dan-y-moi-quan-he-giua-hoc-va-hanh

Mối quan hệ giữa học và hành trong học tập của học sinh

Mối quan hệ giữa học và hành trong học tập của học sinh

  • Mở Bài:

Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa “học” “hành” luôn được con người quan tâm. Bàn về mối quan hệ giữa học và hành Bác Hồ có dạy: “học phải đi đôi với hành”. Đó là một lời khuyên đúng đắn, sâu sắc và cần thiết đối với mỗi học ính.

  • Thân bài: 

1. Giải thích:

“Học” là gì? “Học” là quá trình tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức,  tri thức, kinh nghiệm từ sách vở và thực tiễn vào bên trong đầu óc của mình. Học còn có thể hiểu là nắm bắt lí thuyết, biến lí thuyết thành kĩ năng, năng lực  của mình.

“Hành” là gì? “Hành” là quá trình vận dụng kiến thức, tri thức, kinh nghiệm ấy vào trong cuộc sống thực tiễn nhằm hoàn thành một công việc cụ thể và tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Hành còn có thể hiểu là quá trình biến lí thuyết thành hành động cụ thể.

Giữa “học” và “hành” có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.

2. Bàn luận về mối quan hệ mật thiết giữa “học”“hành”.

– Mục đích của mỗi con người là học để có kiến thức, có hiểu biết nhưng quan trọng hơn là những kiến thức ấy có được thực hành, áp dụng vào những công việc cụ thể thì mới có kinh nghiệm và tạo ra giá trị hữu ích. Và tương tự, nếu học thật nhiều mà không “hành” thì sự hiểu biết kia trở nên vô nghĩa.

– Nếu “học” mà không “hành” thì nắm vững lí thuyết mà thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng. Người học cao không thực hành sẽ thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thường hay nói nhiều. Họ thường thích chỉ đạo người khác, bắt bẻ công việc nhưng thực tế lại không làm được điều gì.

Dẫn chứng: Một học sinh chỉ biết học thuộc các phương pháp, dàn bài làm văn mà không siêng năng thực hành viết thành bài văn thì không thể viết được bài văn một cách thành thạo. Một kĩ sư không thể xây gạch khéo léo như một người thợ lành nghề bởi anh ấy chỉ chú trọng lí thuyết kĩ thuật, ít được thực hành xây dựng dù lúc nào cũng có mặt ở công trình.

– Nếu “hành” mà không “học” thì có kĩ năng, kinh nghiệm thực tế nhưng thiếu hiểu biết, không có sự chỉ đạo của lí thuyết, dễ mắc sai lầm trong công việc, trở thành kẻ phá hoại.

Dẫn chứng: Một học sinh không học cách làm một bài văn mà chỉ viết theo ý mình, biết cái gì viết cái đó thì bài văn sẽ rất vụng về, lan man, khó mà đáp ứng được đề bài.  Một người thợ lành nghề kia, tuy có thể xây tường gạch khéo léo nhưng lại không thể tự mình chỉ đạo xây dựng công trình lớn vì thiếu học thức, thiếu tri thức khoa học tổng thể. Nếu vẫn cố chấp làm điều mà mình không biết rõ có thể sẽ gây ra hậu quả lớn.

– Bởi thế, muốn thành công trong công việc phải biết kết hợp giữa “học” và “hành” một cách chặt chẽ và xuyên suốt. Lấy lí thuyết hỗ trợ cho hành động và ngược lại lấy hành động để khẳng định sự đúng đắn của lí thuyết. Vận dụng lí thuyết vào hành động thì lí thuyết được kiểm chứng. Từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn hiệu quả công việc.

Dẫn chứng: Học sinh biết vừa học vừa hành, vừa đề cao lý thuyết, vừa chăm chỉ thực hành thì sự hiểu biết vững chắc, kỹ năng cũng rất thành thạo, việc học sẽ thành công.  Anh công nhân trong xưởng máy vận dụng lí thuyết để cải tiến kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa vận dụng vừa học tập. Bác nông dân áp dụng kĩ thuật khoa học vào đồng ruộng để có được những vụ mùa bội thu. Từ thành công rút kết thành kinh nghiệm đem truyền đạt cho bà con…

Thực tế cho thấy phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng đắn. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở… phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống trước hết là để hoàn thiện kĩ năng con người. Sau đó là tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người. Lí thuyết không thể tạo nên của cải vật chất mà thông qua hành động nó gián tiếp tạo ra của cải vật chất phục vụ đời sống con người.

Liên hệ bản thân: khi học môn điện dân dụng, học sinh nắm vững lí thuyết mạch điện nhưng không chịu thực hành lắp ráp nên học nhiều mà vẫn không lắp được mạch điện đúng nguyên tắc và gọn gàng có tính thẩm mĩ. Nếu học sinh nắm vững nguyên tắc lắp ráp và quan sát giáo viên thực hành sau đó tự vận dụng làm lại thì chắc chắn sẽ ghi nhớ lâu dài. Lí thuyết có thể phai mờ theo thời gian nhưng kĩ năng và năng lực sẽ còn mãi với con người.

Qua những dẫn chứng trên chúng ta có thể thấy học và hành có một sự gắn kết mật thiết không thể tách rời.

  • Kết bài:

Áp dụng những kiến thức đã học vào thực hành thực tế để có những kĩ năng tốt đẹp để thành công trong công việc sau này. Mỗi học sinh phải biết phấn đấu rèn luyện mình, vừa học tập vừa rèn luyện bản thân trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng sự nghiệp cho bản thân, đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước.


Bài tham khảo:

Viết bài văn ngắn bàn về mối quan hệ giữa học và hành

Học tập là một trong những nhu cầu và nhiệm vụ quan trọng nhất đối với mỗi con người. Không học tập, không trở thành người tốt, khó thành công trong cuộc sống. Muốn học tập tốt nhất định phải kết hợp học và hành.

Học là tiếp thu kiến thức đã được tích trong sách vở, là nắm vững lí luận đã được đúc kết, là trau dồi kiến thức để mở mang trí tuệ cho con người. Hành là thực hành, ứng dụng kiến thức lí thuyết vào thực tiễn đời sống.

Học và hành có mối quan hệ biện chứng, đó là hai công việc của một quá trình thống nhất có kiến thức, trí tuệ. Học phải đi đôi với hành, không tách rời nhau, đó chính là phương pháp học. Nếu chỉ có học kiến thức lí thuyết mà không áp dụng thực tế thì học chẳng để làm gì cả vì tốn công sức, thời gian.Nếu hành mà không có lí luận chỉ đạo, lí thuyết soi sáng thì sẽ dẫn đến làm việc mò mẫm, lúng túng, gặp trở ngại, thậm chí có khi sai lầm nữa. Vì thế việc hành rõ ràng không trôi chảy.

Để học tập thành công, người học sinh phải có động cơ, thái độ học tập đúng đắn: Học ở trường thì học lí thuyết kết hợp với luyện tập, học chuyên cần, chăm chỉ; mở rộng ra phải học ở sách vở, học ở bạn bè, học trong cuộc sống. Học sinh cần tránh những tư tưởng sai lầm học chí cốt thi đỗ lấy bằng cấp là đủ. Đó là lối học hình thức. Cần học suốt đời, khoa học càng tiến bộ thì càng học không bao giờ dừng lại tại chỗ: “Học, học nữa, học mãi” (Lê Nin).

5 bình luận trong “Mối quan hệ giữa học và hành trong học tập của học sinh”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang