Cảm nhận vẻ đẹp con người Việt Nam qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
- Mở bài:
Nguyễn Quang Sáng là một trong những người có mặt sớm nhất trong phong trào văn nghệ đấu tranh chống Mĩ giải phòng miền Nam giai đoạn 1965-1975. Ngay sau khi đế quốc Mĩ tăng cường xâm chiếm miền Nam, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ra đời trong thời gian này. Qua câu chuyện gia đình ông Sáu, một cán bộ kháng chiến, tác phẩm ca ngợi tình cảm cha con sâu nặng, đồng thời làm nổi bậc vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh.
- Thân bài:
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, ông Sáu rời xa làng quê, rời xa đứa con gái bé bỏng chưa tròn một tuổi, mang theo cả những tâm tư nỗi niềm, những nguyện ước đang canh cánh bên lòng. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Chính hoàn cảnh chiến tranh nghiệt ngã đã gây nên những bi kịch trong tình cha con của Anh Sáu, mà anh là người phải chấp nhận những đớn đau.
Nỗi khao khát gặp lại con sau tám năm xa cách khiến cho ông Sáu háo hức vô cùng. Khi gặp lại con, không chờ xuồng cập bến, ông đã “nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: Thu! Con” Anh vừa bước vào vừa khom người đưa tay đón chờ con… Anh không ghìm nổi xúc động….
Thật trớ trêu thay, chỉ vì vết sẹo trên mặt làm ba em không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết, em nhất quyết cự tuyệt ông Sáu. Khi bé Thu sợ hãi bỏ chạy, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.
Bởi sự ngộ nhận ngây thơ ấy, bé Thu đối xử với ba như người xa lạ. Suốt ba ngày, ông Sáu chẳng đi đâu xa, muốn ở bên con vỗ về, chăm sóc, bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cảm. Song, ông càng xích lại gần thì nó càng tìm cách xa lánh, nhất định không gọi một tiếng “ba”. Anh đau khổ lắm nhưng chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười” vì “khổ tâm đến nỗi không khóc được”.
Đến khi Thu nhận ra cha, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Tình yêu ba trong bé Thu đã trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu lên đường trong nỗi đau vì không được con đón nhận. Tiếng “ba” ngọt ngào vang lên khiến ông xúc động đến phát khóc và “không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con,một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc của con”. Đây là những giọt nước mắt hạnh phúc của người cha, của người cán bộ kháng chiến.
Trong lòng cô bé, tình yêu dành cho ba luôn là một tình cảm thống nhất, mãnh liệt. Dù cách biểu hiện tình yêu ấy thật khác nhau trong hai hoàn cảnh, nhưng nó vẫn xuất phát trừ một cội nguồn trong trái tim đứa trẻ luôn khao khát tình cha. Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.
Tình yêu con tha thiết của ông còn được thể hiện rất sâu sắc khi ông ở khu căn cứ. Xa con, ông luôn nhớ con trong nỗi day dứt, ân hận ám ảnh vì mình đã lỡ tay đánh con. Lời dặn của con lúc chia tay đã thôi thúc ông làm cho con cây lược. Thế nhưng, chiến tranh đã cướp ông đi mãi mãi khi lời hứa với con ông chưa thực hiện được. Trong trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, ông Sáu đã hi sinh khi chưa kịp trao cây lược cho con gái. “Trong giờ phút cuối cùng,không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến đấu. Đó là điều trăng trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di chức. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Và bắt đầu từ giây phút ấy, cây lược của tình phụ tử đã biến người đồng đội của ông Sáu thành một người cha thứ hai của bé
Chiến tranh không những gây nên những vết thương trên thân thể người lính mà còn gây nên cả những vết thương trong trái tim của họ. Dù đau đớn, nhưng họ vẫn hướng về phía trước, về cuộc chiến đấu, về Tổ quốc thân yêu…
Khi bé Thu đã trưởng thành, đã hiểu ra được ý nghĩa của cuộc chiến đấu của thế hệ cha anh và sẵn sàng chờ đợi ngày chiến thắng để được đoàn tụ gia đình, thì đó chính là lúc người cha mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xa xôi. Chiến tranh đã gây chia cắt và mất mát trong cuộc sống gia đình, trong tình cha con. Thế nhưng họ vẫn vượt qua để phụng sự Tổ quốc. Họ đã sống vì Tổ quốc, vì nhân dân mà quên mình…
Qua câu chuyện gia đình ông Sáu, người đọc không chỉ cảm nhận tình yêu con tha thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất mát đối với những em bé, những gia đình. Tình yêu thương con của ông Sáu còn như một lời khẳng định: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.
- Kết bài:
Truyện “Chiếc lược ngà” đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Hình ảnh con người Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh thật đẹp đẽ. Dù trong hoàn cảnh đen tối như thế nào, họ vẫn vươn lên, vẫn hướng về Tổ quốc thân yêu với một tình yêu thiêng liêng ,cao cả…
- Ý nghĩa chi tiết “chiếc lược ngà” trong truyện ngắn cùng tên
- Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
- Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
- Suy nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
- So sánh vẻ đẹp tình cảm cha con trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang và “Nói với con” của Y Phương
- Qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, hãy trình bày những tác động của tác phẩm đối với tâm hồn em