Kiểu nhân vật tự ý thức trong những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu.

Kiểu nhân vật tự ý thức trong những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu.

1. Khái quát chung.

Trong giai đoạn văn học Việt Nam 1945-1975, quan niệm gắn bó với cuộc sống để nêu gương về con người là một nội dung nổi bật. Chính từ quan niệm này con người trong văn học đã được nhìn chủ yếu dưới góc độ sử thi. Còn văn học sau 1975 nhân vật trong văn học thường được thể hiện qua các quan hệ đời thường, qua thế giới nội tâm, qua miền ý thức, vô thức đầy bí ẩn và phức tạp. Nằm trong xu hướng đó văn học sau 1975 đã hình thành một số kiểu con người mới: con người tự nhận thức bên cạnh con người tư tưởng, con người đại diện cho cộng đồng. Có thể nhận thấy nhà văn tiên phong trong vấn đề này chính là Nguyễn Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu từng tâm niệm quá trình viết văn là quá trình ông đi tìm hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người. Cuộc hành trình ấy ông mải miết thực hiện với cả tấm lòng, tâm huyết và tài năng của mình. Ông được xem là người tiên phong trong việc đổi mới nghệ thuật truyện ngắn. “người mở đường tinh anh và đầy tài hoa” của văn xuôi hiện đại Việt Nam (Nguyễn Khải).

Giai đoạn trước 1975 Nguyễn Minh Châu khắc họa vẻ đẹp lí tưởng của con người Việt Nam bằng ngôn ngữ giàu chất thơ, với không khí sử thi.Ở chặng đường sau là quá trình khám phá bên trong con người trước những vấn đề nghiệt ngã của cuộc sống.Nhà văn đã nhận xét khái quát về bức tranh xã hội Việt Nam những năm sau chiến tranh: “Thời kì này đang diễn ra một cuộc đối chứng giữa nhân cách và phi nhân cách, giữa hoàn thiện và chưa hoàn thiện, giữa ánh sáng và những khoảng bóng tối còn rơi rớt bên trong tâm hồn mỗi con người”. Hiện thực ấy là mảnh đất màu mỡ để ngòi bút Nguyễn Minh Châu khai phá.Và nhân vật tự ý thức đã ra đời từ mảnh đất hiện thực đa chiều đó với các tác phẩm tiêu biểu: “Bức tranh”, “Bến Quê”, “Chiếc thuyền ngoài xa”….

2. Kiểu nhân vật tự ý thức của Nguyễn Minh Châu (đối sánh với các nhà văn của văn học giai đoạn sau 1975).

– Xây dựng nhân vật tự ý thức nhà văn ít sử dụng đối thoại, nhân vật ít hành động mà luôn suy nghĩ, chìm đắm trong suy nghĩ. Nhân vật được tác giả khơi sâu vào những góc ngách sâu kín của tâm hồn. Độc thoại, đối thoại bên trong trở thành biện pháp hữu hiệu giúp nhà văn mổ xẻ quá trình tự ý thức của nhân vật. Với Nguyễn Minh Châu, có thể nói lần đầu tiên trong văn học sau 1975, con người đối diện với chính mình một cách chân thật.

– Các nhân vật tự ý thức mang bóng dáng của nhà văn. Các nhân vật suy tư, triết lí. Những triết lí về lẽ đời, về nhân sinh, về nghệ thuật…đều bắt nguồn từ trái tim của một nhà văn luôn trăn trở với nghề, với đời. Dẫu viết về người lính, trí thức hay nông dân, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều lóe lên những tư tưởng sâu sắc. Vì vậy nhiều truyện của ông mang tính luận đề- nhà văn bàn bạc về đạo đức xã hội, nhân sinh, về tâm lí xã hội. Truyện ngắn Bức tranh là luận đề đạo đức xã hội, “Chiếc thuyền ngoài xa” là luận đề về mối quan hệ nghệ thuật và đời sống. Những luận đề của tác phẩm được thể hiện qua hình tượng nhân vật, những nhân vật máu thịt và có quá trình phát triển tính cách. Những nhân vật tự ý thức.

Theo quan niệm của Nguyễn Minh Châu, sáng tác văn học thực ra là “sự săn đuổi nhân cách của chính mình”, là thể hiện “sự săn đuổi nhân cách con người”. Với khát vọng hướng con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, chế ngự cái ác, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng những nhân vật tự nhìn nhận, phán xử hành động của mình. Khi con người đã tự phản tỉnh, soi xét, tự nộp mình trước “tòa án lương tâm” để nhận thức về mình, ý thức được tội lỗi mà mình đã mắc với ai đó thì chí ít anh ta cũng thấy rằng mình chưa hoàn thiện và mong muốn vươn tới sự hoàn thiện.

Truyện ngắn Bức tranh đi sâu khám phá diễn biến quá trình tự nhận thức của nhân vật họa sĩ. Tác phẩm được thể hiện như một “tự thú” của nhân vật sau một quá trình tự lộn trái, tự phán xét mình trước lỗi lầm trong quá khứ. Vấn đề mà Nguyễn Minh Châu đặt ra là con người cần phải trung thực với chính mình, nhìn thẳng vào lương tâm mình, nhận thức được những giới hạn để vươn lên tự hoàn thiện nhân cách. Đây là biểu hiện của nhân cách làm người, là kết quả của sự trăn trở, ăn năn, thể hiện sự mẫn cảm, đầy niềm tin vào phẩm giá con người của Nguyễn Minh Châu. Trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu thường xuất hiện những nhân vật luôn tự đấu tranh với phần khuất tối của mình, đối diện với chính mình để tự ý thức về bản thân trong sự chân thực của bản ngã. Đó là nét đẹp của con người muốn vượt lên chính mình cũng là muốn trở về với chính mình, với “con người bên trong con người” .

Nếu như kiểu nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu luôn sống trong day dứt, dằn vặt hay tự thú về lỗi lầm hay một quan niệm, một lối nghĩ, với những khắc khoải nội tâm thì nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Khải lại nghiêng về các “trạng thái ý thức” của con người trước các “trạng thái đời sống”, là những con người đang trong quá trình vận động tư tưởng, kiếm tìm chân lý để tự hoàn thiện mình. Nhà văn thường đặt nhân vật vào những tình huống có vấn đề gay cấn khiến nó không thể sống yên ổn mà phải suy tư, tìm hiểu, phải đối thoại, tranh luận nhằm cọ xát các ý thức, lập trường của nhân vật khác, của tác giả hoặc của chính nó trong sự phân thân để nhận ra chân lý, sự thật. Trong cuộc “đấu tranh” và chọn lựa con đường mà mình theo đuổi, có người đạt tới “đỉnh cao” nhưng có người về “vực sâu” và tất cả đều cảm nhận đến tận cùng cái giá phải trả cho sự lựa chọn và xác quyết của mình.

Nếu như nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu đi sâu vào bản thể, luôn độc thoại nội tâm thì nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Khải có một đặc trưng riêng là ý thức đối thoại. Đối thoại để nhận thức hiện thực đời sống, đối thoại để khám phá chính mình và đối thoại để lựa chọn đường đi nước bước cho mình. Ý thức đối thoại của nhân vật đã trở thành sở trường của ngòi bút Nguyễn Khải.

Cũng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật, cuộc sống thời bình với bao vấn đề phức tạp xuất hiện trên từng trang viết . Ý thức được điều đó nên trong các sáng tác, nhà văn thường đặt nhân vật vào cuộc sống đời thường, trong những tình huống tưởng như vặt vãnh, tầm thường để bộc lộ quan điểm tư tưởng. Nhân vật tư tưởng hay nhân vật tự nhận thức của Ma Văn Kháng lại thường được miêu tả, soi chiếu ở đời sống tinh thần phong phú, luôn hướng tới cái thanh tao, với tâm lý dưỡng thiện, khẳng định nhân cách, tài năng trong mọi hoàn cảnh.

Nếu kiểu nhân vật tự nhận thức của Nguyễn Minh Châu thường dằn vặt, day dứt trong mặc cảm tội lỗi, nhân vật của Nguyễn Khải ham lý lẽ, đối thoại để đưa ra một thái độ, một nhận thức thì nhân vật của Ma Văn Kháng lại là những người chịu nạn, chịu oan trái của cuộc đời. Và dù bị mắc nạn, họ rơi vào môi trường đầy sự tráo trở, bất công vẫn hướng thiện, tự tìm cho mình niềm an ủi để chịu đựng và vượt qua.

Trong văn xuôi từ sau 1975 còn có thể nhận ra kiểu nhân vật tự nhận thức trong sáng tác của Chu Lai, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Trần Thùy Mai,… Đây là một trong các kiểu nhân vật gắn với sự đổi mới tư duy nghệ thuật của nhà văn trong thời kỳ mới.

3. Nhân vật Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh với quá trình vỡ lẽ về nghệ thuật và cuộc đời.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn mở đường tài năng và tinh anh nhất của văn học ta hiện nay . Ông đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thụât của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tiền hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông .

Từ câu chuyện về một bức tranh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.Nhà văn đặt nhân vật Phùng vào tình huống đứng trước cái đẹp của thiên nhiên và cái ác, cái xấu của cuộc đời từ đó có những vỡ lẽ về cuộc sống và nghệ thuật.

Trước hết là nhận thức của Phùng về cái đẹp của nghệ thuật. Phùng đang đứng trước cảnh biển sớm khi mặt trời mới thức dậy qua đám mây ánh hồng.Phùng bộc lộ rung động trước “Một cảnh đắt trời cho” mà “suốt đời cầm máy chưa bao giờ thấy”. Nó đẹp “như bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”,“ toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Phùng thực sự rung động “Đứng trước nó tôi trở nên bối rối. Trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và“ phát hiện ra khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là sự nhạy cảm, tinh tế của một người nghệ sĩ trước cái đẹp của thiên nhiên của cuộc đời.

Nhận thức thứ hai của Phùng là về bạo lực gia đình. Bước từ chiếc thuyền đẹp như mơ ấy là một người đàn bà xấu xí, một người đàn ông độc dữ và một cảnh tượng tàn ác. Chồng đánh vợ, con đánh cha, bố đánh con. Tìm hiểu rõ hơn Phùng được biết cảnh ấy diễn ra thường xuyên “Ba ngày một trận nhẹ ,năm ngày một trận nặng”. Lúc đầu Phùng ngạc nhiên bất ngờ đến mức há mồm ra mà nhìn sau rồi anh chạy lại để ngăn chặn.Đặc biệt khi gặp người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện Phùng được nghe câu chuyện đời tự kể của bà anh đã có những vỡ lẽ cho riêng mình. Đó là có những nghịch lí đôi khi ta phải chấp nhận. Cuộc sống của người dân chài còn nhiều bộn bề mà giải pháp li dị để loại bỏ cái xấu cái ác chưa phải là tất cả. Không thể áp dụng lí thuyết sách vở mà phải căn cứ vào thực tế đời sống. Pháp luật phải gắn liền với đạo đức, không thể áp dụng tuỳ tiện. Giải quyết li hôn càng làm cho gia đình rạn nứt và tan vỡ. Những đứa con rồi sẽ ra sao ?

Cuối truyện Đẩu đi gặp người đàn ông. Phùng đi gặp thằng Phác. Kết quả như thế nào, tác giả còn bỏ ngỏ. Chỉ biết bức ảnh anh chụp có chiếc thuyền lưới vó và suy nghĩ của Phùng “bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh ,đó là người đàn bà vùng biển cao lớn với đường nét thô kệch ,tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá ,nửa thân dưới ướt sũng ,khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”. Phải chăng đây là sự trăn trở trước cuộc sống còn nhiều điều khó khăn, vất vả của người làm nghệ thuật . Đó là mối quan hệ giữa văn chương với cuộc đời.

Với nghề anh là một người nghệ sĩ nhạy cảm với cái đẹp, say mê công việc có ý thức trách nhiệm với công việc được giao, nghiêm túc với nghề. Với cuộc đời anh là người giàu tình yêu thương, quan tâm và có tinh thần giúp đỡ bảo vệ con người trước cái ác và cái xấu. Nhưng ở nhân vật Phùng còn tồn tại cái nhìn thiếu sự toàn diện mà chính cuộc gặp gỡ với con thuyền và cuộc sống của người dân trên thuyền anh đã có những vỡ lẽ cho riêng mình.

Phùng là kiểu nhân vật tự ý thức. Kiểu nhân vật thể hiện sự trăn trở của Nguyễn Minh Châu về việc đổi mới tư duy nghệ thuật, về thiên chức người nghệ sĩ, về cuộc đấu tranh với chính mình để hoàn thiện nhân cách.Những phát hiện đầy nghịch lí của Phùng khiến Phùng rơi vào trạng thái lưỡng phân. Anh vừa tự hào về bức ảnh, vừa trăn trở khi thấy hiện ra đằng sau bức ảnh đẹp đẽ là bóng dáng cuộc sống tù đọng, nhẫn nhục của những ngư dân vùng biển. Nỗi ám ảnh không nguôi ấy cũng chính là quá trình tự ý thức của Phùng, qua đó bộc lộ quan điểm của anh và chính là của nhà văn Nguyễn Minh Châu: nghệ thuật và đời sống cần có mối quan hệ khăng khít.

Truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” qua những phát hiện của Phùng đã bộc lộ những lo lắng , trăn trở của nhà văn về nhân cách, đời sống con người, bộc lộ lòng thương cảm, trắc ẩn, trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn người dân lao động. Truyện đậm chất tự sự, triết lý, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, hãy làm tỏ những suy tư, chiêm nghiệm đầy tính triết lí của Nguyễn Minh Châu về cuộc đời và nghệ thuật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang