tốn xin làm một nốt trầm xao xuyến hòa nhập vào bản hoà ca chung của dân tộc.

Hình ảnh có tính chất biểu tượng: từ “mùa xuân – tuổi hai mươi” trẻ trung, sức trẻ; đến khi “khi tóc bạc”: sự cống hiến bền bỉ, kiên trì. Mạch cảm xúc chuyến từ sôi nổi sang trầm lắng. Tình cảm trào dâng, thể hiện con người luôn sẵn sàng hoà nhập gắn kết với thiên nhiên, đất nước, bất chấp không gian, thời gian nghịch cảnh. Đó là sự dâng hiến thầm lặng. Thanh Hải đã mang đến một cách nghĩ đẹp, một cách sống đẹp của một con người đẹp, một cuộc đời đẹp cống hiến và hi sinh máu thịt cho quê hương.

Đoạn kết bài thơ nghe nhẹ nhàng lan tỏa mà sâu lắng bởi làn điệu dân ca xử Huế, tỏ rõ niềm tin yêu lạc quan của Thanh Hải, một người con xứ Huế:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế…” 

Bài thở nhẹ nhàng kết thúc bằng một điệu dân ca xứ Huế quen thuộc, ngọt ngào, êm dịu, sử dụng ngôn ngữ giàu nhịp điệu, các vần bằng tha thiết, êm ái, thể hiện rõ hơn khát vọng hoà nhập với cuộc đời của tác giả. Thể thơ năm chữ, ngôn ngữ gần gũi, giản dị, hình ảnh giàu sức gợi. Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh ẩn dụ, vừa có ý nghĩa thực vừa cỏ ý nghĩa tượng trưng. Bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, giọng điệu biến đổi phù hợp với cảm xúc say sưa, ngây ngất, trang nghiêm và thiết tha của nhà thơ.

Ý nghĩa bài thơ giúp ta hiểu về lối sống đẹp là biết phục vụ, cống hiến cho đồng bào, cho quê hương đất nước thân yêu, giúp ta biết sống có mục đích, ước mơ, lý tưởng cao đẹp. Luôn trau dồi tri thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức để trờ thành công dân tốt, có ích cho quẻ hương đất nước.

  • Kết bài

Không hề cầu kì trong câu chữ hay những ý tưởng lớn lao, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho  nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.