Vì sao Nam Cao viết không nhiều nhưng lại được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX?

vi-sao-nam-cao-viet-khong-nhieu-nhung-lai-duoc-xem-la-mot-trong-nhung-nha-van-vi-dai-nhat-cua-nen-van-hoc-viet-nam-the-ki-xx

Vì sao Nam Cao viết không nhiều nhưng lại được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX?

Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt Nam. Ông thuộc trong số những cây bút hiếm hoi của nền văn xuôi hiện đại có tư tưởng, phong cách và thi pháp sáng tạo riêng độc đáo, có những cách tân lớn lao góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao không dài, chỉ gói trọn trong 15 năm (1936 – 1951), gia tài văn chương Nam Cao để lại cho hậu thế không mấy đồ sộ song chúng đã thành “mẫu số vĩnh hằng” trong nền văn học dân tộc. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, có sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông càng bộc lộ những tư tưởng nhân văn cao đẹp, ý nghĩa hiện thực sâu sắc và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Đúng như nhà nghiên cứu Phong Lê đã nhận xét: “Sáng tác của Nam Cao là cả một kho trữ lượng bên trong, một kho của dư đầy…có thể đào xới vào rất nhiều tầng vỉa, và vẫn còn hứa hẹn nhiều vỉa mới”.

Nam Cao xuất hiện trên văn đàn từ 1936 bằng một số bài thơ, truyện ngắn chịu nhiều ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời nhưng không mấy thành công và ít được chú ý. Chỉ đến 1940, khi viết truyện ngắn “Chí Phèo” Nam Cao mới thực sự xác định được hướng đi cho ngòi bút của mình. Và với khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa tên tuổi và vị trí của Nam Cao mới thực sự được khẳng định. So với các nhà văn hiện thực phê phán như Nguyễn công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ trọng Phụng, Nam Cao là người đến muộn song với tài năng và sự nỗ lực của mình ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, phải “vị nhân sinh”.

Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài: người nông dân và người trí thức nghèo trước cách mạng tháng tám. Ở đề tài người nông dân Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Và nổi lên trong bức tranh ấy là hình tượng những người nông dân hiền lành, lương thiện bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính (Chí Phèo,Tư Cách Mõ, Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó…). Những sáng tác về đề tài người trí thức của ông tập trung thể hiện những tấn bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản có hoài bão, khát vọng, giàu tài năng nhưng lại bị gánh nặng áo cơn ghì sát đất, trở thành những mảnh “đời thừa”, những kiếp “sống mòn”.

Nam Cao không chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình trạng thê thảm của xã hội và con người trước cách mạng mà còn trực tiếp phân tích, cắt nghĩa, truy tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó. Dù ở đề tài người nông dân hay người trí thức Nam Cao đều bộc lộ sự cảm thông, thương xót trước những đau khổ, bất hạnh của con người. Tác phẩm của ông là lời kết án đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến bất công chà đạp nhân phẩm của con người, đồng thời là tiếng kêu khẩn thiết: hãy cứu lấy nhân phẩm con người.

Về phương diện nghệ thuật Nam Cao đã đánh dấu sự cách tân ở nhiều mặt: kết cấu, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng nhân vật…góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy và hoàn thiện quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Phong cách truyện ngắn của Nam Cao độc đáo, khác biệt khó lặp lại.

Với tất cả những đóng góp quan trọng ấy, Nam Cao tuy không viết nhiều nhưng được xem là một trong những nhà văn hiện thực vĩ đại của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.