Nghị luận: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn (Macxim Gorki)

chi-tiet-nho-lam-nen-nha-van-lon

Nhà văn Macxim Gorki từng nói: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy chọn và phân tích một tác phẩm văn học đã học ở chương trình Ngữ văn THPT để làm rõ.

* Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích ý kiến.

“Chi tiết nhỏ” (ở đây là chi tiết nghệ thuật): là những sự vật, hiện tượng bình thường có trong hiện thực đời sống được nhà văn tái hiện trong tác phẩm, là đơn vị cơ bản cấu tạo nên tác phẩm, mang sức chứa lớn về nội dung và nghệ thuật. Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể mà chi tiết có khả năng giải thích, tái hiện, biểu hiện… khiến hình tượng nghệ thuật trở nên cụ thể, gợi cảm và sống động, khiến ý đồ tư tưởng của nhà văn hiện hình rõ rệt, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ tư tưởng của tác giả trong tác phẩm.  Những chi tiết được chọn lọc, gửi gắm mọi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, là sự dồn nén những điều mà nhà văn muốn nói .

– “Nhà văn lớn”: nhà văn có nhiều đóng góp về giá trị nội dung, tư tưởng cũng như nghệ thuật qua những sáng tác của mình.

2. Bàn luận về ý kiến.

– Tầm vóc tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà văn bộc lộ ngay trong chính cách nhà văn lựa chọn và sử dụng chi tiết trong tác phẩm.

* Dẫn chứng:

+ Nguyễn Du với bức chân dung Mã Giám Sinh trong “Truyện Kiều”.

+ Nguyễn Tuân với chi tiết cảnh cho chữ trong “Chữ Người tử tù”.

+ Nam Cao với chi tiết bát cháo hành trong truyện “Chí Phèo”.

– Một chi tiết dù nhỏ cũng là kết quả lựa chọn, sắp xếp và mô tả của nhà văn, gắn với quá trình tư duy và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn khi hình thành một tác phẩm. Nó xuất hiện ở vị trí nào trong mạch vận động của tác phẩm; nó được thể hiện ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào con mắt nhìn, khả năng thấu hiểu đời sống, thấu hiểu con người của nhà văn.

* Dẫn chứng:

+ Kim Lân với chi tiết bát chè khoán trong truyện “Vợ nhặt”.

+ Tô Hoài với chi tiết tiếng sáo gọi bạn tình trong “Vợ chồng A Phủ”.

– Một chi tiết dù nhỏ song đặt trong mạch vận động của tác phẩm vẫn có vai trò riêng của nó:

+ Với nhà văn: thể hiện ý đồ, tư tưởng một cách thuyết phục, tạo chiều sâu cho tác phẩm.

+ Với người đọc: quá trình đọc tác phẩm là sự giải mã các chi tiết trong tác phẩm (liên hệ với ý kiến của Nguyễn Minh Châu coi chi tiết là lát cắt trên thân cây để thấy cả đời thảo mộc). Một chi tiết dù nhỏ cũng có thể mang chứa thông điệp giúp người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, nắm bắt thông điệp của tác giả. Những chi tiết đặc sắc còn tạo hứng thú cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

* Dẫn chứng:

+ Chi tiết đoàn tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

+ Chi tiếng tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

+ Chi tiết chiếc lược ngà trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

3. Chọn và phân tích chi tiết trong tác phẩm.

– Chọn được chi tiết tiêu biểu, chính xác, hợp lí.

– Lược thuật sự xuất hiện của chi tiết.

– Phân tích ý nghĩa của chi tiết để làm nổi bật vai trò của nó trong việc thể hiện ý đồ, tư tưởng của tác giả và tạo nên tính nghệ thuật của tác phẩm.

Ví dụ:

+ Chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân: giọt nước mắt của sự hạnh phúc và khỏi đau của con người trong hoàn cảnh trớ trêu.

+ Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và hình ảnh vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy: có giá trị thức tỉnh con người.

4. Đánh giá, mở rộng.

– Đó là nhận định đúng đắn bởi đã nêu lên những nét đặc trưng độc đáo của chi tiết – một yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

– Đây cũng là một gợi ý cho bạn đọc về cách đánh giá, nhận diện những chi tiết độc đáo, sáng tạo trong một tác phẩm đặc sắc; đặt ra thử thách đối với các tác giả khi cầm bút sáng tác.

– Nhấn mạnh, đề cao sức mạnh của chi tiết khi xây dựng tác phẩm văn chương: “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Bài văn tham khảo 1:

Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm truyện, có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” M.Gorki.

Hãy chọn hai chi tiết đặc sắc “Chữ người tử tù” Của Nguyễn Tuân và “Chí Phèo” của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến trên.

I. Mở bài:

– Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói rằng “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”. Thật vậy mỗi tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải mang một dấu ấn, ấn tượng sâu sắc riêng biệt trong lòng người đọc, có như vậy tác phẩm mới có thể sống và tỏa sáng giữa dòng chảy của thời gian và sự thay đổi của thị hiếu xã hội. Tác phẩm muốn độc đáo thì nhà văn cần phải tạo sự độc đáo, ấn tượng từ những điều nhỏ nhặt nhất cấu thành nên tác phẩm, cùng với cốt truyện tình huống truyện thì chi tiết nghệ thuật cũng là yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn chương tự sự, để tạo nên sự thành công đồng thời mang đến những dấu ấn riêng cho tác giả. Như M.Gorki nhận xét “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, chi tiết trong tác phẩm Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân và Chí Phèo của Nam Cao, chi tiết cảnh cho chữbát cháo hành đã cho ta thấy rõ được điều này.

II. Thân bài:

1. Giải thích ý kiến:

– Nhà văn Nga Pauxtopxki từng nói: “chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”, dù chỉ là bụi những chi tiết lại có giá trị như vàng, rất quý giá, chi tiết là phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung, sự việc hoặc hiện tượng, chi tiết nghệ thuật là những tiểu tiết trong tác phẩm góp phần cấu thành nên tác phẩm theo từ điển thuật ngữ văn học, chi tiết Nghệ thuật mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, nhà văn lớn là nhà văn có tài năng nổi bật, có phong cách riêng biệt và mỗi tác phẩm của mình là nhà văn đó đều mang lại sự ấn tượng trong lòng người đọc.

– Qua ý kiến của mình, M.Gorki muốn cho người đọc hiểu được rằng chi tiết nghệ thuật chỉ là một phần nhỏ trong số toàn bộ tác phẩm, nhưng cả tác phẩm lại được tạo thành sự kết hợp của các chi tiết ấy. Như vậy xây dựng một công trình muốn đạt đến độ chắc chắn, toàn mĩ, từng chi tiết cấu tạo trong quá trình xây dựng là điều quan trọng. Nhà văn có tài năng thực thụ sẽ biết cách tạo ra những chi tiết đặc biệt, đặc sắc nhất cho tác phẩm của mình và chính chi tiết đặc sắc đó sẽ tạo nên tên tuổi của tác giả. Ý kiến của M.Gorki nhằm khẳng định vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự.

– Chi tiết dù nhỏ nhưng lại mang giá trị lớn, chi tiết nhỏ mang sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng giúp tác phẩm văn chương tự sự phản ánh được cuộc sống cả ở bề rộng và bề sâu, khám phá được những triết lý nhân sinh, sâu sắc. Chi tiết nghệ thuật thể hiện điều gì đó trong số phận tính cách nhân vật, mang giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực, tư tưởng trong tác phẩm thể hiện nghệ thuật tác phẩm, phong cách tác giả và phản ánh phong cách nghệ thuật của nhà văn.

2. Phân tích, chứng minh:

– Nếu như tác phẩm trữ tình thiên về hiện thực, chủ quan bộc lộ thế giới tình cảm mãnh liệt, từng cung bậc cảm xúc thì tự sự lại thiên về hiện thực khách quan. Thể hiện cả chiều sâu, lẫn bề sâu của tác phẩm, điều đó nằm ở chi tiết rất nhỏ trong truyện. Ta cần đặt chi tiết vào diễn biến cốt truyện ở cái nhìn bao quát, như vậy mới thấy được ý nghĩa mà chi tiết nghệ thuật mang lại. Nhà văn tài năng là người xây dựng được những chi tiết nghệ thuật nhỏ, mang giá trị lớn.

– Nguyễn Tuân và Nam Cao là những nhà văn tài năng như vậy, đặc biệt qua 2 chi tiết cảnh cho chữ và bát cháo hành trong truyện ngắn Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân và Chí Phèo của Nam Cao. Người đọc nhận ra rõ hơn tài năng của nhà văn và giá trị mà chi tiết nghệ thuật mang lại cho tác phẩm.

– Phân tích chi tiết trong Chữ người tử tù: Cảnh cho chữ, hành động vái lạy người tù, giọt nước mắt của quản ngục…

– Phân tích chi tiết bát trong Chí Phèo: Tiếng chửi, bát cháo hành, cái lò gạch cũ.

3. Bình luận.

– Đánh giá về ý kiến: rất đúng đắn khi khẳng định vai trò của chi tiết trong tác phẩm.

– Đánh giá về hai nhà văn và hai tác phẩm: Mặc dù hai nhà văn Nguyễn Tuân và nam cao là hai nhà văn theo khuynh hướng văn học khác nhau, Nguyễn Tuân theo khuynh hướng lãng mạn, còn Nam Cao nghiêng về mảng văn học hiện thực phê phán. Mỗi nhà văn lại sở hữu phong cách nghệ thuật quan điểm sống khác nhau, nhưng họ đều là những nhà văn lớn, sáng tạo nên những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, độc đáo có một không hai, chi tiết cảnh cho chữ và chi tiết bát cháo hành đó là những chi tiết Nghệ thuật đắt giá làm nên tên tuổi của nhà văn, đúng như M.Gorki từng nói “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

4. Bài học với người sáng tác và tiếp nhận.

– Người sáng tác: Những người đã gắn đời văn của mình với nghiệp viết truyện ngắn cần nhận thức được sâu sắc vai trò của các chi tiết nghệ thuật ở thể loại này, không ngừng khổ luyện để nâng cao nội lực, mài sắc tài năng, từ đó cho ra đời những chi tiết đặc sắc, độc đáo, có khả năng “đóng đinh” vào lòng người đọc.

– Người tiếp nhận: khi đến với truyện ngắn cần phải sống hết mình với tác phẩm, cần sự cảm thụ tinh tế để có thể phát hiện, giải mã các chi tiết đặc sắc – những “huyệt đạo” làm bừng sáng nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

III. Kết bài:

– Không những có chi tiết Nghệ thuật độc đáo mà truyện ngắn Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân và truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao còn thành công nhờ vào cốt truyện hay, tình huống truyện đặc sắc, ngôn ngữ mang đậm phong cách của tác giả, một bên thì tài hoa điêu luyện, một bên thì mộc mạc chân thực. Mỗi tác phẩm lại mang đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc, những triết lý sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, nhưng phải là một nhà văn thật sự tài năng mới có thể sáng tạo nên những chi tiết nghệ thuật gây dấu ấn cho tên tuổi của mình. Nguyễn Tuân và Nam Cao là hai nhà văn lớn, mà các tác phẩm của hai ông sẽ mãi mãi được hậu thế yêu quý và được trân trọng.

Bài văn tham khảo 2:

Qua truyện ngắn Chí Phèo của Nam cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn (Macxim Gorki)

  • Mở bài:

Trong nền văn học viết Việt Nam, có những tác giả đã khẳng định vị trí của mình bằng sáng tác đồ sộ mang giá trị nhân văn lớn như đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều hoặc bằng cách phản ánh những sự kiện trong đại của đất nước như tác gia Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Số khác thì đánh dấu bằng tuyên ngôn nghệ thuật như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… Nhưng cũng có các tác giả đã để lại ấn tượng muôn đời trong lòng người đọc chỉ bằng một một chi tiết nhỏ trong toàn bộ tác phẩm… trong đó có Nam Cao. Và như Macxim Gorki đã khẳng định: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là vậy.

  • Thân bài:

Người ta cứ nghĩ để viết nên một tác phẩm vĩ đại thì phải đi tìm những thứ to tát từ nơi xa xôi, phải thoát ly hiện thực đau khổ để tìm đến điều mơ tưởng. Không phải vậy, nhà văn – người sáng tạo ra cái đẹp – có thể chỉ tìm được nghệ thuật cao quý từ những điều bình thường nhất, nhỏ bé nhất mà lại nói lên được điều vĩ đại. “Chi tiết nhỏ” là những sự việc, sự kiện bình thường trong một tác phẩm, dường như ban đầu đọc qua ta chỉ nghĩ nó có tác dụng phản ánh hiện thực khách quan mà khi đọc kĩ càng, ta lại phát hiện trong đó một giá trị tư tưởng lớn có ý nghĩa giáo dục và thẫm mĩ cao. “Chi tiết nhỏ” nhưng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc góp phần khẳng định lập trường và tài năng của “nhà văn lớn”.

Chí Phèo là một điển hình nghệ thuật về người nông dân từ lương thiện rơi vào tha hóa trở thành quỷ dữ rồi bị gạt ra khỏi xã hội loài người, cuối cùng quay quắt trở về với bi kịch của khát vọng “làm người lương thiện”. Bi kịch bị ruồng bỏ, cô đơn trước đồng loại của Chí Phèo được Nam Cao thể hiện qua một chi tiết rất nhỏ, rất bình thường và tự nhiên ngay đoạn mở đầu nhưng càng đọc, càng suy ngẫm ta lại càng thấy từng tầng nghĩa sâu sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật của tác phẩm. Đó chính là tiếng chửi của Chí Phèo

Trong cơn say, hắn ngật ngưỡng bước đi và hắn chửi. Ban đầu hắn chửi trời vì trời sinh ra hắn một con người không hoàn thiện. Rồi hắn “chửi đời” vì đời bạc bẽo đã cưu mang hắn rồi lại vứt bỏ hắn. Tức quá, hắn “chửi cả làng Vũ Đại” đã đẩy hắn vào bi kịch tha hóa thê thảm. Nỗi cô độc đã lên đến tột độ, hắn”chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”! Đau đớn nhất, Chí Phèo chửi “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn” làm hắn mang những bi kịch lớn của cuộc đời. Chí Phèo chửi nhưng lời của hắn lại rơi vào trong im lặng đáng sợ. Không một ai đáp lại lời của hắn. Hắn chửi nhưng chất chứa bên trong là niềm khao khát được giao tiếp, được đồng vọng dù chỉ được đáp lại bằng một tiếng chửi. Nhưng đau xót thay, cả làng Vũ Đại quay lưng với hắn để cuối cùng hắn chửi nhau với ba con chó dữ: “Một thằng say và ba con chó dữ mà làm ầm ĩ cả làng”. Chí Phèo thật sự đã bị gạt bỏ khỏi xã hội loài người.

Tài hoa nghệ thuật Nam Cao được bộc lộ ngay trong đoạn mở đầu truyện ngắn. Nhà văn đã sử dụng rất thành công hình thái ngôn ngữ nửa trực tiếp để tạo nên hiện tượng đa thanh cho giọng điệu kể chuyện. Đoạn văn có lời kể khách quan xen lẫn lời nhận xét của tác giả, có cả lời nhủ thầm của dân làng: “Chắc nó trừ mình ra”. Như vậy, tuy dân làng Vũ Đại không xuất hiện nhưng ta vẫn thấy hình ảnh đám đông và thái độ của họ trước lời chửi Chí Phèo. Nổi bật lên tất cả là giọng Chí Phèo vừa có phần phẫn uất lại vừa cô đơn trước đồng loại: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! … Mẹ kiếp! Thế có phí rượi không?” Đó là lời kể của tác giả hay chính suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đang cất lên tiếng nói.

Nhờ tính chất đa thanh của giọng điệu kể chuyện đã dẫn đến một tính chất đặc sắc khác cho đoạn văn: tính đa nghĩa. Tiếng chửi không chỉ là khao khát được giao tiếp mà còn là sản phẩm của một con người bị rơi vào bi kịch bị tha hóa, không được sống đúng bản chất của một con người. Bên ngoài là tiếng chửi của một kẻ say nhưng bên trong thì hắn rất tỉnh. Lời chửi rất mơ hồ, không động chạm ai, quả là một kẻ say bình thường đang chửi. Nhưng hắn rất tỉnh, rất sáng suốt, không gian trong tiếng chửi thu dẹp dần từ cao đến thấp, từ rộng đến hẹp, từ vô địa chỉ đến có địa chỉ. Từ số đông, hắn chửi một người: “hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”. Đẻ ra Chí Phèo “cả làng Vũ Đại cũng không ai biết” nhưng chúng ta, người đọc thì biết: Chính xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đã sinh ra hiện tượng “Chí Phèo”.

Như vậy, hắn mượn rượi để chửi, để phản ứng với toàn bộ xã hội vô nhân đạo. Từng lời cay độc ấy thoát ra nghĩa là lòng hắn đang gào thét cuồng điên, hắn chửi để thỏa mãn lòng rực lửa đốt khi mà cả làng Vũ Đại không ai lắng nghe hắn. Họ thành kiến với hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo vừa mang tâm trạng bất mãn vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn. Tiếng chửi thật chất là một tiếng kêu cứu thảm thiết của con người đáng thương bị què quạt cả về thể xác lẫn tinh thần cố níu chiếc phao đời để mà tồn tại.

Ta đã từng đau xót cho số phận nghèo khổ, tăm tối của chị Dậu, chị Dậu nghèo tới mức phải bán con, bán chó, bán sữa nhưng Ngô Tất Tố không để chị bán nhân phẩm của mình. Còn Chí Phèo, hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá rẻ bèo và cuối cùng bị ghẻ lạnh, cô đơn trong chính xã hội loài người. Trong đoạn văn, cứ sau một lời kể khách quan mang tính chất thông báo là một lời nhận xét của tác giả. Như vậy, bằng hiện tượng đa nghĩa của giọng điệu, ta không chỉ thấy thái độ, tình cảm của nhân vật mà còn cảm nhận được trái tim nhà văn đang lên tiếng. Đằng sau lời văn lạnh lùng gần như sắc lạnh ấy lại là một tấm lòng xót thương sâu sắc cho nhân vật và cả sự căm phẫn xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra hiện tượng Chí Phèo.

  • Kết bài:

Tóm lại, đoạn văn được mở đầu bằng lời chửi của Chí Phèo không chỉ mang nét nghệ thuật dễ nhận thấy, nghệ thuật kết cấu, mà còn mang giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của ngòi bút thấm đẫm tinh thần Nam Cao. Càng đào sâu, càng nghiền ngẫm, người đọc sẽ tìm cho mình những suy nghĩ sâu sắc hơn về kiệt tác Chí Phèo. “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết “tiếng chửi” của Chí Phèo đã góp phần làm nên thành công của nhà văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật: nghệ thuật chân chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường. Chỉ có nhà văn lớn có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận ý nghĩa hình tượng tiếng sáo trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài - Theki.vn
  2. Phân tích hình ảnh và tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và khi cắt dây trói giải thoát cho A Phủ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.