lam-sang-to-y-kien-van-hoc-la-tieng-keu-khac-khoai-cua-con-nguoi-truoc-mot-thuc-tai-chua-bao-gio-bang-long

Làm sáng tỏ ý kiến: Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng.

Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng.

Anh( chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ bằng một tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ Văn 11.

* Hướng dẫn làm bài:

1. Nhận xét chung:

– Văn học từ xưa đến nay có sứ mệnh giải thoát con người khỏi những ẩn ức của xúc cảm bị kìm nén. Và chỉ khi đến với văn chương, sống trong thế giới của văn chương con người mới có thể bộc lộ trọn vẹn nhất mà cũng cụ thể, tỉ mỉ nhất tất cả những khát vọng “đang ngấm ngầm diễn ra” trong lòng mình.

– Văn học không thể tách rời cuộc sống vì cuộc sống là suối nguồn vô tận của văn học. Nhưng văn học không phải chỉ phản ánh hiện thực như cái đã có, đang có mà còn phản ánh cả những cái sẽ có và cần phải có. Vì vậy địa hạt của văn chương không phải chỉ gói trọn trong thế giới hiện thực vật chất bình thường, nó chỉ thực sự bất tử, thực sự “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại” (Sê-đrin) khi nó vút lên cái tinh thần của loài người, đó là “tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng”.

→ Ý kiến trên đã bao hàm đầy đủ nội dung, ý nghĩa và sứ mệnh của văn học trong cuộc đời.

2. Giải thích cụ thể:

– Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng. Con người chưa bao giờ bằng lòng với thực tại. Đó là chân lí và cũng là lẽ sống đẹp đẽ nhất của sứ mệnh làm người. Dù muốn hay không, con người vẫn luôn theo đuổi những ước mơ và hoài bão vượt lên thực tại, chính điều đó mà con người vĩ đại.

– Nhưng trên hành trình vượt lên ấy con người luôn gặp phải những bi kịch, không chỉ là bi kịch của tài năng, nhân cách, của sự xung đột mang tính triết học của những cặp phạm trù mà còn có những bi kịch bị kìm toả bởi hoàn cảnh, bởi thực tại… Gánh trên vai sức nặng khủng khiếp ấy, con người tìm đến văn chương như một sự giải thoát, một nơi nương tựa.

– Văn học thực thi thiên chức đẹp đẽ nhất của nó: “nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Nghĩa là, giữa những khúc hoan ca ngây ngất hay giữa những nỗi đớn đau tuyệt vọng, con người chưa bao giờ nguôi ngoai khát vọng mãnh liệt của mình. Vì thế mà văn học “là tiếng kêu khắc khoải của của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng”.

→ Câu nói khẳng định giá trị đích thực của văn chương trong cuộc đời. Chừng nào còn có mặt con người trên thế gian này thì chừng ấy văn chương còn tồn tại để cất lên tiếng kêu khắc khoải và da diết về cõi nhân sinh.

3. Bình luận:

“Trên trái đất này không có gì làm người ta hài lòng (…) cũng như chính trị, văn học là một hoàn động nhằm chống lại những cái chưa hoàn thiện của con người” (B. Brecht). Đó là những giấc mơ dang dở, những nỗi niềm, bi kịch… vì sự chưa bao giờ được thoả mãn của con người.

– Để nuôi dưỡng những giấc mơ, người ta tìm kiếm ở văn chương, biến văn chương thành nơi chốn để ký thác những tâm tư, những ẩn ức của chính mình. Vì thế, văn chương luôn hoà cùng nhịp thở con người, luôn phập phồng trong những bi kịch và ước vọng muôn thuở.

4. Biểu hiện cụ thể:

– Chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn 11 để làm sáng tỏ ý kiến trên.

5. Đánh giá:

– Mỗi tác phẩm văn học là một tiếng nói riêng, nhưng dù hồ hởi, hân hoan hay điềm đạm, thâm trầm, dù thảng thốt, day dứt hay dữ dội, mãnh liệt thì cũng đều da diết, khắc khoải trước “thực tại chưa bao giờ bằng lòng”

– Nhờ tiếng kêu ấy, văn học mang trong nó những giá trị lớn lao và sức sống bất diệt.

– Trong quá trình hoàn thiện nhân cách của con người, trong cuộc đấu tranh để phát triển chính nghĩa của nhân loại, trong hành trình vươn tới sự hoàn mĩ, văn học không chỉ là tiếng nói tri âm của con người, nó còn là một phương tiện, một giải pháp để con người bộc lộ trọn vẹn bản thân mình vì “Thiên chức của nhà văn là gieo chủ nghĩa nhân đạo sáng ngời chân lí đến từng con người trên Trái đất” (Aimatop).

Xem thêm:

Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang