»» Nội dung bài viết:
Các biện pháp tu từ thường sử dụng trong tiếng Việt
I. Biện pháp tu từ là gì?
Biện pháp tu từ là cách sử dụng từ ngữ, câu, văn bản trong một ngữ cảnh nhất định nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người đọc về một hình ảnh, một cảm xúc hay một câu chuyện.
II. Các biện pháp tu từ thường sử dụng trong tiếng Việt:
1. So sánh.
a) Khái niệm: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
VD:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
b) Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:
Vế A (sự vật được so sánh) | Phương diện so sánh | Từ so sánh | Vế B (sự vật dùng để so sánh) |
Mồ hôi Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại | thánh thót rơi | như mà như | mưa ruộng cày nhảy nhót |
c) Nhưng trong thực tế, mô hình cấu tạo nói trên có thể biến đổi ít nhiều. Cụ thể thường là các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh bị lược bớt.
VD:
Trường Sơn: chí lớn ông cha
Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào
Vế A (sự vật được so sánh) | Phương diện so sánh | Từ so sánh | Vế B (sự vật dùng để so sánh |
chí lớn ông cha lòng mẹ | bao la | (như) (như) | Trường Sơn Cửu Long |
* Và đôi khi vế B có thể đảo ngược lên trước vế A cùng với từ so sánh.
VD: Như một thằng điên, tên cướp hung hãn lao cả xe vào cảnh sát.
d) Phân loại: Trong so sánh có hai loại: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.
VD:
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
⇒ kiểu so sánh không ngang bằng
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ (như) là ngọn gió của con suốt đời
⇒ kiểu so sánh ngang bằng.
2. Nhân hoá.
a. Khái niệm: Nhân hoá là gọi hay tả sự vật bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người là cho sự vật (cây cối, loài vật, đồ vật…) trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
VD:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viếng lăng Bác -Viễn Phương)
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)
b. Có ba kiểu nhân hoá thường gặp là:
* Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật
VD: Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.
* Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ hoạt động, tính chất của sự vật.
VD: cụm từ: không ai tị ai cả ở ví dụ trên.
* Trò truyện xưng hô với vật như đối với người.
VD:
– Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
– Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người…
3. Ẩn dụ.
a. Khái niệm: Ẩn dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác khi giữa chúng có quan hệ tương đồng, tức chúng giống nhau về một phương diện nào đó, nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
VD:
– Thuyền về có nhớ bến trăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
- Thuyền = chàng (so sánh ngầm) = di động
- Bến = thiếp, cô gái = cố định
– Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông.
- Lửa lựu lập loè = cảnh sắc mùa hè sinh động = tín hiệu mùa hè.
b. Phân loại: Có hai kiểu ẩn dụ là: ẩn dụ hình tượng và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Ví dụ 1:
Thác bao nhiêu thác cũng qua
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời.
Hình ảnh ẩn dụ “thác, thuyền” thể hiện hoành tráng hình ảnh người chiến sĩ giải phóng –> ẩn dụ hình tượng.
Ví dụ 2: “Vứt đi những thứ văn nghệ ngòn ngọt, bày ra sự phè phỡn thoả thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật, quanh quẩn vài tình cảm gầy gò của cá nhân co rúm lại”.. (Nguyễn Đình Thi – Nhận đường)
⇒ hình ảnh: “văn nghệ ngòn ngọt, sự phè phỡn thoả thuê, tình cảm gầy gò” thể hiện một cách sống động. –> ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
4. Hoán dụ.
Khái niệm: Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan a. hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ :
Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
- Đầu xanh → chỉ tuổi trẻ, tuổi thơ
- Má hồng → Chỉ người con gái trẻ đẹp, mĩ nhân.
b. Phân loại: Có ba kiểu hoán dụ thường gặp là:
* Lấy một bộ phận để gọi toàn thể:
Ví dụ :
+ Một cây Toán xuất; Một chân bóng cừ khôi; Một tay cờ thượng hạng…vv.. hoặc: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
* Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.
Ví dụ:
– Ngày Huế đổ máu
→ Đổ máu là dấu hiệu để chỉ hiện tượng chiến tranh (cuộc kháng chiến).
* Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng:
Ví du:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào.
- thôn Đoài, thôn Đông là chỉ người thôn Đoài, thôn Đông (hàm ý người ở thôn Đoài, thôn Đông)
c. So sánh ẩn dụ và hoán dụ:
+ Giống nhau: Lấy tên sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó.
+ Khác nhau
* Ẩn dụ.
– Giữa hai sự vật, hiện tượng có mối quan hệ tương đồng, tức giống nhau về phương diện nào đó.
– Cơ sở của ẩn dụ là dựa trên sự liên tưởng giống nhau của hai đối tượng bằng so sánh ngầm.
– Thường chuyển trường nghĩa.
* Hoán dụ:
– Giữa hai sự vật, hiện tượng có mối quan hệ tiếp cận, tức đi đôi, gần gũi với nhau.
– Cơ sở của hoán dụ là dựa trên sự liên tưởng kề cận của hai đối tượng mà không so sánh.
– Không chuyển trường nghĩa.
5. Nói quá.
a. Khái niệm: Nói quá là biện pháp tu từ dùng những từ, những ngữ, những câu..phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả
– Những cách gọi khác: Thậm xưng, Khoa trương, Phóng đại, Cường điệu, Ngoa ngữ
VD:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”
(Bình NGô đại cáo – Nguyễn Trãi)
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
6. Nói giảm – nói tránh.
– Khái niệm: Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng những từ, những ngữ, những câu.. cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự
– Những cách gọi khác: Khinh từ, Uyển ngữ.
Ví dụ:
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi!”
(Bác ơi – Tố Hữu)
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta”
(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)
7. Phép đối.
a. Khái niệm: Phép đối là cách sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói
VD:
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
(Bà Huyện Thanh Quan)
– Cách gọi khác: Đối ngẫu
b. Đặc điểm:
+ Về lời: Số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau.
+ Về thanh: Các từ ngữ đối nhau phải có số âm tiết bằng nhau, phải có thanh trái nhau về B/T.
+ Về từ loại: Các từ ngữ đối nhau phải cùng từ loại với nhau (danh từ đối với danh từ, động từ – tính từ đối với động từ – tính từ).
+ Về nghĩa: Các từ đối nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải cùng trường nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau để gây hiệu quả bổ sung, hoàn chỉnh về nghĩa..
c. Phân loại:
+ Tiểu đối (tự đối): Các yếu tố đối xuất hiện trong nội bộ một câu, một dòng.
Ví dụ:
Người lên ngựa, kẻ chia bào.
(Nguyễn Du)
+ Trường đối: Các yếu tố đối diễn ra giữa hai dòng: dòng trên và dòng dưới.
Ví dụ:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
(Tú Xương)
– Tác dụng: Nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói
VD:
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
8. Phép điệp ngữ.
a. Khái niệm:Là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhấm mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu/ đoạn văn bản.
Ví dụ:
“Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”
(Cây tre Việt Nam – Thép Mới)
b. Phân loại:
+ Điệp ngữ cách quãng:
Ví dụ:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
+ Điệp nối tiếp:
Ví dụ:
“Mai sau
Mai sau
Mai sau
Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh”
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
+ Điệp vòng tròn:
Ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
(Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)
9. Câu hỏi tu từ.
a. Khái niệm: Là loại câu hỏi đặc biệt không nhằm mục đích lấy thông tin mà nhằn thể hiện một tâm trạng, một cảm xúc. Trong câu hỏi tu từ thường bao hàm câu trả lời.
Vd: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”
10. Liệt kê.
a. Khái niệm: Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại.
* Tác dụng: Liệt kê để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
b. Các kiểu liệt kê :
– Xét theo cấu tạo, có hai kiểu liệt kê : kiểu liệt kê theo theo từng cặp với kiểu liệt kê không theo từng cặp.
– Xét theo ý nghĩa , có hai kiểu liệt kê : liệt kê tăng tiến với liệt kê không tăng tiến
VD :
” Hắn đọc, ngẫm nghĩ , tìm tòi, nhận xét, suy tưởng không biết chán. “
“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!”
(Người con gái anh hùng – Trần Thị Lý)
(Nam Cao)
11. Chơi chữ.
a. Khái niệm: Chơi chữ là biện pháp tu từ lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,…. làm câu văn hấp dẫn và thú vị. Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, thường trong văn thơ, đặc biệt là trong văn thơ trào phúng, trong câu đối, câu đố,….
b. Các lối chơi chữ thường gặp:
+ Dùng từ ngữ đồng âm:
Ví dụ:
“Bà già đi chợ cầu đông
Xem một que bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”
+ Dùng lối nói trại âm (gần âm):
Ví dụ:
Sánh với Na-va “ranh tướng” Pháp (Danh tướng)
Tiếng tăm nồng nặc ở Đông Dương.
(Tú Mỡ)
+ Dùng lối nói lái:
Ví dụ:
Khi đi cưa ngọn, khi về con ngựa ( Cưa ngọn – Con ngựa)
+ Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa:
Ví dụ:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
+ Dùng cách điệp âm
Ví dụ:
“Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên mang mãi mịt mờ
Mộng mị mỏi mòn mai một một
Mĩ miều mai mắn mây mà mơ”
(Tú Mỡ)
12. Phép tương phản:
– Khái niệm: Tương phản là biện pháp tu từ sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau để tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ:
“O du kích nhỏ giương cao sung
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế, to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”
(Tố Hữu)
II. Bài tập
Bài 1. Trong câu ca dao :
Nhớ ai bồi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
a) Từ bồi hổi bồi hồi là từ gì?
b) Giải nghĩa từ bồi hổi bồi hồi
c) Phân tích cái hay của câu thơ do phép so sánh đem lại.
Gợi ý:
a) Đây là từ láy chỉ mức độ cao.
b) Giải nghĩa : trạng thái có những cảm xúc, ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong cơ thể con người.
c) Trạng thái mơ hồ, trừu tượng chỉ được bộc lộ bằng cách đưa ra hình ảnh cụ thể: đứng đống lửa, ngồi đống than để người khác hiểu được cái mình muốn nói một cách dễ dàng. Hình ảnh so sánh có tính chất phóng đại nên rất gợi cảm.
Bài 2. Phép so sánh sau đây có gì đặc biệt:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Gợi ý:
Từ ngữ chỉ phương diện so sánh bị lược bỏ. Vế (B) là chuẩn so sánh không phải có một mà có ba: chuối và hương – xôi nếp mật – đường mía lau là nhằm mục đích ca ngợi người mẹ về nhiều mặt, mặt nào cũng có nhiều ưu điểm đáng quý.
(Ca dao)
Bài 3: Hai câu thơ sau sử dụng những biện pháp tu từ nào ?
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa”
- Nhân hoá và so sánh
- Ẩn dụ và hoán dụ.
- Nói quá và liệt kê.
- Chơi chữ và điệp từ.
Bài 4:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viễn Phương – Viếng lăng Bác)
- Chỉ ra biện pháp tu từ trong hai câu thơ ?
- Phân tích giá trị biểu cảm ?
Gợi ý:
Phép tu từ ẩn dụ: Mượn hình ảnh mặt trời để chỉ Bác Hồ.
Cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ của nhà thơ thật tài tình vì qua hình ảnh “mặt trời” là một vầng thái dương “nghĩa đen”, tác giả tạo ra một hình ảnh so sánh ngầm sâu sắc, tế nhị làm cho người đoc suy nghĩ và hình dung ra được hình ảnh của Bác Hồ (nghĩa bóng) một con người rực rỡ và ấm áp như mặt trời dẫn dắt dân tộc ta trên con đường giành tự do và độc lập xây dựng tổ quốc công bằng dân chủ văn minh từ đó tạo cho người đọc một tình cảm yêu mến khâm phục vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc chúng ta.
Bài 5.
Tìm và phân tích các hoán dụ trong các ví dụ sau:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
(Ca dao)
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
(Nguyễn Du)
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá…
(Chế Lan Viên)
Gợi ý:
+ “áo rách” là hoán dụ lấy quần áo (áo rách) để thay cho con người (người nghèo khổ).
+ “áo gấm” cũng là hoán dụ lấy quần áo (áo gấm) để thay cho con người( người giàu sang, quyền quí).
+ “Sen” là hoán dụ lấy loài hoa đặc trưng ( hoa sen) để chỉ mùa (mùa hạ).
+ “Cúc” là hoán dụ lấy loài hoa đặc trưng ( hoa cúc) để chỉ mùa (mùa thu).
Chỉ với hai câu thơ nhưng Nguyễn Du đã diễn đạt được bốn mùa chuyển tiếp trong một năm, mùa hạ đi qua mùa thu lại đến rồi mùa thu kết thúc, đông bước sang, đông tàn, xuân lại ngự trị.
+ “Băng giá” là hoán dụ lấy hiện tượng tiêu biểu (cái lạnh ở Pa-ri) để gọi thay cho mùa (mùa đông)
Bài 6: Tìm và phân tích ẩn dụ và hoán dụ trong các ví dụ sau:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
(Ca dao)
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
(Tố Hữu)
Về thăm nhà Bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
(Nguyễn Đức Mậu)
Bàn tay ta làm lên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
(Hoàng Trung Thông)
Gợi ý:
+ “Khăn thương nhớ” → người con gái (em – ẩn) – miêu tả tâm trạng của cô gái một cách kín đáo, đây là ẩn dụ
+ “Áo chàm” → con người (người dân Việt Bắc – ẩn) – lấy vật(y phục) trên người để chỉ người, đây là hoán dụ
+ “Lửa hồng” → Màu đỏ của hoa râm bụt( ẩn)- màu đỏ, lửa hồng giống nhau (tương đồng) về hình thức (màu sắc), đây là ẩn dụ.
+” Bàn tay” → con người lao động – lấy bộ phận con người để chỉ toàn thể con người, đây là hoán dụ
+ “sỏi đá” → đất xấu, bạc màu, đất đồi núi.- thiên nhiên khắc nghiệt.
+ “cơm” → lương thực, cái ăn, cái phục vụ con người, thành quả lao động- Ca ngợi lao động, sức sáng tạo kì diệu của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, đây là ẩn dụ.
Bài 7: Những hoán dụ tu từ dưới đây được cấu tạo dựa vào những mối quan hệ logic khách quan nào?
Mưa phùn ướt áo tứ thân. (Tố Hữu)
Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn. (Tố Hữu)
Đường cái đã nhọ mặt người. (Tô Hoài)
Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương.
(Ca dao)
Một nắm cơm nhỏ từ sáng đã bị dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đến phèo một cái còn gì! (Nam Cao)
Cả nước ôm em khúc ruột của mình
Cả nước bên em, quanh giường nệm trắng
Cả nước cho em, cho em tất cả.
(Tố Hữu)
Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.
(Tố Hữu)
Gợi ý :
- a) “Áo tứ thân” (y phục) biểu thị “bầm” (chủ thể).
- b) “Đôi dép cũ” (đồ dùng) biểu thị “Bác Hồ giản dị” (chủ thể).
- c) “Nhọ mặt người” (kết quả) biểu thị “bắt đầu tối” (tính chất).
- d) Mồ hôi (kết quả) biểu thị lao động vất vả (hành động).
- e) “Cái dạ dày chăm chỉ” (chủ thể) biểu thị sự đói nhanh (trạng thái hành động).
- f) “Cả nước” (vật chứa đựng) biểu thị đông đảo nhân dân cả nước (vật được chứa đựng).
- g) “Áo nâu” (y phục) biểu thị người nông dân (chủ thể). “Áo xanh” (y phục) biểu thị người công nhân (chủ thể).
- h)“Trái tim” (cụ thể) biểu thị tình cảm (trừu tượng); “đầu” (cụ thể) biểu thị lí trí (trừu tượng).
Câu 8: Đọc hai câu thơ sau:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.”
(Trích: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
- Xác định nội dung của hai câu thơ trên.
- Xác định biện pháp nghệ thuật và nêu hiệu quả nghệ thuật của các từ sau: “đi” (câu 1); “đi” (câu 2).
- Giải thích ý nghĩa của cụm từ: “mấy lời mẹ ru”.
- d. Từ hình ảnh người mẹ trong hai câu thơ trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận bàn về tình mẫu tử trong cuộc đời.