Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) (Bài 3, Ngữ văn 6, tập 1, Kết nối tri thức).

bai-3-gio-lanh-dau-mua-thach-lam-ngu-van-6-ket-noi-tri-thuc

Đọc hiểu văn bản:

Gió lạnh đầu mùa
(Thạch Lam)

* Nội dung chính: Qua câu chuyện cho áo và cho vay tiền mua áo, Thạch Lam ca ngợi những tấm lòng thơm thảo thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong cảnh bần hàn.

Trước khi đọc.

Câu 1. Kể về một sự giúp đỡ, chia sẻ mà em đã dành cho ai đó hoặc từng được đón nhận.

Trả lời:

Em đã từng giúp đỡ một bà cụ qua đường, bà cụ mỉm cười cảm ơn em và em đã cảm thấy lòng mình rất hạnh phúc. Giống như ai đó đã từng nói rằng “Khi bạn cho đi đóa hồng, bàn tay bạn tự nó phảng phất hương thơm”.

Câu 2. Đọc nhan đề Gió lạnh đầu mùa, em dự đoán nhà văn sẽ kể chuyện gì?

Trả lời:

– Em dự đoán nhà văn sẽ kể câu chuyện về tình người liên quan đến những ngày lạnh giá của mùa đông.

Đọc văn bản.

Câu 1. Chiếc áo bông cũ có xuất hiện ở phần tiếp theo của truyện không?

Trả lời:

– Chiếc áo bông có xuất hiện ở phần tiếp theo của truyện.

Câu 2. Dáng vẻ bề ngoài của bé Hiên được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

– Dáng vẻ bề ngoài của bé Hiên được miêu tả: “Co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo tả tơi, hở cả lưng và tay”. Hiên không có áo lành để mặc vì mẹ Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc.

Câu 3. Theo em, mẹ Sơn có phạt hai chị em Sơn không. Điều gì khiến em suy đoán như vậy.

Trả lời:

Theo em, mẹ Sơn không phạt hai chị em Sơn. Bởi mẹ Sơn là người tình cảm, tinh tế và giàu cảm xúc. Nó thể hiện qua việc mẹ cất giữ chiếc áo bông đã cũ, mẹ yên lặng và xúc động nhớ lại chiếc áo này là của Duyên.

Câu 4. Em có đoán đúng những gì xảy ra trong phần kết của câu chuyện này không?

Trả lời:

Em dự đoán sự việc xảy ra ở cuối câu chuyện là: Khi biết được việc hai chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông cũ, mẹ đã không mắng hai chị em mà còn thầm tự hào, ủng hộ về hành động yêu thương, giúp đỡ người khác của hai chị em.

Sau khi đọc.

Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời kể của người kể chuyện ngôi thứ mấy?

Trả lời:

– Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba.

Câu 2. Liệt kê một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ.

Trả lời:

Một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ:

– Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

– Chị Lan dơ tay vẫy một con bé từ nãy vẫn đứng dựa vào cột: Sao không lại đây Hiên, lại đây chơi với tôi.

– Chị Lan hỏi sao áo Hiên rách thế, áo lành đâu sao không mặc.

→ Chị em Sơn là những đứa trẻ nhân hậu, thương người, không phân biệt địa vị giai cấp như xã hội cũ.

Câu 3. Chỉ ra các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú trò chuyện về chiếc áo của Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận điều gì ở nhân vật Sơn.

Trả lời:

– Những câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú trò chuyện về chiếc áo của Duyên:

+ Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá.

+ Sơn thấy mẹ rơm rớm nước mắt.

– Khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên:

+ Một ý nghĩ thoáng qua, Sơn lại gần chị thì thầm: Hãy là chúng ta mang cho nó cái áo bông cũ chị ạ.

+ Sơn đứng lặng yên, tự dưng trong lòng thấy ấm áp, vui vui.

Sơn là cậu bé ngoan, dù nhà giàu nhưng em không vòi vĩnh, đua đòi. Đồng thời, em còn là cậu bé nhân hậu, biết sẻ chia và yêu thương. Em không kiêu kì hay khinh thường người khác vì sự nghèo đói và khác biệt về địa vị xã hội, mà ngược lại, Sơn còn hết lòng thương yêu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Câu 4. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy như thế nào? Cảm xúc ấy giúp em hiểu được điều gì của sự chia sẻ?

Trả lời:

– Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Đó là ngọn lửa của lòng nhân ái trong sáng, là tình cảm “thương người như thể thương thân”.

– Cảm xúc ấy giúp em hiểu rằng sẻ chia là một món quà tốt đẹp của cuộc sống. Khi chúng ta giúp đỡ người khác, tự bản thân ta là người cảm thấy vui vẻ trước tiên. Đó chính là một phần quan trọng khiến cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn.

Câu 5. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?

Trả lời:

– Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn.

– Bởi vì đó là tâm lý và hành động bình thường của một đứa trẻ khi tự ý mang đồ dùng ở nhà đi cho người khác và sợ bị mẹ mắng, đó cũng là biểu hiện của một đứa bé ngoan và biết nghe lời mẹ.

Câu 6. Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Sơn và mẹ Hiên trong đoạn cuối câu chuyện.

Trả lời:

Nhận xét về cách ứng xử của mẹ Sơn và mẹ Hiên trong đoạn cuối câu chuyện:

– Cách ứng xử của mẹ Hiên: không cho con lấy đồ của người khác, đó là đức tính “đói cho sạch, rách cho thơm”.

– Cách ứng xử của mẹ Sơn:

+ Trách yêu các con về việc tự ý mang đồ đi cho bạn chứ không mắng mỏ, trách móc.

+ Cho mẹ Hiên mượn tiền để mua áo cho con.

Đó là cách cư xử đẹp của hai bà mẹ thuộc hai giai cấp khác nhau nhưng đều mang đầy giá trị đạo đức. Cách ứng xử đẹp ấy chính nhờ vào tấm lòng của những em bé.

Câu 7. Đọc lại một số đoạn văn miêu tả lại cảm xúc thay đổi của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không. Vì sao?

Trả lời:

– Một số đoạn văn miêu tả lại cảm xúc thay đổi của đất trời khi mùa đông đến: Trời đang ấm, chỉ qua một đêm mưa rào, bông gió rét thổi về. Ai cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn ‘tung chăn tỉnh dậy’. Em nhìn ra ngoài sân, nghe ‘gió vi vu…’, âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô. Những khóm lan ‘lá rung động và hình như sắt lại vì rét’…

– Em rất thích các đoạn văn tả cảnh của tác giả. Đây là những đoạn văn thể hiện ngòi bút quan sát tinh tế của tác giả về thiên nhiên. Miêu tả thiên nhiên vào đông, gió lạnh nhưng người đọc cũng cảm thấy tình người ấm áp qua sự quan tâm chăm sóc từ chiếc áo ấm mà mẹ dành cho Sơn.

Câu 8. Hãy chỉ ra một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật cô bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và Hiên (Gió lạnh đầu mùa).

Trả lời:

Một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật cô bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và Hiên (Gió lạnh đầu mùa):

– Giống nhau: Đều là những cô bé có hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn, không được hưởng một cuộc sống có “cơm ngon áo đẹp”.

– Khác nhau:

+ Cô bé bán diêm: Có cuộc sống bất hạnh, không có sự yêu thương, bảo vệ của gia đình. Em phải tự mình kiếm tiền mang về cho bố, nếu không có tiền sẽ không được về nhà. Số phận của em là một số phận đầy bi kịch khi em đã không thể chống chọi được sự khắc nghiệt của cuộc sống, đã chết đi, về với vòng tay yêu thương của bà.

+ Hiên: Em vẫn có mẹ bên cạnh chăm sóc, vẫn có bạn bè, có hai chị em Sơn quan tâm, yêu thương và đùm bọc.

Viết kết nối với đọc.

Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện Gió lạnh đầu mùa. Hãy viết một đọan văn (khoảng 5- câu) trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em thấy thú vị.

Bài làm 1.

Gấp trang sách lại, lòng em vẫn thấy ấm áp khi nghĩ tới tấm lòng của cậu bé Sơn trong câu chuyện về tấm lòng thảo thơm của cậu. Dù biết có thể bị mẹ trách phạt – chẳng có người mẹ nào không phiền lòng khi con cái tự ý đem cho người khác vật gì – nhất là trong tình cảnh cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Nhưng bỏ qua tất cả những điều đó, Sơn đã sẵn lòng tặng Hiên chiếc áo, giúp đỡ chia sẻ với bạn, không hề toan tính. Có phải chỉ vì biết nghe trái tim mách bảo, mà Sơn đã không dửng dưng trước những mảnh đời cơ cực? Hành động của Sơn là hành vi nhân ái hoàn toàn tự nguyện, không chờ bé Hiên nhờ vả, không đợi mọi người xung quanh động viên – điều này đâu dễ có ở mỗi con người? Có thể nói, không phải tiền tài hay quyền lực, mà chính lòng yêu thương nhau mới giúp con người có được những hành động cao cả. Một chú bé như Sơn đáng quý hơn hẳn nhiều người lớn mà lãnh đạm phủi tay trước đồng loại bần cùng.

Bài làm 2.

Truyện Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam có rất nhiều nhân vật trẻ em, trong đó để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là nhân vật Sơn. Sơn ở nhà với mẹ, với chị Lan, với vú già và cả em nhỏ… Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn “kéo chăn lên đắp cho em” đang ngủ. Khi mẹ giơ cái áo bông cánh cũ của em Duyên – đã chết năm lên bốn tuổi – “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá”. Những cử chỉ ấy, những cảm xúc ấy cho thấy Sơn có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, còn bé nhỏ đã biết quan tâm săn sóc đến mọi người xung quanh. Em rất yêu mẹ, vâng lời mẹ, lễ phép với vú già, biết tôn trọng chị. Không chỉ vậy em còn sống với bạn bè rất có tình người. Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì “kiêu kì và khinh khỉnh” với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế khi mới thấy chị em Sơn đến cùng chơi đánh khăng, đánh đáo, chúng nó “lộ vẻ vui mừng”. Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cảm thông với cảnh nghèo của bạn. Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên vì nhà quá nghèo, không có đủ áo ấm để mặc. Sơn đã “động lòng thương”, nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình “ấm áp vui vui” khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tinh cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con. Sơn và chị Lan đã “cúi đầu lặng im” nhận lỗi. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn như vậy. Sơn là một trong những gương mặt tuổi thơ trong truyện Thạch Lam rất đáng yêu, đáng mến. Thạch Lam đôn hậu, tinh tế nên văn ông mới đậm đà và cho ta nhiều nhã thú như vậy. Trong gió lạnh đầu mùa mà lòng Sơn và mỗi bạn đọc chúng ta sao thấy ấm áp đến lạ kì!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.