quan-niem-nghe-thuat-cua-trauong-tho-loan

Quan niệm nghệ thuật của Trường thơ loạn.

Quan niệm nghệ thuật của Trường thơ loạn.

Quan niệm về cái đẹp.

Cái đẹp trong Trường thơ loạn gắn với cái Khác, cái Kỳ dị.

Chịu ảnh hưởng từ các thi sĩ tượng trưng Pháp, Trường “thơ loạn” chủ trương cái đẹp khác mĩ học cổ điển, cái đẹp đồng nghĩa với cái Khác, cái cái Kỳ dị, rùng rợn. Sáng tác của Bích Khê miêu tả cái đẹp nhuộm đầy máu huyết, mơ hồ diễm ảo, Chế Lan Viên say sưa hình ảnh kinh dị đến quái lạ, Thơ Hàn Mặc Tử gây ấn tượng ghê rợn, đau thương. Nghĩ khác, cảm khác và viết khác đã đưa “thơ loạn” đến những bến bờ mới của trải nghiệm nghệ thuật.

Cái đẹp trong Trường thơ loạn gắn với cái Tột cùng.

“Cái gì của nó cũng tột cùng” đã trở thành nguyên tắc mĩ học hàng đầu của Trường “thơ loạn”. Đó là nấc thang cuối cùng của sự thể nghiệm, giãi bày tình cảm trong thi ca, khiến chủ thể sáng tạo quằn quại, vật vã, tự vượt thoát. Hàn Mặc Tử giằng xé giữa tuyệt vọng và khát vọng thì Chế Lan Viên lại vật vã với những suy tư về bản thể. Thơ Bích Khê đi tìm kiếm cái đẹp tột cùng ở thân thể phụ nữ và những phút giây khoái cảm đê mê.

Quan niệm về thơ.

Thơ là hoa trái của đau thương.

Trong giai đoạn Thơ mới lãng mạn, nỗi buồn thấm đẫm. Sau năm 1937, Trường “thơ loạn” xoáy sâu vào niềm đau. Ở Hàn Mặc Tử, nỗi đau khổ đến từ bi kịch cá nhân và có khả năng biến thành kinh nghiệm thẩm mĩ, ngọn nguồn sáng tạo. Tập Điêu tàn của Chế Lan Viên khóc than quặn xót cho số phận diệt vong của dân tộc Chàm trong quá khứ. Bích Khê, Hoàng Diệp và những thi sĩ khác của “thơ loạn” cũng mang nỗi buồn hoang lạnh, tiêu vong.

Thơ là nguồn khoái lạc đê mê:

Trong quan niệm của Trường “thơ loạn”, thơ còn là tiếng reo của khoái cảm tột cùng. Khoái lạc của Hàn Mạc Tử đến từ tình yêu trần thế, đến từ khát vọng vượt thoát. Hoan lạc của Chế Lan Viên nảy sinh trong thế giới tưởng tượng siêu hình. Bích Khê lại tìm thấy sự đê mê tột cùng trong thế giới tượng trưng, thế giới của hoa – nhạc – hương tương hợp. Với Yến Lan, Quỳnh Dao, niềm đê mê trong trẻo, dịu dàng trở thành động lực to lớn của sáng tạo thi ca.

Quan niệm về nhà thơ.

Từ quan niệm khác thường về cái đẹp, bản chất, sứ mệnh thơ ca, Trường “thơ loạn” hình dung thi sĩ phải là người khác thường, tư thế cũng khác thường, nắm bắt được cái linh diệu của thơ, của cuộc sống. Thi sĩ có quyền năng vô tận trong việc giải thoát bản thân và tái tạo thế giới bằng nghệ thuật. “Người Điên, Người Mơ, Người Say” chính là tư thế sáng tạo mạnh mẽ với nguồn thi hứng tột cùng.

Đặc tính tư duy.

Trạng thái sáng tạo siêu thăng: Điên – Cuồng – Dâm được nhắc đến không phải một trạng thái bệnh lý mà là trạng thái sung mãn, phát tiết tột cùng trong sáng tạo thi ca, tạo nên chữ “loạn” trong tên gọi Trường “thơ loạn”. Đây thực chất là sự đột phá trong quan niệm nghệ thuật và cá tính sáng tạo của thi sĩ, là yêu cầu người nghệ sỹ phải sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn, tự vượt lên lối mòn quen thuộc trong sáng tác. Trong bối cảnh Thơ mới đương thời, “loạn” trở thành yêu cầu mang tính cách tân, hiện đại, là hành trình đi tìm cái khác lạ, mở ra hướng đi mới sau này.

Kiểu tư duy mang dấu ấn chủ thể sáng tạo.

Hàn Mặc Tử với kiểu tư duy siêu thực: Trong Trường “thơ loạn”, Hàn Mặc Tử đi từ thơ cổ điển sang lãng mạn, tượng trưng và dừng lại ở mảnh đất siêu thực. Mầm mống của kiểu tư duy siêu thực là kết quả của nhiều yếu tố trải nghiệm cuộc sống và sáng tạo thi ca. Đau thương xuất hiện nhiều hình ảnh hư ảo, chập chờn thực – mơ, đến từ trạng thái vô thức của thi nhân. Thực – Ảo – Mộng – Thực Cho Ta trở thành kiểu kết cấu độc đáo, khơi gợi miền sâu thẳm của đời sống tinh thần, tâm linh.

Chế Lan Viên với kiểu tư duy siêu hình: Với quan niệm tôn giáo tích hợp, cộng với trí tưởng tượng mạnh mẽ, cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, Chế Lan Viên thành nhà thơ gắn liền với “niềm kinh dị” (Hoài Thanh). Tập Điêu tàn là toàn cảnh về âm giới. Thi sĩ có khả năng thần bí đi sâu khám phá miền tâm linh sâu thẳm. Người mang nỗi buồn tiêu vong của dân tộc Chàm trong quá khứ, được nhân lên theo nỗi cô đơn bản thể.

Bích Khê với kiểu tư duy tượng trưng: Bích Khê mở rộng các giác quan để cảm nhận thế giới, dùng trực giác tinh nhạy và trí tưởng tượng mạnh mẽ khám phá bí ẩn bên trong sự vật. Thế giới trong thơ Bích Khê có
thứ xuất phát từ tự nhiên, có thứ nằm trên cơ thể con người. Vạn vật hô ứng với nhau, trước hết nhờ âm nhạc. Kiểu tư duy ấy của Bích Khê chịu ảnh hưởng mạnh của Baudelaire mà ông tôn là “Vua thi sĩ”.

Hệ thống biểu tượng

Biểu tượng mang tính cổ mẫu.

Hình tượng trăng: Trường “thơ loạn” viết về trăng trong sự ý thức và tìm đến trăng trong cõi vô thức. Trăng là một phần của vũ trụ, là ánh sáng, là vật thể huyền ảo đem đến cho thi nhân sự an ủi và giải thoát, trăng được thoát ra từ hồn của thi nhân. Trăng không chỉ là tri kỉ mà còn là sự phân thân bản thể. Từ đó, cổ mẫu trăng mang ý nghĩa mới, vừa khái quát vừa cụ thể, độc đáo.

Hình tượng hồn: Bên cạnh ý nghĩa đã có từ huyền thoại, từ dân gian, hồn trong “thơ loạn” gắn liền với ám ảnh, kết tinh từ trải nghiệm sống. Hồn là bản nguyên sự sống, là sự trừu xuất trong vô thức thi sĩ ra khỏi xác để trò chuyện và phiêu du trong thế giới, trong phút chốc hồn quay về với thi nhân đang tuyệt vọng, đau khổ. Sự tách xuất xác – hồn, con người thực thể – tinh thần biểu hiện cuộc giằng co bản thể dữ dội, hiện thực hóa khát vọng chạm đến cõi sâu xa nhất bên trong thế giới tâm linh.

Hình tượng máu: Với tần suất dày đặc, với những ý nghĩa đặc biệt, máu trở thành cổ mẫu ám ảnh trong sáng tác “thơ loạn”. Máu là sự sống, là nhiệt huyết, là ẩn dụ của cái chết. Giờ đây, máu được hồi sinh những ý nghĩa đó một cách mạnh mẽ, gắn liền với cá tính sáng tạo của thi sĩ trong trường thơ. Điều đó chứng tỏ các thi sĩ, trong thời khắc sáng tạo, phải cô đơn, trầm kha, phải khao khát sống và cũng tuyệt vọng đến mức tột cùng.

Biểu tượng mang dấu ấn chủ thể sáng tạo.

Hàn Mặc Tử và biểu tượng về thế giới huyền diệu: Biểu tượng về trần gian, thượng giới, thế giới tinh thần và biểu tượng giấc mơ tràn khắp thơ Hàn Mặc Tử. Hệ thống biểu tượng ấy vừa hướng tới sự hợp nhất của tinh thần tối thượng, vừa mở ra một tư duy mới về thơ, về ngôn ngữ, mở ra một cảm thức mới về thế giới như là sự đồng vọng khát vọng sống của con người.

Chế Lan Viên và biểu tượng về thế giới kinh dị: Lấy xuất phát điểm là chủ thể sáng tạo mang tính thần bí, kinh dị, đối tượng thẩm mỹ mang tính tưởng tượng, Chế Lan Viên đã tạo nên một hệ thống biểu tượng đặc thù, giúp thi sĩ có cái nhìn mới về hiện thực, trải nghiệm mới về thơ. Thông qua biểu tượng, Chế Lan Viên đã góp sức đưa Trường “thơ loạn” vượt lên Thơ mới lãng mạn trên hành trình cách tân đầy thử thách.

Bích Khê và biểu tượng về thế giới tượng trưng: Các nhà thơ tượng trưng như Baudelaire và Bích Khê chọn biểu tượng làm phương tiện biểu hiện thế giới trong thơ. Bích Khê không dừng lại chiêm ngưỡng thế giới hữu hình mà thường thông qua đó để hình dung, khám phá một thế giới huyền ảo khác. Sọ người, đồ mi hoa, quả măng cụt, tỳ bà, Ngũ Hành Sơn… được xem là biểu tượng tiêu biểu trong thơ thi sĩ.

Nhận xét:

Những quan niệm nghệ thuật tân kì của “thơ loạn”, một mặt là sự học hỏi từ tinh hoa Thơ mới, mặt khác là sự thể nghiệm của chính các thi sĩ. Trạng thái sáng tạo thăng hoa Điên – Cuồng – Dâm mang đến cho “thơ loạn” vẻ tân kì tuyệt đỉnh. Từ đó, họ xây dựng nên hệ thống cổ mẫu và biểu tượng thơ độc đáo, là tấm gương phản ánh đời sống tinh thần phong phú, những mặc cảm, đau thương, ám ảnh nội tâm thi sĩ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang