hoc-tu-hom-qua-song-ngay-hom-nay-hi-vong-ve-tuong-lai-dieu-quan-trong-nhat-la-khong-ngung-hoc-hoi-hay-suy-nghi-ve-cau-noi-tren

Học từ hôm qua. Sống ngày hôm nay. Hi vọng về tương lai. Điều quan trọng nhất là không ngừng học hỏi. Hãy suy nghĩ về câu nói trên

Nghị luận: “Học từ hôm qua. Sống ngày hôm nay. Hi vọng về tương lai. Điều quan trọng nhất là không ngừng học hỏi”.

  • Mở bài:

Cuộc sống của chúng ta đa sắc, muôn màu, muôn vẻ, và có nhiều điều bí ẩn ta chưa khám phá hết. Vì thế chúng ta phải nỗ lực học tập, bền bỉ, phấn đấu không ngừng, nếu ngừng lại sẽ bị lạc hậu. Nhà Bác học nổi tiếng Albert Einstein đã từng nói rằng: “Học từ hôm qua, sống cho hôm nay, hi vọng cho tương lại. Điều quan trọng nhất là không ngừng học hỏi”.

  • Thân bài:

Câu nói tưởng chừng đơn giản đó đã thay đổi, đánh thức năng lực và khát vọng của bao nhiêu con người. Vậy hàm ý sâu xa trong câu nói đó là gì? Là chữ “học”. Albert Einstein đã nhấn mạnh học là học cho ngày hôm qua để hôm nay ta có thể khám phá những thứ mới, và từ đó ta có thể hi vọng cho tương lai của mình.

Học là quá trình tìm hiểu, khám phá, lĩnh hội tri thức từ sách vở nhà trường và cuộc sống xung quanh mình. Việc học phải được tiến hành không ngừng, không giới hạn trong suốt cuộc đời của mỗi người. Học như vậy ta mới không bị lạc hậu, mới có thể bắt kịp được dòng chảy tri thức của nhân loại, của thế giới.

Vậy vì sao việc học hỏi phải được tiếp tục suốt đời? Vì kiến thức của nhân loại là mênh mông, vô tận, con người dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi trong biển kiến thức mênh mông, vô hạn. Dù ta có học cho hết đời cũng không thể nào nắm bắt được hết những tri thức của nhân loại.

Cuộc sống phong phú, thiên nhiên vô tận, con người phải làm chủ cuộc sống, sức mạnh của bản thân mới có thể làm chủ thiên nhiên, những khó khăn trong cuộc sống. Như thế, ta mới có thể vững vàng, không bị gục ngã trước những điều khắc nghiệt, đau khổ trong đời. Kiến thức là một trong những hành trang quan trọng để ta bước vào đời. Càng nhiều kiến thức ta tích lũy được trong hôm nay, càng nhiều kinh nghiệm để ta bước vào con đường đời.

Vậy ta phải học như thế nào? Ta phải học từ căn bản, phải thật thuần thục căn bản rồi mới học đến nâng cao, bồi trước đắp sau. Rồi học để áp dụng vào trong thực tiễn, học đi đôi với hành, chứ đừng chỉ học lý thuyết nói suông rồi không thể áp dụng vào cuộc sống. Cái đó chỉ làm ta phí thời gian, công sức ta bỏ ra chứ chẳng được lợi ích gì.

Hơn nữa, ta không nên học tủ, học vẹt, vì như thế ta không hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của việc học, mà ta chỉ đối phó với thầy cô, cha mẹ. Học là phải học có phương pháp, phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, đi kèm theo đó là sự giải trí, vận động chứ ta không nên lạm dụng trò chơi điện tử. Nếu ta có thể áp dụng việc học vào đời sống, ta sẽ thành công trên con đường đời của chính bản thân mình.

Chính tổ tiên ta cũng đã coi trọng việc học. Ta có thể thấy rõ những cuộc thi trạng nguyên do nhà vua tổ chức để kiếm nhân tài. Ta có những trạng nguyên nổi tiếng như: Nguyễn Hiền – người đã bắt đom đóm vào vỏ trứng để làm đèn học, rồi ông đã đỗ trạng nguyên khi 12 tuổi. Hay ông Mạc Đĩnh Chi từ cậu bé bán củi ham học thành lưỡng quốc trạng nguyên thơm danh cho đến tận bây giờ. Gần đây nhất là Lê Thái Hoàng là cậu học sinh nghèo hiếu học đã đạt được huy chương vàng toán quốc tế, trở thành nguồn cảm hứng làm bao người ngưỡng mộ, khâm phục. Mặt trái trong xã hội ngày nay, có nhiều người càng ngày càng lười biếng và lười học, điều này đang dần dần giết chết chúng ta.

Hiện nay có nhiều học sinh chỉ biết học đối phó, học vẹt, hay chỉ học lý thuyết nhưng không thể áp dụng vào thực tế. Đó là những cách học nguy hiểm mà ta phải tránh xa, vì nó sẽ làm cho ta không hiểu rõ bản chất của việc học, không thể áp dụng vào đời sống giống như quăng tiền ra ngoài cửa sổ, phí công sức mà chẳng được ích gì. Đó là những mặt xấu, tiêu cực ta phải tránh, không nên làm theo.

Học hỏi là một việc ta phải làm suốt đời không ngừng nghỉ, là việc ta cần làm và cũng là việc ta phải làm. Ý nghĩa trọn vẹn sâu xa của câu nói đó không chỉ dừng lại ở việc khuyên nhủ ta rằng học cho chính mình, mà còn là học để gánh vác tương lai của đất nước. Để trở thành công dân có ích cho đời sống, có ích cho Tổ quốc. Hãy học tập mỗi ngày, từ ngày này sang ngày khác ta sẽ tích lũy được càng nhiều kiến thức.

Sống cho ngày hôm nay để ngày mai không hối tiếc, đừng nên lãng phí bất kì một giây nào trong cuộc đời. Và hãy luôn có niềm tin, hi vọng vào trong tương lai, đừng đánh mất niềm tin của bạn, vì khi mọi thức đã mất thì tương lai bạn vẫn còn. Hãy để cho kiến thức soi sáng bạn trên con đường đời. Điều quan trọng nhất là ” Hôm nay bạn đã hỏi ai đó một câu hỏi gì chưa?”, cách nhanh nhất đạt được tri thức là luôn luôn đặt câu hỏi cho chính mình. Nếu ta làm được thì xin chúc mừng bạn đã nắm bắt được giá trị sống, đã tìm được chìa khóa của thành công.

  • Kết bài:

Không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên sẽ đưa  con người đến những đỉnh cao mơ ước. Câu nói của nhà bác học Einstein thật sự là lời khuyên đúng đắn cho chúng ta. Việc học là bổn phận mà không ai có thể phủ nhận được. Là học sinh, chúng ta cần phải không ngừng học hỏi, tiếp nhận tri thức để ứng dụng vào đời sống, góp phần xây dựng đất nước.

Nghị luận vai trò của ý chí trong học tập đối với học sinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang