Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học.
I. Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học là gì?
– Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ, đoạn văn, đoạn thơ) là trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng, suy nghĩ của mình về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.
– Những cảm nghĩ ấy có thể là cảm xúc về cảnh, về người trong tác phẩm, cảm xúc về tâm hồn, số phận nhân vật trong tác phẩm cảm xúc về vẻ đẹp ngôn từ trong tác phẩm.
II. Những yêu cầu cơ bản khi làm bài.
a, Đọc kĩ, hiểu sâu, diễn cảm và hiểu giá trị nội dung của tác phẩm.
– Đối với văn xuôi:
+ Nhớ nội dung, bố cục, nhân vật, sự kiện
+ Thuộc một số đoạn văn hay.
– Đối với thơ
+ Thuộc thơ
+ Nắm chắc, ghi lại những nội dung cơ bản và nghệ thuật của tác phẩm (từ ngữ, nhịp điệu các biện pháp tu từ. Thể thơ, các hình ảnh tượng trưng).
→ Từ những hiểu biết mà hình thành ấn tượng, cảm xúc về tác phẩm.
b, Bài văn phát biểu cảm nghĩ phải có cảm xúc, suy nghĩ riêng của người viết.
c, Để tìm ý cho bài văn phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học nên đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:
– Tác phẩm có mấy nội dung? Nội dung ấy có gì hấp dẫn hoặc để lại cho em ấn tượng gì sâu sắc?
– Tác phẩm có những đặc sắc gì về nghệ thuật? Thể loại, ngôn ngữ, bố cục trong tác phẩm có gì đặc biệt? Những chi tiết nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc và đó là ấn tượng gì?
– Những chi tiết, hình ảnh nào để lại cho em những rung cảm sâu sắc nhất, những chi tiết ấy khiến em liên tưởng đến hình ảnh chi tiết trong tác phẩm nào khác mà em đã học.
– Tác phẩm giúp em hiểu thêm điều gì về tác giả (tâm hồn, tư tưởng, nhân cách).
– Tác phẩm giúp em có suy nghĩ, cảm xúc gì và rút ra được bài học nào cho mình trong cuộc sống.
d, Các thao tác phân tích dẫn chứng trong bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học
* Giải thích: là cắt nghĩa, lý giải cái hay, cái đặc sắc của một từ ngữ, hình ảnh, chi tiét trong tác phẩm văn học. Đây là thao tác thường gặp để giúp người đọc hiểu được nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
– Để giảng giải tốt cần rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến khả năng cảm nhận từ ngữ. Có hiểu nghĩa của từ mới hiểu được ý nghĩa gửi gắm trong những từ ngữ ấy.
* Liên tưởng, so sánh:
– Đây là thao tác rất hay gặp trong bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học. Đọc một chi tiết, hình ảnh, từ ngữ…trong tác phẩm này chúng ta có thể liên tưởng đến một chi tiết, hình ảnh, từ ngữ trong tác phẩm khác.
– So sánh chính là làm rõ chỗ giống và khác nhau của tác giả này với tác giả khác; của cùng một tác giả nhưng ở những giai đoạn khác nhau.
– Liên tưởng, so sánh làm cho bài viết phong phú, sâu sắc hơn. Tuy nhiên chỉ những chi tiết, hình ảnh hay trong bài mới nên tìm đối tượng so sánh.
* Hình dung, tưởng tượng:
– Là nhập vào thế giới nhân vật, hình ảnh của tác phẩm để hình dung về tư thế, hình ảnh, tâm trạng của nhân vật, không gian – thời gian của tác phẩm.
– Thao tác hình dung, tưởng tượng là cách tốtt để người viết đưa yếu tố tự sự. Miêu tả vào trong bài văn biểu cảm một cách tự nhiên và hiệu quả.
e, Sử dụng từ ngữ và viết câu trong bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học
– Trong bài văn biểu cảm cần sử dụng linh hoạt các kiểu câu: câu dài, câu ngắng, câu cảm, câu hỏi để bộc lộ cảm xúc.
– Đôi khi không nên sử dụng kiểu câu khẳng định tuyết đối.