Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

luyen-noi-van-bieu-cam-ve-su-vat-con-nguoi-day-du-ngu-van-7

Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Mỗi em chọn một trong bốn đề sau, lập dàn bài tập nói ở nhà theo tinh thần một bài phát biểu trước lớp.
Đề 1: Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ “cập bến” tương lai.
Đề 2: Cảm nghĩ về tình bạn.
Đề 3: Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hằng ngày.
Đề 4: Cảm nghĩ về một món quà mà em đã nhận được thời thơ ấu.

Yêu cầu: Văn biểu cảm về sự vật và con người đòi hỏi phải chú ý tới sự vật và con người một cách đầy đủ. Phải có sự vật, có con người làm nền cho những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ. Người làm phải chú ý đến yếu tố tự sự và miêu tả. Cần vận dụng yếu tố hồi tưởng, tưởng tượng, liên tưởng để biểu cảm.

Tập vận dụng những hình thức biểu cảm như: so sánh, lời trùng điệp, hình thức cảm thán.

II – THỰC HÀNH TRÊN LỚP

1. Học sinh chia tổ, nhóm, phát biểu theo dàn bài đã chuẩn bị
2. Khi một học sinh phát biểu, các em khác lắng nghe để bổ sung, sửa chữa.
3. Nghe thầy, cô giáo nhận xét, tổng kết.

BÀI THAM KHẢO:

QUÀ BÁNH TUỔI THƠ

Một mảng kỉ niệm lớn của đứa trẻ – đó là món ăn, đặc biệt là cái thứ mà người dân Bắc gọi là quà bánh. Hồi nhỏ chúng tôi không được cho tiền đến trường ăn quà, vì ba mẹ tôi cho rằng trẻ con sử dụng tiền sẽ hư! Đó quả là một thiệt thòi, vì dù trong cặp hoặc sau mui xe luôn xếp sẵn những quả chuối, quýt, bánh mật,… thì những quả cấm vẫn là quả quý. Đặc biệt là cái món thịt bò khô, anh chàng đi bán rao hàng bằng cách lắp xắp cái kéo, trên thùng gỗ bày đủ nước chấm, ớt, đu đủ xanh. Những sợi đu đủ màu ngọc thạch trắng, giòn, ớt đỏ và lá thơm xanh hợp thành một bức tranh tĩnh vật – kiệt tác đối với tuổi học trò…

Nhưng món ăn tôi nhớ nhất lại là quà mua ở chợ Ngã Ba Thá. Chợ họp trên một đồi nhỏ, những dãy người ngồi bán hàng vòng vèo theo hình xoáy trôn ốc lên đến đỉnh đồi. Củ khoai từ trắng nõn, bở tơi ăn với kẹo vừng kẹo bột. Lúc ấy kẹo vừng kẹo bột còn làm bằng đường mía, không trắng tinh như bây giờ, và còn giữ mùi thơm của mía. Kẹo dày mình, hình bằng quả cau nhỏ, vặn xẹo một chút. Màu của kẹo bột giống hệt màu của quả cau đã gọt vỏ, vậy nên mới có nơi gọi đó là kẹo cau… Kẹo nhai nghe rau ráu, rào rạo như tiếng rạm cua rán giòn, mà không cứng lốc cốc như thứ kẹo bây giờ. Ngày ấy kẹo cắn vỡ ra, ta thấy thớ bột lỗ chỗ những khoảng hổng, mà không chắc nịch lại… Vả chăng giờ đây, trẻ con đâu có ăn kẹo vừng kẹo bột nữa, mà chỉ thích nhai kẹo cao su!…

Gọi là món ăn nhưng thực chất là món ăn tinh thần. Bởi người ta ăn ngon chủ yếu là do kỉ niệm. Những món ăn thuở nhỏ là những thứ ngon nhất còn lại cả đời người.

(Theo Đặng Anh Đào, Tầm xuân)

(Gợi ý tham khảo: Tìm hiểu trong bài này, tác giả đã kể những kỉ niệm gì, qua đó nêu ra những cảm nghĩ gì.)


* Soạn bài:

Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người

Mỗi em chọn một trong bốn đề sau, lập dàn bài tập nói ở nhà theo tinh thần một bài phát biểu trước lớp.

Đề 1: Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai.

Đề 2: Cảm nghĩ về tình bạn.

Đề 3: Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hằng ngày.

Đề 4: Cảm nghĩ về một món quà em nhận được thời thơ ấu.

* Gợi ý lập dàn bài:

Đề 1: Cảm nghĩ về thầy, cô giáo, những “người lái đò” đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai.

  • Mở bài:

Cảm nghĩ chung về hình ảnh thầy cô giáo trong suy nghĩ và tình cảm của học trò.

  • Thân bài:

– Cảm nghĩ về những tri thức mà thầy cô mở ra cho học sinh:

+ Thầy cô là người mang cho học sinh tri thức (những kiến thức trong vấn đề học tập, cách đối nhân xử thế, cách cư xử…)

+ Ý nghĩa của những tri thức đó trong giáo dục và bồi dưỡng tình cảm, hình thành nhân cách cho học sinh.

– Cảm nghĩ về hình ảnh người thầy, người cô:

+ Hình ảnh thầy cô trong việc truyền tải tri thức (liên tưởng đến hình ảnh thầy cô soạn giáo án, thầy cô giảng dạy…).

+ Cảm nghĩ về sự quan tâm và những tình cảm của thầy cô với lớp học.

+ Nêu suy nghĩ bản thân về cuộc sống thanh bạch của người thầy và “nghề giáo”.

– Nêu cảm nghĩ về những đóng góp của thầy cô cho tương lai đất nước

– Suy nghĩ về hình ảnh người thầy, người cô hiện nay (mở rộng vấn đề).

  • Kết bài:

Khẳng định hình ảnh thầy cô sống mãi trong lòng học sinh.

Đề 2: Cảm nghĩ về tình bạn

  • Mở bài:

– Nêu được ý nghĩa của một tình bạn đẹp, giới thiệu tình bạn gắn bó của mình.

– Dẫn chứng ca dao, dân ca nói về tình bạn.

  • Thân bài:

– Thế nào là một tình bạn đẹp?

+ Tình cảm bạn bè dành cho nhau phải chân thành, trong sáng, vô tư, tin tưởng,…

+ Bạn bè phải hiểu biết và thông cảm, sẵn sàng chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau tận tình.

+ Không bao che, dung túng, trước thói xấu của bạn…

– Những câu chuyện mà em nhớ mãi không quên về tình bạn ấy

– Cảm xúc, suy nghĩ đối với người bạn mình.

– Không có bạn bè, đó là điều bất hạnh

  • Kết bài:

Cảm nghĩ chung về tình bạn và lời hứa mãi trân trọng giữ gìn tình bạn đẹp.

Đề 3: Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hằng ngày.

  • Mở bài:

Giới thiệu về sách vở.

Người ta thường nghĩ rằng mọi thứ đắt tiền đều quý giá nhưng thực tế có những thứ chưa hẳn là đắt nhất nhưng lại rất quý, thận chí là vô giá. Đó chính là sách vở.

  • Thân bài:

– Nêu vai trò của sách vở với con người (sách vở giúp chúng ta như thế nào, nó dạy ta điều tốt hay xấu,..)

– Những cử chỉ, hành động, đối xử với sách vở (trân trọng hay dẫm đạp lên quyển sách, vở)

– Bạn đã từng nhìn thấy người khác đối xử với quyển sách như thế nào.

– Sách vở còn giúp con người giải trí với những mẩu truyện cười, giúp đầu óc thanh thản hơn, giúp bạn qua đi những mệt mỏi của mình.

– Sách còn dạy chúng ta kinh nghiện sống, giúp ta vươn tới thành công, đến đỉnh cao của tri thức.

– Nếu trên đời không có sách vở thì sẽ ra sao.

Kết bài: Nêu cảm nghĩ của mình về sách vở, và khẳng định lại vai trò của sách trong cuộc sống.

Đề 4: Cảm nghĩ về một món quà em nhận được thời thơ ấu.

  • Mở bài:

Giới thiệu sơ lược về món quà, cảm nghĩ chung về ý nghĩa món quà với bản thân.

  • Thân bài:

– Hồi tưởng về món quà: đó là gì? do ai tặng (bạn bè, người thân, thầy cô…), nhận được món quà vào dịp nào?

– Hồi tưởng lại tâm trạng và tình cảm của bản thân khi nhận được món quà: cảm thấy vui vẻ, xúc động, biết ơn….

– Nêu cảm nghĩ về ý nghĩa của món quà với bản thân trong quá khứ và hiện tại.

+ Quá khứ: món quà có ý nghĩa gì với cuộc sống bản thân (có thể là sự khích lệ với bản thân để phấn đấu, món quà mang lại niềm vui tuổi thơ…)

+ Hiện tại: món quà đó có ý nghĩa như thế nào (vd: nó trở thành nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ; chính món quà cũng là một kỉ niệm, hồi ức không thể quên được…)

  • Kết bài:

Nêu suy nghĩ, tình cảm với món quà và ý nghĩa của nó với bản thân trong cuộc đời.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.