y-nghia-bieu-tuong-anh-trang-va-cai-giat-minh-trong-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen-duy.jpg

Ý nghĩa biểu tượng ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Ý nghĩa biểu tượng “ánh trăng” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Trăng vốn là biểu tượng của cái đẹp êm dịu, mơ mộng và vĩnh hằng. Đối với con người, trăng vừa là vũ trụ bao dung, hiền hòa vừa là người bạn thân thiết, chân tình. Trong bài thơ Ánh trăng, nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện thành công mối qua hệ giữ con người và vầng trăng, tạo nên một biểu tượng tuyệt đẹp, có sức khái quát cao.

Có thể thấy, trăng theo suốt cuộc đời con người từ lúc bé thơ ở nơi đồng ruộng, khi lên rừng chiến đấu, cả khi con người lên thành phố. Dù có lúc, con người vô tình quên đi “cái vầng trăng tình nghĩa” thì trăng vẫn cứ lẳng lặng soi sáng trên bầu trời, chẳng chút đổi thay, giận hờn:

“ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”.

Trăng giống như một con người, im lặng, bao dung và nghiêm khắc trước lỗi lầm của con người. Không một lời nói nhưng lại nghe thấy nghìn lời vang vọng. Hình ảnh nhân hóa làm cho câu thơ càng thêm sinh động, tăng khả năng gợi hình, gợi cảm. Phép tương phản giữa ánh trăng “im phăng phắc” và cái “giật mình” của nhân vật “ta” vẽ ra một đường biên trong tâm thức và chờ đợi sự chuyển đổi đi đến hoà hợp rất ấn tượng. Nó có tác dụng nhấn mạnh và làm nổi bật giây phút bừng tỉnh của nhân vật.

Nhà thơ dã rất cân nhắc khi xây dựng biểu tượng ánh trăng xoay quanh nội hàm của nó. Tác giả dùng “ánh trăng” thay vì “vầng trăng” là bởi ánh trăng giống như “ngôn ngữ” của vầng trăng, như một thông điệp ngầm mà “trăng” muốn gửi đến nhân vật. “Ánh trăng” cũng là thứ ánh sáng đặc biệt có thể soi tỏ được vào những nơi khuất tối của tâm hồn, giúp nhân vật thức tỉnh.

Cái “giật mình” bất ngờ ở cuối bài thơ có giá trị tô đậm và nâng cao ý nghĩa biểu tượng của vầng vầng trăng trong bài thơ. “Giật mình” để hối hận, tiếc nuối khi thấy mình đã bội bạc, vô tình với quá khứ. “Giật mình” để tự nhắc nhở mình hãy biết sống tình nghĩa, thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn. “Giật mình” để thức tỉnh, bừng tỉnh, nhìn lại những hạn chế của chính bản thân mình, từ đó vươn lên hoàn thiện nhân cách. Cái “giật mình” của nhân vật còn có sức lan toả cảm xúc, có thể làm người đọc “giật mình” nhận ra những điều ý nghĩa khác trong cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang