Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách (Bài 8, Ngữ văn 8, tập 2, Chân Trời Sáng Tạo)

bai-8-trinh-bay-gioi-thieu-ve-mot-cuon-sach-ngu-van-8-tap-2-chan-troi-sang-tao

Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách.

Đề bài:

Thuyết minh về cuốn sách mà bản thân yêu thích với các bạn để lan tỏa tình yêu sách.

Gợi ý:

“Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc.

“Kính chào Hậu phương – Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi – Nhất định có ngày trở về Thủ đôi yêu quí của lòng tôi”

Tại Ngã Ba Đồng Lộc, ngày mùng 3.6.1972, anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc, khi ấy mới 9 tháng tuổi quân kết thúc cuốn nhật kí đời lính đầu tiên, và cũng là cuốn nhật kí cuối cùng của đời mình. Cuốn nhật kí mang tên “Chuyện đời” của anh, sau được biên tập và xuất bản mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi”.

“Mãi mãi tuổi hai mươi” được tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập lại từ hàng trăm bức thư cùng cuốn nhật kí “Chuyện đời” dày 240 trang của Liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thạc. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2005. Sách dày 319 trang bao gồm phần mở đầu là lời tựa của nhà thơ Đặng Vương Hưng, phần nội dung là nhật kí và thư từ do chính liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết. Khép lại cuốn sách là phần phụ lục, giới thiệu bài viết đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc của anh cũng như dư luận xoay quanh cuốn sách.

Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội. Anh từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Sau này, anh là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi tuổi trẻ đang đầy nhiệt huyết, tương lai đầy hứa hẹn mở ra ở những phương trời xa, Nguyễn Văn Thạc cùng những người bạn đồng trang lứa xếp lại bút nghiên, lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Anh nhập ngũ ngày 6.9.1971 và hi sinh ngày 30.7.1972 tại chiến trường Quảng Trị khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 năm tuổi đời.

Anh đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn nhật kí ngày 2.10.1971: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ…”.

Trong cuốn nhật kí, anh không chỉ tâm sự với chính mình, mà còn tâm sự với người bạn gái anh yêu quý – Như Anh. Có thể nói, cô là nguồn cảm hứng lớn đối với anh cả khi vui lẫn khi buồn, khi sung sức cũng như lúc mỏi mệt. Xuyên suốt 240 trang ghi chép, Nguyễn Văn Thạc kể lại những tháng ngày từ khi anh cùng đồng đội được đưa đi huấn luyện cấp tốc tại tỉnh Hà Bắc cũ, nay là Bắc Giang, cho tới khi đơn vị của anh cùng lên đoàn tàu quân sự, hành quân vào chiến trường, trên đường qua Hà Nội, qua Cửa Nam, những người lính trẻ còn kịp viết vội đôi dòng, những cánh thư bay ào ạt xuống đường. “Báo cho những người thân của chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.1972”.

Anh cùng đồng đội dừng chân tại Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh chưa đầy một tuần, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người nơi đây, bỏ lại đây 16 tập thơ quý giá để tiếp tục hành quân vào chiến trường, sắp tới Trường Sơn rồi. Và một ngày cuối tháng 5.1972, anh lính binh nhì phải tạm biệt cuốn nhật kí đầu tiên của đời lính với những trăn trở khi chưa kịp xem lại một lần, trăn trở “Nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này?”.

Cuốn nhật kí không chỉ ghi chép chặng đường hành quân, miêu tả cảnh sắc quê hương đất nước, thể hiện lí tưởng vì Tổ quốc của người thanh niên trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ mà còn đan xen cả tâm sự, suy nghĩ của một con người sâu sắc, yêu đời, lãng mạn, của một học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.

Ngay khi đọc những trang đầu tiên của cuốn nhật kí, không chỉ tôi, mà tin rằng, tất cả độc giả đều thấy nghẹn ngào xúc động. Chiến tranh gian khổ và ác liệt, nhưng người lính trẻ không hề nao núng mà quyết tâm chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng, một ngày mai độc lập đúng như trong dự cảm của anh: “Hẹn đến ngày 30.4.1975 sẽ trả lời cho Như Anh câu hỏi: Hạnh phúc là gì?”. Anh không có cơ hội nhìn thấy ngày 30.4 rực rỡ và đáng tự hào ấy, nhưng những thế hệ sau này, trong đó có chúng ta, đang được tận hưởng hạnh phúc mà anh và các đồng đội đã hi sinh để đem lại.

Tôi chợt nhận ra rằng, tuổi trẻ nếu sống thu mình, nhàm chán, vô định thì cuộc đời sẽ thật vô nghĩa biết bao. Khi ta dám dấn thân, biết sống vì cộng đồng, làm đẹp cho đất nước, thì dù phải hi sinh công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu và sinh mạng, ta cũng không hối tiếc. Nhưng nghĩ thế nào, làm thế nào và sống thế nào, đó là câu hỏi dành cho tất cả chúng ta, dành cho tôi, dành cho các bạn!

Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là hai tập nhật ký viết tay của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 (hai ngày trước khi bà qua đời). Đây còn là tên một cuốn sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên nguyên bản của hai cuốn nhật kí này.

Đôi nét về tác giả.

Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại Huế trong một gia đình trí thức. Mẹ cô là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội Doãn Ngọc Trâm; bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê;

Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, cô tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi trong chiến tranh Việt Nam.

Đặng Thùy Trâm được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.

Cô ”Thùy” hi sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970. Cô được mai táng tại nơi hi sinh, sau thống nhất được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990 được gia đình đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương,Từ Liêm, Hà Nội.

Cuốn Nhật ký.

Hai cuốn nhật ký còn lại (một cuốn đã bị mất) được viết từ 8 tháng 4 năm 1968, khi tác giả phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi cô hi sinh, trong đó có:

Cuốn thứ nhất: được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 4 tháng 12 năm 1969 gồm 219 trang viết tay do Frederic Whitehurst và Nguyễn Trung Hiếu giữ lại trong số các tư liệu thu được sau một trận càn ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng cuối tháng 12 năm 1969.

Cuốn thứ hai: được viết từ ngày 31 tháng 12 năm 1969 và kết thúc ngày 20 tháng 6 năm 1970. Cuốn này gồm 53 trang viết tay do quân Mĩ lấy được trên người Thùy Trâm sau khi cô hi sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, người đi cùng khi chị bị bắn chết thì lính Mỹ lấy cả hai cuốn nhật ký từ trong ba lô chị mang bên mình.[2]

Hai cuốn nhật kí chỉ được viết trong 3 năm nhưng như chứa đựng cả một góc nhìn thế giới lớn lao với một tâm hồn trẻ trung của một người con gái tuổi hai mươi. Những lời văn đọc sơ qua thì thấy đượm buồn nhưng càng suy ngẫm thì càng thấy chúng lôi cuốn bởi những ý văn trong trẻo, thể hiện tất cả những mong muốn của tuổi trẻ từ tác giả. Tuy là một bác sĩ nhưng cô đã anh dũng ngã xuống như một người lính thực thụ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng với cây súng trong tay.

Hai tập nhật ký do Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Ông đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”. Câu nói này cũng là tiêu đề của bộ phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh về cuộc đời của Đặng Thùy Trâm.

Cuốn sách.

Cuốn Nhật kí Đặng Thùy Trâm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho ra mắt nhân dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2005 của Việt Nam. Đến tháng 3 năm 2006, quyển sách này đã bán được hơn 400.000 bản, được xem là một hiện tượng văn học. Trong một số bài báo nước ngoài, nó còn được ví như nhật ký Anne Frank của Việt Nam. Tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2008, sách đã cán mốc con số phát hành kỉ lục là 450 000 bản với 26 lần tái bản.

Cùng với Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật kí Đặng Thùy Trâm đã được xếp vào một trong mười sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005 tại Việt Nam.

Ngày 11 tháng 9 năm 2007, cuốn sách đã được nhà xuất bản Random House phát hành tại Mĩ và nhiều quốc gia khác dưới tên tiếng Anh là Last night, I dreamed of peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình). Hiện nay, nhật kí Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra các thứ tiếng: Hàn Quốc, Anh, Thái, Romania,…

Hiện tại cuốn Nhật ký được lưu giữ tại Viện Lưu trữ về Việt Nam – Đại học Texas Tech ở Lubbock, bang Texas, Hoa Kỳ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.